d) Thành phần hợp kim tại vị trí 2
Hình 5.16 Thành phần nguyên tố tại các vị trí khảo sát trong vùng liên kết không chứa lớp IMC
5.9.2. Khuếch tán kim loại tại vùng có lớp IMC:
Kết quả phân tích EDS trong vùng liên kết giữa tấm thép CCT38 và KLMH tại nơi có pha liên kim IMC được thể hiện trong hình 5.17 dưới đây. Trong đó, hình ảnh Mapping ở hình 5.17a cũng cho thấy rằng trong toàn bộ vùng diện tích khảo sát chỉ có mặt của 4 nguyên tố Al, Fe, Si và C, điều này cũng phản ánh đúng với thực tế sử dụng vật liệu (gồm thép CCT38, nhôm AA1100 và dây hàn ER4043 có 5%Si). Hình 5.17b là cấu trúc siêu tế vi và hình 5.17c là tỷ lệ phần trăm khối lượng nguyên tử của ảnh Mapping trên hình 5.17a.
Kết quả phân tích tại các vùng nằm ở phía trong của tấm thép CCT38 và phía trong của KLMH giống với trường hợp không có pha liên kim như đã trình bày trong mục 5.9.1 ở trên. Tuy nhiên, tại vùng biên giới giữa tấm thép CCT38 và KLMH ở trường hợp này (vùng tổ chức liên kim IMC) có ảnh phổ rất khác biệt so với ảnh phổ trên biên giới của hình 5.14a. Tại đây có sự có mặt của nhiều loại nguyên tố gồm Al, Fe, Si và có thể còn có cả nguyên tố C.
Chúng ta thấy rằng trong tấm thép CCT38, các nguyên tố Fe phân bố đều. Nồng độ của Fe bắt đầu giảm khi đi đến vùng IMC và giảm đột ngột về 0 khi tiến vào vùng KLMH. Điều này mô tả đúng nồng độ hòa tan rất thấp của Fe trong Al. Còn đối với Al, các nguyên tử Al sẽ phân bố tương đối đều trong vùng KLMH và bắt đầu giảm đi tới vùng IMC. Vượt qua vùng IMC, nồng độ của Al không giảm đột ngột về 0 mà giảm từ từ. Điều này có thể hiểu được vì khả năng hòa tan tối đa của Al trong Fe là khoảng 12% [47].