- Hệ thống các chính sách của nhà nước.
3.3.5 Giải pháp về tổ chức quản lý ô nhiễm không khí:
3.3.5.1. Vấn đề về bộ máy quản lý môi trường.
Cấp thị xã: nên tăng thêm số cán bộ phụ trách về môi trường nên 5 người và không ngừng đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ này. Trong tình hình có nhiều đổi mới hiện nay cũng cần đào tạo những kiến thức về công tác quản lý môi trường với những hình thức, mô hình mới như đã nói ở trên.
Cấp phường, xã: Cán bộ làm công tác địa chính sẽ đảm nhiệm thêm vai trò về quản lý môi trường ở địa bàn do mình phụ trách.
Đối với tất cả các nhà máy cơ sở sản xuất trên địa bàn cần có ít nhất một cán bộ chuyên trách về công tác môi trường. Đối với các doanh nghiệp có hoạt động tác động lớn gây ô nhiễm môi trường (ngành than, điện đã có 1 cán bộ môi trường) nên bổ sung thêm 1 cán bộ phụ trách về vấn đề này.
Khi đã thiết lập được hệ thống cán bộ về quản lý môi trường thì cũng cần tổ chức lại phương thức hoạt động của bộ máy này sao cho hiệu quả nhất. Thực tế cho thấy tín nhiệm là một điều không thể thay thế được trong công tác quản lý nói chung và đặc biệt là quản lý trong lĩnh vực môi trường. Các nhà cải cách môi trường đã tìm ra 3 điều căn bản để duy trì sự tin tưởng và tín nhiệm của cộng đồng đối với công tác quản lý môi trường đó là: tập trung, rõ ràng và có sự tham gia của cộng đồng. Sự áp dụng triệt để 3 nguyên tắc này sẽ đem lại hiệu quả hoạt động rất cao cho hệ thống quản lý môi trường Uông Bí.
Đối với các cơ quan môi trường có nguồn lực hạn chế ở các nước đang phát triển như nước ta, sự tập trung sẽ tạo ra cách hoạt động và bảo vệ tốt nhất tránh mọi sai sót. Các cơ quan môi trường có thể tránh được những phiền toái đáng kể nếu tập trung vào một nhóm các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, giới hạn quản lý đối với một số ít các chất gây ô nhiễm, theo dõi sát sao các chất ô nhiễm đó cùng với sự tuân thủ các quy định và báo cáo công khai về các hoạt động của họ. Đối với Uông Bí có thể dễ dàng xác định được nhóm đối tượng này đó là các doanh nghiệp vận chuyển than, các nhà máy nhiệt điện và cụm công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.
Tính minh bạch và rõ ràng là yếu tố thứ 2 tạo nên sự tín nhiệm vì nó có thể làm cho các cơ quan môi trường tránh được nạn tham nhũng. Tham nhũng ở các cấp quản lý về môi trường và thậm chí là trong cả trường hợp người quản lý trung thực thì việc giữ bí
mật thông tin có thể làm cho một số thanh tra bị lôi kéo nhận khoản hối lộ cao hơn lương của họ rất nhiều. Không có thông tin đại chúng người dân không có cách gì để biết nhà quản lý môi trường đang làm gì và giải pháp cho tình trạng này là: nhất quán, không thiên vị khi thông báo phát thải của các cơ sở gây ô nhiễm, những ảnh hưởng môi trường địa phương, kết quả thanh tra và các biện pháp cưỡng chế.
Sự tham gia diện rộng của người dân cũng xây dựng nên lòng tin của người dân đối với bất cứ một bộ máy quản lý nào. Một hệ thống quản lý hiệu quả luôn thúc đẩy sự giao tiếp 2 chiều với những người tham gia. Phản hồi từ phía quần chúng cũng mang tính quyết định, những người quản lý hiệu quả phải hiểu biết và hoạt động dựa trên mối quan tâm về môi trường của cộng đồng. Theo hướng này Uông Bí có thể thiết lập các trung tâm cộng đồng để tự động ghi nhân, phân loại và chuyển những kiến nghị của người dân về tình trạng ô nhiễm đến cơ quan chức năng thích hợp. Những hệ thống như vậy sẽ cho phép những người quản lý xác định được những khu vực có vấn đề nghiêm trọng và cũng cho phép người dân giám sát việc giải quyết các kiến nghị của họ.
3.3.5.2. Vấn đề theo dõi quan trắc phát hiện ô nhiễm
Để có thể gia tăng lượng thông tin đánh giá về hiện trạng môi trường và đánh giá sự hiệu quả của các dự án bảo vệ môi trường thì đầu tiên phải tính đến việc quy hoạch các điểm quan trắc môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng.
Quan trắc môi trường là việc theo dõi thường xuyên chất lượng môi trường với các trọng tâm, trọng điểm hợp lý nhằm phục vụ các hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Các mục tiêu cụ thể của quan trắc môi trường gồm:
Cung cấp các đánh giá về diễn biến chất lượng môi trường trên quy mô quốc gia, phục vụ việc xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường.
Cung cấp các đánh giá về diễn biến chất lượng môi trường của từng vùng trọng điểm được quan trắc để phục vụ các yêu cầu tức thời của các cấp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Cảnh báo kịp thời các diễn biến bất thường hay các nguy cơ ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Xây dựng cơ sở dữ liệu về chất lượng môi trường phục vụ việc lưu trữ, cung cấp và trao đổi thông tin trong phạm vi quốc gia và quốc tế.
