6. Cấu trúc luận văn
1.2.2. Sáng tác của Triều Ân
Triều Ân họ Hoàng, dân tộc Tày. Ông sinh năm 1931 tại Bản Nưa – Lam Sơn, xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Xuất thân trong một gia đình Nho học, giàu truyền thống yêu nước và văn chương. Ông
nội là Hoàng Đức Mỹ (1836 – 1919) đỗ cử nhân năm Giáp Tý – 1864, từng làm Tri phủ Từ Sơn - Bắc Ninh, làm Tán tương quân trong đạo quân của lãnh binh Lương Tuấn Tú đánh Pháp ở mặt trận Bắc Ninh (1883). Cụ là nhà nho uyên thâm, để lại nhiều bài thơ chữ Hán. Thân sinh là Hoàng Đức Triều, bí danh An Định (1899 – 1986), là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam từ 1932, Huyện ủy viên Thạch Lâm (1936 – 1937), bị đế quốc bắt đi đầy ở Sơn La (1940 – 1943) … Trước ngày nghỉ hưu là Phó chủ tịch Ủy ban hành chính huyện Hòa An – Cao Bằng, được công nhận là Cán bộ lão thành cách mạng. Cụ nổi tiếng thơ phú chữ Việt, chữ Hán từ năm 1925. Cụ cùng lớp nhà thơ cao tuổi làm thơ xây dựng nếp sống văn hóa mới, ca ngợi chế độ, quê hương … Hai anh trai của Triều Ân là Hoàng Đức Quyết và Hoàng Tuấn Nam cũng đều được công nhận là Cán bộ lão thành cách mạng và thường xuyên sáng tác, nghiên cứu, sưu tầm văn học, văn hóa dân tộc.
Ngay từ nhỏ Triều Ân đã được học chữ nho tại nhà. Sau đó theo học 6 năm tại Trường Pháp Việt. Năm 1943 khi mới 12 tuổi ông đã tham gia hoạt động cách mạng với nhiệm vụ liên lạc tại cơ quan Tỉnh ủy và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Từ năm 1953 ông được đảng gửi sang Trung Quốc học tại Trường Dục Tài – Nam Ninh tỉnh Quảng Tây. Tháng 6/1956 tốt nghiệp ông về nước làm giáo viên Trường phổ thông cấp II, tham gia nghiên cứu ngôn ngữ văn tự dân tộc Tày (thuộc Ủy ban hành chính khu Việt Bắc), sau đó ông lại được cử đi học Trường đại học Sư phạm Hà Nội, khóa 1960 – 1963. Ông vào Đảng năm 1963 ở Đại học Sư phạm. Tốt nghiệp đại học, ông trở về Cao Bằng dạy học (Trường phổ thông trung học, Trường Trung cấp Sư phạm tỉnh). Năm 1985 ông được tổ chức điều động về xây dựng, thành lập và lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cao Bằng cho đến khi về hưu.
Triều Ân bắt đầu con đường văn học của mình bằng sáng tác thơ, như một lẽ tự nhiên của nguồn mạch văn học dân tộc và từ truyền thống gia đình. Với lời khuyên chí tình của cha: “Phải nhập tâm được “Thi thiên phú bách” mới mong vỡ vạc dần nghề thơ” và sự giảng giải cặn kẽ của ông về truyền thống văn chương của cả gia đình đã khiến Triều Ân say mê chép thơ, đọc thơ, suy nghĩ về thơ và mạnh dạn làm thơ. Ông khai bút bằng những bài thơ đường luật - thể thơ mà đồng bào dân tộc Tày ở Cao Bằng quen dùng, yêu thích. Triều Ân gắn bó với thơ suốt mấy chục năm qua và đã cho in tám tập thơ tiếng Việt cùng một tập thơ tiếng Tày. Độc giả có thể dễ nhận ra phong cách thơ Triều Ân cũng như dấu ấn văn hóa dân tộc trong thơ ông.
