phải đưa đến chế độ nô lệ. Từ sự phân công xã hộ lớn đầu tiên, đã nảy sinh ra sự phân chia lớn đầu tiên trong xã hội thành hai giai cấp chủ nô và nô lệ, kẻ bóc lộc và người bị bóc lột”26. Với sự mở rộng của thương mại, với tiền và nạn cho vay nặng lãi, với quyền sở hữu ruộng đất và chế độ cầm cố, sự tích tụ và tập trung của cải vào tay một giai cấp ít người đã diễn ra nhanh chóng, cùng lúc với sự bần cùng hóa ngày càng tăng nhanh của quần chúng. Bên cạnh những người dân tự do phân chia thành nhiều giai cấp tùy theo tài sản của họ, thì số nô lệ nhất là ở Hy Lạp, lại tăng lên rất đông, lao động cưỡng bách của họ là cơ sở trên đó được xây dựng thượng tầng kiến trúc của toàn xã hội. Đồng thời sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế đã gây ra một sự xáo trộn đối với dân cư ở các bộ lạc, người ta bắt đầu thành lập những cơ quan quản lý chung giữa các bộ lạc đó với nhau để tiến hành quản lý xã hội. Nhà nước đã ra đời trên nền tảng đó, sự phát triển của chế độ tư hữu, sự phân hóa xã hội thành các giai cấp, giai cấp chủ nô và nô lệ, giữa hai giai cấp này có sự mâu thuẫn gay gắt. Nhà nước chiếm hữu nô lệ ra đời để đảm bảo sự thống trị của giai cấp chủ nô đối với giai cấp nô lệ, và đảm bảo bóc lột giữa hai giai cấp đó.
Tổ chức bộ máy nhà nước
Là một nhà nước sơ khai, được thành lập khi các điều kiện chưa chín muồi, đồng thời phạm vị lãnh thổ cũng khá nhỏ so với các nước khác, chính vì thế, bộ máy nhà nước Văn Lang còn khá đơn giản. Cũng giống như các nước phương Đông khác, đứng đầu bộ máy nhà nước là vua, vua có quyền sở hữu toàn bộ ruộng đất trong nước, đồng thời cũng là người nắm toàn bộ quyền lực chính trị trong tay. Giúp việc cho vua ở trung ương có các quan văn gọi là Lạc hầu. Đất nước được chia thành các bộ, lạc tướng là người đứng đầu các bộ đó. Dưới bộ là các kẻ, chiêng, chạ, thực chất là các công xã nông thôn. Bồ chính là người giúp vua cai quản các đơn vị cơ sở này. Như vậy có thể thấy rằng, bộ máy cai trị thời Văn Lang khá đơn giản, nhưng vẫn đảm bảo được việc quản lý toàn bộ đất nước.
Nếu như Văn Lang là một nhà nước có lãnh thổ khá nhỏ, thì Ấn Độ cũng như Trung Quốc lại là những quốc gia có lãnh thổ rộng lớn. Tuy đứng đầu vẫn là vua (radiah ở Ấn Độ, thiên tử ở Trung Quốc), nhưng việc tổ chức bộ máy chính quyền có vài điểm khác so với nhà nước Văn Lang. Chẳng hạn ở Ấn Độ, vào thời vương quốc Ma-ga-đa thống nhất được Ấn Độ, việc quản lý đất nước trở nên khó khăn hơn, chính vì thế bộ máy nhà nước cũng cồng kềnh và phức tạp hơn. Dưới nhà vua là Hội đồng cơ mật, là cơ quan tư vấn cho nhà vua. Các bộ trong triều đình do các thừa tướng, thượng thư đứng đầu. Đơn vị cơ sở là làng và có các chức quan cai trị. Bên cạnh đó, ở Ấn Độ cũng tồn tại các công quốc nhỏ, có quyền tự trị, nhưng những người đứng đầu các công quốc đó vẫn bị quyền lực của vua chi phối, và không có quyền sở hữu ruộng đất. Điều này cũng giống như Trung Quốc vào thời Chu, đứng đầu là vua những đất nước lại bị chia nhỏ thành các nước chư hầu khác nhau. Như vậy, ở Trung Quốc và Ấn Độ, tình tập quyền không cao như ở Việt Nam, đây cũng là một hệ quả do lãnh thổ của đất nước quá rộng lớn.
