I. Chương trình giáo dục
c. Tính phù hợp
Đa số các ý kiến tham gia phỏng vấn và khảo sát đều nhận xét các môn chuyên ngành trong chương trình học là hay và hợp lý. Tuy nhiên, nhiều sinh viên khối ngành kinh tế (đặc biệt là khoa Quản trị kinh doanh) phản ánh thời lượng dành
cho các môn này vẫn còn ít, rải rác, tạo nên sự thiếu chuyên sâu. Ngoài ra, một số môn học dành cho sinh viên khối ngành kinh tế và xã hội còn có nội dung lặp lại, gây lãng phí thời gian dạy và học (ý kiến của nhiều sinh viên trường Đại học Ngoại thương và Học viện Báo chí và Tuyên tuyền).
Một vấn đề nổi cộm được nhắc đến nhiều nhất trong quá trình điều tra là việc học các môn đại cương. Cụ thể, ở nhiều trường, trong 4 năm học có tới 2 năm dành cho việc dạy và học các môn đại cương. Sinh viên mong muốn thời lượng dành cho các môn đại cương rút ngắn chỉ còn 1 năm để thời gian còn lại dành cho việc học chuyên sâu hơn các môn chuyên ngành và thực hành ngoại khóa.
Không thể phủ nhận vai trò thiết yếu của các môn học như Triết học Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối Cách mạng của Đảng Cộng Sản Việt Nam, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị trong việc hình thành nhân cách, hệ tư tưởng nền tảng cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những ý kiến bất đồng xoay quanh hoạt động dạy và học các môn này trong trường đại học. Cụ thể, môn Triết học Mác-Lênin quá nặng về lý thuyết với nhiều khái niệm trừu tượng, khô khan, khó hấp thụ trong khi có rất ít các ví dụ, dẫn chứng cụ thể trong thực tế. Môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối Cách mạng của Đảng Cộng Sản Việt Nam, Chủ nghĩa xã hội khoa học lại thiên về liệt kê các sự kiện, quan điểm trong quá khứ mà thiếu hẳn phần liên hệ với thực tế hiện nay, chưa nêu bật được ý nghĩa và tầm quan trọng của môn học trong việc hình thành nhân cách và lối sống đúng đắn cho sinh viên, chưa khuyến khích sinh viên áp dụng những tư tưởng đó vào cuộc sống hàng ngày. Hơn nữa, đề thi hết môn chỉ đo được trí nhớ của sinh viên qua các câu hỏi về sự kiện cũng như khái niệm (đặt áp lực, gánh nặng phải ghi nhớ, căng thẳng không cần thiết lên sinh viên), chứ hầu
như không đánh giá được mức độ sinh viên hiểu và vận dụng các khái niệm, tư tưởng đó vào thực tế để biến chúng trở thành nền tảng nhân cách của mình. Điều đó dẫn đến tâm lý ngại học, chán học, học đối phó, học vẹt trong sinh viên. Phản ứng chung của sinh viên khi nhắc đến các môn học này là lắc đầu ngán ngẩm, chán nản vì đa số đều đồng tình rằng học các môn này “rất buồn ngủ, chán, và chẳng được gì vào đầu”. Rõ ràng mục tiêu chính của các môn học là giúp xây dựng hệ tư tưởng đúng đắn, biện chứng, lành mạnh cho thế hệ trẻ đã không đạt được, dẫn đến sự lãng phí rất lớn về thời gian, chi phí giảng dạy và tạo nên tâm lý tiêu cực trong sinh viên.