Sau một năm rưỡi chính thức được vận hành thị trường UPCoM còn tồn tại những hạn chế sau:
Thứ nhất, quy mô thị trường còn rất nhỏ, không đạt được mục tiêu ban đầu do UBCKNN đề ra.
Tính đến cuối tháng 12/2010 chỉ có 108 công ty đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, một con số rất nhỏ so với mục tiêu ban đầu mà UBCKNN đưa ra là 1,000 công ty đại chúng sẽ lên sàn UPCoM trong năm 2009.
Thứ hai, thị trường UPCoM chưa thu hút được các công ty đại chúng có chất lượng, hàng hoá còn thiếu và chưa đa dạng, giao dịch tập trung tại các mã của các CTCK.
Hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là các ngân hàng đều có xu hướng niêm yết trên HoSE hoặc HNX để nâng cao uy tín và thương hiệu, còn sàn UPCoM thực tế là sân chơi của các doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ tiêu chuẩn để niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán tập trung.
Chỉ có một số ít mã của các doanh nghiệp lớn trên UPCoM gây được chú ý và được giao dịch thường xuyên là: APS, TAS, VDS, API, SME... Còn lại hầu hết
đều là các cổ phiếu nhỏ, ít thanh khoản, thậm chí có nhiều mã không có giao dịch trong nhiều phiên liên tiếp.
Thứ ba, thanh khoản kém, UPCOM-Index đi giật lùi.
Chính thức mở cửa ngày 24/6/2009 với 10 cổ phiếu được giao dịch, UPCoM-Index mặc định ở mức 100 điểm và đóng cửa thị trường với hơn 1 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, GTGD đạt gần 19 tỷ đồng. Đến ngày 25/6 với biên độ dao động là +/-10%; UPCoM-Index đóng cửa ở mức 93.71 điểm, giảm 6.29 điểm tương ứng 6.29%. Tổng khối lượng trong phiên này giảm mạnh 60% so với ngày đầu giao dịch, chỉ đạt 380,277 cổ phiếu, trị giá 6,2 tỷ đồng. Tính đến phiên giao dịch cuối tháng 12/2010 với 108 công ty đăng ký giao dịch, UPCoM-Index đạt 45.19 điểm, mất hơn 50 điểm so với phiên giao dịch đầu tiên.
Sở dĩ thị trường UPCoM còn những tồn tại và hạn chế nêu trên là do:
Thứ nhất, cơ chế giao dịch trên UPCoM chưa thực sự phù hợp để thu hút nhà đầu tư.
Khi mới đi vào vận hành cơ chế giao dịch trên UPCoM đã bộc lộ rõ những hạn chế khi áp dụng phương thức thỏa thuận điện tử và thỏa thuận thông thường, thời gian giao dịch buổi sáng bắt đầu từ 10 giờ đến 11 giờ 30. Thị trường này chưa thực sự sôi động và chưa thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Để cải thiện tình hình nhằm thúc đẩy thị trường UPCoM phát triển, ngày 30/6/2010, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 95/2010/TT-BTC về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế Tổ chức và Quản lý giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết tại TTGDCK Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 108/2008/QĐ-BTC ngày 20/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Được sự chấp thuận của UBCKNN, SGDCK Hà Nội đã thay đổi phương thức giao dịch và kéo dài thời gian giao dịch trên thị trường UPCoM kể từ ngày 19/7/2010, cụ thể:
¾ Thay thế phương thức giao dịch thoả thuận điện tử bằng phương thức giao dịch khớp lệnh liên tục. Theo đó, HNX sẽ tổ chức giao dịch đối với chứng khoán đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCoM theo 2 phương thức: khớp lệnh liên tục và thỏa thuận thông thường.
¾ Kéo dài thời gian giao dịch hàng ngày từ 8 giờ 30 đến 15 giờ (nghỉ từ 11 giờ 30 đến 13 giờ 30), thay vì buổi sáng từ 10 giờ đến 11 giờ 30 và buổi chiều là từ 13 giờ 30 đến 15giờ như trước đó.
¾ Điều kiện được một thành viên cam kết hỗ trợ không còn là điều kiện bắt buộc để được giao dịch trên UPCoM.
Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2010 sau hơn năm tháng thay đổi phương thức giao dịch, kéo dài thời gian giao dịch, sàn UPCoM vẫn không cho thấy sự chuyển biến tích cực. Với 108 công ty lên UPCoM, thị trường này vẫn chưa thực sự tạo được chỗ đứng và vị thế trong con mắt nhà đầu tư, thậm chí cả các công ty đại chúng chưa niêm yết. Cụ thể:
¾ Số mã đăng ký tăng nhanh nhưng thanh khoản vẫn yếu. Mở cửa với 10 công ty đăng ký giao dịch vào ngày 24/6/2009, tổng vốn điều lệ hơn 1,285 tỷ đồng. Đến nay, con số này tăng lên 108 công ty, tổng vốn điều lệ đạt hơn 11,326 tỷ đồng, trong đó 77/108 công ty có vốn điều lệ dưới 80 tỷ đồng (điều kiện để niêm yết trên HoSE) và 31/108 công ty có vốn điều lệ trên 80 tỷ đồng. Tính bình quân toàn thị trường, vốn điều lệ các doanh nghiệp lên UPCoM là 104,8 tỷ đồng/công ty. Con số này cho thấy, quy mô của doanh nghiệp trên UPCoM không thua kém các sàn niêm yết. Tuy nhiên, khối lượng và GTGD trên sàn UPCoM luôn ở mức rất thấp. Từ khi mở cửa đến nay, KLGD bình quân mỗi phiên đạt gần 520,000 đơn vị, giá trị chỉ đạt hơn 7.6 tỷ đồng (bằng 0.054% tổng giá trị vốn hóa thị trường).
