6. Cấu trúc luận văn
1.2.1. Đôi nét về văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện
Lịch sử hình thành và phát triển của nền văn học hiện đại Việt Nam đã và đang tồn tại mảng văn học viết về đề tài miền núi. Thời kỳ trước cách mạng tháng Tám 1945, đề tài miền núi đã thấp thoáng xuất hiện trong văn học với một vẻ đẹp gợi chất hoang dại, kỳ ảo và bí ẩn của chốn rừng thiêng nước độc: Truyện đường rừng (Lan Khai), Vàng và máu, Một đêm trăng
(Thế Lữ). Song đề tài này chỉ có được vị trí thực sự và có được tiếng nói riêng kể từ sau cách mạng tháng Tám, với những sáng tác mở đầu hết sức tiêu biểu của các tác giả là người Kinh như Nam Cao, Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Nguyễn Huy Tưởng, Ma Văn Kháng … Các sáng tác của họ có ý nghĩa như “những con dao phát đường rừng giúp đỡ anh chị em viết văn miền núi” (Nông Minh Châu). Bởi “Những tác phẩm văn xuôi của dân tộc Kinh, được những trí thức dân tộc làm quen trước và sau cách mạng tháng Tám, nhất là những tác phẩm “Ở rừng” của Nam Cao, “Truyện Tây Bắc” của Tô Hoài, “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngọc ảnh hưởng không nhỏ tới cảm hứng sáng tác văn xuôi của các tác giả dân tộc” [55, tr.191].
Từ Đại hội I thành lập Hội nhà văn Việt Nam (diễn ra từ ngày 01 – 04/04/1957) trở đi đã có sự tham dự và xuất hiện các tác giả là người dân tộc trưởng thành từ miền núi đồng thời bám trụ ở miền núi để sáng tác. Đó là Nông Quốc Chấn, Cầm Biêu, Bàn Tài Đoàn, Hoàng Nó, Nông Minh Châu, Nông Viết Toại, Vi Hồng, Triều Ân, Vi Thị Kim Bình … Lực lượng sáng tác này đã tạo nên bộ phận văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại.
Nhìn chung văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại ra đời từ sau cách mạng tháng Tám 1945, với một đội ngũ khá hùng hậu trên các thể
loại: từ những sáng tác thơ của Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn …, truyện ngắn, tiểu thuyết của Nông Minh Châu, Nông Viết Toại, Vi Hồng, Triều Ân … đến kịch của Nông Ích Đạt, Bế Dôn, Bế Sỹ Uông ... Sáng tác của các cây bút kể trên có thể chưa phải là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao nhưng do sự thôi thúc của trái tim, do ý thức trách nhiệm của người nghệ sỹ trước dân tộc và thời đại đã phản ánh được một bức tranh rộng lớn với những hình ảnh sinh động và thuyết phục về một cuộc đổi đời vĩ đại của dân tộc, trong đó cuộc sống hiện thực miền núi nổi lên với những mảng màu tươi tắn và mới lạ.
Như vậy, bên cạnh những nhà văn người Kinh viết về mảng đề tài miền núi còn có một đội ngũ sáng tác văn học là người dân tộc thiểu số. So với các tác giả người Kinh thì các nhà văn người dân tộc có lợi thế ở chỗ họ là những người bám sát cuộc sống của dân tộc mình, chứng kiến từng giai đoạn cách mạng, những đổi thay từng ngày, từng giờ của dân tộc, vùng quê họ. Hơn thế nữa, họ vừa thông thạo tiếng Kinh, vừa sử dụng tiếng mẹ đẻ, được nuôi dưỡng trong một kho tàng văn hóa đặc sắc của từng dân tộc. Tất cả những điểm mạnh trên cộng với ý thức luôn học hỏi, phấn đấu đã giúp các nhà văn người dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại có được những tác phẩm thành công , thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc. Vì vậy sáng tác của các tác giả người dân tộc thiểu số đã góp phần quan trọng trong việc khẳng định một nền văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại. Nó đã trở thành một bộ phận đặc sắc, độc đáo làm nên tính đa dạng và phong phú trong đời sống văn học các dân tộc Việt Nam hiện đại.