Với tư cách là đạo luật điều chỉnh trực tiếp các hoạt động của doanh nghiệp, Luật doanh nghiệp 2005 - ra đời thay thế cho Luật doanh nghiệp 1999 - đã tạo tiền đề cho các giao dịch M&A trên thị trường Việt Nam phát triển. Luật này cung cấp một khuôn khổ pháp lý ban đầu cho các doanh nghiệp nước ngoài có thể sở hữu cổ phần, đầu tư gián tiếp vào các doanh nghiệp Việt Nam.
Khái niệm, thủ tục, hồ sơ đăng ký sáp nhập và hợp nhất doanh nghiệp được qui định trong Điều 152 và 153 như sau:
Điều 152: Hợp nhất doanh nghiệp
1. Hai hoặc một số công ty cùng loại (sau đây gọi là công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất thành một công ty mới (sau đây gọi là công ty hợp nhất) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty hợp nhất, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của các công ty bị hợp nhất.
2. Thủ tủ hợp nhất công ty được qui định:
a) Các công ty bị hợp nhất chuẩn bị hợp đồng hợp nhất. Hợp đồng hợp nhất phải có các nội dung chủ yếu về tên, địa chỉ trụ sở chính của các công ty bị hợp nhất; tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty hợp nhất; thủ tục và điều kiện hợp nhất; phương án sử dụng lao động; thời hạn, thủ tục và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty hợp nhất; thời hạn thực hiện hợp nhất; dự thảo Điều lệ công ty hợp nhất;
b) Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của các công ty bị hợp nhất thông qua hợp đồng hợp nhất, Điều lệ công ty hợp nhất, bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty hợp nhất và tiến hành đăng ký kinh doanh công ty hợp nhất theo qui định của Luật này. Trong trường hợp này, hồ sơ đăng ký kinh doanh phải kèm theo hợp đồng hợp nhất. Hợp đồng hợp
nhất phải được gửi đến các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua.
3. Trường hợp hợp nhất mà theo đó công ty hợp nhất có thị phần từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của công ty bị hợp nhất phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành hợp nhất, trừ trường hợp pháp luật về cạnh tranh có qui định khác.
Cấm các trường hợp hợp nhất mà theo đó công ty hợp nhất có thị phần trên 50% trên thị trường có liên quan, trừ trường hợp pháp luật về cạnh tranh có qui định khác.
4. Sau khi đăng ký kinh doanh, các công ty bị hợp nhất chấm dứt sự tồn tại; công ty hợp nhất được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của các công ty bị hợp nhất.
Điều 153: Sáp nhập doanh nghiệp
1. Một hoặc một số công ty cùng loại (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.
2. Thủ tục sáp nhập công ty được qui định:
a) Các công ty liên quan chuẩn bị hợp đồng sáp nhập và dự thảo Điều lệ công ty nhận sáp nhập. Hợp đồng sáp nhập phải có các nội dung chủ yếu về tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty nhận sáp nhập; thủ tục và điều kiện sáp nhập; phương án sử dụng lao động; thủ tục, thời hạn và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị sáp nhập thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty nhận sáp nhập; thời hạn thực hiện sáp nhập;
b) Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc cổ đông của các công ty liên quan thông qua hợp đồng sáp nhập, Điều lệ công ty nhận sáp nhập và tiến hành đăng ký kinh doanh công ty nhận sáp nhập theo qui định của Luật này. Trong trường hợp này, hồ sơ đăng ký kinh doanh phải kèm theo hợp đồng sáp nhập. Hợp đồng sáp nhập phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày thông qua;
c) Sau khi đăng ký kinh doanh, công ty bị sáp nhập chấm dứt sự tồn tại; công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập.
3. Trường hợp sáp nhập mà theo đó công ty nhận sáp nhập có thị phần từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của công ty thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành sáp nhập, trừ trường hợp pháp luật về cạnh tranh có qui định khác.
Cấm các trường hợp sáp nhập các công ty mà theo đó công ty nhận sáp nhập có thị phần trên 50% trên thị trường liên quan, trừ trường hợp pháp luật về cạnh tranh có qui định khác.
Riêng trường hợp mua bán doanh nghiệp mới chỉ có qui định đối với doanh nghiệp tư nhân - Điều 145, cụ thể:
Điều 145: Bán doanh nghiệp
1. Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp của mình cho người khác. Chậm nhất mười lăm ngày trước ngày chuyển giao doanh nghiệp cho người mua, chủ doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Thông báo phải nêu rõ tên, trụ sở của doanh nghiệp; tên, địa chỉ của người mua; tổng số nợ chưa thanh toán của doanh nghiệp; tên, địa chỉ, số nợ và thời hạn thanh toán cho từng chủ nợ; hợp đồng lao động và các hợp đồng khác đã ký mà chưa thực hiện xong và cách thức giải quyết các hợp đồng đó.
2. Sau khi bán doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác mà doanh nghiệp chưa thực hiện, trừ trường hợp người mua, người bán và chủ nợ của doanh nghiệp có thỏa thuận khác.
3. Người bán, người mua doanh nghiệp tư nhân phải tuân thủ các qui định của pháp luật về lao động.
4. Người mua doanh nghiệp phải đăng ký kinh doanh lại theo qui định của luật này.
Tỷ lệ biểu quyết trong cuộc họp Hội đồng thành viên hoặc Đại hội đồng cổ đông để thông qua quyết định đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sảnđược ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty đã được Luật Doanh
nghiệp 2005 nâng từ 65% (theo Luật doanh nghiệp 1999) lên 75% tổng số phiếu của các thành viên hoặc các cổ đông dự họp (tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty qui định) – Điều 52 và 104. Như vậy, đã có sự điều chỉnh theo hướng bảo vệ thành viên và cổ đông thiểu số trong các quyết định quan trọng của công ty. Bên cạnh đó, Điều 84 - quy định bắt buộc các cổ đông sáng lập phải cùng nắm giữ tối thiểu 20% cổ phần trong vòng 3 năm kể từ khi công ty được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh - có ý nghĩa tăng cường trách nhiệm của cổ đông sáng lập đối với công ty. Nếu muốn chuyển nhượng quyền kiểm soát công ty của mình - thông qua giao dịch M&A - trong quãng thời gian này cho người không phải là cổ đông sáng lập, họ phải được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.
Các qui định về việc mua lại, chào bán, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp còn được thể hiện ở Điều 43, 44, 87 của Luật này, tạo điều kiện cho các chủ sở hữu có quyền định đoạt doanh nghiệp trong việc mua bán, sáp nhập, hợp nhất.