Văn hoá Tày, Dao qua lễ hội, chợ phiên

Một phần của tài liệu Bản sắc dân tộc trong văn xuôi triều ân.pdf (Trang 40 - 44)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.1. Văn hoá Tày, Dao qua lễ hội, chợ phiên

2.1.1.1. Lễ hội là hình thức văn hoá truyền thống, có quy mô lớn của mỗi dân tộc. Phần “lễ” mang ý nghĩa tạ ơn và cầu xin thần linh bảo trợ cho cuộc sống của mình. Phần “hội” gồm các trò vui chơi giải trí hết sức phong phú. Vùng Việt Bắc có hội “Lồng tôồng” (xuống đồng), hội “thi cấy” liên quan đến cuộc sống trong quan hệ với môi trường tự nhiên, thường được tổ chức

vào dịp đầu xuân năm mới. Bên cạnh đó còn có những lễ hội liên quan đến đời sống cộng đồng như hội ăn mừng của cả bản mỗi khi săn bắn được thú rừng. Nhà văn Triều Ân đã hoà mình vào không khí ngày hội để quan sát, lắng nghe và diễn tả không khí của các lễ hội đó. Trong tiểu thuyết Dặm

ngàn rong ruổi, Triều Ân đã đưa người đọc đến với ngày hội xuân ở vùng

cao. “Hội được mở trên bãi đất rộng trước ngôi chùa cổ kính ở thung lũng. Đủ các màu áo dân tộc ở vùng này kéo nhau về tấp nập” [17, tr.607]. Đối với cư dân miền núi, lễ hội là dịp để mọi người gặp gỡ, làm quen, dốc bầu tâm sự. Trong ngày hội xuân không thể thiếu các trò chơi dân gian. Người dân tộc vùng cao thường có các trò chơi như tung còn, hát giao duyên, đánh cờ tiên, đánh sảng, kéo co, đẩy gậy … Mỗi lứa tuổi có một thú vui riêng. “Thanh niên say nhất vẫn là gieo đúm (tung còn) và hát giao duyên”. Theo tục lệ, “người có vợ, có chồng nhưng ở lứa tuổi thanh niên vẫn cứ đắm say vào cuộc chơi với bạn như chưa vợ chưa chồng” [17, tr.607]. Giữa các dân tộc thiểu số cũng không có ranh giới. Cuộc vui kéo dài trong khung cảnh bình yên, thân thiện và lành mạnh.

Bên cạnh lễ hội mùa xuân còn có hội ăn mừng mỗi khi săn bắn được thú rừng của người dân tộc. Người Dao sinh sống bằng hoạt động săn bắn. Cá nhân săn thú nhỏ như cầy, chồn, cáo, sóc cũng là để bảo vệ mùa màng. Thú lớn thì săn tập thể, có lưới săn và chó dữ hỗ trợ, gồm: lợn rừng, gấu, hươu, nai. Theo tục lệ nếu trong cuộc săn bắt tập thể đó con mồi trúng đạn của tay súng nào thì đêm đó sẽ làm lễ ăn mừng tại nhà người ấy. Vì vậy “đêm ấy mọi người mang theo một cút rượu, gọi theo chó, kéo về nhà Lương. Dưỡng cùng Hoàn kiêu hãnh đứng trước con mồi làm lễ chiến thắng. Hoàn tuyên bố:

- Hôm nay khẩu súng này hạ sát con hươu phá lúa. Đây là chiến công thứ ba của khẩu súng này. Ta hãy bôi chút máu lên thân súng làm

dấu. Còn chiến công là của mọi người, mọi nhà, của cả đàn chó làng Dao … Chúng ta xả thịt, xào nấu, nhắm rượu. Dành riêng cho mỗi nhà đưa về một cân cho người giữ bản lúc này không có mặt” [17, tr.825].

Trong bữa tiệc, người được bạn bè chúc mừng phải là thiện xạ đã hạ thủ con vật. Một lời chúc là trăm chén rượu đi theo. Chén rượu nâng lên đặt xuống không ngớt. Vui liên hoan họ hát các bài dân ca về tình yêu, về đi săn, về lên nương. Tiếng nói tiếng cười triền miên kéo dài suốt đêm.

Thông qua các lễ hội truyền thống của dân tộc, nhà văn đã cho người đọc nhận thấy tinh thần đoàn kết, gắn bó của từng tộc người, giữa các dân tộc anh em, để từ đây các dân tộc sẽ cùng giúp đỡ nhau trên đà phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.

2.1.1.2. Tạo nên dấu ấn dân tộc của người miền núi còn là hình thức tổ chức chợ phiên (họp chợ theo phiên, cứ năm ngày là một phiên). Ai đã từng đặt chân lên mảnh đất biên giới phía Bắc chắc sẽ không thể không ấn tượng với những phiên chợ vùng cao. Chợ không chỉ là trung tâm trao đổi hàng hoá mà còn là trung tâm giao lưu tình cảm, sinh hoạt văn hoá rất đặc sắc. Các phiên chợ vùng cao đã đi vào các sáng tác của Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Cao Duy Sơn với chợ Bắc Hà, Phiềng Sa … Nếu Tô Hoài nhìn phiên chợ vùng cao như một cảnh quan sinh hoạt mang đặc thù ý nghĩa xã hội thì Triều Ân lại đi vào khai thác, nhìn nhận, miêu tả nó như một nét văn hoá đặc sắc của các dân tộc thiểu số.

