Vẻ đẹp trang phục

Một phần của tài liệu Bản sắc dân tộc trong văn xuôi triều ân.pdf (Trang 63 - 68)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.2. Vẻ đẹp trang phục

Như chúng ta đã biết, “trang phục chính là một trong những sắc thái nổi bật nhất của văn hóa dân tộc” [53, tr.12] bởi nó là sản phẩm vật chất được sản sinh ở từng dân tộc, từng vùng miền và là sáng tạo văn hóa của người phụ nữ dân tộc đó. Tự hào với bản sắc dân tộc Tày, Dao ở phương diện trang phục, nhà văn Triều Ân đã giành nhiều trang viết để miêu tả vẻ

đẹp của trang phục truyền thống cũng như lòng tự hào của người dân mỗi khi khoác trên mình bộ trang phục dân tộc.

Theo phong tục truyền thống của người Tày, “ngày chợ xuân nếu là con nhà có bố mẹ thì con cái phải được mặc quần áo màu chàm mới, thơm ngát để bố mẹ còn khoe nhau độ bóng óng ánh của kĩ xảo nhuộm chàm” [17, tr.680]. Nhưng để có được những bộ quần áo đó phải có bàn tay khéo léo, đảm đang của những người phụ nữ trong gia đình trồng bông, dệt vải, nhuộm vải mà tạo nên. Bởi vậy mà khi Dưỡng còn sống cô độc anh đã phải mặc bộ quần áo vải bò mua rẻ ở chợ biên giới khiến anh trở nên lạc lõng, tủi hổ, không dám đi theo người yêu về bản. Còn khi đã tìm được mẹ, lại có cả em gái cùng mẹ khác cha nữa “anh mặc vào mình bộ quần áo chàm dân tộc tím biếc thơm phức” để khi ngựa Dưỡng qua cầu, mọi người nhìn Dưỡng “như trầm trồ khen chàng trai đẹp lộng lẫy trong bộ quần áo chàm dân tộc …”[17, tr.738].

Sắc chàm dân tộc càng đặc sắc, nổi bật hơn khi được may, khoác và miêu tả thông qua dáng vóc của các thiếu nữ Tày. Như chúng tôi đã mô tả về đặc điểm nữ phục Tày ở chương I thì chiếc áo của dân tộc Tày thường được may vừa vặn thân người, hơi nhấn thêm eo làm tôn thêm những đường nét cơ thể. Qua cách miêu tả của Triều Ân trong những trang văn xuôi nét đẹp đã được tôn vinh. Nếu thiếu nữ dân tộc Kinh yểu điệu, yêu kiều bởi tà áo dài thướt tha làm đắm say lòng người bao đời nay thì với hình ảnh “Các cô gái mặc áo chàm dài tha thướt … Tà áo dài bay trong gió” [17, tr.738] xuất hiện trong văn Triều Ân cũng đủ sức khêu gợi và lôi cuốn độc giả về vẻ đẹp đáng yêu của một dân tộc thiểu số vùng cao. Còn đây là cái đẹp được miêu tả cận cảnh: “Gái Pò Tấu có dáng người thon thả, nước da trắng hồng. Bộ quần áo, cả thắt lưng vải đều óng ánh một màu chàm tím cao sang bó sát lấy thân người. Trông ai cũng như con ve niếng

[17, tr.680]. Cũng có thể là một cách miêu tả khái quát: “Chị có dáng người thật đẹp, chị ăn mặc bộ quần áo chàm người Tày. Lìn phải thầm kêu “Thế này mới đáng gọi là con gái” [17, tr.607]. Chỉ bằng vài lời văn, với vài chi tiết gợi tả về dáng người mặc “bộ quần áo” chàm, Triều Ân như đã khắc tạc vào lòng người vẻ đẹp đặc trưng của màu chàm dân tộc cũng như nét đẹp tươi mẩy của thiếu nữ Tày do được trang phục tôn thêm. Có thể nói sắc chàm xanh tím và dáng vẻ thiếu nữ dân tộc Tày đã làm sống động những trang văn mang đậm bản sắc văn hoá, phong tục của ông

Mặc dù không phải là người Dao nhưng bằng sự quan sát tỉ mỉ trong ngày thường, cộng với tấm lòng yêu quý, gắn bó với những con người dân tộc này ở quê hương, Triều Ân đã có những trang viết sinh sắc khi miêu tả về vẻ đẹp của trang phục dân tộc Dao.

