Tổng quan về áp dụng quy tắc Zeroing của Hoa Kỳ

Một phần của tài liệu Xác định biên độ bán phá giá theo phương pháp Zeroing cho hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và giải pháp cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam (Trang 27 - 31)

Như đã thấy, việc áp dụng Zeroing như một thông lệ vào tính toán biên độ phá giá chung của hầu hết các vụ việc, Bộ Thương mại Hoa Kỳ chỉ tính đến các so sánh có mức độ phá giá có giá trị dương, các so sánh có giá trị âm sẽ tự động bị chuyển về 0. Với phương pháp Zeroing này, biên độ phá giá chung được tính toán sẽ bị đẩy lên cao hơn so với biên độ phá giá thực tế từ đó làm ra tăng mức thuế chống bán phá giá mà doanh nghiệp phải nộp.

Ngoài những thiệt hại phải gánh chịu do mức thuế chống bán phá giá bị đội lên, các doanh nghiệp xuất khẩu còn phải gánh chịu những thiệt hại kinh tế từ gánh nặng do phải kí quỹ liên tục; điều đó gây ra rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này. Hải quan sẽ yêu cầu doanh nghiệp ( về nguyên tắc là các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ) phải nộp “ ký quỹ” cho phần thuế tạm tính thường cao hơn thuế nhập khẩu thông thường bởi nó có dự tính cả thuế chống bán phá giá; điều này sẽ ảnh hưởng đến vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người phải ký quỹ. Tuy nhiên các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ đã tìm cách chuyển rủi ro này sang cho các doanh nghiệp xuất khẩu bằng cách yêu cầu họ phải tự đóng khoản tiền đặt cọc này. Những bất cập kể trên đã gây ra rất nhiều tranh cãi trong khuôn khổ WTO thông qua hàng loạt các vụ kiện lên Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB) của tổ chức này.

Vấn đề Zeroing lần đầu tiên được đưa ra tranh luận trong cơ chế giải quyết tranh chấp DSB năm 1998 ( 3 năm sau khi cơ chế giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ WTO được hình thành) trong vụ DS 141 do Ấn Độ khởi kiện EC và tiếp 2 năm sau đó trong vụ kiện DS219 EC lại tiếp tục bị Braxin khởi kiện về việc áp dụng Zeroing đối với sản phẩm ống sắt đúc nhập khẩu từ nước này. Trong cả hai vụ kiện nêu trên, DSB đều đưa ra phán quyết rằng EC đã vi phạm điều 2.4.2 của Hiệp định ADA khi áp dụng phương pháp Zeroing trong tính toán biên độ bán phá giá. Vì thế EC đã chấm dứt hoàn toàn việc áp dụng phương pháp Quy về không để thực thi các phán quyết nêu trên; điều này cũng có nghĩa là Hoa Ky hiện là quốc gia duy nhất

trong số tất cả các thành viên của WTO còn đang áp dụng Zeroing trong điều tra chống bán phá giá mặc dù quốc gia này đã vướng phải rất nhiều vụ kiện.

Phương pháp Zeroing được Hoa Kỳ áp dụng trong các vụ điều tra chống bán phá giá trước khi Hiệp định ADA được ban hành trong khuôn khổ WTO; tuy nhiên kể từ khi hiệp định này ra đời, Zeroing đã trở thành vấn đề gây nhiều tranh cãi. Với việc quy về không tất cả các so sánh có mức độ phá giá âm, biên độ bán phá giá mà cơ quan điều tra xác định được sẽ luôn là một số dương; mặt khác Zeroing cũng làm mức thuế chống bán phá giá bị đội lên cao và đã nhiều lần bị các thẩm phán DSB lên án. Sau khi đã có các phán quyết vi phạm Hiệp định ADA của việc áp dụng phương pháp Zeroing đưa ra cho EC, ngày 13/09/2002, vấn đề Quy về không đã được Canada yêu cầu tham vấn theo điều 4.8 DSU với Hoa Kỳ liên quan đến kết luận cuối cùng khẳng định của DOC ngày 21/03/2002(sửa đổi ngày 22/05/2002) về phá giá trong cuộc điều tra bán phá giá gỗ xẻ mềm nhập khẩu từ Canada ( Cuộc điều tra số A- 122-838). Phán quyết của DSB đưa ra cho vụ kiện này đã khẳng định việc Hoa Kỳ áp dụng phương pháp Zeroing trong tính toán biên độ phá giá cho gỗ xẻ mềm của Canada là vi phạm điều 2.4.2 của Hiệp định ADA. Tiếp theo vụ việc của Canada là hàng loạt các vụ kiện khác từ Mexico, EC, Nhật Bản, Argentina, Ecuador,Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc và cả Việt Nam.