Tổ chức bộ máy nhà nước của các nhà nước phương Tây hoàn toàn khác với tổ chức bộ máy nhà nước ở Việt Nam cũng như các nước phương Đông. Ở Hy Lạp và La Mã, nhà nước do tập thể lãnh đạo chứ không phải cá nhân chuyên quyền như ở phương Đông. Điều này do sự quá trình tan rã của công xã thị tộc chi phối, khi mà chế độ tư hữu được phát triển rộng rãi. Chẳng hạn ở Hy Lạp, sau cuộc cải cách của Cơ-li-xten, đất nước được chia thành các khu hành chính tự trị gọi là phi-lai, những cư dân trong khu đó được quyền bầu cử để chọn ra thủ lĩnh của mình. Các cơ quan quyền lực nhà trước đó cũng được thay đổi, Hội đồng năm trăm thay thế cho Hội đồng bốn trăm, đây là Hội đồng nhân dân gọi là “bu-lê”. Đây là một tập hợp các đại biểu từ mười liên khu, họ được bóc thăm theo tỷ lệ dân số ở mỗi liên khu. Hội đồng năm trăm chính là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, còn các trưởng bộ lạc và các viên chức khác thì đảm nhiệm ngành hành chính và tư pháp. Ở A-ten không có viên chức đứng đầu quyền hành pháp. Như vậy, nhà nước A-ten là một nhà nước theo chế độ cộng hòa dân chủ, quyền lực nhà nước không được tập trung vào tay một cá nhân, nhưng là những cơ quan do nhân dân trong nước bầu ra. Đó là một điểm tiến bộ hơn so với tổ chức bộ máy nhà nước Văn Lang và các nước ở phương
Đông. Ở La Mã cũng thế, việc quản lý đất nước được tiến hành “dựa trên cơ sở phân chia địa vực và trên sự chênh lệch tài sản, một tổ chức nhà nước thực sự. Ở đây, quyền lực công cộng thuộc về những công dân có nhiệm vụ phải làm nghĩa vụ quân sự…”27 mà đại diện của nó là đại hội các xen-tu-ri.
Kiểu nhà nước
Từ năm hình thái kinh tế xã hội theo lý luận của những nhà mác-xít (không có phương thức sản xuất châu Á), chúng ta thấy rằng bắt đầu từ hình thái chiếm hữu nô lệ nhà nước chính thức xuất hiện trong lịch sử, như vậy tương ứng với các hình thái có sự tồn tại của nhà nước, người ta đã chia các kiểu nhà nước trong lịch sử thành: nhà nước chiếm nô, nhà nước phong kiến, nhà nước tư sản và nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Việc xem xét và xác định kiểu nhà nước của các quốc gia cổ đại phương Đông và phương Tây hiện nay gặp khá nhiều khó khăn do ở hai khu vực này sự hình thành và phát triển của các nhà nước đầu tiên không hoàn toàn giống nhau, mà có những đặc trưng riêng của mình. Đã có rất nhiều nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước áp đặt một cách móc lý luận của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin khi cho rằng các quốc gia cổ đại ở phương Đông như Ấn Độ, Trung Quốc đều thuộc kiểu nhà nước chiếm nô. Ngay cả đối với nhà nước Văn Lang – Âu Lạc cũng thế, có rất nhiều học giả, nhà nghiên cứu khẳng định đó là một nhà nước chiếm hữu nô lệ. Nhưng dựa trên những phân tích về đặc trưng của quá trình hình thành và phát triển của các nhà nước cổ đại phương Đông cũng như phương Tây, ngày này chúng ta có thể tạm thời xếp các nhà nước ở phương Đông vào kiểu nhà nước chuyên chế thuộc khái niệm “phương thức sản xuất châu Á”, còn các nước như Hy Lạp, La Mã ở phương Tây thì chắc chắn thuộc kiểu nhà nước chiếm nô.
Khi so sánh về kiểu nhà nước của nhà nước Văn Lang – Âu Lạc với các nhà nước khác ở phương Đông và phương Tây, chúng tôi nhận thấy rằng, giữa nhà nước đầu tiên ở Việt Nam so với các nhà nước khác ở phương Đông không có sự khác biệt nhiều lắm về kiểu nhà nước, mà ở đây, một điều rõ ràng nhất chính là sự khác biệt so với các nước phương Tây cổ đại.