Căn cứ tính thuế, phương pháp tính thuế

Một phần của tài liệu Ôn thi CPA 2010 môn Thuế và quản lý thuế nâng cao.pdf (Trang 52 - 53)

4. Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (XNK)

4.4. Căn cứ tính thuế, phương pháp tính thuế

Luật thuế XNK hiện hành quy định 2 loại thuế suất thuế XNK, đó là thuế suất theo tỷ lệ phần trăm và thuế tuyệt đối. Vì vậy căn cứ tính và phương pháp tính thuế cụ thể đối với 2 trường hợp này như sau:

4.4.1. Đối với hàng hoá áp dụng thuế suất theo tỷ lệ phần trăm

a) Căn cứ tính thuế XNK: Số lượng hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; trị giá tính thuế; và thuế suất.

(i) Số lượng hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu làm căn cứ tính thuế là số lượng từng mặt hàng thực tế xuất khẩu, nhập khẩu.

(ii) Trị giá tính thuế được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu

(xem nội dung Mục 4.8 của Chuyên đề này).

(iii) Thuế suất:

- Thuế suất thuế xuất khẩu: Thuế suất đối với hàng hoá xuất khẩu được quy định cụ thể cho từng mặt hàng tại Biểu thuế xuất khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.

- Thuế suất thuế nhập khẩu: Thuế suất đối với hàng hoá nhập khẩu được quy định cụ thể cho từng mặt hàng, bao gồm thuế suất ưu đãi, thuế suất ưu đãi đặc biệt và thuế suất thông thường:

* Thuế suất ưu đãi (MFN) áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam (Nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ nêu ở đây do Bộ Thương mại thông báo, bao gồm tất cả các nước thành viên WTO). Thuế suất ưu đãi được quy định cụ thể cho từng mặt hàng tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành. Người nộp thuế tự khai và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về xuất xứ hàng hóa.

* Thuế suất ưu đãi đặc biệt được quy định cụ thể cho từng mặt hàng tại các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính và được hướng dẫn thực hiện tại Thông tư số 45/2007/TT-BTC ngày 7/5/2007 của Bộ Tài chính.

* Thuế suất thông thường áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ không thực hiện đối xử tối huệ quốc và không thực hiện ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu với Việt Nam. Thuế suất thông thường được áp dụng thống nhất bằng 150% mức thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

Việc phân loại hàng hoá để xác định các mức thuế suất phải tuân thủ theo đúng các nguyên tắc phân loại hàng hoá, được thực hiện theo Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và các văn bản hiện hành khác có liên quan.

Ngoài việc chịu thuế theo quy định nêu trên, nếu hàng hóa nhập khẩu quá mức vào Việt Nam, có sự trợ cấp, được bán phá giá hoặc có sự phân biệt đối xử đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thì bị áp dụng thuế chống trợ cấp, thuế chống bán phá giá, thuế chống phân biệt đối xử, thuế để tự vệ và được thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn riêng.

b) Phương pháp tính thuế XNK:

Căn cứ số lượng từng mặt hàng thực tế xuất khẩu, nhập khẩu ghi trong Tờ khai hải quan, trị giá tính thuế và thuế suất từng mặt hàng để xác định số tiền thuế phải nộp theo công thức sau:

Số tiền thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải nộp = Số lượng đơn vị từng mặt hàng thực tế xuất khẩu, nhập khẩu ghi trong Tờ khai hải quan

x Trị giá tính thuế tính trên một đơn vị hàng hóa x Thuế suất của từng mặt hàng

Trường hợp số lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực tế có chênh lệch so với hoá đơn thương mại do tính chất của hàng hoá, phù hợp với điều kiện giao hàng và điều kiện thanh toán trong hợp đồng mua bán hàng hoá thì số tiền thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải nộp được xác định trên cơ sở trị giá thực thanh toán cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và thuế suất từng mặt hàng.

Ví dụ: Doanh nghiệp A nhập khẩu mặt hàng xăng, trong hóa đơn thương mại có ghi trị giá thực thanh toán cho lô hàng là 100 tấn xăng x 11 tr.đ/tấn = 1.100 triệu đồng. Tuy nhiên, khi làm thủ tục hải quan thì số lượng hàng hóa thực tế là 97 tấn xăng phù hợp với điều kiện giao hàng và điều kiện thanh toán trong hợp đồng mua bán hàng hoá thì trong trường hợp này số tiền thuế NK phải nộp được tính trên cơ sở trị giá thực thanh toán cho lô hàng hóa NK là 1.100 tr. đồng và thuế suất thuế NK của mặt hàng xăng.

4.4.2. Đối với hàng hoá áp dụng thuế tuyệt đối a) Căn cứ tính thuế XNK:

Trong trường hợp hàng hoá áp dụng thuế tuyệt đối thì căn cứ tính thuế XNK là số lượng hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và mức thuế tuyệt đối quy định trên một đơn vị hàng hoá. Trong đó, số lượng hàng hoá XNK làm căn cứ tính thuế là số lượng từng mặt hàng thực tế xuất khẩu, nhập khẩu trong Danh mục hàng hóa áp dụng thuế tuyệt đối.

b) Phương pháp tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu:

Việc xác định số tiền thuế phải nộp đối với hàng hóa áp dụng thuế tuyệt đối thực hiện theo công thức sau:

Số tiền thuế xuất khẩu, thuế nhập

khẩu phải nộp =

Số lượng đơn vị từng mặt hàng thực tế xuất khẩu, nhập khẩu

ghi trong Tờ khai hải quan x

Mức thuế tuyệt đối quy định trên một

đơn vị hàng hoá

Một phần của tài liệu Ôn thi CPA 2010 môn Thuế và quản lý thuế nâng cao.pdf (Trang 52 - 53)