Những vấn đề chung và thuế TNCN ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Ôn thi CPA 2010 môn Thuế và quản lý thuế nâng cao.pdf (Trang 85 - 86)

6. Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)

6.1. Những vấn đề chung và thuế TNCN ở Việt Nam

Thuế TNCN là một loại thuế trực thu điều tiết vào thu nhập của cá nhân. Việc thực thi loại thuế này chính thể hiện nghĩa vụ của cá nhân đối với đất nước một cách trực tiếp nhất. Người dân được hưởng các thành quả của xã hội như cơ sở hạ tầng, giáo dục cơ bản, y tế cộng đồng, môi trường luật pháp thể chế, quốc phòng an ninh... Vì vậy, thuế TNCN có ý nghĩa lớn trong việc hình thành nguồn lực tài chính để nhà nước thực hiện chức năng của mình, cung cấp các dịch vụ công cho người dân ngày càng tốt hơn.

Thuế TNCN là loại thuế phổ biến trên Thế giới, có lịch sử hàng trăm năm nhưng việc áp dụng nó tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia, cho đến nay trên thế giới đã có 180 nước áp dụng loại thuế này.

Thuế TNCN có diện điều chỉnh rộng đối với tất cả các cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công; thu nhập từ kinh doanh; từ đầu tư gián tiếp như mua, bán cổ phần, trái phiếu, cổ phiếu... Thuế TNCN điều chỉnh không chỉ cá nhân trong nước mà cả cá nhân nước ngoài nếu có thu nhập. Trong điều kiện toàn cầu hoá, sự dịch chuyển lao động giữa các nước diễn ra nhanh chóng, sự phát triển của công nghệ thông tin cho phép các cá nhân cư trú tại một nơi nhưng có thể vươn ra làm việc và kiếm được thu nhập từ những nơi cách xa vạn dặm. Để bảo đảm quyền đánh thuế của mình, các quốc gia thướng lựa chọn tiêu chí “cư trú” và tiêu chí “nguồn” để đánh thuế thu nhập nói chung, đánh thuế thu nhập cá nhân nói riêng. Đồng thời, để thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư, thực hiện các cam kết quốc tế về tự do hoá thương mại và bảo đảm đầu tư... các nước thường có các thoả thuận với các nước đối tác trong việc tránh đánh thuế trùng và ngăn ngừa các hành vi trốn lậu thuế phát sinh do các nước đều khẳng định quyền đánh thuế dựa vào 2 tiêu chí nêu trên trong khi quy định về thuế thu nhập cá nhân có sự khác nhau giữa các nước.

Cho đến đầu năm 2007, Việt Nam chưa có một đạo luật về thuế TNCN theo đúng nghĩa của nó cũng như thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, trong hệ thống chính sách hiện hành, Việt Nam đã điều tiết vào thu nhập của cá nhân thông qua các sắc thuế khác, cụ thể là:

(i) Thuế TNDN áp dụng với cá nhân kinh doanh (28% trên thu nhập chịu thuế, miễn trừ cho các hộ kinh doanh có thu nhập thấp (bình quân tháng thấp hơn mức lương tối thiểu áp dụng đối với công chức Nhà nước);

(ii) Thuế chuyển quyền sử dụng đất điều tiết vào thu nhập của cá nhân, hộ gia đình từ hoạt động chuyển quyền sử dụng đất (tính trên giá đất do UBND

cấp tỉnh quy định : 2% đối với đất nông nghiệp, 4% đối với đất ở, đất xây dựng và đất khác);

(iii) Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (TNC) điều tiết vào thu nhập thường xuyên, thu nhập không thường xuyên.

Ngày 21 tháng 11 năm 2007, Quốc hội Khóa XII đã thông qua Luật thuế TNCN số 04/2007/QH12 với hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009, đồng thời bãi bỏ các Luật, Pháp lệnh thuế điều tiết vào thu nhập của cá nhân như nêu trên.

Dưới đây đề cập đến các quy định pháp luật về thuế TNCN. Riêng quy định về giảm, giãn thuế TNCN chỉ áp dụng cho năm 2009 và chờ quyết định cuối cùng của Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 năm 2009.

Một phần của tài liệu Ôn thi CPA 2010 môn Thuế và quản lý thuế nâng cao.pdf (Trang 85 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)