Với tấm lòng nồng hậu, Triều Ân ca ngợi say sưa cuộc sống mới trên miền quê Việt Bắc, mà theo ông, đó thực sự là cuộc đổi đời lần thứ hai của các dân tộc vùng cao sau Cách mạng tháng Tám. Và “hình ảnh quê hương đổi mới trở thành một chủ đề lớn trong thơ của nhà thơ Triều Ân” (Trịnh Phương) [50, tr.131]
Điểm qua những bài thơ của Triều Ân, ta gặp những tên núi, tên sông, tên làng, tên người cụ thể, và đó cũng là những cái tên giản dị của những bài thơ: Thác Bản Giốc, Hồ Núi Cốc, Người mẹ biên giới, Tô Thị
Rỉnh, Cầu treo sông Máng, Suối Khuổi Sao, Hang Pác Bó, Phúc Sen
mùa ngô, Cây ổi Cốc Bó … tất cả đã dệt nên “bức tranh quê” miền núi sống động. Đặc biệt, với bài thơ Giữa mùa cốm Triều Ân đã làm hiện rõ nét đặc trưng nổi bật của con người miền núi. Bởi đọc bài thơ ta như được hòa vào sinh hoạt đầm ấm, hồn hậu của bản làng Việt Bắc:
Tắm ánh trăng xanh Bản Ngà giã cốm Chày ba chày bốn
Lay động giọt sương trên cành
Bay bổng tiếng sli, trầm lan tiếng lượn Hương sen, hương lúa, trăng thanh …
Nhan đề nhiều tập thơ cũng biểu hiện hình ảnh quê hương và thấm đẫm phong vị Tày, phong vị miền núi: Tung còn và suối đàn (1963), Nắng ngàn (1974), Kin mác (1975), Hoa vông (1994), Hoa và nắng (2000). Mới chỉ qua nhan đề các tập thơ đã có thể thấy tư duy thơ Triều Ân là tư duy bằng hình ảnh, cảm xúc thơ Triều Ân là cảm xúc bằng hình ảnh. Đây cũng là cái chất Tày, chất miền núi thấm vào ngòi bút tác giả.
Hình ảnh trong thơ Triều Ân là hình ảnh của thiên nhiên, cuộc sống, con người, văn hóa Tày, làm thành cả một hệ thống gây ấn tượng với người đọc. Ta thường bắt gặp trong thơ ông các hình ảnh như: si, lượn, then, kèn lá, kèn môi, đàn tính, hoa – ong, ngựa hý, ngựa phi, ngựa thắng yên cương, nhạc ngựa rung, suối đèo, ghềnh thác, cánh chim rừng …Sống trong thế giới hình ảnh của thơ Triều Ân là sống cùng thiên nhiên Tày, văn hóa Tày, con người Tày. Hệ thống hình ảnh là sự phản ánh cách cảm nhận thế giới của người nghệ sỹ. Do đó qua hệ thống hình ảnh quen thuộc này ta có thể thấy được sự lựa chọn hình ảnh trong thơ Triều Ân là sự lựa chọn mang đậm bản sắc dân tộc, bản sắc văn hoá của non nước Cao Bằng.
