4. Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (XNK)
4.1. Những vấn đề chung về thuế XNK
4.1.1. Khái niệm
Thuế XNK là loại thuế gián thu điều chỉnh vào hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới của mỗi quốc gia.
Số thuế xuất khẩu phải nộp sẽ được tính vào giá bán của hàng hoá xuất khẩu, do đó sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu trên thị trường quốc tế. Ngược lại, số thuế nhập khẩu phải nộp sẽ được nhà nhập khẩu cộng vào giá vốn hàng nhập khẩu, và như vậy, xét về mặt lý thuyết hàng hoá thuộc diện nhập khẩu sẽ có giá cao hơn so với hàng hoá cùng loại được sản xuất ở trong nước.
4.1.2. Vị trí, vai trò của thuế XNK
- Thuế XNK được tất cả các nước sử dụng làm công cụ bảo hộ sản xuất trong nước trước sự xâm nhập của hàng hoá nhập ngoại; đồng thời cũng thực hiện việc can thiệp của chính phủ khi hạn chế các nguồn lực vật chất của quốc gia trước nhu cầu buôn bán, sử dụng của các nước khác.
- Thuế XNK góp phần bảo vệ nguồn nguyên liệu thô, hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô đồng thời thực hiện định hướng khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến,…thông qua việc đánh thuế xuất khẩu vào việc xuất khẩu nguyên liệu thô.
- Cùng với các công cụ hành chính như giấy phép, hạn ngạch; các rào cản kỹ thuật như điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn chất lượng... thuế XNK chính là hàng rào thuế quan để cản trở hoạt động mậu dịch quốc tế (hoặc tham gia mở cửa thị trường) nhằm mục tiêu bảo đảm quyền lợi quốc gia ở mức tối ưu. Đương nhiên, những ngành nghề có liên quan trực tiếp hoặc gian tiếp sẽ được hưởng lợi hoặc bị thiệt hại trong từng thời điểm nhất định do Nhà nước sử dụng công cụ thuế XNK.
- Thuế XNK thể hiện rõ mối quan hệ xung đột lợi ích giữa nhà sản xuất và nhà nhập khẩu mặt hàng thuộc diện chịu thuế. Một mặt hàng là sản phẩm đầu ra của doanh
nghiệp này nhưng lại là đầu vào của doanh nghiệp khác, mặt hàng khác. Vì vậy, việc tăng, giảm thuế một mặt hàng không chỉ tác động đến đối thủ cạnh tranh mà còn tác động trực tiếp đến cả các “đồng minh” thân thiết của doanh nghiệp.
4.1.3. Điều chỉnh thuế vì cân đối vĩ mô và tự do thương mại
Chức năng chủ yếu của thuế nhập khẩu là thực hiện việc điều chỉnh quan hệ cung cầu giữa thị trường trong nước và thị trường bên ngoài, điều tiết hoạt động nhập khẩu. Đây là loại thuế có tác động trực tiếp đến cán cân thương mại và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng của nền kinh tế. Trong trung và dài hạn, chính sách thuế nhập khẩu rất có ý nghĩa trong việc tham gia bảo hộ nền sản xuất trong nước đồng thời góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong ngắn hạn thuế nhập khẩu là một trong những công cụ tham gia điều hành xuất nhập khẩu, can thiệp thị trường vì mục tiêu kinh tế vĩ mô.
Trong quá trình toàn cầu hoá, làn sóng tự do hoá thương mại được diễn ra ở mọi nơi trên thế giới. Mỗi quốc gia muốn được hưởng lợi từ việc tham nhập thị trường nước khác hoặc khối nước có Hiệp định thương mại, đương nhiên sẽ phải nhượng bộ mở cửa thị trường thông qua dỡ bỏ hàng rào phi thuế quan và cắt giảm thuế nhập khẩu. Tất cả các nước muốn gia nhập các tổ chức thương mại khu vực hoặc toàn cầu, muốn gia nhập các Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư... đều phải đàm phán cam kết lộ trình giảm thuế, mức thuế trần tối đa.
Hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới và khu vực, Việt Nam phải thực hiện các cam kết quốc tế về dỡ bỏ các rào cản thương mại, cắt giảm thuế quan, tạo thuận lợi cho tự do hoá thương mại. Trong thời gian tới, việc điều chỉnh thuế nhập khẩu cần phải tuân thủ đầy đủ các cam kết gia nhập WTO (hạ thuế suất MFN) cũng như các cam kết ASEAN (thuế suất CEPT/AFTA), cam kết ASEAN - TRUNG QUỐC, cam kết ASEAN - HÀN QUỐC, NHẬT BẢN…