Khái niệm tập đoàn tài chính-ngân hàng

Một phần của tài liệu Xây dựng mô hình tập đoàn tài chính - ngân hàng ở Việt Nam và kinh nghiệm từ một số nước Châu Âu.doc (Trang 25 - 27)

I Tập đoàn tài chính-ngân hàng

1.Khái niệm tập đoàn tài chính-ngân hàng

Từ những kiến thức về tập đoàn kinh tế và công ty mẹ - công ty con, phần nào đã giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan ban đầu về tập đoàn tài chính - ngân hàng. Sở dĩ như vậy là vì tập đoàn tài chính - ngân hàng chính là một tập đoàn kinh tế mà lĩnh vực kinh doanh là dịch vụ tài chính ngân hàng, hoạt động chủ yếu theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Tập đoàn tài chính thường do một ngân hàng cỡ lớn đứng đầu, với doanh thu của tập đoàn phần lớn xuất phát từ doanh thu hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Với vai trò quan trọng của ngân hàng trong một tập đoàn tài chính như thế, nên tập đoàn tài chính thường đồng nghĩa với tập đoàn tài chính - ngân hàng. Như vậy, trong khoá luận, người viết dùng xen kẽ hai cách gọi này mà không làm thay đổi ý nghĩa của nó.

Định nghĩa về tập đoàn tài chính - ngân hàng cũng như về tập đoàn kinh tế chưa có sự thống nhất trên phạm vi thế giới, do có sự khác nhau về điều kiện kinh tế- chính trị- xã hội, nhu cầu khách hàng, các qui định của pháp luật giữa các nước.

ở các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU)

Tập đoàn tài chính được gọi là “financial conglomerate” (conglomérat financier). Theo chỉ thị 2002/87/EC, để được gọi cái tên đó, liên kết phải thoả mãn 3 điều kiện:

- Có ít nhất một công ty thực hiện các hoạt động về ngân hàng hoặc chứng khoán và ít nhất một công ty triển khai hoạt động về bảo hiểm. - Công ty thực hiện các hoạt động ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm

là hạt nhân của tập đoàn, củ thể là tỷ lệ tổng tài sản thuộc lĩnh vực tài chính trong bảng cân đối của tập đoàn phải lớn hơn 40%.

- Trong mỗi lĩnh vực tài chính (ngân hàng/ chứng khoán và bảo hiểm), tỷ lệ trung bình về tài sản của nó so với tổng tài sản trong tập đoàn phải lớn hơn 10%, hoặc tổng tài sản của công ty nhỏ nhất kinh doanh trong lĩnh vực tài chính phải lớn hơn 6 tỷ euro.

Còn ở Mỹ, tập đoàn tài chính được gọi là công ty sở hữu tài chính

(financial holding company). Theo quy định của Đạo luật Gramm-Leach- Bliley (GLB Act) được thông qua năm 1999, ngân hàng nắm vốn (ngân hàng mẹ) mà được phép cung cấp các dịch vụ đa dạng như một tập đoàn tài chính cần hội đủ điều kiện về vốn. Tất cả các công ty con phải được quản lý tốt và thoả mãn điều kiện về an toàn vốn: tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 10%, tỷ lệ vốn cấp 1 tối thiểu 6% và đòn cân nợ (vốn cấp 1/ tổng tài sản) ít nhất 5%. Ngoài ra, công ty nắm giữ vốn này hay công ty mẹ trong tập đoàn tài chính không nhất thiết phải cung cấp các dịch vụ tài chính mà chức năng chính của nó là ra các quyết định chiến lược, sau đó quản trị và điều hành mọi hoạt động chung của các công ty con theo định hướng chiến lược ấy.

Tại diễn đàn hợp tác (Joint forum) năm 2001, các nhà kinh tế đến từ nhiều

quốc gia đã đưa ra định nghĩa về tập đoàn tài chính như sau: tập đoàn tài chính là “bất kỳ một tổ hợp các công ty được quản lý chung, mà hoạt động kinh doanh được ưu tiên là cung cấp dịch vụ tài chính hay ưu tiên thuộc ít nhất hai lĩnh vực trong ba lĩnh vực tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm)”.

Như vậy, từ những quan điểm trên, có thể đưa ra một định nghĩa tổng quát về tập đoàn tài chính - ngân hàng như sau:

Tập đoàn tài chính - ngân hàng, trước hết là một tập đoàn kinh tế mà bao gồm hai hoặc nhiều định chế tài chính khác nhau hoạt động ở các lĩnh vực tài chính (ngân hàng, chứng khoán hay bảo hiểm) được liên kết chặt chẽ với nhau để khai thác thế mạnh của nhau, cung cấp các dịch vụ ngân hàng và phi ngân hàng; đứng đầu là một ngân hàng cỡ lớn chi phối các công ty thành viên khác bằng mối quan hệ giữ cổ phần, cho vay vốn và điều phối nhân sự, quyết định những chiến lược và kế hoạch dài hạn của cả tập đoàn, nhằm hướng tới mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận, mở rộng lĩnh vực kinh doanh, đầu tư và tăng cường khả năng cạnh tranh.

Tại Việt Nam, hiện chưa có một văn bản chính thức nào quy định về việc hình thành tập đoàn tài chính - ngân hàng. Tuy nhiên, với sự kiện thành lập tập đoàn tài chính Bảo hiểm Bảo Việt năm 2005 và Dự án cổ phần hoá các ngân hàng thương mại Nhà nước đã dẫn đến yêu cầu cần thiết phải có văn bản pháp lý điều chỉnh thống nhất sự thành lập và hoạt động của tập đoàn tài chính - ngân hàng.

Một phần của tài liệu Xây dựng mô hình tập đoàn tài chính - ngân hàng ở Việt Nam và kinh nghiệm từ một số nước Châu Âu.doc (Trang 25 - 27)