Trong số các quốc gia thành viên của WTO, Nhật Bản là quốc gia tích cực nhất trong việc tham gia kêu gọi xóa bỏ hoàn toàn phương pháp Quy về không. Nước này nếu không phải là một nguyên đơn thì họ cũng luôn tham gia vào các vụ kiện chống bán phá giá liên quan đến Zeroing lên DSB với tư cách là một bên thứ ba. Vụ kiện DS322 về việc Hoa Kỳ áp dụng phương pháp Zeroing trong quá trình điều tra chống bán phá giá, rà soát hành chính, rà soát hoàng hôn, cũng như xác định mức thuế chống bán phá giá cuối cùng đã cho thấy rõ ràng quan điểm của Nhật Bản về vấn đề này. Vụ kiện kéo dài 5 năm kể từ tháng 11 năm 2004 đến tháng 9 năm 2009 mới kết thúc cho thấy nỗ lực rất lớn của Nhật Bản và qua khuyến nghị của DSB trong vụ việc này, Hoa Kỳ đã bị yêu cầu điều chỉnh những biện pháp của mình cho phù hợp với các nghĩa vụ của nước này theo Hiệp định ADA và GATT 1994.

Cùng với Nhật Bản, EC cũng rất quan tâm đến vấn đề Zeroing vì họ cho rằng Zeroing làm tăng tính bảo hộ ở nước áp dụng phương pháp này. Nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích cho các doanh nghiệp xuất khẩu của mình thoát khỏi những thiệt hại kinh tế gây ra do việc áp dụng Zeroing của Hoa Kỳ, năm 2003, EC đã khởi kiện Hoa Kỳ lên DSB về pháp luật, quy định và phương pháp tính biên độ phá giá (Phương pháp Quy về không – Zeroing) trong vụ kiện DS 294; tiếp đó, năm 2006, EC một lần nữa khởi kiện Hoa Kỳ vì việc tiếp tục áp dụng phương pháp Zeroing với vụ kiện DS 350.

Trên thực tế, Hoa Kỳ đã không thực thi đầy đủ những phán quyết của DSB trong các vụ kiện của cả Nhật Bản và EC. Tháng 2/2010, EU đã tuyên bố rằng EU sẽ tìm kiếm sự chấp thuận của WTO để áp thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ lên tới 311 triệu USD. Trước EU, Nhật Bản cũng đã tuyên bố từ tháng 1/2008 rằng nước này sẽ tìm kiếm sự chấp thuận của WTO để đánh thuế trả đũa hàng năm khoảng 248,5 triệu USD với hàng nhập khẩu Hoa Kỳ nhưng sau đó Nhật Bản đã rút lại yêu cầu của mình (Trần Thị Quỳnh Trang, 2011, tr.57-58). Trước nguy cơ bị Brussels và Tokyo tiến hành các biện pháp trả đũa do không thực thi đầy đủ các phán quyết nêu trên, Hoa Kỳ đã phải ký thỏa thuận về việc bỏ cách tính thuế chống bán phá giá Zeroing đối với các sản phẩm thép và một số sản phẩm khác của EU và Nhật Bản kể từ sau tháng 5/2010; cũng theo đó từ tháng 6/2012 sẽ không còn nhà xuất khẩu EU hay Nhật Bản nào bị áp dụng cách tính Quy về không trong tính toán biên độ bán phá giá (Như Mai, 2012).

