5. Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)
5.1. Những vấn đề chung về thuế TNDN
5.1.1. Khái niệm
Theo nghĩa thông thường, thuế TNDN được hiểu là một loại thuế trực thu đánh trực tiếp vào thu nhập của một tổ chức, một pháp nhân. Tuy nhiên, trên phương diện luật pháp, loại thuế này cũng có thể được sử dụng để mở rộng diện điều chỉnh đối với thu nhập của những cá nhân hoặc nhóm cá nhân kinh doanh, hợp tác xã, các hình thức hợp danh, liên kết... tuỳ thuộc vào yêu cầu quản lý của Nhà nước.
Trên thế giới, loại thuế này có những tên gọi khác nhau, tuỳ theo quan niệm hoặc quy định pháp luật của mỗi nước, nhiều khi trong các tài liệu khác nhau cũng có tên gọi không giống nhau do việc sử dụng các thuật ngữ qua dịch thuật. Theo đó, thuế TNDN còn được gọi là thuế công ty (corporation tax); thuế thu nhập công ty (corporation income tax); thuế lợi tức (profit tax) hoặc thuế lợi tức công ty (corporation profit tax). Nhiều ý kiến cho rằng “thu nhập doanh nghiệp” được sử dụng nhiều hơn, phổ biến hơn, thực dụng hơn và khi sử dụng nó sẽ dễ đánh thuế hơn so với sử dụng phạm trù “lợi tức”.
Về kỹ thuật lập pháp, các nước trên thế giới cũng có những cách thức không giống nhau trong việc ban hành các đạo luật thuế đánh vào thu nhập của pháp nhân. Có nước ban hành luật thuế TNDN (Việt Nam là một thí dụ), cũng có nước ban hành đạo luật thuế thu nhập chung, trong đó có các chương, mục quy định về thuế TNDN.
Ở Việt Nam, phạm trù “thu nhập doanh nghiệp” được biết đến kể từ khi triển khai công tác nghiên cứu và ban hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp năm 1997, thi hành từ 1999 để thay thế cho Luật thuế lợi tức trước đây. Thuế TNDN là loại thuế trực thu, trực tiếp điều chỉnh vào thu nhập của các tổ chức, thời gian đầu (1999 đến 2008) Luật thuế TNDN còn áp dụng đối với cả thu nhập của cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ (gọi chung là cơ sở kinh doanh).
5.1.2. Đặc điểm của thuế TNDN
- Đặc điểm của thuế trực thu là tính chất luỹ tiến do việc đánh thuế có tính đến khả năng của người nộp, tuy nhiên thuế TNDN thường không sử dụng thuế suất luỹ tiến mà sử dụng thuế suất đồng nhất (flat tax rate). Mức thuế suất khác nhau có thể được áp
dụng đối với các nhóm đối tượng hoặc một số loại thu nhập khác nhau vì mục tiêu chính sách.
- Thuế TNDN đánh vào thu nhập của mỗi tổ chức, pháp nhân kinh doanh và thường được coi như là một loại thuế đánh vào vốn (tư bản), bởi vốn của một tổ chức được hình thành từ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân sở hữu nó. Trên giác độ kinh tế, thuế TNDN được xem như một loại thuế “thu trước” hoặc “thu gộp” của thuế thu nhập cá nhân. Thông qua việc thu thuế TNDN, các chính phủ có thể giảm bớt được chi phí quản lý thu và hạn chế được nhiều rủi ro so với thu thuế thu nhập cá nhân.
- Các chính sách khuyến khích, ưu đãi thuế vì các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hoặc tham gia giải quyết các vấn đề xã hội thường được lồng ghép, thiết kế trong quy định pháp luật về thuế TNDN. Đặc biệt, các ưu đãi thuế TNDN để thu hút đầu tư vào các vùng khó khăn, khuyến khích phát triển các lĩnh vực theo định hướng, cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài thường được thể hiện trong chính sách thuế TNDN của nhiều nước.
