6. Cấu trúc luận văn
2.2. Dùng lớp từ ngữ biệt ngữ và khẩu ngữ
2.2.1. Lớp từ ngữ biệt ngữ
Do đặc điểm mang hình thức giả trinh thám, tác phẩm Những ngã tư và những cột đèn có sử dụng hai lớp biệt ngữ xã hội tiêu biểu. Lớp thứ nhất là lớp từ tiếng lóng của Dưỡng và các bạn anh, vốn là lính tàu bò; lớp thứ hai là lớp biệt ngữ trinh thám.
Ở đây, chúng tôi tìm hiểu đặc điểm lớp biệt ngữ của Trần Dần dựa trên việc xác định biệt ngữ xã hội. Tiếng lóng là tên gọi một lớp từ chung: “là một bộ phận từ
ngữ do những nhóm, những lớp người trong xã hội dùng để gọi tên những sự vật,
hiện tượng, hành động… vốn đã có tên gọi trong vốn từ vựng chung, nhằm giữ bí mật trong nội bộ nhóm mình, tầng lớp mình.” [20, tr. 224].
Lớp biệt ngữ này xuất hiện với một tần suất dày đặc trong tác phẩm Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần. Trước hết là lớp tiếng lóng được nhân vật chính – Dưỡng tàu bò – sử dụng. Có thể thấy đó là những từ ngữ của giới ngụy binh, giang hồ thường sử dụng. Đó là những từ như: xuya, rúc, mắt xanh, tem, trò đúp – trò kép, đớp
– kép, taplô, đớp, hít, nhọ, hủi, anbom con lợn, thịt, dằn di, tếch, oẳn thằn lằn, bú dù….
Lớp tiếng lóng này thường xuất hiện trong những ngữ cảnh có liên quan đến tình hình chính trị cụ thể. Chẳng hạn, khi nhân vật Đoành kể về những ngày đi trốn của mình: “Nhoong ếp là một thằng Hồng Kông, là một thằng Xicagô, là một oẳn thằn lằn.” [67, tr. 34]. Hay như khi bàn bạc về cách sống trong khu phố mới: “Chỉ có
đớp và hít là không ai cấm. Việc quái gì mà sợ” [67, tr. 44]. Hay lúc Dưỡng dọa vợ mình sẽ bỏ đi vì cảm thấy bế tắc trước cuộc giao thời: “Tôi mà ức lên, tôi tếch thẳng. Cô không đi theo, tôi tếch một mình” [67, tr. 40]. Hoặc chán nản cùng cực khi bị khu phố nghi ngờ, khinh miệt: “Chỉ biết thế là hủi to rồi, cho cuộc đời bú dù của tôi, từ đêm nay” [67, tr. 59], v.v..
Đặc điểm đầu tiên của lớp tiếng lóng này là tính riêng biệt của nó so với ngôn ngữ toàn dân không cao. Khác với lớp tiếng lóng của một tổ chức cụ thể (điển hình như băng móc túi trong tiểu thuyết Bỉ Vỏ của nhà văn Nguyên Hồng), lớp tiếng lóng trong Những ngã tư và những cột đèn không yêu cầu tính bí mật tuyệt đối. Một số từ vẫn có mối liên hệ tương tự trong ngôn ngữ chung. Chẳng hạn như những từ rúc
(trốn) được dùng để chỉ hành động lẩn tránh chờ đến ngày bộ đội tiếp quản thủ đô: “Mày biết Tình Bốp rúc ở đâu không?” [67, tr. 34]; hay nhọ được dùng để chỉ tình trạng bị nghi ngờ, mang điều tiếng không tốt: “Dù sao cũng bị nhọ rồi, năm thằng càng phải giữ: tránh giao du những địa chỉ nhọ, cứ tìm những nơi minh bạch, sạch sẽ mà đớp hít”.[67, tr. 44]; những từ đớp, hít được dùng để chỉ việc ăn uống, chơi bời, hưởng thụ, làm những việc có lợi cho mình: “Chỉ có đớp hít không thôi, như mày nói lúc nãy, thì có gì mà sợ.” [67, tr. 45]; hay để chỉ những dịp có cơ hội tốt để kiếm chác: “Hãy sử dụng chân lí đớp hít, vì thiên hạ đánh lẫn nhau, cũng chỉ vì đớp với
hít.” [67, tr. 46].
