Một số giải pháp hỗ trợ khác

Một phần của tài liệu Khía cạnh pháp lý của hoạt động sáp nhập và mua lại ở Việt Nam (Trang 69 - 72)

g) Dự thảo Thông tư hướng dẫn M&A các ngân hàng thương mại

3.2.4Một số giải pháp hỗ trợ khác

Hoàn thiện khung pháp lý trên các văn bản giấy tờ mới chỉ là bước đầu, quan trọng hơn hết thảy vẫn là hiệu quả thực thi chúng trong thực tiễn. Để phát huy hiệu quả của pháp luật về M&A, đồng thời nâng cao tỷ lệ thành công trong các thương vụ M&A, còn rất nhiều vấn đề cần được quan tâm.

Thứ nhất, hệ thống thông tin là công cụ quan trọng nhất hỗ trợ việc việc quản lý nhà nước đối với hoạt động M&A. Cùng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ thông tin trên thế giới, các quốc gia phát triển đã ứng dụng thành công nhiều mô hình quản lý hiệu quả. Với lợi thế của người đi sau, Nhà nước ta cần quan tâm đầu tư xây dựng mạng lưới thông tin rộng khắp và hiện đại, đảm bảo được chất lượng, sự đầy đủ và tính kịp thời của thông tin mà ban lãnh đạo các công ty phải cung cấp cho Sở giao dịch chứng khoán hoặc các cơ quan quản lý nhà nước. Mặt khác, để hoạt động M&A trở nên chuyên nghiệp và hấp dẫn các nhà đầu tư, các cơ quan luật pháp cần có sự hướng dẫn, quy định với các doanh nghiệp bán về việc làm thế nào để đưa những thông tin quan trọng và cần thiết đến với công chúng, các xử phạt đối với việc đưa thông tin giả, giấu diếm thông tin bất lợi cho người mua…

Thứ hai, đặt ra và thực thi nghiêm túc các chế tài xử lý vi phạm, tránh hiện tượng “dơ cao đánh khẽ” của các cơ quan chức năng làm cho các doanh nghiệp trở nên “nhờn luật”. Muốn vậy, trước hết quyền lực của các cơ quan này phải được đảm bảo thực thi trong thực tiễn, đặc biệt là quyền lực của Cục Quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh quốc gia (quyền điều tra, truy xét, ban hành các phán quyết có hiệu lực như bản án…) trong việc bảo vệ cạnh tranh hạn chế tính tiêu cực của việc tập trung kinh tế.

Thứ ba, một mặt tăng cường quyền lực quản lý của các cơ quan chức năng nhưng đồng thời phải có chế tài đối với các cán bộ nhà nước trong việc sách nhiễu, gây phiền hà, chậm trễ khi cung cấp các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp thực hiện M&A.

Thứ tư, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng về hoạt động M&A. Bởi lẽ chính sự thiếu hiểu biết về hoạt động này là một bất lợi lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào các giao dịch M&A, họ có thể dễ dàng bị thôn tính, bị ép giá, cũng như mất quyền lợi khác trong các hợp đồng đàm phán, bỏ lỡ những cơ hội tốt để đưa vị thế của doanh nghiệp mình lên tầm cao mới. Riêng cán bộ của các cơ quan chức năng đảm đương việc xử lý những thủ tục về M&A, một khi thiếu hiểu biết về hoạt động này, không nắm rõ được các quy định của pháp luật cũng sẽ dẫn đến cản trở “mối duyên” của các doanh nghiệp. Hoạt động M&A là quyền tự do kinh doanh và định đoạt của mỗi một doanh nghiệp cho nên chính họ phải luôn là người chủ động nắm bắt thông tin để bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Thứ năm, cần có những chương trình đào tạo để có được đội ngũ chuyên gia tốt, những người môi giới, tư vấn cho cả bên mua, bên bán, đồng thời là người cung cấp thông tin tốt nhất về thị trường. Bởi lẽ để các giao dịch M&A được diễn ra thuận lợi thì vai trò của các trung gian môi giới và tư vấn là vô cùng quan trọng. Người môi giới giúp thiết lập “thị trường” cho bên mua và bên bán gặp nhau và nhờ đó, có thể làm tăng gấp nhiều lần mức độ thành công của một thương vụ M&A. Riêng các nhà tư vấn pháp luật và các luật sư, không chỉ cung cấp thông tin, giải thích pháp luật về M&A mà còn đưa ra những lời khuyên để phòng ngừa tranh chấp và rủi ro pháp lý trong quá trình thực hiện hoạt động M&A cho doanh nghiệp. Còn các tổ chức tư vấn sẽ hỗ trợ Doanh nghiệp trong việc tái cấu trúc hiệu quả, thu hút thêm đầu tư, lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp, xác định hướng đi của mình sau khi sáp nhập…

Trong bối cảnh đất nước mở cửa hội nhập với nền kinh tế quốc tế, cộng thêm những tác động không nhỏ của sự suy thoái nền kinh tế thế giới trong thời gian vừa qua, hoạt động sáp nhập và mua lại doanh nghiệp ngày càng thể hiện vai trò quan trọng của mình trong quá trình phát triển nền kinh tế nước nhà. Và hơn bao giờ hết, Việt Nam bắt buộc và cần phải nắm bắt cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài thông qua hình thức M&A nhằm đáp ứng nhu cầu cho quá trình phát triển. Để làm được điều này thì việc hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động M&A phải là nhiệm vụ trước tiên, Nhà nước và Chính phủ cần khẩn trương hơn nữa để khơi thông, giải tỏa được các được vấn đề pháp lý cho hoạt động này.

Và cuối cùng, dù cho những hỗ trợ từ môi trường vĩ mô và vi mô có hoàn hảo như thế nào đi chăng nữa thì khả năng thành công của một thương vụ M&A chủ yếu vẫn phụ thuộc vào chính bản thân các doanh nghiệp. Hoạt động M&A là quyền tự do kinh doanh, tự do định đoạt của mỗi một doanh nghiệp, do đó, họ phải tự hiểu bản thân mình cần gì, muốn gì và cần chủ động trong mọi tình huống có thể để bảo vệ quyền lợi cho chính mình.

Theo lời khuyên của các chuyên gia thế giới với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực M&A: để các thương vụ M&A đi đến thành công, các bên tham gia giao dịch cần phải tìm hiểu kỹ về đối tác của mình, cần chú ý đến sự chính xác của thông tin, phân tích các tiềm năng cũng như dự báo các rủi ro tiềm ẩn. Đồng thời, cả hai nên suy nghĩ theo mô hình hợp tác - phát triển và hai bên cùng có lợi thay vì quan niệm “được/bị ăn thịt, được/mất quyền lợi” khi đàm phán, thương thảo cùng nhau... đặc biệt, cần chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ từ các bên môi giới, sự tư vấn từ các bộ phận chuyên nghiệp. Nếu tính toán kỹ càng, nắm bắt cơ hội kịp thời để đưa ra quyết định đúng, hi vọng rằng M&A sẽ là “đòn bẩy” đưa các doanh nghiệp Việt Nam lên tầm cao mới.

Một phần của tài liệu Khía cạnh pháp lý của hoạt động sáp nhập và mua lại ở Việt Nam (Trang 69 - 72)