Ở lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu, Triều Ân để lại nhiều dấu ấn trong sự nghiệp của ông, đó là những đóng góp đáng kể cho dân tộc và cho xã hội. Nhiều tác phẩm, nhiều đề tài, nhiều công trình của ông về lĩnh vực này mang nhiều ý nghĩa đối với văn hóa truyền thống các dân tộc Cao Bằng nói riêng và với cộng đồng dân tộc Tày nói chung. Những tác phẩm điển hình như: Ca dao Tày – Nùng (sưu tầm – nghiên cứu, 1994), Truyện thơ Nôm Tày (sưu tầm – nghiên cứu, 1994), Tục cưới xin của người Tày (nghiên cứu 1995), Từ điển văn hóa cổ truyền dân tộc Tày (nghiên cứu, 1995),
Then Tày - những khúc hát (sưu tầm – nghiên cứu, 2000), Chữ Nôm Tày
và truyện thơ (sưu tầm – nghiên cứu, 2003), Ba áng thơ Nôm Tày và thể
loại (nghiên cứu, 2004) … đã nói lên điều đó. Thông qua sưu tầm những vấn đề thuộc về văn nghệ dân gian, Triều Ân đã đóng góp công sức của mình vào việc bảo tồn gìn giữ, phát huy những giá trị nền tảng văn hóa truyền thống. Những tác phẩm của ông đã góp phần bảo tồn những nét tinh tuý của văn hóa truyền thống, của dân tộc. Nó xứng đáng được coi là tài sản quý báu của dân tộc Tày nói riêng và cũng là của chung của nền văn
học đa dân tộc Việt Nam. Với thành quả lao động cần mẫn đó, Triều Ân đã được tôn vinh là “người mải mê tìm kiếm những giá trị văn
hóa dân tộc” (Đỗ Thị Hảo) [50, tr. 170].
Trở lên trên chúng ta vừa ghi nhận bản sắc dân tộc trong các sáng tác của Triều Ân qua thơ ca, sưu tầm, nghiên cứu văn học, văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, Triều Ân còn sáng tác văn xuôi. Nhà văn Lê Lâm đã từng nhận định: “Văn xuôi của Triều Ân có thể nói là sự bổ sung và hoàn thiện sự nghiệp sáng tác của ông” [37]. Điều đặc biệt hơn là trong lĩnh vực văn xuôi, bản sắc dân tộc càng được thể hiện đậm nét hơn. Lời đầu cuốn Triều
Ân văn tuyển, tác giả Hà Lý đã giới thiệu: “có dịp xem lại phần sáng tạo
văn xuôi của Triều Ân, ta thấy ba phần: truyện ngắn, tiểu thuyết, nghiên cứu văn học … đều đậm đà màu sắc dân tộc” [23, tr. 9,10].
Là người con của dân tộc Tày suốt đời hoạt động, công tác gắn bó với mảnh đất Cao Bằng, Triều Ân có điều kiện am hiểu sâu sắc cuộc sống, con người và thiên nhiên nơi đây. Đó là một thuận lợi cơ bản cho cây bút văn xuôi Triều Ân và cũng là điều kiện đầu tiên tạo nên sức hút trong những trang viết của ông. Truyện của Triều Ân đưa người đọc đến với cuộc sống của các dân tộc ở nhiều địa bàn tỉnh Cao Bằng và rộng ra ở Việt Bắc, từ những bản làng, thị trấn của người Tày nơi vùng thấp đến những làng
người Dao, người Mông trên những triền núi cao ở “xứ sương mù”, từ thị xã Cao Bằng xinh đẹp đến vùng biên thùy xa xôi …
Triều Ân viết truỵện ngắn từ năm 1959 khi quê hương ông đang rầm rộ xây dựng hợp tác xã nông nghiệp. Đề tài bao trùm lên những tác phẩm của ông là thiên nhiên, cuộc sống và con người của quê hương. Dựng truyện, Triều Ân luôn chú ý đặt con người vào một “phông nền” chung: đó là sinh hoạt và phong cảnh miền núi. Với tác phẩm: Câu chuyện cuộc đời
(1959) nhà văn đã say sưa ca ngợi cuộc sống mới và sự đổi đời của người dân. Bên cạnh mặt sáng đẹp của cuộc sống, nhà văn còn cho thấy cả những gian khổ, phức tạp của công cuộc xây dựng ở vùng cao. Những khó khăn này mang dấu ấn riêng của miền núi, đó là cuộc đấu tranh chống những hủ tục, mê tín dị đoan đã bao đời đè nặng kìm trói người dân trong vòng tăm tối, ngu muội (Chặt cổ rồng – 1962); đó là sự hiềm khích, chia rẽ giữa các dân tộc, làng bản, hậu quả chính sách “chia để trị” của phong kiến thực dân (Bên bờ suối tiên – 1962); đó còn là sự phản ánh công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp kết hợp cuộc vận động đồng bào Mông, Dao Tiền, Dao Đỏ định canh định cư. Đây thực sự là cuộc đổi đời, thay đổi nếp nghĩ, tập quán bao đời nay của đồng bào (Mây tan – 1976).
