Nguồn: juliegilhuly.wordpress.com
Từ sơ đồ trên, có thể thấy Coca Cola hoạt động theo mô hình kiểu chức năng. Với cơ cấu này, hoạt động quản trị được phân thành các chức năng và mỗi chức năng được giao cho các bộ phận quản lý
Công ty Coca Cola được chia làm hai bộ phận với hai hoạt động riêng biệt là The Coca Cola Company (TCC) và The Coca Cola Bottle (TCB), trong đó:
- TCC ( The Coca Cola Company ): chịu trách nhiệm sản xuất và cung cấp nước cốt Coca Cola cho các nhà máy mà chịu trách nhiệm khuếch trương và quản lý thương hiệu.
- TCB ( The Coca Cola Bottle ): chịu trách nhiệm sản xuất, dự trữ kho bãi, phân phối và cung cấp dịch vụ cho sản phẩm Coca Cola.
Điều đó nghĩa là TCB chịu trách nhiệm về chữ P thứ 3 ( Place ) còn TCC chịu trách nhiệm 3 chữ P còn lại ( Price, Product, Promotion ) và mô hình này được áp dụng như nhau trên toàn Thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, Coca Cola có ba văn phòng đại diện cho TCC và ba nhà máy đóng chai đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh , Hà Nội và Đà Nẵng với đội ngũ nhân viên là 1600 người. Tất cả các điểm này đều hoạt động theo một hệ thống thống nhất theo trụ sở chính ở Thủ Đức, TPHCM. Hệ thống bao gồm các bô phận sau :
Bộ phận Tài chính kế toán có các chức năng chính:
- Phân tích tình hình tài chính của công ty
- Nhận định và dự báo các cơ hội kinh doanh
- Xây dựng phương án tiết kiệm chi phí
- Đảm bảo các hoạt động tài chính theo đúng quy định của pháp luật
Bộ phận Sản xuất tác nghiệp có các chức năng chính:
- Lập kế hoạch sản xuất : bộ phận này sẽ lập kế hoạch từ khâu nhập nguyên vật liệu từ ban đầu cho đến khi hoàn thành sản phẩm.
- Mua sắm vật tư : bộ phận này trực tiếp làm việc với các nhà cung cấp nguyên vật liệu , thiết bị, bao bì để bảo đảm cung cấp đúng , đủ và kịp thời
- Kỹ thuật : lập kế hoạch , thiết kế , lắp đặt , vận hành và bảo trì toàn bộ máy móc, và dây chuyền sản xuất
- Kho vận và điều phối : Nhận đơn hàng và xử lý các đơn hàng để phân phối đến các điểm giao hàng đúng thời gian , chất lượng , số lượng và địa điểm
- Quản lý chất lượng :đảm bảo các sản phẩm sản xuất ra đúng công thức tiêu chuẩn quốc tế
- Sản xuất : chịu trách nhiệm sản xuất , đưa ra các sáng kiến để nâng cao hiệu quả sản xuất
Bộ phận Marketing: phòng này tại các chi nhánh thường nằm trong bộ phận bán hàng
Đưa ra chiến lược Marketing phù hợp với từng thị trường như quảng cáo , khuyến mại , nghiên cứu thị trường , quảng bá sản phẩm. Trong hoạt động Marketing được phân làm 2 bộ phận : Quản lý thương hiệu và Quản lý hoạt động Marketing.
Bộ phận Bán hàng: thực hiện các chiến lược của công ty về tiếp thị và bán hàng, đồng
thời đảm bảo về doanh số, giá cả, phân phối, trưng bày sản phẩm, thu thập thông tin phản hồi, truyền đạt thông tin, xử lý thong tin tiêu thụ và thu hồi vỏ chai.
Hệ thống bán hàng của Coca Cola Việt Nam phân theo ba miền Bắc – Trung – Nam với các cấp bậc quản lý riêng biệt: quản lý miền là RSM ( Regional Sales Manager ), quản lý khu vực là BUM ( Business Unit Manager ), quản lý vùng DSM ( District Sales Manager ) và các ASM (Area Sales Manager ), SM ( Sales Manager )
Hệ thống bán hàng của công ty phân thành hai loại: Bán hàng trực tiếp và Bán hàng gián tiếp
- Hệ thống bán hàng trực tiếp : Sản phẩm được vận chuyển từ nhà sản xuất đến tận tay người mua cuối cùng trong kênh. Người mua này có thể là người tiêu dùng hay người mua đi bán lại cho các nhóm đối tượng khách hàng khác như quán ăn , siêu thị , nhà hàng , khách sạn. Ưu điểm: khối lượng tiêu thụ lớn, thường xuyên.
