Một số nghiên cứu trong và ngoài nước về sử dụng chế phẩm axit amin tổng hợp DL – Methionine và L – Lysine trong chăn nuôi lợn và gia

Một phần của tài liệu Hiệu quả của việc bổ sung chế phẩm axit amin tổng hợp L- Lysine và DL-Methionine trong khẩu phần lợn thịt F1 (MóngCái –Yorkshire) nuôi ở trại Tiền Phong (Trang 36 - 39)

amin tổng hợp DL – Methionine và L – Lysine trong chăn nuôi lợn và gia cầm

Trong những năm gần đây đã có nhiều nghiên cứu về việc bổ sung các axit amin Lysine, Methionine trong khẩu phần gia súc, gia cầm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ở Mỹ đã làm thí nghiệm nuôi gà mái với khẩu phần từ ngô vàng, đậu tương khô, cám, bột cá, bột cỏ, bột xương và các chế phẩm vitamin,…trong đó có hàm lượng protein từ 14,7 – 16,7% và bổ sung 0,075% Methionine. Kết quả thí nghiệm so với đối chứng là: Cho 10 quả trứng thì chi phí thức ăn giảm từ 1,86kg xuống còn 1,6kg, khả năng đẻ trứng tăng 10%. Như vậy, việc bổ sung Methionine vào khẩu phần đã mang lại hiệu quả.

Theo Huỳnh Thanh Xoài, Xiuhua Li, Dagong Zhang và Wayne Bryden (2007) [31], với mức 0,45% methionine trong khẩu phần cho gà thịt 1-21 ngày tuổi thì cho tăng trọng tối ưu và chuyển hoá thức ăn hiệu quả.

Theo Nguyễn Thị Hoa Lý (1996, [20]) bổ sung 0,15% L-Lysine + 0,1% DL-Methionine và 0,2% L-Lysine + 0,15% DL-Methionine vào khẩu phần gà đẻ giống Goldline làm tăng tỷ lệ đẻ và sản lượng trứng từ 5,27 – 8,19% (cho 10 quả trứng) và 6,03 – 9,22% (cho 1kg trứng). Với khẩu phần bổ sung 0,15% L-Lysine + 0,1% DL-Methionine thì hiệu quả kinh tế cao hơn 0,2% L-Lysine + 0,15% DL-Methionine.

Urbanczyk và ctv (1981) [16] nghiên cứu trên 3 nhóm lợn thịt có trọng lượng 15kg, nhóm 1 cho ăn khẩu phần cơ sở gồm bột khoai, bột cỏ, bột cá, củ cải đường; nhóm 2 cho ăn khẩu phần cơ sở và bổ sung DL-Methionine; nhóm 3 cho ăn khẩu phần cơ sở và bổ sung Methionine hydroxyanalogue. Kết quả tăng trọng của 3 nhóm lợn thịt tương ứng là 496; 534 và 539 g/ngày. Tiêu tốn thức ăn là: 4,74; 4,41 và 4,42 kg/kg tăng trọng.

Nguyễn Văn Thưởng và ctv (1992) [16] đã tiến hành thí nghiệm trên lợn con với khẩu phần gồm bột ngô và khô dầu đậu tương (protein 12%) bổ sung thêm 0,1% Lysine và 0,05% Methionine, kết quả là lợn tăng trọng cao không kém khẩu phần có hàm lượng protein cao nhưng không cân đối về axit amin.

Nguyễn Thị Lộc, Lê Khắc Huy, Vũ Duy Giảng (2001) [18] cho biết : Khi bổ sung DL-Methionine vào khẩu phần lợn F1 (MC x ĐB) giai đoạn 50-55 kg có 40% sắn ủ yếm khí đã không làm thay đổi tỷ lệ tiêu hoá của protein qua ruột non và toàn bộ đoạn ruột. Và khi bổ sung DL-Methionine ở các mức 0,1%; 0,2%; 0,3% vào khẩu phần thì mức bổ sung 0,2%; 0,3% DL- Methionine vào khẩu phần đã làm tăng Nitơ tích luỹ từ 20,8 g/ngày (bổ sung 0,3%) lên 21,9 g/ngày (bổ sung 0,2%) so với 19,3 g/ngày (lô không bổ sung) và 20,1 g/ngày (bổ sung 0,1%).

