ĐẶC TRƢNG THI PHÁP YÊU NGÔN 2.1 Không gian – thời gian nghệ thuật của Yêu ngôn
3.1.2. Tái hiện những khung cảnh sống, những nét đặc thù văn hóa.
Nguyễn Tuân sinh ra tại phố Hàng Bạc, giữa nơi ba mươi sáu phố phường nghìn năm của Hà Nội. Quê ông ở ngoại thành, làng Mọc, một vùng đất quê nổi tiếng của nhiều danh nho đời cũ. Thân sinh của ông là một nhà nho tài hoa đậu khoa thi Hán học cuối cùng. Từ nhỏ ông đã được sống trong nền văn hóa dân tộc, với những cảnh sắc, phong tục, nền nếp, với cách ăn ở vui chơi từ một thời xưa đang tàn dần. Có thể nói Nguyễn Tuân là một tài tử nhà nòi, đã sống thật chín cái cái nếp sống của một thời vang bóng kia và cái hồn dân tộc, cái chất văn hóa truyền thống của dân tộc đã ngấm vào máu thịt nhà văn. Điều đó đã tạo nên một Nguyễn Tuân luôn biết trân trọng cái đẹp, cái quý của văn hóa. Khi viết về những cái xưa cũ, những cái thuộc về quê hương đất nước hay những cái có thể tưởng tượng nhớ đến quê hương đất nước, ông viết tinh vi và sâu sắc” (Vũ Ngọc Phan). Những giá trị tích cực nhất của sáng tác Nguyễn Tuân trước cách mạng tháng Tám là tinh thần dân tộc biểu hiện qua việc khai thác và gìn giữ cái đẹp truyền thống.
Cái phong vị thắm đượm trên nhiều trang viết của Nguyễn Tuân là tấm lòng gắn bó máu thịt ân tình với văn hóa dân tộc – từ cảnh vật, không
khí của quê hương đất nước cho đến nếp sống, điệu cảm quen thuộc với mỗi người Việt Nam.
Nguyễn Tuân là một nhà văn “đặc Việt Nam” (chữ dùng của Vũ Ngọc Phan) và chính ông cũng tự “ cảm thấy lòng tôi vẫn là một tấm lòng An Nam hoàn toàn giữa một ngày 29 tết” [55, tr 286].
Tinh thần dân tộc ở Nguyễn Tuân là nội lực chủ yếu giúp ông hồ hởi “ lột xác”, là mãnh lực níu ông lại trên triền dốc xê dịch ăn chơi để giữ mình khỏi thành sa đọa. Thẳm sâu trong ông thắm đượm tình cảm với từng chút hương xưa của đất nước. Trong văn chương Việt Nam, Nguyễn Tuân là người đầu tiên làm sống lại thời cũ với những vẻ đẹp riêng, cũng là người luôn quan tâm đến những giá trị văn hóa cả vật chất lẫn tinh thần thuần túy dân tộc như vậy. Những trang đượm phong vị Việt Nam ấy, như giáo sư Hoàng Như Mai nhận định, đã “ bảo tồn, lưu truyền những tinh hoa của dân tộc... là phong độ, là lối sống của con người Việt Nam từ nghìn xưa mà nghìn sau có trách nhiệm phải thừa kế, tài bồi”.Ở những trang tuyệt bút của
Yêu ngôn nhà văn luôn nung nấu thiết tha một nỗi niềm dân tộc. Dẫu Gốc Dó thần đã kết tinh thành nàng tiên ngọc (Xác ngọc lam) thì nàng tiên ngọc ấy vẫn cần ăn chất vỏ dó, cần được sưởi ấm bằng chất đó quê hương: “ Hồn đá này phải ăn chất vỏ dó”, thiếu dó thì dẫu có là thần tiên thì cũng sẽ chết khô. Tinh túy của cái đẹp là gì nếu không phải là đã kết tinh từ cội nguồn văn hóa dân tộc. Văn hóa là một dòng chảy liên tục từ quá khứ đến hiện tại. Với Nguyễn Tuân, quá khứ là nơi hội tụ những tinh túy của tâm hồn Việt, văn hóa Việt. Trong “ Vang bóng một thời” người đọc được đón nhận bao nhiêu kiến thức văn hóa tinh tế: pha một ấm trà như thế nào để có được một chén trà ngon, để trong chén trà ấy có sự kết đọng của trời, của đất, của sương đêm, của hương hoa...và đặc biệt là cả tấm lòng, cả tâm hồn của người pha trà, để uống trà không chỉ là chuyện ăn uống mà trở thành cả một
nghệ thuật, nếu chưa phải là trà đạo thì chí ít cũng phải là nghệ thuật của ẩm thực; một nét chữ được viết ra sao để nó không chỉ là nghệ thuật thư pháp mà nét chữ ấy còn là nét người, là cái chí, cái hoài bão tung hoành của đời người; cách ra chữ để đố một câu thơ, làm sao để chữ ấy có thần nhất, tài hoa nhất...Tất cả những kiến thức ấy là hồn dân tộc, là chất Việt Nam, văn hóa Việt Nam, đến Yêu ngôn không hề vơi cạn đi mà ngược lại vẫn hết sức đậm đà và có thêm những diện mạo phong phú hơn. Ý thức dân tộc, lòng yêu nước ở Yêu ngôn thể hiện bằng tình yêu cái đẹp quá khứ hiện diện trong không gian, thời gian, cảnh vật, con người, đời sống quá khứ, từ Xác ngọc lam, Trên đỉnh non Tản, Khoa thi cuối cùng, Rượu bệnh. Trong Rượu bệnh