Trước khi có thỏa thuận như đã nêu ở trên với EU và Nhật Bản, cùng với những phán quyết mang tính pháp lý “ Zeroing là vi phạm” trong nhiều vụ kiện khác thì trên thực tế, từ tháng 2 – 2007, Hoa Kỳ đã chấm dứt sử dụng Zeroing trong điều tra ban đầu của tất cả các vụ việc (VCCI –Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Hội đồng Tư vấn về các Biện pháp Phòng vệ Thương mại, 2010, tr.106). Tuy nhiên, dù có sự vi phạm Hiệp định ADA khi áp dụng Zeroing trong tính toán biên độ bán phá giá song lại không một điều khoản nào trong Hiệp định này quy định cấm các thành viên của mình sử dụng Zeroing ; vậy nên Hoa Kỳ chưa chấp nhận dỡ bỏ hoàn toàn phương pháp này trong các điều tra chống bán phá giá mà nước này tiến hành. Mãi đến tháng 12-2010, DOC mới có thông báo đề xuất

thay đổi phương pháp tính biên độ phá giá, không áp dụng phương pháp Quy về không mà dự kiến sử dụng phương pháp tính bình quân. Tuy nhiên, trên thực tế cho đến nay DOC vẫn chưa thực hiện đề xuất này mặc dù đã kết thúc thời hạn nhận ý kiến đóng góp và DOC có thể ban hành quyết định bất cứ lúc nào. Điều này làm cho Hoa Kỳ tiếp tục bị các nước thành viên khác của WTO phản đối.

Hàn Quốc – quốc gia đang rất cố gắng để phản đối Zeroing trong tính toán biên độ bán phá giá cũng đã tiến hành kiện lên WTO để phản đối Hoa Kỳ áp dụng Zering cho hàng hóa xuất khẩu của mình từ tháng 11/2009 trong vụ DS 402. Thêm vào đó, quốc gia này một lần nữa yêu cầu thành lập Ban hội thẩm trong vụ kiện DS 420 vào tháng 9/2010 do Hoa Kỳ vẫn tiếp tục áp dụng phương pháp Quy về không gây thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu của họ nhưng Hàn Quốc cũng đã rút lại yêu cầu này để đưa ra một lịch trình giải quyết rút gọn mà theo đó vụ kiện hiện tại sẽ diễn ra. “Hiện Hàn Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi vụ kiện lên DSB về việc Hoa Kỳ sử dụng Zeroing để tính toán trong các giai đoạn rà soát hành chính trước đây bất chấp thực tế là DOC đã công bố phán quyết cuối cùng là sẽ không còn sử dụng phương pháp Zeroing trong các giai đoạn rà soát hành chính trong tương lai giống như giai đoạn rà soát trước đây mà Hàn Quốc bây giờ đang kiện. Lý do phía Hàn Quốc đưa ra là phương pháp mới của DOC chỉ có hiệu lực trong tương lai mà không ảnh hưởng đến việc sử dụng Zeroing trong những lần rà soát trước đó. Hàn Quốc có quan điểm rằng phải hoàn trả thuế nếu mức thuế chống bán phá giá được áp dụng và được thu nhiều hơn giai đoạn rà soát trước kia gây nên”(Ngọc Anh, 2012) .

Đối với Việt Nam, nhằm bảo vệ lợi ích cụ thể của các doanh nghiệp tôm Việt Nam trong rà soát hành chính trước nguy cơ DOC tiếp tục dùng các biện pháp như đã dùng trong giai đoạn rà soát hành chính lần 2 và 3 dẫn đến kết quả bất lợi trong đợt rà soát hành chính lần thứ 4, Việt Nam đã tiến hành vụ kiện DS404 vào tháng 2/2010 . Vụ kiện lựa chọn trúng và đúng vấn đề đã tạo ra thành công cho tôm đông lạnh xuất khẩu Việt Nam, Ban Hội thẩm ủng hộ lập luận của Việt Nam rằng việc sử dụng Zeroing để xác định biên độ phá giá của DOC trong các rà soát hành chính lần 2 và 3 là vi phạm một số điều của Hiệp định ADA. Việt Nam hiện cũng đang tiếp tục tiến hành kiện bổ sung vụ kiện tôm nước ấm đông lạnh lên Cơ quan Giải

quyết Tranh chấp của WTO với hy vọng có thể loại bỏ hoàn toàn thuế chống bán phá giá với con tôm nước ấm đông lạnh của mình.

Một phần của tài liệu Xác định biên độ bán phá giá theo phương pháp Zeroing cho hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và giải pháp cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam (Trang 27 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(87 trang)
w