6. Cấu trúc luận văn
3.1.1. Câu đơn hai thành phần
Về khái niệm câu đơn, tác giả Diệp Quang Ban xác định: “Câu đơn hai thành phần là câu đơn có một cụm chủ – vị duy nhất làm thành nòng cốt câu”. [4, tr. 120]. Nhóm tác giả Mai Ngọc Chừ – Vũ Đức Nghiệu – Hoàng Trọng Phiến cũng quan niệm: “Câu đơn hai thành phần là câu được làm thành từ một nhóm từ chủ ngữ – vị ngữ tự lập (hiểu là không bị bao hàm trong một kiến trúc khác lớn hơn). Chủ ngữ và vị ngữ được coi là hai thành phần chính của câu, chúng làm thành nòng cốt của kiểu câu này.” [12, tr. 287]. Tác giả sách này cũng cho rằng câu đơn có thể phân loại nhỏ hơn nữa, thành câu có dạng tối thiểu là câu đơn chỉ có hai thành phần nòng cốt; và dạng tối đa là câu đơn nhiều thành phần, hoặc câu đơn mở rộng thành phần (như một số quan niệm của tác giả khác).
Trong tác phẩm Những ngã tư và những cột đèn, tác giả Trần Dần sử dụng đan xen hai dạng câu đơn nói trên. Tùy thuộc vào nội dung phản ánh, việc sử dụng các dạng câu đơn này đã đem lại những hiệu quả nghệ thuật rất đáng chú ý. Bảng dưới đây thống kê tần suất xuất hiện của hai kiểu câu đơn trong phạm vi khảo sát từ chương I đến chương VIII của tác phẩm:
Kiểu câu Số lượng Tỉ lệ
Câu đơn 2 thành phần 27 40%
Câu đơn nhiều thành phần 20 30%
Câu đặc biệt 5 7%
Câu ghép 15 23%
Thống kê kiểu câu trong từ chương I đến chương VIII
Thứ nhất là kiểu câu đơn chỉ có hai thành phần nòng cốt. Đây là kiểu câu đơn
chỉ chứa một chủ ngữ và một vị ngữ, không có thành phần phụ nào khác như trạng
ngữ hay bổ ngữ.
Trước hết, với đặc điểm hình thức ngắn gọn, rành mạch, nội dung dứt khoát, dễ tiếp nhận, câu đơn hai thành phần phù hợp với mục đích trần thuật sự kiện, miêu tả,
bộc lộ tâm trạng. Nó giúp người đọc nắm bắt nhanh tình hình, khẳng định tính chất liên tiếp – ngắt quãng, tồn tại – không tồn tại, có – không, đúng – sai... của sự việc, hiện tượng. Đặc điểm nổi bật trong việc sử dụng cấu trúc câu này là tác giả Trần Dần thường xuyên dùng liên tiếp các câu đơn hai thành phần nòng cốt. Ta có thể thấy điều đó qua những đoạn văn sau đây:
“Tôi vào nhà. Nhà lạnh. Bóng tối lờ nhờ khắp nhà. Tôi khóa trái cửa, hai vòng.” [67, tr. 82].
“Đêm nay Lily đi. Nhưng lúc này Lily ngủ. Lúc này tôi giặt.” [67, tr. 86].
“Tôi không biết đi đâu. Rồi tôi cũng ra phố. Phố Hà Nội đêm trống rỗng.” [67, tr. 87].
Câu đơn hai thành phần còn được dùng nhiều để hỗ trợ thể hiện tâm trạng nhân vật. Nó tỏ ra đặc biệt hữu dụng khi miêu tả những trạng thái hụt hẫng, bất ngờ của tâm lí. Khoảng ngắt giữa từng câu văn ngắn gọn, dứt khoát có tác dụng tượng trưng cho những khoảng lặng trong dòng suy tưởng của nhân vật, khiến nhân vật như quay cuồng giữa những dòng suy nghĩ, tuy ngắn, nhưng bủa vây mịt mù. Chẳng hạn đoạn văn sau miêu tả tâm lí của Dưỡng trên con đường về nhà, sau khi biết vợ con bị ám hại: “Đời tôi kì lạ đầy tai nạn. Đời mọi người bình thường không biết có nhiều ngã tư. Tối nay tôi đến một ngã tư. Tôi kí tên để con tôi chết. Tối nay tôi đi bộ qua nhiều ngã tư. Nội thành sao nhiều ngã tư. Đời tôi cũng vậy.” [67, tr. 272]. Có thể thấy, những câu đơn xuất hiện liên tục như thế có tác dụng diễn tả rất hiệu quả sự ngổn ngang, hỗn độn trong tâm trạng nhân vật.
Thứ hai là kiểu câu đơn nhiều thành phần. Như đã nói ở trên, đây là kiểu câu có chứa thành phần phụ, chủ yếu là trạng ngữ. Đồng thời, trong cấu trúc thành phần nòng cốt của câu có nhiều hơn một vị ngữ.
Trạng ngữ trong các câu đơn này rất đa dạng: trạng ngữ thời gian, phương tiện, mục đích, v.v.. Tác giả thường bố trí nhiều trạng ngữ liên tiếp để đặc tả hoàn cảnh:
“Đêm nay một cuốn truyện mới bắt đầu, ngay từ chiếc giường tôi, từ ngôi nhà này (có từ thời bố tôi), từ cái buồng tắm đầy hơi nước (lúc ấy), và nhất là từ khu vườn nhiều cây (mà không có đèn).” [67, tr. 59].