- Hệ thống bán hàng gián tiếp : Sản phẩm được vận chuyển từ nhà sản xuất qua trung gian thương mại , nhà phân phối , các đại lý… để đến tận tay người tiêu dùng cuối cùng. Hệ thống này phục vụ cho nhóm đối tượng người tiêu dùng nhỏ lẻ. Ưu điểm: tiết kiệm chi phí, tận dụng được các nguồn lực sẵn có của các trung gian phân phối
Ngoài ra, trong hệ thống bán hàng còn có bộ phận đào tạo và phát triển kỹ năng để huấn luyện và đào tạo các kỹ năng cho nhân viên
Bộ phận Nhân sự có các chức năng chính:
- Có trách nhiệm lên kế hoạch , chính sách nhân sự , trả lương thưởng , các khoản phúc lợi , đề bạt và sa thải
- Phát triển nguồn lực
- Tạo môi trường làm việc thuận lợi cho nhân viên
Ngoài ra, công ty Coca Cola Việt Nam còn thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng tay nghề, trình độ chuyên môn và các cuộc thi nhằm phát huy năng lực có sẵn, đào tạo nguồn lực mới
Bộ phận Công nghệ thông tin
Bộ phận này quản lý mạng lưới thông tin của công ty và liên kết thông tin với các chi nhánh khác của Coca Cola
(Nguyễn Bá Cương, 2015)
Nhận xét: Mỗi văn phòng đại diện cho TCC của Coca Cola ở VN đều có những bộ phận cơ bản hoạt động rất hiệu quả và có sự liên kết chặt chẽ giữa lãnh đạo và các bộ phận. Mỗi bộ phận đều có nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng và hoạt động chuyên sâu. Tuy nhiên, với cơ cấu tổ chức kiểu chức năng này, làm hạn chế sự liên kết giữa các bộ phận và phân tán trách nhiệm. Ngoài ra, nhà quản trị phải nhận nhiều mệnh lệnh từ lãnh đạo và khó khăn trong việc phối hợp các bộ phận. Đây là điểm yếu của Coca Cola VN.
2. DOANH THU, LỢI NHUẬN VÀ SCANDAL TRỐN THUẾ
Mặc dù là một doanh nghiệp lớn chiếm lĩnh thị phần cao ở thị trường Việt Nam nhưng Coca Cola Việt Nam liên tục khai lỗ. Năm 2013, Cục Thuế TP.HCM cho biết từ khi thành lập (2/1994) đến nay, chưa năm nào Công ty Coca Cola VN khai có lãi dù doanh thu tăng liên tục qua mỗi năm.
Nguồn: Cục Thuế TP.HCM - Đồ họa: V.Cường
Theo sơ đồ trên, có thể thấy doanh thu Coca Cola Việt Nam tăng đều và nhanh qua mỗi năm nhưng chưa có năm nào có lãi mà vẫn lỗ liên tục. Lũy kế đến nay công ty này đã lỗ tổng cộng 3.768 tỉ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỉ đồng. Vì thua lỗ như vậy nên Coca Cola chỉ nộp thuế giá trị gia tăng (thực chất là do người tiêu dùng nộp) và thuế môn bài mà không phải đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào.
Nguyên nhân thua lỗ là do thu không đủ chi. Lý do chi phí của Coca Cola Việt Nam tăng cao là vì chi phí nguyên phụ liệu, chủ yếu là vì hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ nên giá rất cao. Trung bình chi phí nguyên phụ liệu chiếm trên 70% giá vốn, cá biệt năm 2006-2007 chi phí nguyên phụ liệu lên đến 80-85% giá vốn. Công ty này giải thích giá nguyên phụ liệu cao do đây là sáng chế lâu đời, bao gồm cả chi phí chất xám.
“Là một đại gia trong ngành đồ uống nhưng Coca Cola Việt Nam đã bị Cục thuế TPHCM liệt vào vị trí số 1 trong danh sách các DN nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá. . Báo cáo tài chính của công ty này cũng được săm soi rất kỹ nhưng việc chứng minh DN này có chuyển giá phức tạp hơn các DN khác rất nhiều do không có cơ sở so sánh, đối chiếu giá nguyên liệu với các DN khác cùng ngành nghề vì nguyên liệu là do công ty mẹ của Coca Cola VN độc quyền cung cấp. Cũng không thể lấy chi phí nguyên phụ liệu của DN VN cùng ngành nghề để so sánh vì đây là DN đặc thù.” ( trích lời nói Ông Lê Duy Minh, trưởng phòng kiểm tra thuế số 1 Cục Thuế TP.HCM, báo tuổi trẻ online )
Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ dù thua lỗ liên tục trong hơn 20 năm đầu tư vào Việt Nam, công ty này vẫn liên tục mở rộng sản xuất. Thậm chí cuối tháng 10/2012, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Coca Cola, ông Muhtar Kent, đã tới VN và tuyên bố Coca Cola sẽ rót thêm 300 triệu USD (6.3 ngàn tỉ) vào VN trong ba năm tới.