Đặc điểm thứ hai của lớp tiếng lóng này là cơ chế hình thành của chúng chủ yếu dựa trên cơ sở ẩn dụ. Từ hủi là một trường hợp điển hình như thế: “Mẹo à. Thiếu gì mẹo hủi.” [67, tr. 44]. Nghĩa gốc của từ là bệnh hủi, vốn là bệnh không có thuốc chữa, người bệnh phải bị cách ly khỏi cộng đồng. Chính vì vậy, hủi ở đây được dùng với nghĩa là hành động xấu xa, không trong sáng, tình trạng không may mắn.
Nhân vật Dưỡng thường dùng từ trò đúp/ trò kép để chỉ thái độ sống của mình giữa một khu phố đang sôi sục tinh thần đấu tố, giáo dục tư tưởng, lập trường. Chẳng hạn trong câu: “Tình Bốp nói: “Ừ, đúp. Họ chơi trò đúp, với mày. Mày trả lời, bằng trò đúp. Nhưng tao đề nghị, dùng danh từ trò-kép.” [67, tr. 97]. Kép/ đúpở đây là từ chỉ số lượng: số 2. Khi được dùng trong lời của Dưỡng và các bạn, nó trở thành thái độ sống hai mặt: bên ngoài làm ra vẻ nghe theo khu phố, bên trong lại nghi ngờ để đối phó với tất cả những lời ấy. Do vậy, trò đúp/ trò kép được xem như từ chỉ thái độ bất hợp tác, chống đối với chủ trương chung của tập thể.
Trong câu chuyện của Dưỡng và các bạn thường có những tiếng lóng mang
tính tục, suồng sã. Chẳng hạn như lời nhân vật Đoành nói về người phụ nữ trong phòng mình: “Còn giãy đành đạch. Tôm tươi, hoàn toàn chưa bóc tem” [67, tr. 93]. Dễ dàng nhận thấy tôm, tươi, tem là những từ ẩn dụ chỉ người con gái còn trong trắng, ngây thơ.
Ngoài ra còn có những tiếng lóng được hình thành trên cơ chế hoán dụ. Chẳng hạn như CÁdùng để chỉ công an ngầm. “Ngại lắm. Vì nó là CÁ. Đánh nó khéo đi tù.” [67, tr. 86]. Chúng tôi xác định đây là cơ chế hoán dụ vì từ công an khi viết tắt sẽ
thành CA, dễ gợi sự liên tưởng tương cận về từ CÁ. Hoặc từ “thằng dằn di” được
dùng để chỉ lính tàu bò vì bộ quân phục màu dằn di (rằn ri) của Dưỡng, đó là phép hoán dụ lấy đặc điểm trang phục để gọi người mặc trang phục: “Mày, thằng nhọ tàu bò, thằng dằn di, dâm ô đồi trụy lạc, chỉ đớp rồi hít […]” [67, tr. 69].
Lớp từ đáng chú ý thứ hai là lớp từ trinh thám. Do tính chất cốt truyện xoay quanh diễn tiến của một vụ án, cụ thể là một vụ ám sát hụt bí ẩn, Những ngã tư và những cột đèn sử dụng nhiều từ ngữ đậm chất trinh thám. Trước hết, có thể thấy tác giả đã dùng nhiều biệt danh để gán cho các đối tượng cụ thể. Đó là những mật danh như Nhọn Cằm – tên gián điệp nằm vùng; ông Tóc Bạc, ông Trần B – những người đứng đầu cục phản gián điều tra vụ án của Dưỡng. Hay những mật danh mà hồ sơ của
Bộ Nội vụ gọi những kẻ tay trong của Nhọn Cằm ở miền Bắc, như cô X nhà ở phố
L.T.K [67, tr. 206], cô P [67, tr. 205], cô Y [67, tr. 247], nhân vật A13 [67, tr. 330]; hoặc những địa điểm bí ẩn như ngõ Z [67, tr. 203], địa chỉ X [67, tr. 212], rạp M [67, tr. 224], phố K [67, tr. 229], ngã tư S [67, tr. 278], trại cải tạo P.Q ở I.B [67, tr. 301].