“Từ 10 năm nay Dưỡng được cử đi biệt phái dài hạn, ở một nơi nguy hiểm của chiến tranh, trên đường khu Tư” [67, tr. 74].
“Cứ 3 tháng, anh về Hà Nội một lần, để thăm vợ, thăm thành phố, trong kì hạn 7 ngày dài” [67, tr. 75].
Trong một số cấu trúc câu khác, tác giả thường kết hợp nhiều vị ngữ, tạo ra khả năng diễn đạt chồng chéo, cặn kẽ từng sự việc, hiện tượng:
“Tôi bỏ sách, nằm nghĩ vơ vẩn, vô tình nhìn đồng hồ thấy 7 giờ kém 5.” [67, tr. 55].
“Nó đã chạy vội đến, bảo anh lánh mặt, và kiếm cớ giữ vợ anh trong buồng tắm, đúng 7 giờ kém 5.” [67, tr. 57].
“Cốm mặc quần áo xong, vừa thấy bác Mẫn ngoài vườn, đã le te chạy ra luôn với bác.” [67, tr. 62].
“Đến hè, nhà em lại bập vào con Lily, và ghi sổ nợ, ở hàng cà phê của Tình Bốp.” [67, tr. 72].
“Dưỡng ngừng kể, để giục tôi uống nước, nhưng không biểu lộ tình cảm gì.”
[67, tr. 75].
Trong tiểu thuyết, chúng tôi nhận thấy rằng ngoài các kiểu câu đơn như đã nói ở trên, tác giả Trần Dần còn sử dụng dạng câu tỉnh lược. Đó là những câu đã được rút
gọn một hoặc một số thành phần nào đó do ngữ cảnh cho phép. Chúng không có đủ
thành phần nòng cốt, song dựa vào những câu lân cận, ta có thể phục hồi được đầy đủ các trung tâm cú pháp chính. Tác dụng chính của kiểu câu này, là tạo ra những khúc ngắt ngữ điệu trong dòng ngữ lưu, từ đó có giá trị nhấn mạnh một nội dung cụ thể.
Trước hết là kiểu câu tỉnh lược có vai trò tương đương một thành phần nòng cốt (chủ ngữ hoặc vị ngữ):
““Thế nào, anh nên khai thật đi. Đừng quanh co nữa”. Tôi toát mồ hôi mà không nói được gì. Cũng không nghĩ ra được cái gì.” [67, tr. 57].
“Có lúc tôi dừng lại, để nhìn vào gương, nhưng không tìm thấy bóng tôi. Chỉ thấy một anh Thái trong gương, đang nhìn tôi, chăm chú.” [67, tr. 177].
Trong các ví dụ trên đây, người đọc có thể dễ dàng khôi phục chủ ngữ (chủ ngữ tôi) nhờ vào hướng liên kết lùi, tức là dựa vào các yếu tố ngôn ngữ đứng trước nó.
Có những câu tỉnh lược có vai trò tương đương một thành phần vị ngữ của
câu kế cận: “Nội thành láo nháo sao mà lắm gió. Sao mà nhiều lá. Sao mà nhiều khói.” [67, tr. 272].
Các câu dưới đây lại có vai trò tương đương với phần phụ của câu (trạng ngữ hoặc phụ chú ngữ), có đoạn, nhà văn dùng liên tiếp nhiều câu tỉnh lược, nhưng chúng có đặc điểm không dễ xác lập lại hai thành phần nòng cốt của những câu đó: “Tôi lại nhớ, bao giờ cũng vậy, khi ngủ tôi đòi Cốm phải ăn mặc như đầm. Tức là không mặc gì cả” [67, tr. 40].
“Tôi vẫn yêu em Cốm, có lẽ iêu nhất. Mà đã có nhất, thì phải có nhì” [67, tr. 76].
“Tôi ngồi. Rồi không ngồi nữa. Tôi đi lại. Từ đầu hành lang, đến cuối hành lang. Tôi đi, từ cuối hành lang, về cửa phòng mổ. Dưới ánh đèn trắng nhợt. Tôi không nghĩ gì. Không muốn nghĩ gì.” [67, tr. 265]
Tác dụng chung của những câu tỉnh lược này là gợi ra một dòng suy nghĩ bị gián đoạn. Tâm tư của nhân vật bị xáo trộn, rối bời; sự tiếp nhận thế thế giới bên ngoài, do vậy mà không liên tục, ngắt quãng. Ở đây, hình thức ngữ pháp đặc biệt
của chúng đã góp phần vào việc miêu tả thành công một trong những nội dung
phức tạp nhất của tác phẩm văn học, đó là tâm trạng nhân vật.
Như vậy, với việc sử dụng linh hoạt, đan xen các loại câu đơn, tác giả Trần Dần đã có những sự dụng công trong việc kết hợp kiểu câu đơn hai thành phần, câu đơn chứa nhiều trạng ngữ, vị ngữ. Từ đó tác giả khiến cho câu văn chuyển tải được đầy đủ quan niệm của ông về đối tượng, chủ thể; đồng thời thể hiện năng lực liên tưởng phong phú dồi dào của tác giả.