0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (86 trang)

Tình hình xuất khẩu mật ong Việt Nam

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA M ỘT SỐ YẾU TỐ TỰ NHIÊN VÀ NHÂN TẠO TỚI TỶ LỆ NƯỚC TRONG MẬT ONG NỘI A.CERANA (Trang 39 -42 )

Vào những năm đầu thập niên 90, Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu mật ong với số lượng còn hạn chế, nhưng từ những năm 2000 đến nay, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu mật ong có uy tín trên thị trường thế giới với sản lượng khoảng 12.000 - 14.000 tấn/năm.

Năm 1994, cả nước có 40.000 đàn ong; năm 2001 là 270.000 đàn và đến nay cả nước có khoảng trên 600.000 đàn ong. Theo Hội nuôi ong Việt Nam, sản lượng mật ong xuất khẩu trong năm 2002 đạt 14.000 tấn, kinh ngạch đạt 20 triệu USD (theo vietbao.com) [45].

Tuy nhiên, năm 2003, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 11.000 tấn mật ong, giảm 3 nghìn tấn so với năm 2002 do một số lô hàng xuất khẩu của Việt Nam bị trả lại vì phát hiện dư lượng kháng sinh và hàm lượng đường saccazo vượt quá mức cho phép (daidoanketonline ngày 10/04/2008) [39]. Năm 2004, sản lượng mật xuất khẩu giảm mạnh chỉ còn khoảng 8000 tấn do chất lượng mật kém.

Từ năm 2005, sản lượng mật ong xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng tăng dần. Năm 2005, Việt Nam xuất khẩu được 11.500 tấn, tăng 3.500 tấn so với năm 2004, kinh ngạch xuất khẩu đạt 10,4 triệu USD (rumenasia.org.vn) [47]; năm 2006, Việt Nam xuất khẩu được gần 16.000 tấn mật ong, trở thành nước xuất khẩu mật ong lớn thứ 2 ở châu Á sau Trung Quốc và là một trong 10 nước xuất khẩu mật ong hàng đầu thế giới (nhandanonline, ngày 14/12/2006) [42].

Có được những thành công như vậy là nhờ trình độ sản xuất, quản lý chất lượng của ngành ong Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Từ năm 1987, Công ty ong Trung ương đã hợp tác với Uỷ ban khoa học kỹ thuật vì Việt Nam của Hà Lan thực hiện chương trình nâng cao chất lượng mật ong, đã cải tiến kỹ thuật quản lý ong; xây dựng tiêu chuẩn chất lượng mật ong nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu. Trung tâm Nghiên cứu ong cũng đã triển khai dự án "Sản xuất giống ong mật chất lượng cao", tiến hành thành công phương pháp thụ tinh nhân tạo cho ong chúa, nhập và chủ động tạo ra một số giống ong năng suất cao. Do vậy, chất lượng mật ong Việt Nam trong

những năm gần đây đã được cải thiện đáng kể, thuỷ phần trong mật đã giảm xuống, chỉ còn 18 - 21%.

Một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công của ngành mật ong Việt Nam là nhờ người nuôi ong hiện đã bắt đầu có ý thức coi trọng chất lượng mật ong, đạt đủ các chỉ tiêu về chất lượng mật ong xuất khẩu. Người nuôi ong Việt Nam đã biết cách áp dụng những biện pháp phòng trừ các loại ký sinh trùng gây hại bằng phương pháp sinh học, thay cho biện pháp hoá học nên mật ong Việt Nam đã được các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, một số nước châu Á và Mỹ đánh giá cao, đặc biệt là không có dư lượng thuốc kháng sinh và các chất hoá học khác. Hội nuôi ong Việt Nam được hội nuôi ong thế giới (APIMODIA) công nhận là một thành viên tích cực trong 58 thành viên của tổ chức này.

Tuy nhiên, nhìn chung, việc sản xuất, xuất khẩu mật ong Việt Nam trong thời gian qua còn mang tính tự phát, sản phẩm được xuất khẩu dưới dạng thô. Thêm vào đó, một số đơn vị, hộ nuôi ong tranh thủ thời điểm giá mật ong tăng cao, chạy theo lợi nhuận, đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mật ong kém chất lượng đã làm giảm uy tín của mật ong Việt Nam.

Năm 2003, một số lô hàng xuất khẩu của Việt Nam không đạt yêu cầu về chất lượng, gây thiệt hại lớn về kinh tế, làm mất uy tín trên thương trường, giảm tiến độ xuất khẩu, lượng hàng tồn kho lớn.

Mật ong là một trong những mặt hàng có nguồn gốc thiên nhiên, do vậy yêu cầu về chất lượng đòi hỏi rất nghiêm ngặt, các chỉ tiêu kỹ thuật luôn bị điều chỉnh lên mức cao, trong khi Việt Nam nằm trong vùng có tiền sử nhiều thiên tai và dịch bệnh. Vì thế, để duy trì được mức tăng trưởng với số lượng và thứ hạng này luôn đòi hỏi các nhà sản xuất và kinh doanh của Việt Nam duy trì một hệ thống quản lý chặt chẽ, chính xác và hiệu quả.

Từ đầu năm 2008 đến nay, do thời tiết bất thuận, cây ăn quả mất mùa nên sản lượng mật ong tiếp tục giảm. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trở thành nước trung gian xuất khẩu mật ong của Trung Quốc, vốn đã bị các nước cấm xuất khẩu trước đó. Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu chất lượng mật ong không được giải quyết tận gốc trong vụ mật xuân năm tới thì nguy cơ sẽ bị các nước nhập khẩu tẩy chay sẽ thành hiện thực và người nuôi ong cũng như các công ty ong có thể phá sản (Theo daidoanketonline ) [39].

Các đơn vị nhập khẩu của EU yêu cầu mật ong nhập khẩu từ Việt Nam có tỷ lệ nước cho phép là 18,5% hoặc thấp hơn, trong khi tiêu chuẩn Việt Nam là 22,5%. Ngoài ra, phía EU cũng yêu cầu các cơ sở chế biến sản phẩm mật ong xuất khẩu phải áp dụng hệ thống "Phân tích độc hại điểm kiểm tra chủ chốt", điều này cần phải có thời gian và tăng chi phí của các doanh nghiệp. Bộ NN & PTNT đã đầu tư cho Trung tâm vệ sinh thú y TƯ một hệ thống máy kiểm tra kim loại nặng, thuốc BVTV trong mật ong, máy sắc khí lỏng khối phổ, kiểm tra các loại kháng sinh, hóc môn; lấy mẫu ở các cơ sở nuôi ong, doanh nghiệp xuất khẩu mật ong về phân tích. Ban đầu, Cục thú y đăng kí phân tích 20 chỉ tiêu chất lượng vệ sinh. Năm 2008, đăng kí 34 chỉ tiêu theo yêu cầu của các nước nhập khẩu. Vừa qua, EU cử các chuyên gia sang Việt Nam giám sát chất lượng mật ong, và trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tổng hợp các kết quả phân tích mẫu chất lượng mật ong, gửi sang EU để sớm "khơi thông" việc xuất khẩu mật ong trong nước (Theo nongnghiep.vn) [43].

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA M ỘT SỐ YẾU TỐ TỰ NHIÊN VÀ NHÂN TẠO TỚI TỶ LỆ NƯỚC TRONG MẬT ONG NỘI A.CERANA (Trang 39 -42 )

×