Những tác động trực tiếp

Một phần của tài liệu Xác định biên độ bán phá giá theo phương pháp Zeroing cho hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và giải pháp cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam (Trang 39 - 41)

Như chúng ta đã biết, bằng việc áp dụng phương pháp Zeroing vào tính toán biên độ bán phá giá, các so sánh có mức độ phá giá âm sẽ bị tự động quy về 0 trong quá trình tính toán biên độ phá giá cho doanh nghiệp, các biên độ phá giá âm sẽ không thể bù trừ cho các biên độ phá giá dương từ đó đẩy biên độ phá giá lên cao hơn so với trường hợp không áp dụng phương pháp này. Biên độ bán phá giá càng lớn thì thuế chống bán phá giá càng cao khiến các doanh nghiệp phải chịu tổn thất càng lớn.

Theo quy định của WTO mà các thành viên phải tuân thủ, các cuộc điều tra sẽ bị đình chỉ ngay lập tức nếu cơ quan điều tra xác định rằng biên độ phá giá không quá mức tối thiểu ( biên độ phá giá nhỏ hơn 2%); tuy nhiên, với việc áp dụng phương pháp Zeroing thì để làm được điều này không phải đơn giản. Ví dụ đối với trường hợp tôm đông lạnh Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ, nếu Hoa Kỳ không áp

dụng Zeroing trong tính toán biên độ phá giá thì chắc chắn rằng vụ kiện đã bị chấm dứt hoàn toàn theo điều 5.8 của Hiệp định ADA ( vì biên độ phá giá không sử dụng Zeroing là – 9% ). Nhưng trái lại, do áp dụng Zeroing trong cách tính của mình, Hoa Kỳ đã xác định biên độ phá giá của các doanh nghiệp Việt Nam là từ 4,13% đến 25,76% ( đây cũng là mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam).

Tính chung số tiền thuế chống bán phá giá mà các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ phải trả mỗi năm khi nhập khẩu sản phẩm này từ Việt Nam là 25 triệu USD mỗi năm và lẽ dĩ nhiên muốn tiếp tục xuất hàng vào thị trường Hoa Kỳ rộng lớn đầy tiềm năng thì các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải chia sẻ gánh nặng này với các nhà nhập khẩu (Trần Thị Quỳnh Trang, 2011, tr.38). Khó khăn này sẽ còn kéo dài vì vụ việc không dừng lại ở đây.

Biên độ phá giá xác định trong điều tra ban đầu chỉ là mức thuế tạm tính cho hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ trong vòng 1 năm kể từ có thông báo chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá. Trên thực tế, kết quả của các đợt rà soát hành chính mới thực sự quyết định mức thuế chống bán phá giá mà doanh nghiệp phải nộp cho năm liền trước năm tiến hành rà soát , đồng thời cũng là mức thuế tạm tính trong năm tiếp theo đó. Vì vậy, các doanh nghiệp vẫn phải tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc của mình để phục tốt công tác điều tra của các cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, trong các đợt rà soát này, việc tiếp tục Zeroing sẽ làm biên độ phá giá của doanh nghiệp xuất khẩu áp dụng không đúng với thực tế gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho các nhà xuất khẩu. Không những khó có thể thoát khỏi hoàn toàn vụ kiện, mức thuế chống bán phá giá cao sẽ khiến các nhà nhập khẩu dễ dàng chuyển hướng hợp tác sang các nhà xuất khẩu mà hàng hóa của họ không bị áp thuế chống bán phá giá khiến các nhà xuất khẩu bị đơn dần mất khả năng cạnh tranh. Quay lại ví dụ tôm đông lạnh Việt Nam, từ tháng 2/2005, các nhà nhập khẩu khi nhập khẩu tôm từ các nước bị đánh thuế trong vụ kiện phá giá tôm năm 2004 ( trong đó có Việt Nam ) sẽ phải đóng một khoản tiền ký quỹ gọi là thuế suất tạm tính. Khoản tiền ký quỹ này được tính bằng cách nhân tổng giá trị nhập khẩu trong vòng một năm với biên độ phá giá của doanh nghiệp. “Trước đây, các nhà nhập

khẩu Hoa Kỳ có thể đặt cọc một khoản tiền 50.000 USD và thanh toán các khoản còn nợ theo từng container hàng; tuy nhiên, sau quy định mới này, khoản tiền đặt cọc sẽ tương đương với những giá trị thuế chống bán phá giá được tính trên giá trị của tổng lượng hàng trong 1 năm mà nhà nhập khẩu đó nhập từ nước bị áp thuế chống bán phá giá” (Trần Thị Quỳnh Trang, 2011, tr.40).

Các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ đã tìm cách chuyển rủi ro về khoản kí quỹ sang cho các xuất khẩu Việt Nam bằng cách yêu cầu các doanh nghiệp tiến hành thông quan cho hàng hóa (đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp này sẽ phải đóng tiền ký quỹ chống bán phá giá), tự nhập hàng hóa vào Hoa Kỳ, giao hàng tại Hoa Kỳ sau khi đã thông quan và chịu mọi rủi ro trong trường hợp mức thuế phá chống bán giá tăng sau khi kết thúc các đợt rà soát. Việc này thực sự gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam, bặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi khoản tiền kí quỹ là rất lớn.

Tại Việt Nam, Minh Phú là công ty đầu tiên chấp nhận đóng tiền kí quỹ để được duy trì thị trường, trong khi 35 doanh nghiệp cùng bị áp thuế chống bán phá giá khác phải tạm ngừng xuất khẩu sang Hoa Kỳ do khoản kí quỹ quá cao. “Bên cạnh đó, khoản tiền đặt cọc sẽ phải nộp toàn bộ một lần trước khi hàng nhập khẩu cập cảng Mỹ. Đây chính là vật cản lớn nhất ép các nhà nhập khẩu phải chuyển hướng sang các thị trường khác, nơi mà hàng hóa Việt Nam không bị kiện . Vì vậy Bộ thủy sản không khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đóng ký quỹ vì có nhiều rủi ro về vốn vì vấn đề lớn nhất ở đây là phải mất tới 3 đến 5 năm thì Hải Quan Hoa Kỳ mới thanh khoản số tiền ký quỹ và tính toán hoàn trả cho các công ty. Vì thế, trong khi chờ đợi số tiền kí quý cũ được trả lại, các công ty phải tìm nguồn tài chính để đóng kí quỹ cho các năm tiếp theo” (Trần Thị Quỳnh Trang, 2011, tr.41). Những thiệt hại tài chính mà các nhà sản xuất, xuất khẩu phải gánh chịu rất nặng nề nên việc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền không áp dụng các biện pháp bất lợi trong điều tra bán phá giá (Zeroing - một biện pháp bất lợi điển hình) là hết sức cần thiết để bảo vệ lợi ích của các nhà xuất khẩu bị đơn.

Một phần của tài liệu Xác định biên độ bán phá giá theo phương pháp Zeroing cho hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và giải pháp cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam (Trang 39 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(87 trang)
w