Một số kiến nghị nhằm bảo vệ và đảm bảo thực hiện các quy định về quảng cáo so sánh đã được sửa đổi, bổ sung ở trên

Một phần của tài liệu Nghiên cứu so sánh pháp luật điều chỉnh hành vi Quảng cáo so sánh của Liên minh Châu Âu và Việt Nam (Trang 50 - 56)

định về quảng cáo so sánh đã được sửa đổi, bổ sung ở trên

Để góp phần bảo vệ tính cạnh tranh lành mạnh của hoạt động quảng cáo so sánh và đảm bảo thực hiện các quy định của quảng cáo so sánh về mặt quản lý nhà nước trong thực tế, tác giả đưa ra một số kiến nghị sau đây:

Thứ nhất, nhanh chóng hoàn thiện khái niệm “quảng cáo” theo hướng xác định lại bản chất thương mại của “quảng cáo” và thống nhất hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động “quảng cáo”.

Việc hoàn thiện khái niệm “quảng cáo” sẽ mang lại hai tác dụng sau đây: (i) đảm bảo cho việc thực hiện hoạt động quảng cáo nói chung và quảng cáo so sánh nói riêng của các thương nhân và việc quản lý của cơ quan nhà nước trong hoạt động này tránh khỏi những bất cập và tiêu cực như hiện nay;

(ii) góp phần phù hợp với luật và thông lệ quốc tế.

Thứ hai, thay đổi thẩm quyền giải quyết các vụ việc vi phạm pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh.

Tác giả cho rằng nên chuyển thẩm quyền này từ Cục Quản lý cạnh tranh sang cho Tòa án với các lý do: (i) nâng cao chất lượng giải quyết và sự thực thi các quyết định được đưa ra bởi cơ quan giải quyết vụ việc hơn; (ii) Cục Quản lý cạnh tranh có thể tập trung cho lĩnh vực hạn chế cạnh tranh (một lĩnh vực nổi cộm, điển hình và có ảnh hưởng lớn của nền kinh tế) trong điều kiện thiếu nguồn nhân lực các chuyên gia cạnh tranh như hiện nay.

Thứ ba, nghiên cứu quy định vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp

nhân trong Bộ luật Hình sự.

Theo quy định của pháp luật hiện nay, những người đại diện, thực hiện hành vi vì lợi ích của pháp nhân lại phải chịu trách nhiệm hình sự thay cho pháp nhân. Thực tế, trong hoạt động kinh doanh mà đặc biệt là các hoạt động xúc tiến thương mại thì số tiền bỏ ra rất lớn nên dễ gây ra các rủi ro và ảnh hưởng tiêu cực nếu có vi phạm pháp luật xảy ra. Do đó, cần quy định pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự để góp phần răn đe và nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các pháp nhân hiện nay.

Thứ tư, xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Cục quản lý cạnh tranh trong thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phân định ranh giới với

thẩm quyền của lực lượng quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực này.

Theo như kiến nghị thứ hai ở trên, tác giả cho rằng nên chuyển giao thẩm quyền giải quyết các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh cho Tòa án nhưng với thẩm quyền bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực này vẫn nên giữ nguyên cho Cục Quản lý cạnh tranh vì nó thể hiện đặc điểm cơ bản của đơn vị này khi quyền lợi người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi những quảng cáo so sánh nhằm cạnh tranh không lành mạnh. Nếu như người tiêu dùng không muốn kiện ra Tòa án thì hoàn toàn vẫn có thể “nhờ” đến Cục Quản lý cạnh tranh. Điều này cũng thể hiện được sự đa dạng trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng của các cơ quan Nhà nước. Vì vậy, việc phân định rõ ràng thẩm quyền bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Cục Quản lý cạnh tranh đối với các cơ quan khác là điều cần thiết trong thời điểm hiện tại.

Bên cạnh đó, các nhà quản lý cũng nên quan tâm đến vấn đề nâng cao năng lực nhận thức thực thi pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhằm làm cho pháp luật cạnh tranh nói chung và pháp luật điều chỉnh hành vi quảng cáo so sánh nói riêng được thực thi một cách có hiệu quả. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải hiểu được rằng cạnh tranh lành mạnh sẽ giúp tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng, có lợi cho sự phát triển của cả hai bên [21]. Muốn thực hiện được điều này, một vấn đề hết sức quan trọng đặt ra là phải đẩy nhanh hơn nữa quá trình hoàn thiện và tuyên truyền pháp luật cạnh tranh tại nước ta.

Nói tóm lại, qua các phân tích của chương 2, có thể rút ra một số kết luận:

(i) Pháp luật Cạnh tranh nói chung và pháp luật về quảng cáo so sánh của Liên minh Châu Âu có quá trình hình thành và phát triển lâu đời hơn nhiều so với Việt Nam. Các văn bản pháp luật liên quan đến quảng cáo so sánh được quy định một cách tập trung, có quá trình đi từ phạm vi hẹp đến

phạm vi rộng (từ quảng cáo so sánh đến quảng cáo so sánh không có sự so sánh) và cho phép thực hiện quảng cáo so sánh. Còn ở Việt Nam, các văn bản liên quan đến quảng cáo so sánh khá nhiều và đơn thuần đi từ cấm quảng cáo so sánh đến cấm quảng cáo so sánh trực tiếp;

