Điều kiện kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu Khảo sát khả năng sinh trưởng của các bê sinh ra từ đàn bò hmông hạt nhân nuôi tại huyện pắc nặm, tỉnh bắc kạn (Trang 37 - 44)

2.3.2.1 Tiềm năng kinh tế

- Sản xuất nông nghiệp

Với quỹ đất, nguồn nhân lực dồi dào và trên 90% dân số lao động sản xuất thuần nông nên sản xuất nông - lâm nghiệp của huyện Pắc Nặm có nhiều điều kiện để phát triển.

Thời điểm huyện Pắc Nặm được thành lập, nông dân trên địa bàn huyện chủ yếu canh tác đất 1 vụ. Trong thời gian qua, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân khai thác đất 1 vụ thành 2 vụ, khai hoang, mở rộng diện tích trồng lúa, nhận thức của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện về sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng vụ đã có nhiều chuyển biến rõ rệt; diện tích gieo trồng được mở rộng, sản lượng lương thực tăng qua các năm. Nếu như năm 2003, tỷ lệ dùng giống lúa, ngô lai năng suất cao vào sản xuất chỉ đạt 20% thì đến nay đạt trên 70%. Năm 2004, toàn huyện thực hiện được trên 1.600ha lúa, năng suất chỉ đạt 30%, sản lượng đạt 49.590 tấn thì đến năm 2012, toàn huyện thực hiện được trên 2.240ha lúa, năng suất bình quân đạt 47 tạ/ha, sản lượng đạt trên 105.000 tấn.

Đối với cây ngô, năm 2004 chỉ thực hiện được trên 1.800ha với năng suất 26 tạ/ha, sản lượng đạt gần 49.000 tấn thì đến năm 2012, toàn huyện thực hiện được gần 3.000ha, năng suất đạt bình quân 35 tạ/ha, sản lương đạt trên 102.000 tấn.

- Chăn nuôi đại gia súc đem lại nguồn thu nhập chính cho đồng bào các dân tộc

So với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, huyện Pắc Nặm có lợi thế về điều kiện tự nhiên cũng như điều kiện xã hội để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Về điều kiện tự nhiên, với tiềm năng đất đai sẵn có của

huyện có thể quy hoạch bãi chăn thả tập trung, đất đồi nhiều có thể mở rộng diện tích trồng cỏ. Khí hậu nơi đây có 2 mùa rõ rệt: về mùa mưa, cỏ tự nhiên nhiều; mùa khô, bà con đã tận dụng sản phẩm từ thân cây ngô, chuối, rơm rạ… bổ sung nguồn thức ăn dồi dào cho đàn gia súc.

Về điều kiện xã hội, nhân dân địa phương đã có truyền thống và kinh nghiệm chăn nuôi đại gia súc từ ngàn đời nay. Đối với mỗi hộ nông dân, con trâu, con bò là tài sản quý giá không chỉ phục vụ sức kéo trong mỗi thời vụ mà còn trở thành hàng hóa giúp hộ gia đình tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Pắc Nặm là địa phương có nhiều chợ trâu, bò như: chợ trâu, bò Nghiên Loan, Chợ Bộc Bố, chợ Công Bằng… Đây chính là lợi thế cho việc giao lưu, trao đổi hàng hóa không chỉ thu hút các hộ dân trong huyện với các hộ chăn nuôi ngoài huyện, tỉnh về trao đổi, mua - bán đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Với những lợi thế trên, huyện Pắc Nặm đã xác định phát triển chăn nuôi đại đa súc là ngành sản xuất thế mạnh của huyện. Chỉ tiêu phát triển đàn trâu, bò đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ nhất nhiệm kỳ 2005 - 2010 và Nghị quyết HĐND huyện các năm. Hàng năm, huyện đều có sự chỉ đạo đồng bộ từ huyện đến cơ sở về thực hiện chỉ tiêu phát triển đàn trâu, bò đã đề ra. Hiện nay, số lượng trâu bò của huyện là 14.590 con (theo số liệu điều tra 1/4/2012).

Thực hiện đề án phát triển đàn trâu, bò, đưa chăn nuôi đại gia súc trở thành nghành sản xuất chính, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo của huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Pắc Nặm đã chỉ đạo sát sao các địa phương thực hiện nhiều giải pháp để đàn gia súc đạt được chỉ tiêu kế hoạch đề ra như: huy động cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện vay vốn đầu tư mua trâu, bò, phối hợp với nhân dân địa phương tạo mô hình kết hợp cùng có lợi, góp phần tăng tổng đàn trâu,

bò của huyện; chỉ đạo Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Pắc Nặm tạo điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình vay vốn phát triển đàn trâu, bò; hỗ trợ kinh phí mua trâu, bò từ ngoài tỉnh theo quy định; khuyến khích, nhân rộng mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo tại các hộ gia đình - đây là một trong những giải pháp rút ngắn thời gian giao dịch, luân chuyển trâu bò thành phẩm, giúp người dân tăng nhanh vòng quay vốn, tăng thu nhập cho gia đình.