Nguyễn Thị Hoa Lý và cs (2001) [21] đã làm thí nghiệm bổ sung 0,1% L-Lysine + 0,05% DL-Methionine vào khẩu phần lợn lai 3/4 máu ngoại (LRx (MC x ĐB)) với mức sắn ủ là 30% VCK trong khẩu phần. Kết quả cho tăng trọng cao hơn đạt 598,6 g/ngày, chi phí thức ăn thấp 2,8 kgVCK/kg tăng trọng và giảm giá thành 1kg tăng trọng 2,4% so với lô đối chứng.

Theo Nguyễn Thị Hoa Lý (2005) [39] khi bổ sung L-Lysine và DL- Methionine vào khẩu phần cơ sở có 15% lá sắn ủ và 17-25% củ sắn ủ với các mức L-Lysine và DL-Methionine khác nhau, từ 0,1 – 0,3% L-Lysine và 0,05 – 0,15% DL-Methionine trong vật chất khô đã kết luận rằng: Trong khẩu phần cơ sở chứa lá sắn ủ bổ sung 0,2% L-Lysine và 0,1% DL-Methionine, 0,1% L-Lysine và 0,05% DL-Methionine cho lợn sinh trưởng ở giai đoạn 20 – 50 kg và 50 – 90 kg đã đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Tăng khả năng tăng trọng ở lợn 23 %, giảm chi phí thức ăn 13,9% so với khẩu phần cơ sở.

Theo Nguyễn Thị Lộc và cs, (2001) [17] bổ sung DL-Methionine với các tỷ lệ 0,1%; 0,2% và 0,3% trong khẩu phần có mức sắn ủ 20% (giai đoạn lợn 25-50 kg) và 40% (giai đoạn lợn 50-100 kg ). Kết quả cho tăng trọng cao hơn so với lô đối chứng, trong đó mức bổ sung 0,2% cho tăng trọng cao hơn cả (645 g/ngày); chi phí thức ăn cho 1kg tăng trọng giảm rõ rệt mà mức bổ sung 0,2% DL-Methionine là hiệu quả hơn cả giảm 9 % so với đối chứng.

Khi nghiên cứu về mức năng lượng và Lysine trong khẩu phần lợn lai F1(Yorshire x MC) nuôi ở miền Trung, Hoàng Nghĩa Duyệt (2002) [3] đã đưa ra kết luận: Có thể bổ sung Lysine trong khẩu phần với mức 0,9 – 1% ở giai đoạn nhỏ, 0,5 – 0,6% ở giai đoạn nhỡ và kết thúc sẽ giảm chi phí thức ăn, nâng cao khả năng tăng trọng, cải tiến được chất lượng thịt .

Một thí nghiệm được tiến hành trên 45 lợn con (28-56 ngày tuổi), với mức protein lần lượt là 20%, 19%, 18%. Hàm lượng 4 axit amin được đảm bảo ngang nhau thông qua sử dụng các axit amin tổng hợp lysine : 12,42 g; methionine + cystine 7,31 g; threonine : 8,07 g và tryptophan : 2,36 g. Kết quả cho thấy là khả năng sinh trưởng của lợn vẫn được đảm bảo (Trần Văn Phùng và cs, 2007, [32]).

Thí nghiệm của Nguyễn Thuý Liễu (1989)(Liên Hiệp các Xí nghiệp chăn nuôi lợn Thành phố HCM, [15]): Bổ sung 0,08 – 0,25% L-Lysine và 0,17% - 0,23% DL-Methionine vào khẩu phần có lượng protein tổng số thấp hơn nhưng đã cho tăng trọng cao hơn lô đối chứng 4,4%, tiêu tốn thức ăn thấp hơn 4,37%.

Theo Vũ Duy Giảng [7], trong 100 kg hỗn hợp thức ăn cho lợn chỉ cần bổ sung 260g Lysine và 80g Methionine thì người ta có thể tiết kiệm được 10 kg khô dầu.

Một phần của tài liệu Hiệu quả của việc bổ sung chế phẩm axit amin tổng hợp L- Lysine và DL-Methionine trong khẩu phần lợn thịt F1 (MóngCái –Yorkshire) nuôi ở trại Tiền Phong (Trang 36 - 39)