Một số phương hướng phát triển của Công ty những năm tới

Một phần của tài liệu Một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Tạp phẩm.DOC (Trang 48 - 52)

Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang hội nhập mãnh mẽ, Bộ chính trị và thủ tướng Chính phủ đã đề ra những chiến lược cụ thể nhằm thúc đẩy mãnh mẽ hơn nữa xuất khẩu. Nhà nước cũng cố gắng hết sức để tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu như giảm thiểu các thủ tục hành chính, mở rộng quyền hoạt động cho các đối tượng. Các văn phòng thương mại được thiết lập để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin về thị trường khu vực mà có văn phòng, đại sứ quán. Với việc cung cấp thông tin về thị trường đã giúp các doanh nghiệp rất nhiều trong công tác tìm hiểu bạn hàng.

Bên cạnh đó, xu hướng toàn cầu hoá kinh tế tạo ra sự giao lưu hợp tác giữa các quốc gia. Các hiệp định kinh tế được ký kết giữa các quốc gia cũng tạo ra một hành lang pháp lý quan trọng và thuận lợi mở đường cho việc xuất nhập khẩu hàng hoá.

Trên cơ sở này, Ban lãnh đạo Công ty đã đề ra một số phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới như sau:

- Củng cố và mở rộng thị trường ngoài nước để tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu. Cần củng cố những mặt hàng đang xuất và mở rộng thêm những mặt hàng mới vào thị trường truyền thống của Công ty là Canada, Nam Mỹ như Chile, Argentina. Đồng thời tích cực chào bán hàng cho các thị trường mới như: Châu Phi, Trung Đông và các nước Asean. Tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để phát hiện và kịp thời nắm bắt các cơ hội kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu.

- Chủ động gắn bó với các cơ sở sản xuất trong nước để tạo nguồn cung cấp hàng xuất khẩu ổn định, đa dạng hoá mặt hàng xuất khẩu phù hợp với nhu cầu thị hiếu luôn thay đổi của thế giới, tạo ra những mặt hàng có giá thành rẻ, chất lượng cao, tạo sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.

- Mở rộng hoạt động Công ty sang lĩnh vực đầu tư sản xuất để tạo ra sự cân bằng trong hoạt động kinh doanh của Công ty có cả sản xuất và kinh doanh

Trong kinh doanh hàng nhập khẩu phải tìm hiểu kỹ để hợp tác tốt với các đối tác bạn hàng các nhà sản xuất, các nhà phân phối, luôn giữ chữ “ Tín ” trong kinh doanh để mở rộng thêm mặt hàng mới, bạn hàng mới.

- Nâng cao nghiệp vụ xuất nhập khẩu, tăng cường học hỏi lẫn nhau, theo dõi, cập nhật kịp thời các văn bản chính sách của Nhà nước liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là trong công tác nhập khẩu để tránh rủi ro về thuế, gian lận thương mại, tăng vòng quay vốn tránh phát sinh thêm nợ dây dưa. Mọi hoạt động kinh doanh phải đảm bảo an toàn về vốn. Tiền gắn với hàng, chấp nhận các qui định của pháp luật và làm ăn có lãi.

- Giải quyết dứt điểm các công nợ đang tồn đọng và giải phóng nhanh hàng tồn kho.Trong Công ty phải phát huy tình thần đoàn kết, thực hiện tốt chế độ dân chủ, tài chính công khai, sắp xếp, sử dụng lao động hợp lý, phát huy tinh thần chủ động sáng tạo của cán bộ đặc biệt là cán bộ trực tiếp kinh doanh xuất nhập khẩu. Chăm lo xây dựng cơ sở Đảng, các tổ chức quần chúng, đoàn thanh niên và nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ công nhân viên để TOCONTAP luôn hoà thuận yên vui, mọi người đều vì sự phát triển của Công ty và hạnh phúc của mỗi thành viên.

3.2.Chính sách của Việt Nam đối với xuất khẩu gạo và xu hướng thành lập liên minh xuất khẩu gạo

3.2.1 Chính sách của Việt Nam đối với xuất khẩu gạo

Bên cạnh cơn sốt về giá xăng dầu thì hiện nay mặt hàng gạo cũng đang là mối quan tâm của hầu hết các nước trên thế giới. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2008 giá gạo đã tăng lên một cách chóng mặt vì nguồn cung không đủ cầu. Để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và để giá gạo trong nước không tăng qua mạnh nhằm kiềm chế lạm phát, chính phủ đã sử dụng chính sách hạn chế xuất khẩu bằng hạn ngạch. Đầu năm nay, hạn ngạch xuất khẩu gạo cho năm 2008 dự kiến là 4-4,5 triệu tấn nhưng sau đó Bộ Công Thương điều chỉnh lại xuống còn 3,5-4 triệu tấn. Bên cạnh đó Chính Phủ

yêu cầu các doanh nghiệp không được ký thêm hợp đồng xuất khẩu gạo cho đến hết tháng 6/2008. Hiệp hội lương thực cũng có văn bản gửi các doanh nghiệp thành viên để nhắc lại việc tạm ngưng xuất khẩu gạo và yêu cầu các doanh nghiệp khi ký hợp đồng mới phải có sẵn 70% nguồn hàng ở trong kho nhằm giảm thiểu rủi ro từ giá lúa gạo trong nước và tỷ giá USD.

