Thông thường các dạng số liệu phải thu thập bao gồm đặc điểm nông học, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội....
1. Số liệu nông học: năng suất cây trồng và vật nuôi, thời gian sinh trưởng, tình hình sâu bệnh và cỏ dại, sự sai biệt về đặc điểm nông học và kỹ thuật canh tác, số quy trình được đưa ra bố trí thí nghiệm.
2. Môi trường tự nhiên: đặc điểm đất đai, chế độ nước, sự tưới tiêu, thời gian khô hạn và ngập úng.
3. Điều kiện kinh tế: tại mỗi điểm bố trí thử nghiệm hợp phần kỹ thuật sẽ có những dạng nông hộ khác nhau về điều kiện kinh tế, tốt nhất là chọn những dạng nông hộ mà mô tả điểm đã xếp nhóm. Từ thông số kinh tế sẽ phản ánh phần nào cho chiến lược đưa ra diện rộng cho các dạng nông hộ khác nhau trong vùng nghiên cứu. Các số liệu kinh tế có thể thu thập như sau:
- Tình hình lao động: bao gồm số lượng và chất lượng lao động, cách sử dụng lao động trong năm, giá trị ngày công lao động và cuối cùng là ngày công lao động ở nơi nghiên cứu.
- Chi phí vật tư đầu tư và giá trị đầu ra của sản phẩm nông nghiệp của mô hình canh tác.
- Chi phí khác như chi phí giao thông, vận chuyển vật tư và sản phẩm nông nghiệp, thuê mướn máy móc có liên quan.
- Khả năng tiền vốn của nông hộ.
4. Thu thập thông tin phản hồi từ nông dân hợp tác.
Những kiến nghị nông dân hợp tác và nông dấn khác gần điểm thí nghiệm sẽ phản ánh về khía cạnh kinh tế kỹ thuật cho mô hình canh tác mới. Đồng thời những kiến nghị khác cần bổ sung cho chương trình nghiên cứu nhiều điểm và đưa ra diện rộng cũng được ghi nhận.
5. Ghi nhận những nét đặc thù ở điểm nghiên cứu
Để lập kế hoạch cho công tác sản xuất thử và phổ biến hệ thống canh tác ra diện rộng. Những nét đặc thù có ảnh hưởng đến việc áp dụng mô hình mới được ghi nhận như: khả năng phục vụ khuyến nông ở địa phương, khả năng đầu tư giống và phục vụ vật tư cho mô hình canh tác mới, nguồn vốn của nông dân và khả năng vận dụng để phục vụ hệ thống canh tác mới, khả năng ảnh hưởng giá cả thị trường khi mô hình canh tác cho sản phẩm mới ở địa phương, khả năng trợ giá về nông sản, thực phẩm của Nhà nước.