6. Cấu trúc luận văn
2.2.1. Nghề thủ công
Nghề thủ công của người Tày, Dao phong phú đa dạng. Họ thường đan các vật dụng trong gia đình như cót, bồ, dậu, cuôi, sọt, rổ, vung chảo, nơm, vó, vợt, chài … bằng tre nứa, giang, mây, sợi xe hoặc đóng bàn ghế, giường, hòm bằng gỗ, làm bàn ghế bằng trúc. Vì thế đọc văn xuôi của Triều Ân, chúng ta có thể nhận thấy các sản phẩm thủ công đó có mặt trong đời sống hàng ngày của người dân. Đó là “bộ bàn ghế trúc đen vàng nham nhở” đạm bạc trong ngôi nhà của cô hộ lí Hồng Lê dùng để tiếp khách [10, tr.70], là “đôi dậu” [1, tr.197] mà Lìn và San dùng để gánh thóc cho hợp tác xã. Hay đấy là “tấm chiếu nan bằng trúc lên nước trơn bóng” để mỗi khi nhà có khách “mọi người trong nhà đều quây quần ra chiều quý khách” [17, tr.798]. Cũng có thể đó là cái vợt mà bà Lụa cầm ra ao để “bắt mấy con cá chép về làm bữa” [13, tr.484], là khi Lơ và Nhen đem vợt ra suối “xúc tép” [17, tr.693]. Đó còn là hình ảnh cái chài để Ban Văn Nẹng “đêm đêm ông đều đi quăng chài bắt cá” [17, tr.701].
Người Tày, Dao cũng khá nổi tiếng trong nghề rèn. Họ rèn sắt để chế tạo ra các công cụ như: các loại dao, liềm, hái,lưỡi cày, cuốc, xẻng, răng bừa, các loại súng hoả mai, súng kíp, đúc các bi gang làm đạn súng (gọi là đạn mác xá) … Ta bắt gặp trong tiểu thuyết Dặm ngàn rong ruổi cảnh cụ Sung sang nhà Dưỡng để “mượn cái bễ lò rèn” vì “hôm nay ông đón thợ về đúc mấy cái lưỡi cày” [17, tr.686]. Khi Dưỡng sang nhà cụ Sung đã nhìn thấy cụ “đang cùng hai thợ ở dưới sàn nhà kéo bễ lò rèn để đúc lưỡi cày. Lò than đỏ rực, trong suốt như hồng ngọc” [17, tr.696].
Nghề làm đồ trang sức bằng bạc, bằng đồng là nghề lâu đời gia truyền của dân tộc Dao. Với bàn tay khéo léo họ làm ra các sản phẩm: vòng cổ, vòng tay, vòng chân, khuyên tai, nhẫn, dây xà tích và các đồ gắn trên
váy áo. Các đồ bạc được chạm chìm nổi các hình hoa văn, hoa lá khá khéo léo được các phụ nữ Dao ưu thích. Đó là đồ trang sức mà Mùi Quý đeo trên người: “tai đeo khuyên bạc, cổ có sáu vòng kiềng bạc, trạm trổ tinh vi” [6, tr.118]. Là những “vòng cổ “củng hoàn” lủng lẳng, trước ngực áo có hai hàng khuy bạc to bằng miệng chén điểm trang” [12, tr.394] của các chị người Dao trong ngày chợ phiên Nguyên Bình. Ngay cả bà Đô, dù đã 75 tuổi “còn đeo mấy kiềng bạc sáng loáng. Hai tai đeo khuyên tròn bằng bạc to tướng. Đáy khuyên dựng lên hình ngọn núi nhọn cao. Trọng lượng ấy làm sệ hai rái tai” [12, tr.360].
