Những mặt hạn chế

Một phần của tài liệu sản xuất trong nước của Việt Nam trong bối cảnh là thành viên của WTO (Trang 72 - 77)

III. Đánh giá mức độ hợp lý của các biện pháp bảo hộ sản xuất ở Việt

2. Những mặt hạn chế

2.1. Đối tượng tác động của các biện pháp bảo hộ còn dàn trải

Các mặt hàng được bảo hộ trong thời gian vừa qua chưa có tính chọn lọc. Trong số các mặt hàng được bảo hộ, có những mặt hàng mà chúng ta không có lợi thế so sánh ( ô tô, sắt thép…) và những mặt hàng không có hiệu quả kinh tế cao (đường, giấy…), gây ra một sự lãng phí không nhỏ về nguồn vốn đầu tư. Mặt khác, chúng ta lại chưa có sự hỗ trợ tập trung, đủ lực cho các mặt hàng mang tính chiến lược của nền kinh tế mà chúng ta có lợi thế so sánh và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

2.2. Hiệu quả thực hiện các biện pháp bảo hộ còn chưa cao

Hệ thống thuế quan còn khá phức tạp, số lượng thuế quan còn nhiều và độ phân tán giữa các mức thuế quan còn khá cao là mảnh đất màu mỡ “dung dưỡng” cho các hoạt động tìm kiếm đặc lợi và tham nhũng. Mức bảo hộ bằng thuế quan vẫn còn quá chênh lệch giữa các ngành hàng là một trong nhiều nguyên nhân khiến một lượng vốn tương đối lớn được đầu tư vào các ngành hàng mà Việt Nam không có lợi thế so sánh, và do đó, dẫn đến nguồn vốn được phân bổ kém hiệu quả. Không chỉ chưa tạo ra nhiều công ăn việc làm, chính sách thuế quan bảo hộ các ngành thay thế nhập khẩu cũng chưa thể hiện vai trò nổi bật trong nâng cao năng lực cạnh tranh của một số ngành hàng.

Việc một số mặt hàng được bảo hộ cao như đường ăn, xi măng,… có giá thành tương đối cao là những minh chứng cho nhận định này.

Nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển (một dạng trợ cấp) từ Quỹ Hỗ trợ phát triển cũng chưa được sử dụng có hiệu quả. Việc mở rộng quá mức đối tượng được vay ưu đãi (theo Nghị định 43/1999/NĐ-CP trước đây) cùng với các chính sách bảo hộ, cơ chế phân cấp mạnh, quản lý không chặt chẽ đã dẫn đến tình trạng nợ nần, đầu tư dàn trải, lãng phí và kém hiệu quả của nhiều dự án đầu tư.

Việc quy định thiếu chặt chẽ về phạm vi và thời gian áp dụng nhiều khoản trợ cấp trong chừng mực nhất định đã gây sức ỳ và tâm lý ỷ lại vào trợ cấp, đặc biệt gây những sai lệch trong phân bổ nguồn lực và quyết định đầu tư. Chẳng hạn, ưu đãi trong thuế Thu nhập doanh nghiệp phần nào khuyến khích các nhà đầu tư “chia” doanh nghiệp hay dự án đầu tư của mình thành từng phần nhỏ, thay vì đầu tư mở rộng hoặc đổi mới công nghệ nhằm nâng cao quy mô sản xuất và năng lực cạnh tranh. Trên thực tế, đối tượng thụ hưởng trợ cấp chủ yếu dường như là các DNNN (và cả một số quan chức) thay vì các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay nông dân và ngư dân. Kết quả điều tra gần đây – có tới 60% doanh nghiệp không biết về các điều kiện, quy định về vay ưu đãi – cho thấy tương đối rõ nét thực trạng này.

Đối với một số ngành hàng, trợ cấp là cần thiết song không hoặc ít được thụ hưởng, trong khi đó, một số khoản trợ cấp không được sử dụng hết trong khuôn khổ nguồn trợ cấp khả dụng. Các khoản trợ cấp hỗ trợ xuất khẩu, nhất là xúc tiến xuất khẩu chỉ được sử dụng một tỷ lệ nhỏ so với tổng trợ cấp khả dụng. Trong lĩnh vực nông nghiệp, các khoản hỗ trợ sản xuất tập trung chủ yếu vào một vài nông sản có năng lực cạnh tranh thấp như đường ăn, bông…. Trong khi đó, một số dạng trợ cấp xuất khẩu mà các nước đang phát triển được phép áp dụng như hỗ trợ phí vận tải trong và ngoài nước, xúc tiến thương mại lại không được chú trọng đúng mức.