Truyện của Triều Ân còn nêu lên ý thức, tình cảm và trách nhiệm của con người miền núi đối với nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong truyện ngắn Tiếng khèn A Pá, nhà văn đã để nhân vật bộc bạch suy nghĩ rất chân thành trước hành động trốn trường để đi nhập ngũ: “A Pá phải đi đánh Mỹ… A Pá phải tranh thủ đi đánh chúng để lấy bằng tốt nghiệp đánh Mỹ, nếu chậm sẽ mất cái bằng này; còn cái bằng ở nhà trường sau này trở về học lại thi lấy cũng chưa muộn” [4, tr.114].
Qua truyện ngắn của Triều Ân, những con người miền núi hiền lành, chất phác rất đỗi trung thành với đường lối cách mạng của Đảng đều phải
tự vượt lên để đến với cuộc sống mới tốt đẹp, làm tròn trách nhiệm của người công dân nước Việt trong công cuộc xây đựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính bởi vậy mà những nhân vật dân tộc thiểu số với cách cảm cách nghĩ chân thành, mộc mạc đã giành được sự thiện cảm của độc giả. Bên cạnh truyện ngắn, Triều Ân còn viết tiểu thuyết. Đến với thể loại này, ngòi bút Triều Ân như được tung hoành ở cảm hứng và bút pháp sáng tạo.
Nhan đề các tiểu thuyết: Nắng vàng bản Dao (1992), Nơi ấy biên
thùy (1994) và Dặm ngàn rong ruổi (2000) đã cho thấy sự hiểu biết, gắn
bó của người viết đối với cuộc sống của đồng bào Tày, Nùng, Mông, Dao. Với cảm hứng thế sự, đời tư, ngòi bút của Triều Ân cũng như của các cây bút văn xuôi khác đã có ý thức khai thác các mối quan hệ xã hội phức tạp giữa con người với con người, khám phá vào từng cuộc đời, số phận với cái nhìn tỉnh táo, sâu sắc nhưng cũng đầy nhân ái. Các câu chuyện trong tiểu thuyết của Triều Ân đều xoay quanh những mối quan hệ trong gia đình và xa hơn là ứng xử của mỗi thành viên trong gia đình với xã hội. Đó là cô giáo Ngọc Lan người Tày xinh đẹp vượt qua sự ác cảm của bà mẹ chồng người Dao mê tín dị đoan để làm chủ cuộc đời mình (Nắng vàng bản Dao); là cô Niêm không những chỉ tìm thấy hạnh phúc với người yêu cũ của mình mà còn tìm thấy mẹ đẻ ở bên kia biên giới; cho dù Niêm (tên Trung Quốc là Dị Xuỳn) đã nhận về mình hạnh phúc nhân đôi thì cô cũng không quên người mẹ nuôi Việt Nam đã bế bồng chăm sóc cô từ tấm bé
(Nơi ấy biên thùy); là thầy lang Thuần giỏi giang tay nghề và tốt bụng mà
lận đận đường vợ con, qua những thăng trầm của cuộc đời và số phận, cuối cùng cũng đã tìm được bến đỗ cho đời mình (Dặm ngàn rong ruổi).