Cùng với định hướng chung của huyện là phát triển chăn nuôi đại gia súc mang lại thu nhập chính cho đồng bào địa phương, đến nay trên địa bàn huyện đã có nhiều hộ có thu nhập ổn định, nhiều hộ vươn lên làm giàu, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện (72,79% năm 2006 xuống còn 52,08% năm 2009 theo chuẩn cũ).

Tại Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ huyện Pắc Nặm đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2012, đàn trâu, bò của huyện đạt 23.000 con. Để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu đó, huyện Pắc Nặm xác định triển khai các giải pháp, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển đàn trâu, bò gồm:

Phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hình thức trang trại quy mô vừa và lớn, hình thành các vùng chăn nuôi hàng hóa tập trung, đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, xác định chăn nuôi là một hướng xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho nông dân;

Pác Nặm hiện đang được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất như: Chương trình 135, Dự án 3PAD, Chương trình 30a… Do đó, thực hiện tốt việc kết hợp các nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án để vận động và hỗ trợ nhân dân đặc biệt là các hộ nghèo mua trâu, bò; xây dựng chuồng trại, cải tạo chất lượng đàn sẽ là giải pháp hữu hiệu đạt chỉ tiêu tổng đàn gia súc của huyện theo kế hoạch Đại hội Đảng bộ lần thứ II đề ra 23.000 con.

Hiện nay, đồng cỏ tự nhiên tại các địa phương dành chăn nuôi đang bị thu hẹp lại. Do đó, các địa phương tiếp tục vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi; đồng thời chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân về phương pháp tận dụng sản phẩm dự trữ từ rơm, rạ và thân lá ngô để ủ chua làm thức ăn dự trữ trong mùa đông cho đàn gia súc, coi đây là giải pháp quan trọng để phát triển chăn nuôi trong những năm tới;

Trong thời gian tới, huyện Pắc Nặm tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, nâng cao trình độ chuyên mộ cho đội ngũ thú y viên cơ sở và việc tổ chức các lớp truyền thông về công tác thú y cho nông dân; chỉ đạo các thú y viên thường xuyên bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình dịch bệnh để sớm phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để bà con hiểu về công tác thú y, tích cực hưởng ứng công tác tiêm phòng, bảo vệ an toàn sức khỏe cho đàn gia súc, gia cầm; đồng thời tăng cường kiểm soát chặt chẽ về công tác kiểm dịch và vận chuyển gia súc để hạn chế dịch bệnh lây lan từ nơi khác đến; thực hiện thường xuyên công tác kiểm soát giết mổ, xử lý nghiêm khắc những sản phẩm không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y;

Tăng cường công tác tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người nông dân, đồng thời hướng dẫn nhân dân chăm sóc và nuôi dưỡng tốt đàn gia súc; hướng dẫn các hộ chăn nuôi xây dựng chuồng trại đảm bảo hợp vệ sinh để chủ động chống rét cho đàn gia súc trong mùa đông, đảm bảo đàn gia súc, gia cầm luôn ổn định và phát triển mạnh; từng bước khống chế, ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm như: lở mồm long móng, tụ huyết trùng; có chính sách khuyến khích phù hợp, tăng số lượng và thời hạn vay vốn để thúc đẩy người dân phát triển chăn nuôi trâu, bò tại địa phương, đưa chăn nuôi trở thành ngành chính trong sản xuất nông nghiệp của huyện, góp phần tăng thu nhập ổn định đời sống nhân dân, thoát nghèo một cách bền vững.

- Phát triển lâm nghiệp

Là một huyện vùng cao, Pắc Nặm có quỹ đất lâm nghiệp khá lớn. Do đó, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được cấp Ủy, chính quyền huyện Pắc Nặm quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Hàng năm, huyện đã chủ động phối hợp với các sở, ngành xây dựng dự án; đồng thời chỉ đạo triển khai thực hiện trồng rừng theo kế hoạch. Do đó, diện tích rừng trồng mới đều tăng qua các năm. Nếu như năm 2004, toàn huyện chỉ thực hiện được 137,8ha thì đến năm 2012, diện tích rừng trồng mới của huyện đạt trên 1.500ha.

2.3.2.2. Văn hóa, xã hội

Công tác lao động, thương binh - xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói - giảm nghèo được huyện Pắc Nặm triển khai thực hiện tốt. Huyện luôn thực hiện kịp thời việc trợ cấp cứu đói trong dịp tết, cứu đói giáp hạt, cứu trợ khó khăn đột xuất cho những gia đình bị thiên tai, hỏa hoạn xảy ra trên địa bàn; thường xuyên quan tâm giải quyết các chế độ chính sách cho các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, những đối tượng chính sách xã hội khác.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ từ cấp huyện đến cấp xã được duy trì tổ chức thường xuyên nhân dịp chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc. Hoạt động thể dục, thể thao luôn được duy trì thường xuyên với các môn thể thao thông thường như: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn cùng các môn thể thao dân tộc như: kéo co, đẩy gậy, tung còn, bắn nỏ… Huyện đã thành lập được đội thông tin lưu động và duy trì hoạt động có hiệu quả, kịp thời tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân. Việc thông tin, tuyên truyền về chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương luôn được triển khai thực hiện thường xuyên, kịp thời.

