ĐẶC TRƢNG THI PHÁP YÊU NGÔN 2.1 Không gian – thời gian nghệ thuật của Yêu ngôn
3.1. Cái đẹp và những giá trị văn hóa:
3.1.1. Trân trọng tài hoa và cái đẹp:
Là người say mê cái đẹp, Nguyễn Tuân luôn bày tỏ lòng ngưỡng mộ những cốt cách tài hoa nghệ sĩ, những con người có tư thế sang trọng bởi sinh ra trong một đất nước có hàng nghìn năm văn hiến. Ngay từ thưở Vang bóng một thời , Nguyễn Tuân đã đi vào những chủ đề thách đố đối với văn chương mà ít nhà văn dám bước vào: nghề ăn chơi, nghề đao phủ, nghề trộm cướp, nghề uống trà, nghề thả thơ, nghề đánh thơ, nghề sống... và Nguyễn Tuân đã nâng tất cả những ngành nghề ấy lên hàng nghệ thuật. Gắn với những nghề ấy là những con người dù họ trong sạch, thanh cao hay tăm tối, mê lạc, tội lỗi, dù họ là ông Huấn Cao, cụ Kép làng Mọc, cụ Sáu hay là Bát Lê, Lý Văn, Phó Kình..., thì những con người ấy đều có một điểm chung, chung nhau chữ nghề, họ là những tay nghề, những nghệ sĩ trong nghề của mình, trung thành với cái đẹp. Tiếp tục quan niệm ấy đến Yêu ngôn, những con người tinh hoa độc đáo, tài hoa nghệ sĩ cùng các thú chơi, lối sống của kẻ mang phong vận kỳ tài vẫn là những nhân vật lí tưởng của Nguyễn Tuân.
Người chủ đồn điền trong Lửa nến trong tranh là một con người đặc biệt. Có một sản nghiệp đáng giá nhưng niềm đam mê của ông không phải là việc làm giàu. Ông có một cái “cốt tài tử”, đó là thú ham sưu tầm tranh cổ.
Vào nhà ông “ người ta tưởng đấy là một nhà bảo tàng chứa tranh Tầu”. Tiền của mỗi vụ cà phê thu về rất nhiều nhưng ông đều cho đi mua tranh hết, đến nỗi “ người ta ngờ việc mở đồn điền chỉ là một cái cớ và mục đích muốn đạt được thì phải là một bảo tàng Viện cổ họa Trung Quốc kia”. Đã từ rất lâu rồi, ông ao ước được sở hữu một bức tranh quý, “nó vẽ một ông tướng già đang ngồi xem sách đêm trong quân trướng. Trên án sách có một ngọn nến cháy trên đế son. Góc phải bên án, có vẽ một thanh bảo kiếm tuốt trần ghếch lên cái hộp tướng ấn...”. Và lần này, để thỏa nguyện, ông cho người đi lùng bằng được bức tranh dù phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn. Khi bức cổ họa được đưa về, niềm hạnh phúc tràn trề của ông lại bị thay bằng nỗi thất vọng bởi bức tranh không còn nguyên bản, nó đã bị đánh tháo mất ruột, nghĩa là cái chỗ quý giá nhất đã không còn. Ông không tiếc tiền mà “ chỉ hận tiếc mình đã chẳng có duyên với vật báu”. Và để cho bức tranh cổ họa được một lần cháy sáng, ông đã chấp nhận sự hi sinh, đem tranh Hàn Kỳ ra “ châm lửa nến thí nghiệm” để cho công chúng một phen được thưởng thức cái lạ kỳ của bức cổ họa đó. Người chủ đồn điền quả thực là con người có lối tiêu khiển trang nhã, một lối sống văn hóa tuyệt vời thanh cao. Qua hình tượng này, Nguyễn Tuân dạy người ta nghệ thuật sống để tận hưởng cái ý vị tinh túy, sâu sắc của cuộc sống.