Để quản lý xuất khẩu hiện nay Việt Nam mới chỉ sử dụng chính sách hạn chế xuất khẩu bằng hạn ngạch nhưng dự kiến sẽ sử dụng thêm công cụ nữa là thuế quan. Về bản chất thì hại công cụ này giống nhau nhưng thuế quan sẽ đem lại cho Chính phủ nguồn thu để giảm thâm hụt ngân sách. Mặt khác nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo phàn nàn rằng chính sách hạn ngạch xuất khẩu gạo hiện nay trên lý thuyết có vẻ đơn giản, chỉ cần đầu năm Chính phủ công bố hạn ngạch là xong, nhưng thực tế là khá phiền phức. Bởi vì đi kèm với hạn ngạch xuất khẩu là việc các doanh nghiệp phải xin xác nhận hợp đồng của VFA công nhận lượng gạo còn trong kho của doanh nghiệp, rồi thời hạn giao hàng và nhiều thủ tục hành chính rườm rà khác. Ngoài ra việc áp dụng hạn ngạch nhưng điều chỉnh liên tục như hiện nay càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp, có khi phải hoãn giao hàng, mất uy tín với nhà nhập khẩu. Vì vậy các doanh nghiệp cho rằng thuế xuất khẩu gạo dễ dàng điều chỉnh và công bằng hơn. Khi giá gạo nội địa quá cao, Chính phủ có thể tăng thuế xuất khẩu để giảm lượng gạo xuất khẩu và ngược lại, khi giá gạo trong nước xuống thấp, có thể điều chỉnh giảm thuế để đẩy mạnh xuất khẩu, giúp tiêu thụ lúa gạo nội địa. Thuế xuất khẩu gạo tác động trực tiếp tới lợi nhuận của doanh nghiệp kinh doanh gạo một cách công bằng và gián tiếp điều chỉnh gia gạo thị trường trong nước.

3.2.2. Xu hướng thành lập liên minh xuất khẩu gạo

Trước tình hình giá gạo thế giới ngày một tăng cao để ổn định giá cả đem lại lợi ích cho nông dân thì việc các nước xuất khẩu gạo lớn liên kết lại với nhau được coi là một giải pháp khả quan.

Để thực hiện điều này Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Mingkwan Sangsuwan đang có kế hoạch bàn với Việt Nam và Ấn Độ về khả năng thành lập một liên minh để tăng cường sức mạnh mặc cả tập thể trên thị trường gạo vào cuối tháng 4.

Ý tưởng này, theo phân tích của báo The Nation (Thái Lan), đáng được hoan nghênh vì nếu không có một liên minh như thế, các nước nông nghiệp sẽ đối mặt với những rủi ro từ tình trạng giá nông sản thường xuyên biến động do giá gạo hiện đang được ấn định bởi nhu cầu của các nước nhập khẩu vốn có tính chu kỳ. Thay vào đó, việc liên minh sẽ giúp các nước xuất khẩu gạo có thể tự quyết định được giá cả.

Trên thực tế, Thái Lan và Việt Nam từng hợp tác trao đổi thông tin về giá gạo nhằm tránh tình trạng bán phá giá. Vì thế, sự hợp tác này có thể được mở rộng thành một tổ chức các nước xuất khẩu gạo để giúp kiểm soát giá gạo. Bộ Thương mại Thái Lan hy vọng rằng nếu 3 nước thành lập được một kiểu liên minh nào đó, họ sẽ có thể ấn định giá gạo trên thị trường thế giới, tương tự như cách OPEC (Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ) làm với dầu. Ngoài ra, liên minh này còn giúp ổn định giá gạo tiêu dùng nội địa một khi những nước này có thể hợp tác trong việc ấn định sản lượng gạo cung cấp cho thị trường thế giới. Nếu không có sự hợp tác hiệu quả, nông dân có thể không được hưởng lợi từ việc giá gạo tăng do họ không thể dự đoán mức giá hợp lý khi tham gia thị trường.

Ý tưởng về việc thành lập liên minh nói trên đã xuất hiện vài lần một vài năm trước. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Ấn Độ tỏ ra không hào hứng lắm, lấy lý do chính phủ ưu tiên đáp ứng nhu cầu nội địa hơn là xuất khẩu. Dù vậy, xu hướng gần đây cho thấy những biến động của thị trường quốc tế có thể tác động bất lợi đến thị trường trong nước. Chẳng hạn như tại Thái Lan, tình trạng giá gạo leo thang đang gây ra căng thẳng khắp nước. Tại một số tỉnh, các cửa hàng gạo không có đủ gạo để bán do các nhà máy xay tích trữ gạo để chờ giá tăng thêm.

Gạo là một sản phẩm thiết yếu ở châu Á, tuy nhiên, điều kiện sống của nông dân trồng lúa trong vùng lại không bằng những người cùng nghề tại những nước phát triển. Nguyên nhân phần lớn là do thiếu sự quản lý thị trường nông nghiệp một cách hệ thống trước tình hình hay biến động của sản lượng nông sản. Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ chiếm hơn 60% sản lượng gạo xuất khẩu trên thế giới. Năm 2007, Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm 31,4% tổng sản lượng gạo xuất khẩu. Ấn Độ và Việt Nam theo sau với tỉ lệ lần lượt là 16% và 14%.

Nếu việc thành lập một liên minh các nước xuất khẩu gạo thành công thì đó sẽ là một bước sự thay đổi lớn đối với các nước xuất khẩu gạo. Tuy nhiên việc thành lập tổ chức này chỉ giúp ổn định giá cả đem lại lơi ích cho nông dân tránh được tình trạng tích trữ gạo còn việc thâm nhập thị trường, thúc đẩy xuất khẩu thì mỗi một nước, doanh nghiệp cần có những biện pháp riêng.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Tạp phẩm.DOC (Trang 48 - 52)