Đặc điểm chung của những mật danh này là tính võ đoán, không có cơ sở nào để liên hệ, tìm ra ý nghĩa thực sự của chúng. Chúng chỉ xuất hiện trong lời thoại, lời kể của những nhân viên an ninh, như anh Thái, ông Trần B, ông Tóc Bạc. Ngoại trừ mật danh Nhọn Cằm được nhắc nhiều lần và có cơ sở giải thích dựa trên phép hoán dụ: hình dạng cái cằm giả, các mật danh còn lại đều đảm bảo tính bí ẩn của một tiểu thuyết trinh thám. Tác dụng của chúng là tạo ra không khí cho câu chuyện giả trinh
thám, một bầu không khí đầy những bí ẩn cần phải được giải đáp xoay quanh nhân
vật chính. Từ đó, người đọc cảm thấy hấp dẫn, cảm nhận được không khí căng thẳng của câu chuyện. Tất nhiên, do bản chất là một tiểu thuyết vụ án chứ không phải một tiểu thuyết trinh thám thực sự, tác giả Trần Dần không có ý đan cài những ý nghĩa ngầm ẩn phía sau những mật danh ấy, tức là, những cái tên ấy chỉ là những kí hiệu mang tính võ đoán. Việc hiểu được ý nghĩa của một vài kí hiệu, hoặc không thể tìm ra ý nghĩa của những kí hiệu còn lại, hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến cốt truyện.
Ngoài mật danh, tác giả Trần Dần còn dùng một hệ thống từ trinh thám điển hình, khiến câu chuyện vụ án trở nên căng thẳng với những màn đấu trí gay cấn. Chẳng hạn: “Cả buổi chiều muộn, tôi cứ ngồi suy nghĩ, như thế và khoái chí nhớ lại cuộc đấu trí ngột thở […] Không có bắt bớ truy lùng. Thuần đòn tâm lí, trong đủ các
trò vờn và dử, bóng gió và thẳng thừng, bắt nọn và thả lửng” [67, tr. 105]; “Tôi bình tĩnh đặt câu hỏi, thêm một móc xích nguy hiểm: có phải tôi đúng là kẻ gian, vì vô tình cũng bởi vì tôi cố tình, dính líu với toàn bọn gian dối” [67, tr. 199]. Hệ thống từ này
chủ yếu xoay quanh vụ án bắn súng trong vườn nhà Dưỡng, sự xuất hiện bí ẩn của
nhân vật Nhọn-Cằm, chuỗi suy luận của anh Thái, ông Trần B và ông Tóc Bạc, tất cả gợi ra một không khí khẩn trương, nguy hiểm. Đây cũng là căn cứ rõ ràng nhất để xác định chất trinh thám trong tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn.
Như vậy kết lại, trong tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn có sử dụng những lớp từ riêng: tiếng lóng dân tàu bò và biệt ngữ ngành công an/ trinh thám. Đặc điểm chung là tính bí mật không cao, chưa hoàn toàn tách biệt khỏi ngôn ngữ toàn dân. Thực tế, khi nghiên cứu ngôn ngữ của tiểu thuyết này, chúng tôi nhận thấy
những biệt ngữ ấy được dùng trong tác phẩm có mật độ không dày đặc như một số
cho ngôn ngữ tác phẩm, chẳng hạn như Bỉ vỏ của nhà văn Nguyên Hồng. Song, một điều không thể phủ nhận là lớp từ này xuất hiện một cách ấn tượng, và có vai trò quan trọng trong tác phẩm, giúp tạo ra không khí đặc trưng của vụ án trinh thám, gây
hứng thú và hồi hộp cho người đọc. Qua đó, tác giả Trần Dần cũng cho người đọc
thấy tài năng của mình trong việc làm chủ một vốn từ chuyên biệt, từ tiếng lóng đến biệt ngữ ngành công an, trinh thám, tạo hiệu quả nhất định cho sự hấp dẫn của tác phẩm.
