I. Vị trí, chức năng của Gia đình trong xã hộ
d) Chức năng thoả mãn các nhu cầu tâm sinh lý, tình cảm của gia
đình.
Nếu như trình độ sản xuất kinh doanh, hoạt động kinh tế và tổ chức
đời sống gia đình là điều kiện và tiền đề vật chất của xây dựng gia đình, thì thoả mãn các nhu cầu tâm sinh lý được coi là một chức năng có tính văn hoá - xã hội của gia đình. Chức năng này có vị trí đặc biệt quan trọng, cùng với các chức năng khác tạo ra khả năng thực tế cho xây dựng gia đình hạnh phúc. Nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến giới tính và giới, tâm lý lứa tuổi và thế hệ, những căng thẳng mệt mỏi về thể xác và tâm hồn trong lao động và công tác... nhiều khi có thể được giải quyết trong một môi trường gia
đình hoà thuận. Sự hiểu biết, cảm thông, chia sẻ và đáp ứng các nhu cầu tâm sinh lý giữa vợ - chồng, cha mẹ - con cái... làm cho mỗi thành viên có
điều kiện sống lạc quan, khoẻ mạnh về thể chất và tinh thần là những tiền
đề cần thiết cho một thái độ, hành vi tích cực trong cuộc sống gia đình và xã hội.
Gia đình là một thiết chế đa chức năng. Mọi thành viên gia đình, tuỳ
thuộc vào vị thế, lứa tuổi... đều có quyền và nghĩa vụ thực hiện các chức năng nói trên. Trong đó, người phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi họ là người do đặc thù tự nhiên - sinh học, đảm nhận và thực hiện một số
thiên chức không thể thay thế. Tuy nhiên, trong quá trình lịch sử, phụ nữ là những người vất vả, cực nhọc và chịu nhiều thiệt thòi nhất cả trong quan hệ
xã hội lẫn trong quan hệ gia đình. Do đó, giải phóng phụ nữ được coi là một mục tiêu quan trọng của cách mạng xã hội chủ nghĩa, cần phải được bắt đầu từ gia đình.
Gia đình, thông qua thực hiện các chức năng khách quan vốn có của mình, có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển xã hội, nhưng chỉ với tư cách là của cái bộ phận đối với cái toàn thể. Mọi quan điểm tuyệt đối hoá, đề cao quá mức hay phủ nhận, hạ thấp vai trò của gia đình đều là sai
lầm.