Một trong những nghề thủ công đặc sắc, nổi tiếng của dân tộc Tày, Dao là nghề trồng bông, dệt vải và trang trí hoa văn trên vải. Với nguyên liệu là bông nõn đã bật, dụng cụ là guồng quay sa kéo sợi và chiếc khung cửi, họ đã tự túc được các loại vải may váy áo, làm màn, khăn mặt, mặt chăn. Bông thường được trồng vào khoảng tháng 2, 3 và thu hoạch vào tháng 7, 8. Công việc se sợi, dệt vải thường được những người phụ nữ trong gia đình làm vào những lúc nông nhàn, hay thời gian rảnh rỗi trong một ngày, nhất là vào mùa xuân, khi “mùa màng chưa chưa bận rộn, con gái vùng quê đua nhau dệt vải” [17, tr.680]. Tông màu ưa dùng của người Tày, Dao là màu chàm. Vì vậy sau khi dệt được vải mộc màu trắng, người ta đem nhuộm chàm. Chàm là cây thuốc nhuộm do bà con tự trồng và tự chế rất công phu. Vải trắng nhúng vài lần vào nước chàm sẽ thành sậm mầu, ánh đen hay tím. Sau khi nhuộm, họ đem “vắt lên sào phơi những tấm vải vừa nhúng thuốc nhuộm, vuốt lại những mép vải cho phẳng” [13, tr.465]. Người Tày thường dùng những tấm vải đã nhuộm chàm đó để cắt may quần áo. Nhưng với người Dao, họ ưa dùng vải với những hoạ tiết trang trí sặc sỡ để cắt may quần áo. Muốn có được tấm vải như thế, đồng bào Dao phải “đun sáp ong cho chảy lỏng, rồi vẽ lên vải hình tượng con
chó, đàn chim, hàng dài đàn kiến trẩy hội … Trang trí trên vải bằng sáp ong xong, Lan mới nhuộm chàm. Vải trắng nhúng vài lần là đẹp màu tím biếc … đem vải đã nhuộm nhúng vào nước sôi, sáp ong trên vải chảy ra, hình hoa văn trang trí hiện màu trắng” [12, tr.401,402]. Ngoài việc dệt vải một màu ra, đồng bào Tày, Dao còn dệt thành những tấm thổ cẩm với sự pha trộn màu sắc rực rỡ, hoa văn theo ý thích. Cũng có lúc họ dùng đôi bàn tay khéo léo để thêu. Từ những kỹ thuật đó, họ đã tạo ra được những bộ trang phục độc đáo: “Trên áo, trên khăn, tà áo, gấu váy … đâu đâu cũng thêu hoặc in sáp họa tiết …” [17, tr.997]; đồng thời tạo nên nét bản sắc truyền thống trong nghệ thuật trang trí vải.
Bằng việc miêu tả các nghề thủ công của người Tày, Dao trong các truyện ngắn, tiểu thuyết như trên, Triều Ân đã bày tỏ được niềm tự hào, lòng trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào vùng quê mình. Đồng thời qua đó còn giúp người đọc hiểu và thêm yêu quý những con người dân tộc thuần phác, khéo léo, có óc sáng tạo độc đáo để tạo nên bản sắc riêng của dân tộc mình.
Theo quan niệm của người dân tộc, săn bắn cũng là một trong những nghề thủ công của họ. Chỉ tính riêng người Tày, Dao, bất cứ người đàn ông nào mỗi khi ra khỏi nhà bao giờ cũng khoác bên mình khẩu súng săn tự chế. Dấu ấn dân tộc này đã trở thành chi tiết nghệ thuật xuất hiện với tần số cao trong văn xuôi Triều Ân.
Việc săn bắn chủ yếu là để bảo vệ mùa màng và tránh những nguy hại cho con người. Họ thường đi săn tập thể vào thời điểm “lúa các khe chín vàng, từng đàn hươu đến ăn lúa. Lại các đàn lợn cỏ nữa đến phá lúa nương có kém gì hươu nai” [12, tr.340]. Bởi thế khi người dân ở bản Đông Có “phát hiện có đàn lợn lòi về phá lúa nương”, họ đã “hẹn nhau chiều mai đi săn”. “Vào buổi chiều, khi một hồi tù và nổi lên, ai cũng nai nịt gọn gàng, súng khoác vai. Túi da cáo đựng đầy thuốc súng và đạn chì.
Một tiếng huýt sáo. Một con chó đầu đàn sủa một tràng gâu gâu và xông lên phía trước, cả một làng chó đua nhau sủa và cùng xông lên. Đó là thói quen của chó làng Dao ...
