- Hệ thống các chính sách của nhà nước.
3.3.3. Tăng cường huy động vốn đầu tư bảo vệ môi trường.
Ðầu tư là một trong những biện pháp quan trọng để thực hiện thành công chiến lược bảo vệ môi trường, thực hiện các dự án và các giải pháp được đề xuất. Ðầu tư bảo vệ môi trường phải được thực hiện xã hội hoá, huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước và theo nguyên tắc:"người gây ô nhiễm phải đầu tư". Hình thức xã hội hoá và nguyên tắc đầu tư này phải được quán triệt sâu rộng trong tất cả các cấp lãnh đạo của Ðảng, chính quyền và các nhà quản lý đến từng người dân sống trong cộng đồng.
Ðầu tư bảo vệ môi trường cũng phải được đa dạng hoá về hình thức nhằm huy động được mọi nguồn lực trong xã hội. Hình thức đầu tư bao gồm đầu tư bằng trí lực, vật lực, ngày công lao động hữu ích và bằng tiền… Trong đó toàn xã hội tham gia đầu tư bảo vệ môi trường dưới mọi hình thức và chủ yếu đầu tư cho những chương trình, dự án… mang tính cộng đồng; các đơn vị sản xuất kinh doanh đầu tư cho việc phòng ngừa ô nhiễm, xử lý sự cố, cải tạo, bảo vệ môi trường trong phạm vi quản lý của đơn vị mình. Ngân sách nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc đầu tư để bảo vệ môi trường có tính liên vùng, liên ngành và thực hiện các dự án quốc gia, quốc tế.
Nguồn vốn đầu tư bảo vệ môi trường được huy động từ ngân sách nhà nước, từ các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế, từ nguồn viện trợ ODA, GEF và các tổ chức trong, ngoài nước và trong cộng đồng dân cư.
Mức đầu tư bảo vệ môi trường phải được tăng cường theo nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế, trước mắt trong giai đoạn 2010-2020 hàng năm cần đầu tư để bảo vệ môi trường không dưới 1% GDP, trong đó huy động khoảng 2% tổng chi ngân sách của Uông Bí. Các doanh nghiệp được tính vốn đầu tư bảo vệ môi trường trong giá thành chi phí sản xuất để huy động từ 1-2% tổng chi phí của doanh nghiệp, ngoài ra cần huy động trong cộng đồng dân cư và từ các nguồn viện trợ khác để đầu tư bảo vệ môi trường dưới mọi hình thức khác nhau.
Qui định mức kinh phí mà các doanh nghiệp phải đầu tư cho bảo vệ môi trường, xử lý chất thải và có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ thân thiện
môi trường. Tranh thủ kinh phí từ các dự án quốc tế song phương, đa phương cho bảo vệ môi trường thị xã, đặc biệt là các chương trình của ngân hàng thế giới và quỹ môi trường toàn cầu.
Uông Bí là nơi có hai ngành công nghiệp mũi nhọn, có đóng góp lớn nhất cho ngân sách của thị xã và Quảng Ninh đó là than và điện. Tuy nhiên đây cũng là hoạt động chính gây suy thoái môi trường thị xã toàn diện. Để góp phần giảm nhẹ tác động của công nghiệp khai thác than tới môi trường, hàng năm ngành than đã đóng góp một khoản tiền nhất định (khoảng trên 200 tỷ đồng trong đó các công ty than Uông Bí phải đóng góp 30 tỷ đồng) làm quỹ môi trường ngành than nhằm giảm nhẹ và khắc phục những sự cố môi trường trong vùng mỏ. Hàng năm Uông Bí cũng nhận được một khoản tiền từ nguồn quỹ này. Đây là một số tiền khá lớn nhưng chưa đủ để giải quyết hết các vấn đề môi trường trong vùng ảnh hưởng của khai thác than. Do vậy nguồn vốn này cần phải được sử dụng để đầu tư vào các dự án môi trường đã được nghiên cứu kỹ là có tính khả thi, rất cấp thiết và có trọng tâm theo từng giai đoạn, không thể dàn trải. Đó là đóng góp từ phía ngành than còn riêng ngành điện với 2 nhà máy nhiệt điện hàng năm thải tới hơn 1.200 tấn bụi vào bầu không khí thị xã thì chưa có một sự đóng góp đáng kể nào vào nguồn ngân sách bảo vệ môi trường. Nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” phải được thực hiện nghiêm túc và công bằng với việc tăng thêm khoản đóng góp từ phía ngành điện. Đối với 2 nhà máy là nhà máy xi măng Lam Thạch Và nhà máy gạch Dốc Đỏ thì việc áp dụng cũng tương tự.
Mặt khác thị xã cũng cần tranh thủ sự hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nguồn tài trợ nước ngoài bằng cách nghiên cứu và thực hiện các dự án có ý nghĩa thiết thực trong công tác bảo vệ và quản lý môi trường.
Một nguồn vốn đáng kể nếu áp dụng mô hình chính sách mới đối với Uông Bí đó là phí ô nhiễm môi trường do các nhà máy phải chi trả cho mỗi đơn vị phát thải của mình. Nguồn vốn này cũng phải được sử dụng để đầu tư lại vào công cuộc bảo vệ môi trường sinh thái của thị xã một cách hiệu quả nhất.