nhà văn đã tái hiện một khung cảnh Hà Nội xa xưa mà rất đỗi quen thuộc với những cửa Ô, cảnh buôn bán tấp nập trên bến dưới thuyển, cảnh những cô gái gánh hàng rong đi bán khắp phố phường, những người hành khất nay cửa ô này mai cửa ô khác sống nhờ vào lòng thương của người đời mà cốt cách vẫn rất hào hoa, để rồi khi vắng bóng họ thì phố phường chợt trở nên hoang vu lạnh lẽo, thiếu sinh khí... Ở Khoa thi cuối cùng nhà văn giúp ta biết cách chọn một tờ giấy, một cây bút, một thỏi mực thật đúng cách cho sĩ tử và trường thi: bút lông phải là thứ bút “ Tảo Thiên Quân lông trắng”; mực viết phải là “ thỏi Hoàng Tam Xương vàng” giấy phải là “ giấy lịch Bưởi”... Nhà văn không chỉ tỏ ra am hiểu sâu sắc về giấy bút mực nơi trường ốc mà còn như đặt cả tâm hồn mình vào những tên gọi xa xưa đầy chất văn hóa ấy! Và không chỉ có vậy Khoa thi cuối cùng còn tài tình biết bao khi dựng không khí một mùa thi với sự náo nức, tất bật của sĩ tử. Năm nay nhà nước lại mở khoa thi, có những ông đồ già râu tóc đã ngả màu vì sự đùa nhả của công danh đánh lừa suốt mấy phen, chuyến này cũng cố chen ra hồ vớt lấy một chút phấn hương cuối chầu của triều đình. Trường Hà Nam hợp thi khoa Mậu Ngọ còn nhộn nhịp gấp mấy khoa Ất Mão trước và đây là cảnh
trường thi vô cùng quen thuộc người đọc từng gặp trong thơ Tú Xương, thơ Nguyễn Khuyến, trong “ Lều chõng” của Ngô Tất Tố. Đây là cảnh tượng trong Khoa thi cuối cùng: khi tiếng loa đồng xoáy sâu vào màn mưa lạnh, thân hình các nho sinh “chỉ là một thân cột cứng đờ mà sự thi cử đã mắc vào đấy biết bao nhiêu thứ múi, dây lòng thòng, dây lều, dây chõng, dây buộc bộ gọng, ống quyển...”
Làm nên một đất nước Việt Nam cổ kính, không thể không nhắc tới
những làng nghề thủ công truyền thống. Trong Yêu ngôn thấy hiện lên khá dồi dào “bách nghệ trong nước” lừng danh thiên hạ không chỉ bởi cái đẹp mà còn bởi sự tài hoa của bàn tay con người, bởi sự “lành nghề” của một dân tộc có hàng nghìn năm văn hiến. Có thể nói làm nên linh hồn những trang viết tài hoa nhất của Nguyễn Tuân là một tình cảm dân tộc thiết tha gắn liền với những giá trị văn hóa cổ truyền của đất nước mà tổ tiên ông bà đã gửi gắm lại. Nguyễn Tuân xứng đáng được gọi là nhà văn của một dân tộc có văn hóa, có thẩm mĩ.
Không chỉ ở Vang bóng một thời mà trong Yêu ngôn dù là truyện ma thì vẫn là truyện ma của một thời đã lùi vào quá vãng, cái thời còn có những anh khóa văn hay chữ tốt nhưng trời không cho đỗ đạt nên bị hồn ma báo oán; cái thời mà các lò giấy làng Hồ Khẩu chuyên chế loại giấy ngự chỉ tiến vua và đóng quyển thi cho các sĩ tử, cái thời mà sách vở thánh hiền còn in bản gỗ, bìa đánh cây, gáy sơn son và người có chữ nghiêm trang ngồi đọc bên chiếc lư trầm tỏa làn khói nhạt; cái thời mà sơn thần Tản Viên thường xuống cõi trần gọi thợ lên sửa đền trên đỉnh Ba Vì sau mỗi lần đụng độ dữ dội của hai kẻ tình địch. Mượn câu chuyện người thợ được thần núi Tản triệu lên dựng đền, Nguyễn Tuân cho độc giả thấy các sức mạnh bốn nghìn năm của dân tộc, khí thiêng sông núi vẫn còn đó, vẫn lẫm liệt uy nghi.
Đó chính là văn hóa Việt, tâm hồn Việt mà Nguyễn Tuân biết kế thừa khai thác, phát huy để làm nên cho Yêu ngôn một thế giới nghệ thuật riêng, rộng dài hơn rất nhiều chủ đề huyễn tưởng ma mị vốn là một kiểu tư duy nghệ thuật đặc thù của Yêu ngôn.