Bên cạnh cảm hứng thế sự, đời tư, tiểu thuyết của Triều Ân đã khai thác hiệu quả vốn sống miền núi trong ông. Từ những nét sinh hoạt thường nhật nho nhỏ: trai gái đặt cành ổi trước cửa để hẹn hò, trò trơi trốn Dả Dỉn
gắn với câu chuyện cổ về nữ quái Dả Dỉn, cách nhuộm vải và trang trí truyền thống trên vải của người Dao, cách ăn mặc của người Dao, chuyện vợ chồng người Mông xuống núi đi chợ, tục không được ai khóc trong nhà của người Tày, gà gáy nhầm canh là điềm báo gở, tục vợ chồng người Dao không được ngủ chung giường, quần áo vợ chồng Dao không được phơi chung sào hay mắc chung một mắc áo, lễ bắc cầu xin hoa để mau có con của người Tày, lễ nối số của người Dao. Từ trang phục của đồng bào Dao Tiền với tấm khăn xì miên trắng trên đầu các cô gái và những vòng hạt cườm nhiều màu sắc nơi cổ các chàng trai đến những bộ quần áo mới nhuộm còn thơm phức mùi chàm của các chàng trai, cô gái Tày, Nùng, Dao trong ngày lễ hội, cưới hỏi. Rồi còn bao tập tục sinh hoạt, phong tục tín ngưỡng đã được miêu tả sinh động. Nào là lễ cưới của người Tày, người Dao, lễ cúng đầy tháng cho con trẻ mà cha mẹ phải địu chúng đi “bán xúi” để lấy may. Nào là những điều kiêng kỵ: quét nhà không được hất rác ra phía ngoài, khách mặc áo trắng không được đi vào cửa giữa (người Dao). Trong tiểu thuyết Nắng vàng bản Dao, Triều Ân còn cho thấy sự chi phối dai dẳng của những tục lệ dị đoan cùng với vai trò của thầy mo, bà then (tục kin chai, gọi hồn …).
Triều Ân cũng khá thành công trong việc dựng người, dựng cảnh, dựng không khí của đời sống. Nhờ thế con người, cảnh sắc, cuộc sống sinh hoạt vùng cao hiện lên trong tác phẩm thật sinh động, rõ nét. Tất cả đều thể hiện công phu lao động nghệ thuật của nhà văn. Trong Dặm ngàn rong ruổi, để viết được những đoạn tả cảnh săn bắn, nhà văn phải có sự “hòa nhập, cùng đi săn, cùng uống rượu say với đoàn săn người Dao Tiền mới có thể hiểu biết phong tục và dựng được cảnh đi săn của đồng bào Dao Tiền và đoạn vĩ thanh - cảnh mọi người chung vui trong lễ chiến thắng theo tục lệ đầy “không khí” và hấp dẫn như vậy”. Và cũng phải chịu khó thâm
nhập quan sát đời sống thực tế của người Dao, Triều Ân “mới tạo được cho người đọc sự hấp dẫn với những trang mô tả chân thật cảnh ma gà nhập và cảnh giết lợn giải ma gà” [50, tr.219]. Triều Ân cũng thành công khi mô tả sinh động một đám cưới vùng cao theo phong tục của người Dao, một lễ cúng “đuổi ma” (Nắng vàng bản Dao) hay một màn xem bói của thầy tào
(Nơi ấy biên thùy) …
Một trong yếu tố văn hóa dân gian có thể tìm thấy dấu vết trong truyện của Triều Ân, đó là việc sử dụng những mô típ trong truyện dân gian một cách sáng tạo. Chẳng hạn, trong tiểu thuyết Nắng vàng bản Dao có chi tiết bà Đô (mẹ chồng) thử thách Ngọc Lan (con dâu mới) bằng việc bỏ chiếc kim vào thùng gánh nước, đến khi Ngọc Lan gánh nước về trong thùng còn nguyên chiếc kim (cô dâu đã không rửa thùng trước khi lấy nước). Bà Đô đã có lí do để trách mắng con trai (Piao) trong việc chọn vợ. Trong một số truyện ta cũng thường gặp những nhân vật có dáng dấp kiểu nhân vật người mồ côi trong truyện cổ dân gian, mô típ mẹ chồng – nàng dâu (Nắng vàng bản Dao), chị em cùng cha khác mẹ hay cùng mẹ khác cha, mô típ đứa con đi tìm cha, mẹ cũng tức là con người muốn tìm về gốc rễ, nguồn cội của mình (Dặm ngàn rong ruổi, Nơi ấy biên thùy) … Cố