Một tiếng “ô hồi” góc rừng kia xua con thú. Khắp nơi “ô hồi”. Lúc đang nắng này con thú đã lẩn trốn vào rừng cây tìm bóng mát. Chó đàn sủa inh ỏi. Khắp nơi có nhưng tiếng chó sủa lắt nhắt như đã tìm thấy vết. Ô hồi … ô hồi …”[17, tr.823].
Bằng sự miêu tả kĩ lưỡng , Triều Ân đã đưa người đọc đến với không khí của cuộc săn bắn bởi tiếng “ô hồi” – lùa con vật của mọi người, tiếng đàn chó sủa lúc “inh ỏi” - sủa lung tung, lúc “lắt nhắt” – đã tìm thấy vết con thú. Không khí săn bắn tập thể còn được miêu tả trong cuộc săn bắt sơn dương ở bản mới Nai Chơi. Trong buổi dự lễ mít tinh mừng bản định canh mới, ta bắt gặp cảnh “Những súng là súng. Chó săn chạy nhấp nhô quanh người” [6, tr.132]. Tự dưng “Piao lắng nghe. Một tiếng sơn dương gộ huy … ýt huy …ýt … Piao vụt chạy ra khỏi nhà. Đám thanh niên lao theo … Các chú chó săn xông lên trước và theo thói quen, sủa vang động …” [6, tr.133]. Và chỉ cần một tiếng súng nổ “đoành”, nghe gọn lắm, “đám đạn mác xá của Piao” [6, tr.134] đã hạ gục được con sơn dương để đám thanh niên khiêng con thú về trong sự hả hê vui mừng của mọi người,
Niềm tự hào và lòng yêu quý những người dân quê hương cộng thêm sự am hiểu tường tận về phong tục tập quán của đồng bào trong công việc săn bắn, Triều Ân đã làm sống dậy trong những trang văn của mình về một nghề thủ công đặc sắc, tạo nên dấu ấn văn hóa riêng của dân tộc.
Tạo nên bản sắc dân tộc của con người miền núi còn là tập quán hái lượm. Người Tày, Dao cũng giống như mọi dân tộc vùng cao khác, họ thường xuyên lên rừng để hái lượm các sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Nét phong tục này chúng ta sẽ bắt gặp qua những công
việc thường ngày của các nhân vật trong tiểu thuyết của Triều Ân. Đó là việc làm của Triển khi muốn có tiền để chuộc người yêu, “Anh vào rừng hái củi, mộc nhĩ, sa nhân, nhặt hái cây dược liệu …Anh cầm cái thuốn lần theo ven suối để bắt ba ba. Anh vào rừng tìm rùa …” [13, tr.537]. Bà Đô và Đông cũng “đi rừng kiếm măng, mộc nhĩ” [12, tr.382] mang ra chợ bán để đổi mua muối, chỉ thêu về làm cho xong bộ quần áo dân tộc Dao cho con dâu. Công việc hái lượm lâm thổ sản quý hiếm rất khó khăn, gian khổ, chỉ có thể thực hiện được bởi những con người “dũng cảm, những người con của núi rừng” [17, tr.813]. Chúng ta sẽ thấy được công việc hiểm nguy đó qua lời của thầy thuốc Thuần: “Bác sỹ Phương ạ. Muốn có huyết lình đem bán làm thuốc bà con phải leo lên đỉnh núi kia, còn phải lần theo các mỏm đá cheo leo đến gần các hốc khỉ trú ẩn … Còn tôi, ý định kết hợp hôm nay sẽ leo lên đỉnh núi cao trọc ấy hái ít lá “hồng sí sẻn” làm thuốc bổ” [17, tr.813].
Thông qua việc mô tả tập quán săn bắn, hái lượm của đồng bào Tày, Dao, nhà văn đã làm phong phú hơn bản sắc dân tộc của hai tộc ít người này; đồng thời nhấn mạnh và khẳng định được bản tính gan dạ, dũng cảm của những người dân nơi đây. Điều đó có tác dụng nâng cao tầm nhận thức và hiểu biết của các dân tộc anh em khác đối với tộc người Tày, Dao ở vùng cao qua các sáng tác văn học nói chung và văn xuôi Triều Ân nói riêng.