¾ Thực tế cho thấy những thay đổi trong phương thức giao dịch và thời gian giao dịch đã không cải thiện được tình hình trên UPCoM. Tác động tích cực chỉ xuất hiện vài ngày trước khi những thay đổi trên có hiệu lực. Ngay sau khi có tin về sự thay đổi trên UPCoM, dòng tiền chảy mạnh vào thị trường khiến khối lượng và GTGD tăng vọt. Nhà đầu tư tranh nhau đặt lệnh kịch trần khiến thị trường “đột ngột” đi lên trong 11 phiên liên tiếp, hàng chục cổ phiếu tăng trần bất chấp việc quy chế giao dịch chưa hề thay đổi do nhiều nhà đầu tư kỳ vọng việc thay đổi này sẽ khiến UPCoM hấp dẫn hơn, các cổ phiếu sẽ được các “đội lái” để ý và làm giá. Chỉ trong 19 phiên giao dịch (kể từ 22/6 đến 16/7), thị trường đã có 15 phiên tăng và 4
phiên giảm điểm. Chỉ số UPCoM-Index tăng hơn 30.57% từ mức 46.02 điểm lên 60.09 điểm, nhiều cổ phiếu trên sàn UPCoM đã tăng giá hơn 100% như NBW, BTW, TNB...
Tuy nhiên khi sàn UPCoM chính thức thay đổi giờ giao dịch và áp dụng phương thức khớp lệnh liên tục thì thị trường này lại liên tiếp giảm điểm. Ngay tại phiên đầu tiên việc thay đổi được áp dụng, UPCoM-Index giảm mạnh (giảm 1.37 điểm tức 2.78%) so với phiên giao dịch ngày 16/7/2010 và kết thúc phiên giao dịch cuối năm 2010, UPCoM-Index chỉ còn 45.19 điểm, giảm 14.9 điểm tức 25% so với phiên giao dịch ngày 16/7/2010. KLGD cũng như GTGD giảm mạnh, ngày 16/7/2010 toàn thị trường có 2.02 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, GTGD tương ứng đạt 37.21 tỷ đồng thì những phiên sau đó KLGD giảm mạnh, có những phiên chỉ có trên dưới 300,000 cổ phiếu được giao dịch.
Thứ hai, các CTCK chưa làm tốt vai trò của nhà tạo lập thị trường.
Các CTCK chưa tận dụng được ưu thế của phương thức giao dịch thỏa thuận nên đã ảnh hưởng đáng kể đến tính thanh khoản trên thị trường này.
UPCoM được xây dựng trên nguyên tắc là thị trường OTC có tổ chức. Giao dịch OTC với vai trò chính là các nhà tạo lập thị trường mà trung tâm là các CTCK. Với cách tổ chức như trên UPCoM thực hiện phương thức giao dịch thỏa thuận nhằm tạo ra tính linh hoạt và giao dịch trọn gói, nhà đầu tư khi có nhu cầu mua bán chứng khoán có thể đề nghị ngay với CTCK từ đầu về khối lượng và giá. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua các CTCK chưa phát huy được hết vai trò của mình một phần là do chưa đầu tư đúng mức về nguồn lực cho thị trường UPCoM, một phần do còn cảm thấy rủi ro đối với những chứng khoán có tính thanh khoản thấp.
Thứ ba, cơ chế công bố thông tin đối với sàn UPCoM còn khá lỏng lẻo.
UPCoM là thị trường mới ra đời, sự quan tâm và hiểu biết của các công ty và nhà đầu tư chưa đầy đủ. Nhiều công ty đại chúng còn quan niệm thị trường UPCoM là thị trường của các công ty có chất lượng thấp, do đó không muốn tham gia vì sợ ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp. Vì vậy việc minh
bạch thông tin là điều kiện cần thiết để nhà đầu tư và doanh nghiệp an tâm khi tham gia UPCoM.
Tuy nhiên, nhà đầu tư thường không nắm rõ về thông tin của các doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM do cơ chế công bố thông tin đối với sàn UPCoM còn khá lỏng lẻo. Các doanh nghiệp trên UPCoM ngoài việc phải công bố thông tin bất thường, chỉ phải thực hiện công bố báo cáo tài chính năm được kiểm toán và báo cáo thường niên. Nhà đầu tư chỉ được đọc bản cáo bạch khi doanh nghiệp chính thức giao dịch. Tình trạng công bố thông tin “nhỏ giọt” khiến nhà đầu tư chỉ hiểu biết tù mù về các công ty trên sàn này. Bên cạnh đó các CTCK còn thiếu dịch vụ hỗ trợ cung cấp thông tin cho nhà đầu tư. Rất ít báo cáo phân tích cổ phiếu trên UPCoM. Trên website của nhiều CTCK, cơ sở dữ liệu về UPCoM cũng không được cập nhật.
Ngoài ra, một yếu tố khác khiến UPCoM chưa thật sự hấp dẫn nhà đầu tư là có nhiều hàng hóa có tính thanh khoản cao trên 2 sàn HoSE và HNX nên sự lựa chọn của nhà đầu tư vẫn dành cho những cổ phiếu trên 2 sàn này chứ không phải UPCoM. Vì thế, chỉ số UPCoM-Index đã không thể trỗi dậy được như mong muốn của cơ quan quản lý và KLGD đến nay cũng chỉ ở mức thấp.
Với những tồn tại và hạn chế nêu trên, thực tế cho thấy thị trường UPCoM thực sự chưa đạt được những mục tiêu mà SGDCK Hà Nội, nhà đầu tư và doanh nghiệp kỳ vọng.