(ii) Kỹ thuật lập pháp của Liên minh Châu Âu có độ chín và hoàn thiện nhất định, tiến xa hơn so với Việt Nam. Bên cạnh đó các quy định của Liên minh Châu Âu cũng nhằm điều chỉnh các thành viên của Liên minh, thể hiện sự linh hoạt và phù hợp với xu hướng chung. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam về quảng cáo so sánh chỉ mới quy định một cách sơ sài, chưa thống nhất giữa các văn bản và thể hiện kỹ thuật lập pháp còn non kém. Pháp luật của Liên minh Châu Âu và Việt Nam điều chỉnh hành vi quảng cáo so sánh có những tương đồng nhất định như về vấn đề chủ thể thực hiện hoạt động quảng cáo so sánh, mức độ so sánh, phương pháp so sánh. Tuy nhiên, có những sự khác biệt như: Liên minh Châu Âu cho phép thực hiện quảng cáo so sánh với những điều kiện nhất định còn Việt Nam cấm quảng cáo so sánh trực tiếp; phương pháp và biện pháp thực hiện các quy định khác nhau;… Nguyên nhân của vấn đề này đã được đề cập khá chi tiết trong chương này;

(iii) Từ những sự khác nhau về thực trạng pháp luật ở trên đã dẫn đến thực tiễn áp dụng và hiệu quả thi hành pháp luật khác nhau. Các quy định của Liên minh Châu Âu hợp lý và có khả năng thực thi cao. Việt Nam chưa có thực tiễn áp dụng Luật Cạnh tranh nói chung cũng như về quảng cáo so sánh nói riêng nhiều nên chưa thể đánh giá toàn diện hiệu quả áp dụng của các quy định. Tuy nhiên, về mặt học thuật có thể nhìn nhận được rằng với những quy định như hiện nay của Việt Nam thì việc đi vào đời sống, nhất là trong thời gian tới nhất định sẽ khó áp dụng và không khả thi;

(iv) Những kiến nghị hoàn thiện pháp luật của Việt Nam về quảng cáo so sánh được xây dựng trên cơ sở tiếp thu pháp luật Liên minh Châu Âu và quan điểm riêng của tác giả đề tài với mong muốn đưa pháp luật cạnh tranh vào cuộc sống hiệu quả hơn, phù hợp với xu hướng của khu vực và thế giới.

KẾT LUẬN

1. Hòa bình là hệ quả tất yếu của thương mại [7; tr.232]. Trong bất kỳ sự cạnh tranh nào cũng tồn tại kẻ mạnh, người yếu. Tuy nhiên, học thuyết

Chính sách đại dương xanh cũng đã chỉ ra rằng, nên làm hài hòa hóa chính

sách cạnh tranh để có một sự cạnh tranh ôn hòa. Pháp luật cũng như đời sống xã hội, cần một khung hoàn chỉnh và ổn định để điều hòa những nhân tố đang vận hành bên trong nó. Xét cho cùng, không có sự khác biệt căn bản trong mục tiêu của các pháp luật cạnh tranh khác nhau. Tựu chung lại chúng đều nhằm bảo vệ một môi trường cạnh tranh công bằng và qua đó khuyến khích cạnh tranh. Qua nghiên cứu, người viết nhận thấy có sự tương đồng căn bản giữa pháp luật cạnh tranh Việt Nam và pháp luật của Liên minh Châu Âu cũng như các quốc gia thành viên của Liên minh này (nhưng có sự khác biệt đáng kể trong việc lựa chọn các phương pháp cũng như biện pháp thực hiện được ban hành). Quảng cáo so sánh là nhu cầu và sẽ vẫn tiếp tục tồn tại vì ưu thế của nó là thông qua so sánh sẽ làm người tiêu dùng nhận thức rõ hơn, sâu hơn, ấn tượng đậm nét hơn về sản phẩm đang được quảng cáo. Do đó, quảng cáo so sánh sẽ vẫn giữ vai trò là một công cụ marketing đắc lực cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường hiện nay và trong tương lai.

2. Khóa luận trên có một số điểm mới như sau: (i) nghiên cứu so sánh chuyên sâu pháp luật điều chỉnh hành vi quảng cáo so sánh; (ii) xây dựng lại khái niệm quảng cáo so sánh; (iii) đánh giá được thực tiễn áp dụng các quy định về quảng cáo so sánh của Liên minh Châu Âu và Việt Nam; (iv) có sự đổi mới về cách thức nghiên cứu và trình bày: vì đối tượng nghiên cứu so sánh là hành vi quảng cáo so sánh nên với 2 chương, khoá luận đã phân tích các vấn đề của hành vi này thông qua sự so sánh các quy định của Liên minh châu Âu và Việt Nam chứ không đi theo hướng lần lượt trình bày quy định

pháp luật của từng nước như các nghiên cứu khác. Với những điểm mới như vậy, tác giả hy vọng khoá luận này là một sự đóng góp nhỏ trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cạnh tranh và pháp luật thương mại ở Việt Nam. Bên cạnh đó, tác giả cũng mong muốn góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật cạnh tranh, tạo ra một môi trường cạnh tranh trong quảng cáo cũng như trong kinh doanh lành mạnh hơn, thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo đúng quỹ đạo.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu so sánh pháp luật điều chỉnh hành vi Quảng cáo so sánh của Liên minh Châu Âu và Việt Nam (Trang 50 - 56)