2.2.2. Lớp từ ngữ khẩu ngữ
Tác giả Cù Đình Tú quan niệm: “Lớp từ khẩu ngữ được dùng chủ yếu cho phong cách khẩu ngữ tự nhiên tiếng Việt và là công cụ riêng của phong cách này. Do chúng phục vụ cho nhu cầu nói năng hằng ngày cho nên người ta còn gọi chúng là từ khẩu ngữ hằng ngày, từ khẩu ngữ sinh hoạt.” [56, tr. 205]. Như vậy có thể hiểu, lớp từ khẩu ngữ là lớp ngôn ngữ sử dụng trực tiếp trong cuộc sống đời thường, chưa được trau chuốt, gọt giũa, thường không tuân thủ nguyên tắc, chuẩn mực ngữ pháp, từ vựng chung của xã hội.
Về mặt cấu trúc hình thức, lớp từ khẩu ngữ có thể tự do thay đổi cấu trúc vốn có, bằng cách tách hay chêm những yếu tố khác vào. Chẳng hạn như lời chửi của ông Trung Trố khi buộc tội nhân vật Dưỡng: “Anh đừng chơi chữ. Tôi ỉa phẹt vào cái đệ thất của anh. Bác sĩ, kĩ sư, bằng nọ cấp kia, văn hóa đế quốc, tôi ỉa phẹt, vào cả lũ…”
[67, tr. 140-141]. Ngôn ngữ của ông vừa mang giọng điệu hừng hực của người dân
vừa được giác ngộ cách mạng, hăm hở chống tàn dư chế độ cũ. Song, ngôn ngữ ấy dù hướng tới cái cao cả, vẫn mang âm hưởng quê mùa, nông thôn.
Lớp từ ngữ này thường chấp nhận những tiếng chửi thông tục, suồng sã làm
ngữ khí từ bộc lộ cảm xúc của nhân vật. Trong tiểu thuyết, nhà văn sử dụng rất nhiều từ ngữ mang đặc điểm này, như: khốn, khốn nạn, bỏ mẹ, đếch nào, đếch gì, đểu, ỉa phẹt, kinh bỏ mẹ, con đểu, đểu cáng...
“Tao chẳng thấy rõ ràng tí nào. Mù tịt bỏ mẹ.” [67, tr. 45]. “Khốn mẹ anh hiếm hoi, chỉ có mình anh.” [67, tr. 163].
“Lạ đời. Đàn ông có thứ ghen. Rơi mẹ nó xuống thùng cứt kia kìa.” [67, tr. 205].
Sắc thái biểu cảm của lớp từ ngữ khẩu ngữ còn thể hiện rõ ở sự hiện diện và hoạt động của lớp từ thưa gửi, các từ ngữ cảm thán, các trợ từ tình thái: dạ, thưa, trời ơi, nhé, nhỉ…. Trong tác phẩm, ta bắt gặp khá nhiều tổ hợp, các từ ngữ cảm thán như thế: “Ối làng nước ôi! Kẻ trộm!” [67, tr. 259], “Tức thì trước mặt tôi, hiện ra nham nham nhở nhở, thánh kinh ôi, cái mặt của ông Phúc.” [67, tr. 333].
Tác giả Trần Dần đã sử dụng linh hoạt lớp từ ngữ khẩu ngữ này, với mỗi đối tượng, mỗi hoàn cảnh tác phẩm đều có sự thay đổi cách dùng từ cho phù hợp. Chẳng hạn, nhân vật Cốm khi e thẹn, nũng nịu với chồng: “Đểu. Đểu vừa vừa chứ!” [67, tr. 39]; lúc giận dỗi: “Đừng bịa khẩu” [67, tr.161]; đến khi ghen tuông, giọng điệu mạnh mẽ và gay gắt hẳn: “Sao không hái mít nhà con đĩ Phòng Nhì đem về cho tôi” [67, tr. 88].
