Đánh giá về năng suất cây trồng

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp của xã Sen Thủy - huyện Lệ Thủy - tỉnh Quảng Bình. Đề xuất một số giải pháp sử dụng đất bền vững (Trang 47 - 49)

Theo báo cáo của UBND xã Sen Thuỷ năng suất lúa trên địa bàn năm năm 2008 là 33 tạ/ha, đạt 98% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên vẫn rất thấp. Nguyên nhân là do:

- Địa hình phân bố không đều nên một số diện tích đất trồng lúa thường bị ngập lũ vào mùa mưa.

- Đất trồng lúa chủ yếu là đất hạng IV và một ít hạng V nên có độ phì thấp, hàm lượng dinh dưỡng không cao, khả năng giữ nước kém

- Do điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, mùa mưa thường bị ngập úng, mùa khô gây thiếu nước. Đây là điều kiện thuận lợi giúp cho sâu bệnh phát triển nên ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa.

- Xã đã đưa ra các giống mới có năng suất cao vào sản xuất như Khang Dân 18, IR35366… nhưng chưa áp dụng một cách đại trà.

- Các hộ gia đình chưa chú trọng đến đầu tư thâm canh nhằm tăng năng suất của cây lúa do thiếu nguồn vốn và do sản xuất lúa đem lại lợi nhuận không cao.

Năng suất của cây sắn năm 2008 đạt 80 tạ/ha, đạt 101% kế hoạch đề ra. So với năng suất sắn của huyện Lệ Thủy hoặc của tỉnh Quảng Bình thì năng suất sắn của xã chỉ đạt mức trung bình. Nguyên nhân là:

- Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, cây sắn đòi hỏi phải cung cấp một lượng lớn chất dinh dưỡng từ đất nhưng đất đai trên địa bàn có độ phì thấp. Tuy vậy, cây sắn được trồng xen canh hoặc luân canh với cây họ đậu nên tận dụng được khả năng cố định đạm của khí trời và thân lá cây họ đậu. Vì thế, đất đai được trả lại một phần dinh dưỡng mà cây sắn đã lấy đi.

- Sắn là cây trồng truyền thống trên địa bàn nên người dân có kinh nghiệm trong sản xuất, bố trí lịch mùa vụ, cây trồng trong hệ thống luân canh, xen canh. Tuy nhiên do các hộ gia đình không chú trọng đầu tư thâm canh vì lợi nhuận từ việc trồng sắn không cao nên năng suất chỉ đạt ở mức trung bình là điều có thể hiểu được.

- Được sự giúp đỡ kỹ thuật của các cơ quan chức năng, nông dân đã được tập huấn quy trình sản xuất sắn nhưng người dân chưa áp dụng được vào thực tế của quá trình sản xuất.

- Cũng như cây lúa, thời tiết khí hậu trên địa bàn không thuận lợi cho việc trồng sắn nên ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển và khả năng cho năng suất của cây trồng này.

Năng suất của cây lạc đạt 25 tạ/ha, đạt 100% kế hoạch đề ra. So với năng suất cây lạc của tỉnh Quảng Bình và huyện Lệ Thủy thì năng suất cây lạc ở xã đạt mức cao. Nguyên nhân là:

- Được sự giúp đỡ kỹ thuật của các cơ quan chức năng, nông dân đã được tập huấn về quy trình sản xuất và chăm sóc cây lạc.

- Sản phẩm từ lạc tiêu thụ tương đối dễ dàng, giá bán lạc ở mức tương đối cao nên người dân chú trọng đến việc đầu tư thâm canh cây lạc.

Khoai lang đạt năng suất 45 tạ/ha, đạt 101% kế hoạch đề ra. Khoai lang đạt được năng suất như vậy là do: Cây khoai lang phân bố đều trên cả 3 hạng đất, mà cây khoai lại trồng rất dễ, lại thích hợp với các loại đất của xã nên cho năng suất cao.

Năng suất rau các loại đạt 65 tạ/ha. Cây rau đạt năng suất cao như vậy là do:

- Phần lớn diện tích trồng rau có nguồn nước chủ động.

- Đây là loại hình có giá trị kinh tế cao nên nông dân rất quan tâm, các vật tư như phân bón, thuốc trừ sâu.

- Được sự giúp đỡ của nơi cung cấp giống ở huyện nên đưa các giống mới vào sản xuất cho năng suất cao.

Năng suất của đậu các loại, ớt, … cũng cho năng suất khá cao, do có nhiều giống sản xuất mới, và việc trồng các loại cây này khá dễ dàng nên người dân rất chú trọng.

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp của xã Sen Thủy - huyện Lệ Thủy - tỉnh Quảng Bình. Đề xuất một số giải pháp sử dụng đất bền vững (Trang 47 - 49)