2.3. Các chính sách bảo hộ chưa thực sự là động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành hàng cạnh tranh của các ngành hàng

Trong thời gian vừa qua, để bảo hộ và nuôi dưỡng các ngành được coi là chiến lược, chính sách thuế và trợ cấp của Việt Nam đã quá chú trọng tới bảo hộ đầu vào và ra của sản phẩm mà chưa quan tâm đúng mức tới xây dựng và cải thiện các cơ chế khuyến khích đối với các nhân tố được coi là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự thui chột của một số ngành. Có thể dẫn chứng như: thiếu cơ chế khuyến khích việc sử dụng công nghệ cao (trường hợp một số nhà máy sản xuất mía đường, xi măng…), nâng cao chất lượng quy hoạch, năng suất cây trồng (trường hợp mía đường, giấy …), phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ hợp lý và thúc đẩy liên kết (nhất là chuyển giao và hấp thụ công nghệ) giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và trong nước, giữa các ngành hạ nguồn và thượng nguồn (trường hợp ngành công nghiệp ô tô).

Mục tiêu của việc bảo hộ là thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, tuy nhiên, mặc dù đã được ưu đãi với rất nhiều chính sách bảo hộ nhưng phần lớn các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp của nước ta vẫn trong tình trạng tài chính yếu kém, không sử dụng hết công suất thiết kế và sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. Một số ngành sản xuất được bảo hộ cao như xi măng, sắt thép, giấy… mới chỉ sử dụng hết khoảng 40% công suất thiết kế mà tình trạng tồn đọng hàng hóa này là khá lớn và lượng hàng hóa nhập khẩu vẫn không ngừng tăng lên. Do được hưởng chính sách bảo hộ, ít chịu sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài nên một số doanh nghiệp có thói quen ỷ lại, không đổi mới dây chuyền công nghệ và nâng cao kỹ năng sản xuất của mình. Kết quả là người tiêu dùng trong nước có thể phải chấp nhận tiêu dùng những hàng hóa chất lượng thấp với giá cả cao hơn trong điều kiện tự do cạnh tranh.

Có thể nói, sự chưa thành công trong phát triển một số ngành hàng kể trên còn có sự “góp sức” của các nhân tố khác như: cơ chế giám sát, ra quyết định đầu tư và năng lực quy hoạch đầu tư còn hạn chế (ví dụ chọn vùng nguyên liệu không thích hợp), đầu tư theo phong trào (đối với mía đường, giấy, xi măng…), không tính đến các yếu tố quan trọng của bảo hộ ngành hoặc bị cản trở bởi các công cụ chính sách thuế trong nước chưa thích hợp đã làm giảm tính hiệu quả kinh tế nhờ quy mô sản xuất (trường hợp ngành công nghiệp ô tô) – điều cốt yếu đảm bảo thành công của chiến lược thay thế nhập khẩu. Ngoài ra, việc sử dụng các chính sách bảo hộ để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa mà không tính tới đầy đủ các đặc thù ngành, bối cảnh thị trường thế giới, chiến lược của các công ty xuyên, đa quốc gia và khả năng phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước có thể dẫn tới thất bại trong phát triển ngành chiến lược (trường hợp ngành công nghiệp ôtô).

Với chính sách bảo hộ ngành chiến lược cùng với chính sách khuyến khích xuất khẩu, chính sách thuế quan và trợ cấp trong thời gian qua đã tạo ra một khu vực công nghiệp chế biến có tính “lưỡng thể”, bao gồm một khu vực sản xuất hàng xuất khẩu có năng lực cạnh tranh toàn cầu (chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) và khu vực thay thế nhập khẩu yếu kém, ít gắn kết với khu vực sản xuất hướng tới xuất khẩu (các DNNN Việt Nam).

Chính sách thuế quan và trợ cấp của Việt Nam vẫn còn thiếu minh bạch, công khai và còn mang tính tùy tiện, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp. Việc thiếu vắng một hệ thống thông tin đầy đủ và nhất quán về trợ cấp (nhất là trong công nghiệp), kể cả thông tin chính thức, nội bộ các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam và nội bộ đoàn đàm phán gia nhập WTO, phần nào thể hiện sự thiếu chuẩn bị chu đáo cho gia nhập WTO và đối phó với các thách thức sau khi gia nhập tổ chức này. Sự thiếu vắng hệ thống thông tin về trợ cấp có ảnh hưởng bất lợi tới công tác hoạch định chính sách của Việt Nam, nhất là tạo nên sự bị động trong đề xuất điều chỉnh chính sách kinh tế nói chung và

chính sách trợ cấp nói riêng nhằm nâng cao năng lực ngành, thúc đẩy tăng trưởng bền vững sau khi gia nhập WTO.

Trong bối cảnh gia nhập WTO, chính sách tài khóa của Việt Nam nên hướng tới giải quyết các yếu kém và bất cập kể trên để có thể đáp ứng được những mục tiêu của việc bảo hộ sản hợp lý xuất trong nước.

Các biện pháp bảo hộ của Việt Nam cần phải được hoàn thiện hơn nữa để khắc phục những tác động tiêu cực đến nền kinh tế mà nó mang lại. Việc hoàn thiện này đòi hỏi phải được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, bảo hộ hợp lý cả người sản xuất và người tiêu dùng.

CHƯƠNG III: GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÁC BIỆN PHÁP BẢO HỘ HỢP LÝ SẢN XUẤT TRONG NƯỚC

Một phần của tài liệu sản xuất trong nước của Việt Nam trong bối cảnh là thành viên của WTO (Trang 72 - 77)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(98 trang)
w