Giống bò H’Mông đã được thuần hóa, chọn lọc, nuôi dưỡng thích ứng rất tốt với điều kiện lạnh khô vùng núi cao các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Bắc Kạn, Cao Bằng, nơi mà cộng đồng dân tộc người H’Mông sinh sống khá đông đúc. Bò H’Mông có khả năng sản xuất tốt, tầm vóc lớn, phẩm chất thịt thơm ngon. Nhận thấy được đặc điểm quý của giống bò này, từ những năm 90 của thế kỷ trước, một số tác giả đã nghiên cứu để khai thác giống bò này. Giống bò H’Mông hiện nay được phân bố rộng khắp vùng núi cao phía Bắc nước ta nhưng tập trung nhất được cộng đồng dân tộc thiểu số H’Mông nuôi tại các huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang vì đây chính là xứ sở nguồn gốc của giống bò Vàng H’Mông.
Do tình trạng nuôi nhốt và điều kiện địa lý núi cao, giao thông khó khăn, ít có cơ hội để bò đực và bò cái xa huyết thống gặp nhau đã gây nên nguyên nhân đồng huyết cao dẫn đến sự thoái hóa giống ở vùng cao này.
Mặt khác, đang diễn ra quá trình chọn lọc ngược tức là những bò đực tầm vóc lớn, tiêu biểu của nhóm bò Vàng vùng cao thì đưa ra chợ bán để được nhiều tiền, những bò đực nhỏ con, kém chất lượng thì giữ lại cày kéo và nhân tiện được sử dụng làm giống.
Bò H’Mông là một trong những vật nuôi bản địa được thuần hoá, chọn lọc, nuôi dưỡng từ lâu đời của người H’Mông. Bò H’Mông có khả năng chịu đựng điều kiện nuôi kham khổ; điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng cao núi đá, đặc biệt là khí hậu lạnh giá của mùa đông; địa hình hiểm trở, độ dốc cao, đặc biệt là khan hiếm nước, nhất là vào mùa khô và thiếu thức ăn, đã đáp ứng tốt với điều tự nhiên mang tính đặc hữu của vùng núi cao các tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam.
Hiện tại, bò H’Mông đang là một trong những đối tượng được nhà nước tập trung ưu tiên cho công tác bảo tồn đặc biệt. Vì vậy, những thông tin về hiện trạng và đặc điểm ngoại hình của quần thể bò H’Mông này là rất cần thiết và quan trọng để hoạch định các chiến lược bảo tồn bền vững, đồng thời việc khai thác và phát triển hiệu quả nguồn gen quý này thông qua chọn lọc, nhân thuần và lai tạo giống.