Cách ăn mặc của đàn ông người Dao về cơ bản giống đàn ông dân tộc Tày nhưng chiếc áo cổ truyền dân tộc của họ ở nẹp áo, cửa tay áo, sau lưng áo hay giữa hai bả vai được thêu rất công phu. Có người còn đính thêm nhiều mảnh bạc tròn, sao tám cánh rộng khoảng 1,5cm lên nẹp áo. Khuy áo nhỏ làm bằng bạc hay đồng. Tất cả những cái khác, lạ đó càng khẳng định tài nghệ khâu vá, trang trí của người phụ nữ Dao. Nam giới dân tộc Dao còn thường đeo đồ trang sức như nhẫn, vòng tay, vòng cổ. Vì thế mà ta bắt gặp nét đẹp lạ lùng của Piao trong Nắng vàng bản Dao: “Anh đóng bộ quần áo chàm dân tộc, quấn mấy chuỗi cườm ở cổ” [12, tr.399].

Nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh đã từng khẳng định: “trong văn hóa trang phục, đặc biệt là trang phục phụ nữ, là cái mà ở đó bản sắc dân tộc biểu hiện rõ rêt, thường xuyên và lâu bền nhất” [53, tr.12]. Trên cơ sở đó, dễ nhận ra trong văn xuôi Triều Ân nét độc đáo của trang phục dân tộc, đặc biệt ở trang phục của phụ nữ Dao: phong phú về màu sắc, thể loại, bảo lưu được bản sắc dân tộc cổ truyền. Nếu như ở người Mông, người Mường,

chiếc váy là nét chủ đạo và đặc trưng của bộ nữ phục, thì trái lại, ở nhiều nhóm người Dao đó lại là tấm áo dài. Áo dài được sử dụng ở tất cả các nhóm địa phương người Dao, may kiểu xẻ ngực, không có khuy, cúc, gấu áo dài chấm gối. Áo dài của phụ nữ Dao tạo nên cái đẹp duyên dáng, óng ả và in đậm nét màu sắc của thế giới tâm linh. Kiểu áo dài xẻ ngực, không khuy, không cúc này thường mặc cùng với chiếc yếm. Yếm của người Dao vừa để che ấm ngực, lại vừa là một vật trang trí mà người phụ nữ để nhiều công thêu dệt; đồng thời đó cũng là dấu hiệu để phân biệt giữa người phụ nữ đã có chồng hay chưa. Dấu hiệu nhận biết này được Triều Ân ghi nhận trong truyện ngắn Mây tan. Lần đầu tiên gặp gỡ Chẹ Tàn cùng chị gái là Mùi Quý trên đường đi chợ Pác Măn về, Piao nhìn thấy chị Mùi Quý “đã mặc yếm bên trong tấm áo hở ngực, Piao biết chị đã có chồng” [6, tr.118]. Còn “Ngực Chẹ Tàn chưa được mặc yếm” [6, tr.131].

