I. Vấn đề phân bổ nguồn lực trong thị trường lao động
3. Nhu cầu của thị trường lao động và xu hướng việc làm trong những năm
năm tới
Tuy là một nước có nguồn lao động dồi dào nhưng Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao. Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực lao động – việc làm, trong các năm tới, Việt Nam vẫn tiếp tục khan hiếm nhân lực cao cấp, đặc biệt là các vị trí như giám đốc tài chính, giám đốc điều hành và giám đốc tài chính do sự thiếu kinh nghiệm cả về độ tuổi lẫn độ cọ xát thực tế. So với nguồn nhân lực cùng cấp độ ở các nước trong khu vực Đông Nam Á, nhân lực Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm.
Cũng theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam mới gia nhập tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), tư vấn luật được đánh giá là nghề có sức hút lớn về nhân lực. Khi mối quan hệ đối tác của các doanh nghiệp Việt Nam đã vượt ra khỏi biên giới lãnh thổ quốc gia, nhu cầu về luật sư ngày càng gia tăng. Ngoài việc thuê tư vấn luật độc lập từ các văn phòng luật sư hay các công ty tư vấn luật, các doanh nghiệp đều có bộ phận hoặc phòng ban pháp chế riêng để phục vụ cho việc kiểm soát, quản lý và giải quyết các rủi ro pháp lý, đảm bảo tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh của mình.
Bên cạnh đó, ngành truyền thông, marketing (tiếp thị) cũng đang trên đà phát triển do trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp phải
tìm mọi cách để nâng cao thương hiệu và chỗ đứng cho sản phẩm của mình. Theo thống kê trực tuyến trên trang web về việc làm của Vietnamworks, tiếp thị và truyền thông là hai trong những nhóm ngành đang có nhu cầu nhân lực cao nhất hiện nay, và nhu cầu về nhân lực trong hai lĩnh vực này luôn ở mức “cung không đủ cầu”. Các chuyên gia thực sự giỏi và giàu kinh nghiệm trong các ngành này tại Việt Nam vẫn còn thiếu.
Một ngành khác cũng đang dần trở thành xu thế trong những năm sắp tới là ngành công nghệ sinh học. Ngày nay, công nghệ sinh học được ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, y học, dịch vụ, du lịch... nhằm phục vụ đa dạng các nhu cầu như dinh dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe,… ví dụ như tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, những loại thực phẩm, dược phẩm để chữa bệnh cũng như các kĩ thuật xử lý môi trường, chất thải. Do đó, công nghệ sinh học đã và đang chứng tỏ được tầm quan trọng đối với đời sống, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi người dân Việt Nam ngày càng quan tâm đến các vấn đề môi trường và sức khỏe. Vì vậy, có rất nhiều cơ hội việc làm dành cho các cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học tại các công ty nước ngoài, các phòng nghiên cứu, các doanh nghiệp nhà nước hoặc các công ty tư nhân. Song một khó khăn gặp phải đối với vấn đề đầu ra của ngành này xuất phát từ đặc thù ngành học. Công nghệ sinh học đòi hỏi làm việc trên các trang thiết bị hiện đại, đắt tiền, chỉ có ở các cơ sở nghiên cứu, các công ty lớn tập trung ở những thành phố lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh. Cho nên, phần đông sinh viên tốt nghiệp hiện tại đều tập trung ở các thành phố lớn. Còn ở các tỉnh khác, sinh viên ra trường khó có thể phát huy hết khả năng ngành nghề được đào tạo do thiếu trang thiết bị.
Ngoài ra, ngành Công nghệ thông tin (CNTT) – ngành đang được Chính phủ hỗ trợ để đẩy mạnh phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng đang có nhu cầu về lao động rất lớn. Hiện nay, không chỉ các doanh nghiệp, các tập đoàn CNTT lớn mà cả các doanh nghiệp Nhà nước cũng đang ứng dụng các thành tựu CNTT mạnh mẽ nên rất cần nguồn nhân lực có tay nghề cao trong các chuyên ngành như lập trình viên, phát triển phần mềm, phân tích hệ thống, bảo mật thông tin, quản trị mạng, kỹ thuật phần cứng, điện tử máy tính. Theo báo cáo mới đây của vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện số lao động trong ngành CNTT trên cả nước là trên 200 ngàn. Dự báo đến năm 2020, nhu cầu nhân lực của ngành Công nghệ thông tin ở Việt Nam sẽ lên tới hơn 600 ngàn người Tuy nhiên chỉ khoảng 400 ngàn người có khả năng đáp ứng được yêu cầu công việc do chất lượng của sinh viên trong ngành vẫn còn thấp. Theo thống kê của Viện Chiến lược Công nghệ thông tin thì 72% sinh viên ngành CNTT khi tốt nghiệp không có kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm, 100% không biết trong lĩnh vực nào có thể hành nghề tốt nhất và 77.2% doanh nghiệp phải đào tạo lại các nhân viên mới. Điều đáng quan ngại nhất là 70% không thành thạo ngoại ngữ. Điều này một phần do việc đào tạo sinh viên trong ngành CNTT chưa kết nối được với yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, chỉ đào tạo mà không biết doanh nghiệp cần gì, số lượng bao nhiêu. Hơn nữa, trong khi đặc thù ngành CNTT là sự thay đổi liên tục, sự lạc hậu nhanh chóng của công nghệ thì việc đào tạo ở các trường đại học lại ít cập nhật và hầu như ít đổi mới.
Một ngành nữa cũng đang thiếu hụt nguồn nhân lực là ngành y dược. Theo báo cáo của bộ Y tế, tính đến cuối năm 2008, cả nước ta có trên 85 triệu dân nhưng chỉ có 55,000 bác sỹ. Như vậy, tính trung bình chỉ có khoảng 6.4 bác sỹ trên
10,000 dân. Ở vùng sâu vùng xa, số lượng bác sỹ chỉ có 2/10,000 người. Đồng thời việc khám chữa bệnh tại các bệnh viện cần thêm khoảng 6,000 bác sỹ, 1,500 dược sỹ, 10,000 điều dưỡng và khoảng 7,000 các cán bộ khác. Như vậy, nhu cầu nhân lực cho các bệnh viện trong các năm sắp tới lên tới trên 74,000 người. Đây chính là “sức hút” nhân lực của khối ngành y, dược.
Tuy nhiên, khối ngành kinh tế - tài chính – ngân hàng mới thu hút nhiều sinh viên cũng như có nhu cầu về nhân lực lớn nhất hiện nay. Mỗi năm các trường trên cả nước có hàng chục nghìn cử nhân kinh tế chính quy ra trường, chưa kể đến số lượng lớn không kém thuộc các hệ tại chức, văn bằng hai, đào tạo từ xa, liên thông. Như vậy, số lượng sinh viên mới ra trường dù rất lớn nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu xã hội. Do đó dự báo trong 5 năm tới, khối ngành này có thể sẽ bão hòa, song vẫn thiếu nguồn nhân lực ở tầm chuyên gia.
Điều đặc biệt là nhu cầu về lao động phổ thông hiện nay đang tăng rất nhanh, chiếm 50% nhu cầu thị trường lao động. Bên cạnh đó, nhu cầu về lao động chất lượng cao ở các khu công nghiệp, khu chết xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cũng rất lớn. Ước tính đến cuối năm 2010, nhu cầu lao động trong vùng này là khoảng 8,284,873 người (tăng xấp xỉ 8% so với năm 2007)