Một điểm bất thường khác là những DN khác tỉ lệ lãi trên vốn luôn là số dương nhưng riêng Công ty Coca Cola VN tỉ lệ này luôn âm với một con số rất lớn. Nếu so sánh với DN nước giải khát rất nhỏ cùng ngành nghề của VN là Chương Dương năm 2011, dù chỉ còn vỏn vẹn thị phần ở hai sản phẩm là soda chai và nước xá xị, doanh thu chỉ có 422 tỉ đồng nhưng lợi nhuận lên đến 30 tỉ đồng với số thuế nộp cho ngân sách lên đến 7,5 tỉ đồng. Điều này cho thấy vấn đề lỗ lã của Coca Cola VN là một dấu chấm hỏi rất đáng nghi .
Qua nhiều năm thua lỗ đến nay, Coca Cola VN đã “âm” vốn chủ sở hữu đến 818 tỉ đồng. Coca Cola VN hoạt động chủ yếu bằng vốn đi vay. Trong đó vay nợ ngắn hạn từ công ty mẹ là 2.020 tỉ đồng, số nợ khác chỉ có 343 tỉ đồng. “Như vậy Coca Cola VN nợ mà thực chất là không nợ vì chủ yếu là vốn từ công ty mẹ rót vào cho công ty con trích từ một phần lãi hằng năm chuyển về ẩn dưới dạng thanh toán tiền mua hương liệu” - ông Minh cho biết.
Bên Coca Cola VN cho rằng vì chưa có lợi nhuận để đóng thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng vẫn hoàn thành các nghĩa vụ thuế khác như thuế nhập khẩu, thuế môi trường, thuế tài nguyên, thuế môn bài, thuế nhà thầu v.v. và giá trị kinh doanh của họ gián tiếp tạo ra các thu nhập khác cho ngân sách từ thuế VAT, thu nhập cá nhân.
Riêng vấn đề kinh doanh thua lỗ liên tục, đại diện Coca Cola VN đã đưa ra một số nguyên nhân:
- Do sự xuất hiện của các đối thủ khiến Coca Cola VN bị mất đi một số thị phần đáng kể, công ty phải bỏ ra một khoản chi phí khá lớn cho việc tiếp thị nhằm quảng bá và bảo vệ thương hiệu.
- Giá nguyên nhiên liệu, giá điện và giá đường tăng, trong đó việc mua nguyên vật liệu từ thị trường nước ngoài khá đắt đỏ đã làm đội giá thành sản phẩm.
- Công ty tăng lương cho nhân viên ít nhất 11% mỗi năm để đối phó với lạm phát.
- Coca Cola VN phải vay vốn, chịu gánh nặng chi phí lãi suất cao cũng như những rủi ro tỉ giá với các khoản vay bằng USD.
- Các khoản chi đầu tư vào dây chuyền sản xuất đã làm gia tăng chi phí về lãi suất, khấu hao và chi phí chênh lệch tỉ giá.
Còn về vấn đề lỗ lã liên tục nhưng Coca Cola vẫn rót tiền vào Việt Nam để đầu tư xây dựng nhà máy mới và mở rộng thị phần là do VN là một thị trường tăng trưởng quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong quá trình Coca Cola nhắm tới mục tiêu của Tầm nhìn 2020. Đầu tư tài chính mới này không chỉ mang ý nghĩa đầu tư mở rộng kinh doanh của Coca Cola để xây dựng vị trí dẫn đầu tại VN mà còn là một minh chứng cho sự tin tưởng của Coca Cola vào triển vọng phát triển lâu dài của VN.
(Ánh Hồng, 2012; Dân Trí, 2013)
Nhận xét: Việc làm này cho thấy Coca Cola VN đang cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp khác và gây ảnh hưởng khó khăn cho Việt Nam trong vấn đề thu thuế. Mặc dù chưa có đủ bằng chứng chứng minh công ty này trốn thuế nhưng sau scandal này, người tiêu dùng đã vô cùng phẫn nộ và mất lòng tin với công ty. Tuy
nhiên, với số doanh thu khổng lồ hằng năm, cùng với sự đầu tư sản xuất, mở rộng thị phần liên tục tại VN cho thấy Coca Cola VN đang phát triển vững mạnh và ổn định.