Tóm lại, nhà văn Trần Dần đã vận dụng khá linh hoạt lớp từ ngữ khẩu ngữ
trong tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn. Không phải đến Trần Dần thì khẩu
ngữ mới được đưa vào văn chương. Ngay từ thời của Hồ Xuân Hương (“Chém cha
cái kiếp lấy chồng chung”), Tú Xương (“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc”), hay gần hơn, là sáng tác của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng..., các tác giả cũng đã sử dụng thành công lớp từ ngữ tưởng chừng như không thể xuất hiện trong địa hạt văn chương. Nhưng cái mới của Trần Dần ở đây, thể hiện qua lớp từ ngữ này, là sự cách tân ngôn ngữ trong thời kì mà văn học đang vận động theo quỹ đạo một nền văn chương sử thi trong giai đoạn 1945-1975. Nó vốn không có chỗ dành cho thứ ngôn từ tầm thường, hèn kém, đặc biệt là đối với ngôn ngữ của nhân vật chính trong tác phẩm. Sự đổi mới của Trần Dần, đã khai thác tất cả khả năng biểu đạt của ngôn từ trong việc sáng tạo nghệ thuật, đưa người đọc đến với một cuộc đời nó vốn như thế, sinh động và gần gũi.
2.3. Dùng ngữ cố định
Trong tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn, tác giả Trần Dần sử dụng một lượng lớn thành ngữ, quán ngữ để tăng sức biểu cảm cho lời văn trần thuật. Không chỉ dựa vào những ngữ cố định thông thường, tác giả còn có những sáng tạo, cách tân khi sáng tạo ra những ngữ cố định mới của riêng mình, làm mới những quán ngữ, thành ngữ vốn đã quen thuộc.
2.3.1. Quán ngữ
“Quán ngữ là những cụm từ được dùng lặp đi lặp lại trong các loại diễn từ (discourse) thuộc các phong cách khác nhau. Chức năng của chúng là để đưa đẩy, rào đón, để nhấn mạnh hoặc để liên kết trong diễn từ.” [20, tr. 161].
Tác phẩm Những ngã tư và những cột đèn sử dụng khá nhiều các quán ngữ thông thường, mang lại tính suồng sã, thân mật của lớp từ khẩu ngữ. Chẳng hạn các quán ngữ: còn lại gì, rành rành ra đấy, ối giời, à thế là, sự thể đã rồi, biết thế này, quả là, rốt cục,…thường xuyên xuất hiện trong các lời đối thoại của nhân vật, nhất là những nhân vật thuộc tầng lớp bình dân như mẹ con Dưỡng, người khu phố:
“Biết thế này, chẳng kể với anh nữa.” [67, tr. 39].
“Nhưng bây giờ sự thể đã rồi. Đừng gắt mẹ…” [67, tr. 117]. “Nó phản động, rành rành ra đấy.” [67, tr. 162].
Bên cạnh đó, trong Những ngã tư và những cột đèn, chúng tôi đặc biệt chú ý đến việc tác giả Trần Dần đã sáng tạo một quán ngữ mới, một quán ngữ của riêng Dưỡng. Đó là câu cửa miệng: “I như trong thánh kinh” được thể hiện trực tiếp và nhiều lần viện dẫn gián tiếp trong nhật kí.
Đây là một cụm từ trong hoàn cảnh thông thường không được xem là quán ngữ, nhưng ở đây, nó có cấu trúc và chức năng của quán ngữ: cấu trúc so sánh và chức năng dẫn dắt. Chúng ta không xa lạ gì với những cấu trúc quán ngữ tương tự, chẳng hạn: như thế, như vậy, y như thế, cũng như thế trong lời nói thường ngày. Trong tác phẩm, quán ngữ “I như trong thánh kinh” được Dưỡng trực tiếp nhắc đến 39 lần, gián tiếp viện dẫn 4 lần.
Về chức năng, câu nói này được nhân vật chính nói trong rất nhiều ngữ cảnh khác nhau. Có khi nó được dùng để đánh dấu một mốc thời gian: “I như trong thánh kinh: tôi bắt đầu viết nhật kí bằng mực tím. I như trong thánh kinh: tôi chạy trốn. Và cũng i như trong thánh kinh: 24 giờ trước khi bắt đầu nhật kí, tôi tháo hết đạn, vứt