1. TỔNG QUAN VỀ HÀN NHÔM VỚI THÉP
1.3. Kết luận chương 1:
Nhu cầu sử dụng các chi tiết máy và các sản phẩm đa chủng loại vật liệu (multi- materials) ngày càng nhiều và đa dạng, do chúng có nhiều ưu điểm nổi bật, đáp ứng tốt các yêu cầu về chế độ làm việc tại từng vị trí cụ thể trong máy hay thiết bị. Đối với các thiết bị vận tải, tàu biển cao tốc, thiết bị điện, hóa chất,… thì nhu cầu sử dụng các chi tiết/bộ phận nối ghép từ các vật liệu nhôm với thép ngày càng gia tăng và phong phú. Do vậy việc đầu tư nghiên cứu công nghệ hàn nhôm với thép như đề tài luận án đề cập là rất cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn cao.
Qua phần nghiên cứu tổng quan chúng ta thấy rằng, cho đến ngày nay đã có một số quá trình hàn có thể hàn nhôm với thép cho chất lượng tốt, tuy nhiên chủ yếu đó là các quá trình hàn đặc biệt (đắt tiền và phức tạp). Mỗi quá trình hàn chỉ có hiệu quả và phù hợp với một dạng kết cấu và dải chiều dày vật liệu nhất định. Xét theo trạng thái hàn, có thể phân loại các quá trình mà hàn được nhôm với thép thành 2 nhóm: nhóm các quá trình hàn ở trạng thái rắn (solid state) và nhóm các quá trình hàn ở trạng thái lỏng (fusion state). Trong đó, nhóm các quá trình hàn nhôm – thép ở trạng thái rắn (hàn nổ, hàn ma sát, hàn xung từ, hàn tiếp xúc điểm điện trở) luôn cho chất lượng liên kết tốt hơn so với nhóm các quá trình hàn ở trạng thái lỏng (hàn Laser, hàn TIG, hàn MIG).
Với kết cấu là liên kết dạng chữ T, yêu cầu hàn cả hai phía và hàn kín như đề tài luận án đề cập thì chỉ có các quá trình hàn Laser và hàn hồ quang (TIG, MIG) là có thể thực hiện được. Do sự phức tạp về hệ thống nên hàn Laser thường chỉ thực hiện được ở trong nhà xưởng, trong khi các quá trình hàn MIG và hàn TIG lại rất cơ động cả trong phân xưởng cũng như ở ngoài công trường. Hơn nữa, do điều kiện nghiên cứu không có thiết bị hàn Laser, nên việc hướng đến nghiên cứu sử dụng quá trình hàn hồ quang (cụ thể là hàn TIG) để hàn nhôm với thép, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng lại là thực tế nhất trong điều kiện Việt Nam hiện nay.
Qua phân tích, đánh giá các công trình nghiên cứu trong chương tổng quan, kết hợp với phần giới thiệu mở đầu có thể khẳng định rằng đề tài nghiên cứu mà luận án đề cập là rất mới. Chưa có tác giả nào nghiên cứu về liên kết hàn hybrid nhôm – thép dạng chữ T ở dạng tấm dày, hàn kín cả hai phía bằng quá trình hàn TIG như đề tài của bản luận án này. Việc nghiên cứu hàn trực tiếp nhôm với thép không mạ, không dùng thuốc hàn và không sử dụng lớp vật liệu trung gian cũng chưa có tác giả nào tiến hành cho nên đây sẽ là nội dung mới, cần phải được tập trung nghiên cứu, giải quyết.