Công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện Pắc Nặm hiện nay đang có nhiều chuyển biến tích cực. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, cơ sở vật chất các trường học từng bước được đầu tư xây dựng từ nhiều nguồn vốn khác nhau; đặc biệt là các điểm trường lẻ được xây dựng trên cơ sở sự đóng góp của người dân địa phương, thể hiện công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn đã có có sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cũng như quần chúng nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn. Năm 2005, huyện được công nhận phổ cập giáo dục Trung học cơ sở.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được duy trì thực hiện tốt. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đến nay, mạng lưới y tế trên địa bàn huyện Pác Nặm ngày càng được củng cố, hoàn thiện và phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân: trung tâm Y tế huyện đã được xây dựng khang trang; hàng năm, các trang thiết bị chuyên môn, dụng cụ y tế được bổ sung đầy đủ, đáp ứng nhu cầu khám - chữa bệnh tại tuyến cơ sở. 10/10 Trạm Y tế xã đã được nâng cấp, đầu tư xây dựng mới theo mô hình Trạm chuẩn Quốc gia. Đội ngũ cán bộ y tế của huyện được quan tâm bồi dưỡng nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn; nếu như năm 2003 Ngành Y tế huyện chỉ có 03 bác sỹ tham gia điều trị thì đến năm 2011 đã có 12 bác sỹ tuyến huyện và 5/10 xã có bác sỹ hoạt động thường xuyên tại Trạm Y tế; 119/119 thôn, bản của huyện đều đã có nhân viên y tế được đào tạo bài bản và có cộng tác viên dân số hoạt động. Năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ y tế trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao, luôn chủ động phối hợp với các ban, ngành đoàn thể từ huyện đến cơ sở tích cực thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh; phát hiện và xử lý kịp thời các loại dịch bệnh ngay từ khi mới phát hiện. Chính vì vậy, trong những năm qua, trên địa bàn huyện Pác Nặm không có dịch bệnh xảy ra; số lượt khám chữa bệnh tăng qua các năm; công tác khám chữa bệnh cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi ngày càng được chú trọng; gần 100% dân số trên địa bàn huyện được khám chữa bệnh miễn phí bằng thẻ bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế.

Từ khi được thành lập đến nay, tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện Pác Nặm luôn được giữ vững.

2.3.2.3. Công tác thú y

Pắc Nặm là huyện nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nắng mưa thất thường, thời tiết biến đổi phức tạp nên thường xuyên xảy ra dịch bệnh làm ảnh hưởng đến đàn gia súc, gia cầm trong huyện.

Đội ngũ cán bộ thú y của huyện tương đối đông đảo và nhiệt tình trong công việc, mỗi thôn, xóm đều có 1 cán bộ thú y thôn bản. Hàng năm, huyện vẫn tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc gia cầm như tiêm vắc xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng… tuy nhiên do trình độ nhận thức của nhân dân còn kém chưa ý thức được tầm quan trọng của công tác phòng chống dịch bệnh nên hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh còn thấp. Hơn nữa, do địa hình núi cao hiểm trở, giao thông chưa phát triển, việc đi lại hoạt động rất khó khăn nên khi dịch bệnh bùng phát không thể xử lí kịp thời. Hàng năm vẫn còn sẩy ra một số dịch bệnh như: lở mồm long móng, tụ huyết trùng, nhiệt thán….Đặc biệt là dịch lở mồm long móng đã gây ra nhiều thiệt hại không nhỏ cho ngàng chăn nuôi bò bò, đặc biệt là bò bò cày kéo gây ảnh hưởng rất lớn đến phát triển sản xuất của đồng bào nhân dân các dân tộc trong huyện.

Công tác kiểm dịch, vệ sinh gia súc chưa được thực hiện đầy đủ. Hiện tượng gia súc bị ốm chết vẫn được mổ thịt rồi đem bán ra thị trường vẫn còn xẩy ra thường xuyên. Quy trình vệ sinh chuồng trại cũng chưa được phổ biến rộng rãi và chưa thực hiện đầy đủ.

Do những tồn tại kể trên, hàng năm dịch bệnh vẫn thường xuyên xảy ra trên địa bàn huyện gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi của huyện làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Một phần của tài liệu Khảo sát khả năng sinh trưởng của các bê sinh ra từ đàn bò hmông hạt nhân nuôi tại huyện pắc nặm, tỉnh bắc kạn (Trang 37 - 44)