So sánh sự khác biệt trong quá trình hình thành nhà nước đầu tiên ở Việt Nam so với các nước phương Đông khác và phương Tây là một công việc có nhiều ý nghĩa trong nghiên cứu về lịch sử nhà nước và pháp luật. Từ việc so sánh đó chúng ta sẽ khái quát được những đặc trưng riêng, nổi bất gắn với sự ra đời của nhà nước ở Việt Nam nói riêng và ở các nước khác ở phương Đông và phương Tây nói chung.
Trên cơ sở phân tích quá trình hình thành của nhà nước Văn Lang – Âu Lạc ở Việt Nam, nhà nước cổ đại ở Ấn Độ, Trung Quốc và quá trình ra đời của nhà nước A-ten ở Hy Lạp, nhà nước La Mã, nhìn chung chúng tôi đã có được những thông tin sơ bộ để có thể thiết lập các tiêu chí nhằm so sánh sự khác biệt giữa các đối tượng đó. Ở đây đối tượng trung tâm là quá trình ra đời của nhà nước đầu tiên ở Việt Nam.
So với quá trình hình thành của các nhà nước phương Đông khác trong lịch sử, chúng ta có thể thấy rằng, quá trình ra đời của nhà nước Văn Lang có khá nhiều điểm tương đồng. Đó là sự tương đồng về con đường xã hội đi vào có giai cấp, tương đồng về những cơ sở hình thành nhà nước, và về kiểu nhà nước. Chỉ có một số điểm khác biệt về thời gian ra đời và việc tổ chức bộ máy nhà nước. Nhà nước đầu tiên ở Việt ra đời khá muộn so với các quốc gia ở Ấn Độ và Trung Quốc. Thêm nữa do sự khác nhau về các đặc điểm về lãnh thổ, sự ổn định của xã hội,…, mà nhà việc tổ chức nhà nước Văn Lang so với các quốc gia đó cũng có sự khác nhau. Nhưng nhìn chung vẫn tồn tại một nhà nước chuyên chế với vua là người đứng đầu. Khi so sánh quá trình ra đời của nhà nước Văn Lang với các nhà nước ở phương Tây như Hy Lạp, La Mã, chúng ta nhận thấy rằng hầu như giữa các đối tượng này có khá nhiều điểm khác biệt nhau. Chỉ có thời gian xuất hiện là tương đối gần nhau mà thôi. Trước hết về con đường đi vào xã hội có giai cấp cũng khác nhau khá lớn, điều này đã tác động đến việc xuất hiện của các hình thức sở hữu ruộng đất và sự phân hóa của xã hội. Nếu như nhà nước Văn Lang ra đời khi các cơ sở về kinh tế, xã hội chưa chín muồi, ở đây nhân tố thủy lợi và tự vệ đóng một vai trò thúc đẩy sự hình thành của nhà nước đó diễn ra sớm hơn. Còn ở các nước
phương Tây, sự xuất hiện của chế độ tư hữu, sự phát triển của thương nghiệp, các cuộc chiến tranh,…, đã làm cho chế độ nô lệ phát triển mạnh. Xã hội tồn tại mâu thuẫn gay gắt giữa chủ nô và nô lệ. Cuối cùng nhà nước của giai cấp chủ nô, tức giai cấp thống trị đã ra đời. Ngoài ra sự khác biệt còn thể hiện trong việc tổ chức bộ máy nhà nước. Không giống như ở Việt Nam và các nước phương Đông khác, nhà nước ở Hy Lạp, La Mã mang tính “tập thể” cao, quyền lực của nhà nước không tập trung vào tay một người, mà được phân bổ ra các cơ quan khác nhau (Đại hội nhân dân, Viện nguyên lão, quan chấp chính,…). Xét về kiểu nhà nước, trong khi chúng ta còn đang loay hoay trong việc xác định kiểu nhà nước của các quốc gia cổ đại phương Đông thì có thể thấy rằng, Hy Lạp và La Mã thực sự là những nhà nước nước chiếm hữu nô lệ điển hình. Còn ở Việt Nam và các nước phương Đông khác, kiểu nhà nược được đưa vào khái niệm “phương thức sản xuất châu Á”.
Việc so sánh và rút ra những điểm khác biệt trong quá trình hình thành nhà nước đầu tiên ở Việt Nam so với các quốc gia khác ở phương Đông và phương Tây đòi hỏi phải trải qua một quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp cận với nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Do đây chỉ là một bài tiểu luận nhỏ, nên chắc chắn vẫn chưa thể giải quyết được hết những vấn đề đặt ra, chính vì thế chúng tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn nữa để có thể nghiên cứu và có những kết quả khách quan trong thời gian sắp tới.