Phụ nữ Dao thường mặc quần ôm vừa sát (người Dao Tiền mặc váy) dài tới đầu gối. “Đi liền với quần, áo, yếm, váy, trong bộ nữ phục Dao phải kể đến mũ, khăn, dây lưng, xà cạp. Đó là những bộ phân phụ trợ không thể thiếu được trong nữ phục Dao” [53, tr.133]. Tất cả đều in hoặc thêu những hình họa tiết trang trí. Sắc thái độc đáo này gắn với một ý niệm về thủy tổ xa xưa của dân tộc. Đó là Bàn Vương, con chó ngũ sắc, đã có công giết giặc được vua gả công chúa, sinh con, đẻ cái thành dân tộc Dao. Do vậy, trên áo của người phụ nữ thêu hoặc in hình con chó, hình răng chó đều có nguồn gốc sâu xa từ ý niệm khởi nguyên sơ khai ấy. Từ ý niệm về thủy tổ, với bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Dao trong việc dệt vải, nhuộm vải và trang trí vải đã tạo nên những bộ trang phục độc đáo, đặc sắc, tôn thêm vẻ đẹp đáng yêu của các cô gái dân tộc Dao. Đó là vẻ đẹp của Chẹ Tàn trong mắt Piao lần đầu gặp gỡ: “Chẹ xúng xính trong bộ váy áo mới, đuôi váy in hoa vẫn rõ dấu sáp ong. Chẹ bước trước Piao. Mùi chàm phảng phất dịu thơm” [6, tr.118]. Hay đó là vẻ đẹp diệu kỳ của Hoàn dưới

con mắt của Dưỡng (người làng Tày) khi lần đầu anh đến bản người Dao: “Đầu em đội tấm “xì miên” của dân tộc Dao. Hai má trái xoan … Dưới ánh đèn hai làn môi đỏ chót. Hàm răng trắng … Cổ Hoàn cao, quấn mấy vòng cườm …” [17, tr.792]. Lần thứ hai gặp mặt, Dưỡng lại phát hiện ra vẻ đẹp của Hoàn “có khác gì một nàng tiên giáng thế trắng đẹp khoác bộ quần áo chàm, đầu đội khăn “xì miên’ trắng tinh; cổ quấn các chuỗi cườm ngũ sắc” [17, tr.820]. Chính vẻ đẹp tự nhiên cộng thêm cái độc đáo trong trang phục của cô gái dân tộc Dao đã hút hồn anh thanh niên người Tày, để rồi sau đó họ đến với nhau theo tiếng gọi của trái tim yêu đương nồng cháy và đi đến một đám cưới rộn niềm vui và hạnh phúc.

Hoàn thiện và đầy đủ nhất trong bộ nữ phục của người Dao qua cách miêu tả của Triều Ân nổi bật ở nhân vật Lưu trong tiểu thuyết Dặm ngàn

rong ruổi. Lưu là cô gái mắc bệnh hắc lào toàn thân đã lâu, may gặp được

thầy thuốc Trương Ngọc Thuần cứu chữa, sau đó khỏi hẳn bệnh. Ngày đầu tiên khỏi bệnh, cô sung sướng, hạnh phúc vô ngần vì từ đây cô được trở thành một con người bình thường, được sống trong cộng đồng, lại còn có được tấm lòng chân tình của người thầy thuốc đã luống tuổi. Niềm vui, niềm phấn kích đã thúc giục cô hào hứng chuẩn bị đi chơi chợ xuân cùng Thuần. Khi cô khoác lên mình bộ quần áo chàm, Thuần cảm thấy “sao đẹp thế? Vì eo người em đẹp hay vì áo khéo may? Dải thắt lưng mảnh dẻ thắt chặt làm cho tấm áo dân tộc Dao vốn không có cúc mặc được gọn gàng. Quanh cổ quấn năm chuỗi hạt cườm nhiều màu sắc. Lại thêm mấy vòng bạc “cùng hoàn” nữa. Đầu đội khăn “xì miên”. Chân quấn xà cạp “lùng peng” … Trên áo, trên khăn, tà áo, gấu váy … đâu đâu cũng thêu hoặc in sáp họa tiết …” [17, tr.997]. Niềm yêu quý, tự hào về vẻ đẹp độc đáo của trang phục Dao, cộng thêm lòng say mê cái đẹp đã làm cho ngòi bút Triều Ân thăng hoa, khởi sắc trong việc mô tả, cảm nhận vẻ đẹp của trang phục cũng như của con người.

Một phần của tài liệu Bản sắc dân tộc trong văn xuôi triều ân.pdf (Trang 63 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)