Những nhân vật chính diện trong Yêu ngôn của Nguyễn Tuân đều là những con người hiện thân cho sự phong nhã, thanh cao, “ những con người tài hoa, nhiều tình cảm, kinh lịch nhiều, sống kỹ lưỡng, sống rộng rãi không bao giờ chịu gò bó vào một khuôn khổ nào nhất định” [27, tr 54]. Người ta có thể nghĩ đến một chủ đề về văn hoá nhân cách, rải khắp những trang văn Nguyễn Tuân và ngay cả trên những trang kỳ dị Yêu ngôn. Ấm Đới (Đới Roi) có một cuộc đời đậm chất tiểu thuyết. Thuở trai trẻ phong lưu, Ấm Đới nặng lòng với chữ tình. Cậu say cô Tám như điếu đổ. Để làm đẹp lòng tình
nương, Ấm Đới đã lấy bộ chén ngọc liệu của nhà thờ họ chuyên dùng vào việc giỗ kỵ, “đem bán đắt bán rẻ đi sắm giường Hồng Kông” để cô Tám ngủ cho đỡ đau lưng, còn bao nhiêu thì “uống sâm- banh dần với tình”. Con người ấy cũng thật tài hoa trong làng chơi: đánh trống, chơi đàn...Cái gì cũng hay. Rồi cuộc sống đến lúc xế chiều, tiền hết, sức khỏe hết, cái tài hoa còn giữ lại được thì cũng chỉ là thừa, “tài tình như thế cũng hóa ra hão huyền”, Ấm Đới lâm vào cảnh cùng đường, “giờ sống bằng nghề chuốt roi chầu và vót gọng ô nan hoa xe đạp làm tiêm bán cho các tiệm”. Tên gọi Đới – Roi từ đấy mà ra. Cái tên ấy cũng thực xứng với cái tài chuốt thứ roi chầu quý. Ấm Đới có đôi roi chầu mà “ đánh đến một nghìn bài Thét Nhạc rồi mà đời một cái roi vẫn cứ lành vẹn”. Đôi roi được tạo nên “ một cây bằng gỗ Khổng, một cây bằng gỗ Nguyệt Quế. Roi gỗ Khổng khắc cả một bài Hữu Sở Tư chữ lệ và riêng mấy câu “ mỹ nhân hề mỹ nhân – Bất chi vi mộ Vũ hề vi chiêu vân – Tương tư nhất dạ...” thì viết theo lối hành thư. Roi gỗ Nguyệt Quế khắc một câu Thiên Thai Thanh đào bạch thạch dĩ thanh trần”. Đó là những nét khắc tinh xảo, là cái tình với đàn, với trống với kỹ viện của Ấm Đới. Khi sa cơ, gặp người khách biết cái giá trị của đôi roi chầu, Ấm Đới cũng chỉ bán đi một cây, còn một cây giữ làm kỷ niệm cho cái đời đàn hát của mình. Ấm Đới có thể chuốt loại roi chầu gỗ găng tầm thường kém giá trị để kiếm sống, nhưng lại không chịu sống bằng lòng thương hại của người tri kỷ. “ Đới – Roi hiểu Vy thương mình lắm. Nhưng gắn cái thân mình vào đời Vy chàng thấy là buộc một quả chì vào đời người ta để rồi mà chịu ơn đời đời. Mà từ sau phút này, từ chối Vy nữa, chàng thấy sống là một sự hết cả vui”. Người nghệ sĩ cùng đường ấy đã chọn cái chết để chấm dứt cuộc sống vô vị, để nguyên vẹn một nhân cách. Cái cốt cách sang trọng ấy cũng có thể thấy ở Bá Nhỡ (Chùa Đàn), ở Bố Ô (Rượu bệnh). Qua hàng loạt nhân vật trong Yêu ngôn, có thể thấy Nguyễn Tuân quan niệm về con người khác hẳn
các cây bút đương thời. Ông chia thế giới nhân vật của mình theo tiêu chí thẩm mỹ. Tất cả những nhân vật chính diện được ông mô tả như những tâm hồn nghệ sĩ tài hoa. Còn những nhân vật phản diện hiện lên như những kẻ phàm phu tục tử, thô lỗ, ngu độn, dốt nát, chỉ biết phụng sự đồng tiền. Những nhân vật có tâm hồn tài hoa nghệ sĩ được ông thể hiện rất phong phú, sinh động, đa dạng. Họ rất đẹp, nhưng luôn khiến người đọc bị ám ảnh bởi cảm giác mong manh, dễ đổ vỡ, dễ tan biến. Đó phải chăng là sự bạc mệnh muôn đời của tài hoa . Những vẻ đẹp ấy như được bao bọc bởi một màn sương mờ ảo có thể tan biến bất cứ lúc nào, và khi đó nó chỉ còn để lại chút vang bóng một thời.