Những đặc điểm nêu trên đặt ra yêu cầu phải xem xét mối quan hệ giữa thuế TNDN và thuế thu nhập cá nhân, giữa chính sách thuế với chính sách phát triển kinh tế cũng như các cam kết quốc tế về tự do hoá thương mại và bảo hộ đầu tư.
5.1.3. Vai trò của thuế TNDN
- Thuế TNDN có vai trò quan trọng trong khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành và lãnh thổ thông qua các quy định về ưu đãi thuế, các yếu tố kỹ thuật trong tính thuế, quản lý thuế.
- Thuế TNDN là công cụ quan trọng và hiệu quả trong việc bảo đảm nguồn thu cho NSNN đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của chính phủ. Tại các nước đang phát triển, thuế TNDN thường là một trong những nguồn thu lớn, ổn định của ngân sách quốc gia.
- Thuế TNDN thu trên thu nhập của doanh nghiệp sau khi đã trừ đi những chi phí để tạo ra thu nhập trong mỗi kỳ tính thuế, số thuế cao hay thấp tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, việc tính thuế cần dựa vào các chuẩn mực kế toán, gắn với các quy chế quản lý tài chính của mỗi doanh nghiệp,... Vì vậy, thuế TNDN có ý nghĩa như một công cụ giúp doanh nghiệp tăng cường công tác quản lý nội bộ cũng như xác định chiến lược kinh doanh trong từng thời kỳ.
5.1.4. Quá trình hình thành và phát triển của thuế TNDN ở Việt Nam
- Năm 1997, Quốc hội ban hành Luật thuế TNDN để thay thế cho Luật thuế lợi tức, áp dụng từ năm 1999. Theo Luật này, nghĩa vụ thuế có sự phân biệt giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và tổ chức, cá nhân trong nước. Đối với mọi tổ chức, cá nhân trong nước không phân biệt ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh đều áp dung mức thuế 32%. Ngoài ra, những cơ sở kinh doanh có lợi thế khách quan còn phải nộp thuế TNDN bổ sung (tối đa 25% thu nhập do lợi thế khách quan mang lại theo quy định của Chính phủ). Các dự án đầu tư lập doanh nghiệp mới thuộc ngành nghề, lĩnh vực hoặc địa bàn khuyến khích đầu tư theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước thì được áp dụng các mức thuế suất ưu đãi 15%, 20% hoặc 25% tuỳ thuộc vào điều kiện đáp ứng được. Doanh nghiệp FDI nộp thuế theo quy định của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: thuế suất phổ thông 25%, các mức thuế suất ưu đãi là 10%, 15% hoặc 20% tuỳ thuộc vào từng dự án đạt tiêu chuẩn khuyến khích đầu tư theo lĩnh vực, ngành nghề hoặc địa bàn. Ngoài ra, khi chuyển lợi nhuận về nước còn phải nộp thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài với các mức thuế 5%, 7%, hoặc 10% tuỳ thuộc vào từng dự án cụ thể (từ
năm 2000 được hạ xuống tương ứng còn 3%, 5%, 7%). Các mức thuế suất phổ thông, thuế suất ưu đãi, thuế chuyển lợi nhuận được ghi vào Giấy phép đầu tư.
- Ngày 17/6/2003, Quốc hội ban hành Luật thuế TNDN số 09/2003/QH11 có hiệu lực thi hành từ năm 2004, áp dụng thống nhất giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI với mức thuế suất phổ thông là 28%. Cùng với việc bãi bỏ thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, các ưu đãi thuế được bảo lưu theo nguyên tắc chọn mức ưu đãi nhất khác nhau đang được quy định tại Luật khuyến khích đầu tư trong nước và Luật đầu tư nước ngoài để quy định trong Luật này.
- Ngày 3/6/2008, Quốc hội ban hành Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 thay thế Luật thuế TNDN số 09/2003/QH11. Luật thuế TNDN mới số 14/2008 có hiệu lực thi hành kể từ năm 2009 trở đi.