3.6.1. Các mối đe dọa
3.6.1.1. Săn bắt
Hoạt động săn bắt luôn là một trong những mối đe dọa đối với các loài động vật hoang dã nói chung và Voọc mũi hếch nói riêng ở khu vực Khau Ca (Hà Giang). Trước năm 2002, các cơ quan chức năng địa phương hầu như không có sự kiểm
Ảnh 17. Kiểu nhảy ôm thẳng đứng của Voọc mũi hếch
Ảnh 18. Kiểu buông mình của Voọc mũi hếch
Voọc mũi hếch đã bị săn bắt. Kể từ sau khi phát hiện được quần thể Voọc mũi hếch vào tháng 1/2002, Tổ chức Bảo tồn Động, Thực vật hoang dã Quốc tế (FFI) – Chương trình Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang xây dựng và tiến hành các hoạt động tuần tra, giám sát nhằm bảo tồn quần thể và sinh cảnh sống của Voọc mũi hếch ở khu vực Khau Ca.
Tháng 11 năm 2005, tại tỉnh Hà Giang, đã thực hiện chương trình thu giữ súng trên toàn bộ các khu vực xung quanh khu vực Khau Ca. Do vậy, các hoạt động săn bắn thú rừng trong khu vực đã giảm hẳn.Tuy nhiên, theo Lê Hùng Mạnh và Nguyễn Hoàng Linh (2006), đến nay, ở xung quanh khu vực Khau Ca, mỗi thôn bản vẫn còn khoảng 2 – 3 khẩu súng. Như vậy, vẫn còn ít nhất 25 khẩu súng săn trong 16 thôn. Đây là một nguy cơ tiềm tàng đối với sự tồn tại của Voọc mũi hếch ở địa phương này.
Các hoạt động bẫy bắt động vật hoang dã hiện vẫn diễn ra, mặc dù không phổ biến và công khai như trước. Theo điều tra của Lê Hùng Mạnh và Nguyễn Hoàng Linh (2006), người dân địa phương ở các thôn Bản Bó, Nà Yến, Bản Loan (xã Yên Định), Lũng Vầy, Khuổi Kẹn, Khuổi Lòa, Phia Đeng (xã Minh Sơn) vẫn ngang nhiên dùng bẫy để bắt các động vật hoang dã; ước tính có khoảng 49 hộ có bẫy to, và 76 hộ có bẫy nhỏ. Như vậy, tình trạng săn bắt động vật hoang dã đang là một mối đe dọa đối với khu hệ thú nói chung và Voọc mũi hếch nói riêng ở khu vực Khau Ca.
Các con vật săn bắt được thường được sử dụng vào hai mục đích: buôn bán hoặc sử dụng làm thức ăn. Các con mồi có giá trị thương mại thường là: các loài ăn thịt (Cầy hương, Vòi hương, Mèo rừng, v.v.), thú móng guốc (Sơn dương, Nai, Hươu, Lợn rừng...), linh trưởng, Đon, Nhím... Các con vật được dùng làm thức ăn chỉ là các con thú nhỏ không có giá trị thương mại như: các loại sóc, chuột, v.v..
3.6.1.2. Buôn bán và sử dụng
Mặc dù việc buôn bán và sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang đã không còn công khai và diễn ra mạnh mẽ như trước đây, nhưng hoạt động này vẫn diễn ra một cách tinh vi và bí mật trên địa bàn xung quanh khu vực Khau
Ca. Người ta vẫn có thể buôn bán và vận chuyển chúng khá dễ dàng. Các loại hàng hoá là động vật hoang dã thường bị buôn bán là: con thú săn được còn nguyên con (có thể còn sống hoặc chết), thịt hoặc các sản phẩm khác (xương, mật...). Đặc biệt sản phẩm của các loài quý hiếm luôn được các con buôn tìm kiếm, ví dụ Gấu, xương các loài linh trưởng... với giá cao. Điều này đã kích thích không ít thợ săn hám lời và ảnh hưởng gián tiếp đến việc bảo vệ động vật hoang dã trong khu vực.
Ngoài các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã, một số loại lâm sản phi gỗ cũng là hàng hoá bị buôn bán và vận chuyển, đặc biệt việc buôn bán đã kích thích hoạt động khai thác các loài lâm sản phi gỗ ở khu vực Khau Ca.
Hiện nay, việc kiểm soát hoạt động buôn bán các loại sản phẩm từ rừng này hết sức khó khăn đối với các lực lượng quản lý và bảo vệ ở địa phương, do thiếu nhân lực và phương tiện kiểm tra.
3.6.1.3. Sinh cảnh bị tác động
Mỗi loài sinh vật đều không thể tồn tại nếu tách ra khỏi sinh cảnh, thậm chí với một số loài động vật nhạy cảm thì dù chỉ tác động nhỏ đến sinh cảnh sống cũng có ảnh hưởng lớn đến đời sống của chúng.
Ở khu vực Khau Ca (Hà Giang), hầu như tất cả các khu rừng nhỏ đều có dấu tích tác động của con người, đó là:
- Hoạt động khai thác gỗ trái phép ở các khu vực bìa rừng. Hiện nay, các hoạt động này không còn diễn ra trong khu vực Khau Ca, nhưng do khu vực này đang còn lưu giữ một khối lượng gỗ rất lớn đối với nhu cầu sử dụng của các cộng đồng địa phương. Nên luôn luôn có áp lực tiềm tàng đối với khu vực.
- Khai thác lâm sản phi gỗ, đặc biệt là các loại thảo dược, hiện đang là áp lực rất lớn đối với khu vực. Trong thời gian điều tra, đoàn nghiên cứu có ghi nhận một số người dân địa phương vào khu vực Khau Ca thu hái các loại lâm sản ngoài gỗ. Mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của các loài động vật hoang dã và Voọc mũi hếch, nhưng những hoạt động này đang quấy nhiễu đến đời sống của chúng.
- Chăn thả gia súc đang tạo ra nguồn thu nhập cho nhiều hộ gia đình trong khu vực Khau Ca. Hiện có khoảng 9 hộ gia đình (thôn Nặm Rịa, Phúc Hạ, và Hồng Minh), và 7 hộ (thôn Nà Yến xã Yên Định, thôn Khuổi Lòa, Phia Đeng xã Minh Sơn) có chăn thả gia súc. Ước tính có khoảng 170 con trâu và bò, 200 con dê của các hộ dân địa phương đang chăn thả quanh khu vực Khau Ca (Lê Hùng Mạnh và Nguyễn Hoàng Linh, 2006). Địa phương chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ việc chăn thả tự do cũng như các khu vực chăn thả gia súc. Do vậy, các loại gia súc được chăn thả tự do sẽ ảnh hưởng đến các loài động vật hoang dã trong mỗi khu vực đó: cạch tranh về thức ăn, nơi sống và cả việc lây lan các bệnh truyền nhiễm v.v.