Bộ Tài nguyên và Môi trường và nhiều thành phố lớn hiện đã và đang thiết lập các hệ thống quan trắc và phân tích môi trường để thu thập các thông tin môi trường nước, không khí, đất và chất thải rắn. Tuy nhiên, hiệu quả của hệ thống quan trắc hiện nay là điều đáng bàn. Với số tiền đầu tư cộng với số tiền bảo dưỡng hàng năm rất lớn mà các kết quả quan trắc mới chủ yếu để cung cấp thông tin nhằm lập báo cáo hiện trạng môi trường hàng năm thì quả là một sự lãng phí lớn. Tuy nhiên, trong tình hình phát triển kinh tế như hiện nay và trong tương lai của thị xã thì việc xây dựng hệ thống các điểm quan trắc môi trường là thích hợp, đặc biệt là với môi trường không khí. Các kết quả quan trắc môi trường ở các trạm sẽ là nguồn cung cấp thông tin quan trọng để đánh giá chất lượng môi trường và cung cấp các dữ liệu để cơ bản để lập báo cáo hiện trạng môi trường hàng năm, là cơ sở để áp dụng các công cụ kinh tế vào hoạt động quản lý môi trường (phí ô nhiễm). Đặc biệt là khi phân tích các kết quả đó sẽ thấy được sự hiệu quả của việc thực hiện các nhiệm vụ môi trường trong các dự án phát triển của các đơn vị.
Dựa vào kết quả phân tích hiện trạng các nguồn, khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao và dự báo môi trường không khí của thị xã đến 2020 QH BVMT thị xã đã thiết lập 5 vị trí xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường không khí Uông Bí như sau:
1. Điểm quan trắc môi trường không khí tại các khu vực khai thác than khoáng sản do các đơn vị khai khoáng trực tiếp thực hiện dưới sự giám sát của sở tài nguyên môi trường.
2. Điểm quan trắc môi trường không khí ở nhà máy nhiệt điện.
3. Điểm quan trắc môi trường không khí tại điểm nút giao thong Dốc Đỏ. 4. Điểm quan trắc môi trường không khí tại cảng Điền Công.
5. Điểm quan trắc môi trường không khí tại khu vực cụm sản xuất xi măng Lam Thạch, nhà máy gạch Dốc Đỏ.
Các khu vực đặt điểm quan trắc môi trường không khí như trên đều là những khu vực hiện tại và trong tương lai được dự báo có nồng độ ô nhiễm không khí cao. Vì vậy, việc đặt các điểm quan trắc môi trường không khí ở đây là một việc cần thiết và đúng đắn. Nó sẽ góp phần cung cấp một cách đầy đủ hơn về mức độ và tầm ảnh hưởng của các hoạt động KT-XH tới môi trường không khí.
Thực hiện công tác quản lý môi trường theo nguyên tắc: “người gây ô nhiễm môi trường phải là người chịu trách nhiệm cho việc giải quyết ô nhiễm”. Hiện nay ở nước ta nói chung cũng như ở Quảng Ninh nói riêng mới chỉ áp dụng được việc thu phí nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp, tuy nhiên trong quá trình này còn rất nhiều vấn đề phải bàn dẫn đến việc thu phí gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến thất thoát nguồn thu. Một trong những bức xúc của việc thu phí nước thải công nghiệp là không thể nào xác định lưu lượng nước thải và hàm lượng các chất gây ô nhiễm có trong nước thải, để tính ra khoản phí thu. Đối với việc thu phí khí thải có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng tương tự sẽ xảy ra. Với việc thiết lập hệ thống các điểm quan trắc môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng ở Uông Bí thì có thể giảm bớt những yếu kém này. Kinh nghiệm tại các nước phát triển như Mỹ và châu Âu cho thấy dù nhà nước có đề ra những qui định chặt chẽ đến đâu, và giám sát thế nào cũng không thể kiểm soát nổi vấn đề ô nhiễm môi trường vì không thể giải quyết một vấn đề kinh tế bằng những biện pháp không phải là kinh tế.
Ô nhiễm môi trường cần phải qui thành những giá trị tính bằng tiền, và người gây ô nhiễm phải trả tiền cho sự ô nhiễm do họ gây ra là cách duy nhất có thể kiểm soát được. Bằng cách này người gây ô nhiễm phải cân nhắc có nên tiếp tục trả tiền cho sự gây ô nhiễm mỗi năm không, hay là đầu tư một phương tiện xử lý môi trường cho nhà máy của mình và từ đó không phải tốn tiền.
Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền được áp dụng đầy đủ và cụ thể là: Người gây ô nhiễm phải trả tiền.
Người được hưởng lợi về môi trường cũng phải đóng góp kinh tế.
Khuyến khích, khen thưởng các có sở sản xuất thực hiện tốt biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần đổi khẩu hiệu quen thuộc hiện nay "Người gây ô nhiễm phải trả tiền", thành câu "Người gây ô nhiễm phải trả tiền trước", nghĩa là đơn vị nào muốn xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, phải xây dựng trước các khu xử lý chất, khí thải. Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay ở nước ta thì đây sẽ là một điều rất khó áp dụng. Trong tương lai khi nền kinh tế và hệ thống chính sách phát triển và hoàn thiện hơn thì mới có hy vọng biến điều đó thành hiện thực.