Tính cập nhật:

Một phần của tài liệu Đánh giá chất lượng giáo dục đại học công lập tại Việt Nam qua góc nhìn sinh viên.pdf (Trang 48 - 51)

I. Chương trình giáo dục

a.Tính cập nhật:

Một chương trình giáo dục cập nhật phải luôn được đổi mới, bổ sung, chỉnh sửa kịp thời để bắt kịp với những thay đổi của các điều kiện, hoàn cảnh có tác động đến nội dung giáo dục. Cập nhật chương trình giáo dục cũng đồng nghĩa với việc học tập và áp dụng những điểm ưu việt của các chương trình giáo dục tiên tiến nước ngoài và các thành tựu nghiên cứu khoa học liên quan trong nước cũng như trên thế giới.

Mặc dù những nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như của các trường trong việc đổi mới, cập nhật chương trình đã được sinh viên và giảng viên ghi nhận, nhưng có thể nói chừng đó vẫn chưa đủ để đáp ứng nguyện vọng học tập của phần đông sinh viên. Mức độ “trung bình khá” là đánh giá của 85% sinh viên về tính cập nhật của chương trình giáo dục đại học đương thời theo kết quả khảo sát của nhóm tác giả.

Đa số sinh viên được hỏi đều nhất trí rằng kiến thức trong các sách giáo trình tương đối lạc hậu. Thậm chí, một số sinh viên khối ngành y, dược phản ánh đã phải học “một số kiến thức có từ rất lâu rồi, hiện nay không sử dụng được nữa”. Đặc biệt, các sinh viên học giáo trình bằng tiếng nước ngoài dành cho các lớp tiên tiến hoặc các lớp Chất lượng cao đã có sự so sánh trực tiếp giữa giáo trình

của Việt Nam và giáo trình nước ngoài cùng bộ môn. Ví dụ, giáo trình môn Quản trị nguồn nhân lực xuất bản năm 2006 ở Úc được coi là cập nhật hơn nhiều so với giáo trình môn Quản trị nguồn nhân lực tại Việt Nam. Đây là tình trạng phổ biến đối với hầu hết các giáo trình khác.

Để có cái nhìn khách quan hơn về thực trạng này, cuộc thu thập ý kiến của 165 giảng viên từ 34 trường đại học công lập trên địa bàn Hà Nội đã được nhóm tác giả thực hiện. Kết quả thống kê cho thấy đối với 78,2% giảng viên, mức độ cập nhật của chương trình giáo dục đại học chỉ khiêm tốn ở “trung bình yếu”, trong đó, 30,4% cho rằng chương trình “lạc hậu” và 4,3% có nhận xét “rất lạc hậu”. Nhiều giảng viên các trường khối ngành kỹ thuật đều nhất trí rằng vẫn còn một khoảng cách khá lớn giữa chương trình giáo dục đại học Việt Nam với chương trình của nhiều nước khác trên thế giới. “Chương trình giáo dục còn chậm so với thế giới đặc biệt là các ngành khoa học của chúng tôi” là chia sẻ của một giảng viên khoa Vật lý, trường Đại học Khoa học tự nhiên. Hiện nay, một số trường đại học đã khuyến khích giảng viên tham khảo các giáo trình tiên tiến, phục vụ cho công tác giảng dạy trên lớp. Tuy nhiên, chính sách này chưa được thực hiện đồng bộ giữa các trường nên vẫn còn nhiều hạn chế.

Một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là tư duy xây dựng chương trình giáo dục hiện nay chưa được đổi mới, chương trình giáo dục còn bị gói trong khung nên khó có thể thay đổi. Dù giảng viên luôn muốn cung cấp những thông tin thời sự vào bài nhưng các thông tin này khó có thể trở thành hệ thống được. Biện pháp giúp cập nhật chương trình đào tạo hiện nay được nhiều trường đại học áp dụng là liên kết đào tạo với các trường nước ngoài. Tuy nhiên, một hạn chế của việc sử dụng 100% chương trình nước ngoài là nhiều kiến thức

không phù hợp với thực tế Việt Nam như lời chia sẻ của một giảng viên trường Đại học Ngoại thương: “chương trình liên kết giữa ngành Kinh doanh quốc tế của trường với Đại học Colorado yêu cầu học cả môn văn hoc, xã hội học trong khi chúng ta chỉ chú trọng dạy nghiệp vụ. Vì vậy, chương trình chung sẽ bất hợp lý, chắp vá nên hiệu quả không cao”

Thực trạng này dẫn đến việc sinh viên phải tự bổ sung kiến thức mới qua sách báo, và các tài liệu tham khảo nước ngoài, còn giảng viên phải không ngừng tìm tòi, đổi mới và cập nhật nội dung bài giảng. Đa số các giảng viên từng được đào tạo ở nước ngoài ý thức rất rõ về vấn đề này và thực hiện nhiệm vụ cập nhật bài giảng rất tốt. Đặc biệt, các giảng viên trẻ đã và đang nỗ lực hết mình trong việc truyền thụ những kiến thức mới cho sinh viên. Sinh viên được yêu cầu tự đọc giáo trình ở nhà, còn trên lớp, giảng viên chỉ tổng kết bài học và giải đáp thắc mắc cũng như bổ sung thêm kiến thức cho sinh viên. Đây là phương pháp giảng dạy rất tiến bộ, đang được áp dụng ở các nước tiên tiến trên thế giới. Đáng tiếc là số lượng các giảng viên như vậy chưa nhiều. Do chế độ lương bổng đãi ngộ trong trường chưa tương xứng với công sức bỏ ra, gần 100% số giảng viên tham gia khảo sát phải làm thêm các công việc phụ để kiếm thêm thu nhập. Mặt tích cực của thực tế này là giảng viên có thêm kinh nghiệm thực tiễn truyền đạt lại cho sinh viên hoặc minh họa cho bài giảng. Tuy nhiên, các công việc phụ lại chiếm nhiều thời gian lẽ ra dành cho việc chuẩn bị và cập nhật giáo án cũng như đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên.

Một phần của tài liệu Đánh giá chất lượng giáo dục đại học công lập tại Việt Nam qua góc nhìn sinh viên.pdf (Trang 48 - 51)