Rất khó để kiểm soát những nhân tố kết hợp gây ra khủng hoảng. Ví dụ, cơn sốt nhà đất chắc chắn đã không tiếp diễn như hiện tại nếu không có một lượng tiền với quy mô lớn từ những người cho vay nước ngoài. Tuy nhiên, việc ngừng tiếp nhận nguồn vốn từ nước ngoài là một điều không thể. Giá sẽ lên rất cao và khiến các công ty liên kết ở Mỹ cũng như cả thế giới không thể làm gì được.
Một chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ hơn, được thực hiện sớm hơn trong chu kỳ của cuộc khủng hoảng có thể đã kìm hãm được cơn sốt giá nhà. Chúng ta nghĩ rằng đây là một ý tưởng tốt, tuy nhiên lại có rất nhiều giới hạn trong quá trình thực thi giải pháp này. Có những cách tốt để tránh cho khủng hoảng bùng nổ hơn là việc đẩy cả nền kinh tế vào tình trạng đình đốn trì trệ.
Việc nới lỏng chuẩn cho vay dưới chuẩn đáng lẽ nên và đã có thể bị dừng lại, nhất là khi có rất nhiều lo ngại về một bong bóng thị trường nhà đất sẽ hình thành. Để thực hiện được điều này, cần có một cơ cấu khích lệ giúp đem lại những kết quả như chúng ta mong muốn hoặc nhà làm luật cần đưa ra những quy định chặt chẽ hơn để có thể chắc chắn rằng không có quá nhiều các khoản nợ xấu.
Chứng khoán hóa những tài sản thế chấp vượt quá giá trị của nó đã tạo ra những tài sản không minh bạch. Chúng ta biết rằng, thị trường với những bất cân xứng thông tin là một vấn đề rất lớn và việc kết hợp những lớp chứng khoán hóa dường như càng làm cho vấn đề này trở nên trầm trọng hơn.
Cơ sở hạ tầng của cả hệ thống tài chính cần phải được xem xét lại. Trong khi những công cụ phái sinh phức tạp như CDS ngày càng phát triển theo hàm mũ, nhưng
không ai biết được những sản phẩm này minh bạch đến mức nào bởi vì mỗi giao dịch CDS lại được thực hiện thông qua thị trường OTC hơn là trên các thị trường niêm yết. Việc giao dịch thiếu minh bạch này đã làm trầm trọng thêm vấn đề bất cân xứng thông tin và khuếch đại thêm những rủi ro hệ thống tiềm tàng.
Các tổ chức xếp hạng tín dụng đã thất bại trong việc đánh giá chính xác rủi ro của những tài sản được chứng khoán hóa. Họ phải đối mặt với một mâu thuẫn về lợi nhuận trong cấu trúc chi phí của mình. Mọi người kể cả chính phủ có những nhận định rất mờ nhạt về rủi ro và phụ thuộc hoàn toàn vào các tổ chức xếp hạng trong việc xác định rủi ro. Do vậy, cần có những cải cách trong cấu trúc đánh giá tín dụng và có lẽ nên ít phụ thuộc hơn vào các tổ chức này.
Công chúng đã không được cảnh báo một cách thích đáng về những nguy hiểm của thị trường thế chấp. Chúng ta không thể mong đợi những nhà làm luật dự báo thị trường hay biết rằng khi nào những tài sản bị đánh giá vượt quá giá trị của nó. Nhưng chúng ta có thể và nên mong đợi họ đưa ra những lời cảnh báo về rủi ro gia tăng trong tài sản.
Tại sao chính phủ liên bang và các bang không làm gì hơn? Đó là bởi họ tin rằng sẽ tốt hơn cho thị trường khi ít có sự kiểm soát và rằng thị trường sẽ tự mình giải quyết được những vấn đề này. Việc đẩy mạnh chính sách phi điều tiết trong 30 năm qua đã dẫn tới những thiếu phân biệt trong chính sách. Chúng ta cần thoát khỏi sự quản lý tồi tệ gây kiềm hãm cạnh tranh và ngăn chặn những đổi mới, tuy nhiên chúng ta cần cải thiện việc kiểm soát nhằm khiến thị trường hoạt động tốt hơn và ngăn chặn khủng hoảng.
KẾT LUẬN
Chứng khoán hóa là một phần quan trọng của tài chính phân lớp, bao gồm một loạt các công cụ tài chính ngày nay đã được sử dụng khá phổ biến như: chứng khoán bảo đảm bằng tài sản tài chính (ABS), chứng khoán bảo đảm bằng khế ước vay bất động sản nhà ở (RMBS), chứng khoán bảo đảm bằng khế ước vay bất động sản thương mại (CMBS) và các chứng khoán đảm bảo bằng tài sản (CDOs). Có thể thấy đây là các công cụ và phương pháp giao dịch tài chính phức hợp, đặt ra những mục tiêu riêng rõ ràng, nhằm chuyển tải rủi ro và làm lành mạnh hóa dòng tiền, tăng khả năng huy động vốn hoặc giảm chi phí sử dụng vốn cho doanh nghiệp. Phải thừa nhận rằng chứng khoán hóa là một công cụ tài chính thông minh. Song, bắt nguồn từ sự quản lý lỏng lẻo trong việc cho vay tín dụng dưới chuẩn và từ “lòng tham” của thị trường, chứng khoán hóa đã bị lạm dụng vào những mục đích không tốt và gây nên một hậu quả khôn lường. Đó chính là cuộc khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn năm 2007 bắt nguồn tại Mỹ và nhanh chóng lan rộng trên toàn cầu.
Bài học nào chúng ta có thể rút ra được từ cuộc khủng hoảng này?
Thứ nhất, khủng hoảng bùng nổ không phải do chỉ một nhân tố. Các tổ chức cho vay với khả năng quản lý rủi ro yếu kém; những người đi vay với việc vay quá mức và vượt quá giá trị của tài sản thế chấp; chính phủ với những quy định lỏng lẻo trong lĩnh vực tài chính; tất cả đã đưa đến cuộc khủng hoảng toàn cầu ngày hôm nay.
Một hệ thống quản lý rủi ro tốt hơn là bài học thứ hai mà chúng ta rút ra được từ cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay vì đây là lần thứ hai bong bóng đầu cơ được hình thành và bùng nổ tại Mỹ trong 15 năm qua. Tuy nhiên, làm được việc này là một điều thực sự không dễ dàng.
Nền kinh tế kết nối toàn cầu đã phức tạp hơn rất nhiều so với nền kinh tế của 50 năm trước. Cho đến khi cơ cấu quản lý được cải thiện một cách hiệu quả để có thể định lượng tốt hơn những rủi ro mới và chưa được biết đến của nền kinh tế thì các hộ gia đình, các doanh nghiệp và cả chính phủ cần phải hành động một cách cẩn thận hơn. Có lẽ việc bong bóng đầu cơ bùng nổ hai lần chỉ trong 15 năm là một bài học hiệu quả cho tất cả chúng ta về vấn đề này.