Ở vùng người Tày – Nùng, chợ ngày mồng tám tết là chợ “khai xuân”. Trong phiên chợ này, hàng bày bán chủ yếu là các đồ ăn, đồ chơi của trẻ em. “Những chiếc bánh đang sôi trong chảo mỡ thơm lừng: su sê, áp chảo, dê vàng, chim én, quai chảo … Nhiều em cầm trên tay những quả trứng nhuộm màu, phẩm đỏ giây đầy tay, bôi nhọ nhem cả má, mặt vênh lên như rất đỗi tự hào. Em thì khua giòn giã trống bỏi, em thì cầm từng

chùm bóng nhựa màu sặc sỡ. Nhiều cháu đi chợ chỉ để vui, nhảy tung tăng trong nắng xuân, thật là vui mắt. Đằng xa kia có đám gieo đúm, chơi cờ …” [7, tr.153]. Theo quan niệm dân gian của dân tộc, buổi chợ này giành cho trẻ em đến vui xuân nên bánh trái, đồ ăn đều mang ý nghĩa gắn liền với các em. Các loại bánh làm bằng bột gạo nếp đem chao mỡ được nặn thành hình cái kéo, chim én, con ngựa gắn với ước mơ, khát vọng về con đường học hành tấn tới của trẻ nhỏ. Trứng vịt, trứng gà luộc bên ngoài tẩm màu xanh đỏ tượng trưng cho sự may mắn, sức khoẻ … Mọi người đến chơi chợ sẽ nhận được sự may mắn, sức khoẻ trong cả năm.

Những phiên chợ đầu xuân cũng là dịp trai làng gái bản gặp gỡ hẹn hò, cùng nhau hát đúm (dân ca giao duyên). Hát dân ca, làn điệu khi thì tài si khi lượn, lúc hà lều lúc vàng dà là một nét văn hoá đặc sắc của người Tày. Thông qua các làn điệu này người dân có thể bày tỏ được tâm tư, tình cảm, ước nguyện của mình. Triều Ân đã đưa chúng ta đến chợ phiên Cô Sầu vào một ngày “mưa xuân lất phất bay như rắc bụi. Phấn nước li ti thoa nhẹ lên má, lên vai mọi người đang trên đường đi chợ vùng thung lũng núi đá” [17, tr.679]. Khi các chị em đã bán hàng xong, quẩy lồ không trên vai đi ra đầu chợ thì các chàng trai dắt ngựa theo sau. “Đi một quãng không xa lắm, các chàng đứng lại, còn các cô gái đi đoạn nữa. Khi hai bên có chỗ ngồi đàng hoàng rồi, họ bắt đầu hát. Họ chào mời, đối đáp, thách đố. Làn điệu khi thì tài si khi lượn, lúc hà lều lúc vàng dà … Các đường chợ khác, từng tốp bảy, tốp ba các chàng trai và các cô gái cũng đang say hát; lời hát vọng đi vọng lại bay bổng, quyến luyến không muốn rời nhau tuy rằng đã hát đi hát lại những đoạn si kết” [17, tr.680,681]. Cuộc hát kéo dài đến tận khi mặt trời gác núi. Đến lúc đó, các chàng trai mỗi người tiễn một bạn gái ra về, để tâm sự riêng với nhau những điều thầm kín. Đây quả là một nét đẹp trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Tày.

Như đã giới thiệu, người vùng cao tổ chức họp chợ theo phiên định kỳ, cứ năm ngày một phiên. Hầu hết chợ huyện đều họp theo phiên. Triều Ân đã đưa chúng ta đến với phiên chợ huyện Nguyên Bình. Buổi sáng ngày chợ, “Người, ngựa, xe đạp, ôtô … từ các ngả đường kéo về” [12, tr.348]. Họ đến chợ để để mua, bán các mặt hàng như “da thú”, “những bàn tay, bàn chân gấu to mập” [12, tr.349] hay nông lâm sản. Cánh đàn ông đến chợ còn để gặp gỡ bạn cũ, kết giao bạn mới bằng việc “chuyền tay nhau bát tô rượu” [12, tr.348] …

Bằng sự quan sát tỉ mỉ, như hoà mình vào không khí của các ngày hội, các phiên chợ; với cách miêu tả không rườm rà, Triều Ân đã làm sống dậy những nét đẹp văn hoá của các dân tộc Tày, Dao. Qua đó, chúng ta càng hiểu rõ, hiểu sâu sắc hơn đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, đồng thời kích thích hứng thú khám phá các giá trị văn hoá của mọi miền, mọi dân tộc.

Một phần của tài liệu Bản sắc dân tộc trong văn xuôi triều ân.pdf (Trang 40 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)