Từ phía nhà nước

Một phần của tài liệu Hoạt động nhập khẩu phôi thép tại Văn phòng Tổng công ty Thép Việt Nam trong điều kiện hội nhập.DOC (Trang 80 - 83)

Hoạt động nhập khẩu không thể thiếu được sự quản lý điều hành của Nhà nước vì hàng loạt các chính sách về thuế, lãi suất, các quy định đối với hoạt động kinh doanh ngoại thương...đều do nhà nước đặt ra. Trong những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, trong thực tế kinh doanh xuất nhập khẩu từ các doanh nghiệp đã phát sinh không ít những khó khăn cần tới sự điều chỉnh vĩ mô của Nhà nước để nâng cao hơn hiệu quả kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Từ đó góp phần cho hiệu quả chung của toàn bộ nền kinh tế, xuất phát từ thực tế tìm hiểu hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu tại Cơ quan văn phòng Tổng Công ty Thép Việt Nam, em xin đưa ra một số kiến nghị như sau:

3.3.1.1. Hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật

Cải cách triệt để thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu như thủ tục xin giấy phép kinh doanh, giấy phép nhập khẩu, thủ tục hải quan,thuế...tránh việc gây phiền nhiễu cho các doanh nghiệp đồng thời ngăn chặn triệt để tình trạng vòi tiền ăn hối lộ của một số cán bộ của các cơ quan này.

Xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật theo thể chế thị trường phù hợp với cam kết hội nhập cũng như với các thông lệ quốc tế. Điều này là cần thiết vì chỉ khi có một khung pháp lý hoàn chỉnh thì trong quá trình hoạt động mới không bị luật pháp trói buộc như trong những năm qua.

Tạo môi trường kinh doanh công bằng, ổn định. Hiện nay, có rất nhiều thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh do đó, một sự công bằng, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế là cần thiết

+ Bảo vệ thị trường nội địa bằng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng, môi trường hợp pháp nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của sản phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vào thị trường Việt Nam;

+ Tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để hoàn thiện thị trường các sản phẩm thép, tạo liên kết chặt chẽ, chia sẻ lợi nhuận và cộng đồng trách nhiệm giữa nhà sản xuất với nhà kinh doanh thép;

+ Hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường năng lực thực hiện pháp luật về cạnh tranh, chống độc quyền, chống liên kết lũng đoạn thí trường, chống bán phá giá.

3.3.1.2. Điều chỉnh chiến lược phát triển ngành thép

Dựa trên hoàn cảnh cụ thể để tiến hành hoạch định chiến lược phát triển ngành thép. Hoạch định chiến lược ngành thép trong những năm tới phải tính đến sự cân đối giữa khâu thượng nguồn và hạ nguồn để từ đó làm cơ sở cho cạnh tranh và phát triển của cả ngành thép, tránh sự phục thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu như trong chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam giai đoạn 2007 – 2015 có tính đến 2025 đã đề cập “Xây dựng và phát triển ngành Thép Việt Nam thành một ngành công nghiệp quan trọng, bảo đảm phát triển ổn định và bền vững, giảm thiểu sự mất cân đối giữa sản xuất gang, phôi thép với sản xuất thép thành phẩm, giữa sản phẩm thép dài với sản phẩm thép dẹt.”

Vấn đề nổi cộm của ngành thép Việt Nam hiện nay là nguyên liệu. 70% nguyên liệu phục vụ cho sản xuất thép của Việt Nam là từ nguồn nhập khẩu trong đó Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính của ta, do đó khi nguồn nguyên liệu này trên thế giới sẽ khiến cho ngành thép Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này không phải trong một lúc là có thể giải quyết được mà cần phải có chiến lược lâu dài. Trước mắt, thực hiện việc xuất quặng sắt để nhập đối lưu than mỡ, than cốc với các đối tác Trung Quốc. Về lâu dài, cần xây dựng chiến lược xuất nhập khẩu nguyên liệu khoáng chung của cả nước để bảo đảm nguồn than mỡ, than cốc cho ngành Thép phát triển bền vững

Thêm nữa, để có thể hạn chế phần nào sự ảnh hưởng của thị trường Trung Quốc đối với thị trường thép nội địa, chúng ta nên từng bước phân tán thị trường nhập khẩu. Trong năm 2007, chúng ta đã chuyển dần nhập khẩu phôi thép từ thị trường Trung Quốc sang các thị trường khác mà chủ yếu là thị trường Đông Nam Á. Đó là giải pháp tình thế nhưng chúng ta nên coi đây là một bước đệm quan trọng cho việc chuyển hướng thị trường. Các doanh nghiệp nên tăng cường tìm kiếm các nguồn hàng mới hơn nữa dưới sự hỗ trợ của chính phủ thông qua các cục xúc tiến và các phái đoàn ngoại giao...

Về lâu dài, cần từng bước sản xuất thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu này. Do đó, ngành thép cần có chiến lược phát triển sao cho cân đối giữa khâu thượng nguồn và hạ nguồn. Cần đẩy mạnh khai thác nguyên liệu là đầu vào của quá trình sản xuất thép như quặng sắt, khí đốt, than mỡ..., bên cạnh đó, cần tiếp tục đầu tư vào các nhà máy sản xuất phôi thép chứ không nên đầu tư quá nóng vào các nhà máy cán thép. Cần lựa chọn công nghệ sản xuất cho phù hợp với năng lực cũng như đảm bảo thân thiện với vấn đề môi trường.

3.3.1.3. Phát triển hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp

Xây dựng các kế hoạch đầu tư vào các cơ sở hạ tầng và phát triển hệ thống thông tin liên lạc - đây là chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp. Xây dựng các tuyến đường mới có chất lượng cao, thuận tiện việc chuyên chở hàng hoá từ các cảng vào trong nội địa làm giảm bớt chi phí. Không những thế Nhà nước không thể thiếu các kế hoạch về quy hoạch, nâng cao, sửa chữa và xây dựng mới mạng lưới cầu cảng, kho tàng thuận tiện cho việc bốc xếp và lưu giữ hàng hoá. Và coi đây là một bộ phận cấu thành của kết cấu hạ tầng của quốc gia nhằm đảm bảo tính hợp lý, tiết kiệm, tránh lãng phí, bảo vệ môi trường... Còn về hệ thống thông tin liên lạc cũng phải được đầu tư phát triển làm sao giảm bớt tới mức thấp nhất các chi phí về liên lạc để ở mức trung bình trong khu vực. Hệ thống thông tin liên lạc phải luôn được thông suốt để công ty có điều kiện tốt nhất trong việc thu thập các tin tức đang diễn ra trên thế giới cũng như việc giao dịch với các đối tác nhất là bạn hàng quốc tế.

Bên cạnh các chính sách đầu tư, nhà nước cần có sự hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua hệ thống thông tin của phòng Thương mại Việt Nam, các đại sứ quán và các tham tán thương mại tại nước ngoài. Việc cung cấp kịp thời những thông tin cần thiết cho doanh nghiệp về sự biến động của thị trường thế giới là rất quan trọng bởi nó có ảnh hưởng sâu sắc đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu như tình hình thay đổi giá cả cảu một số mặt hàng như giá dầu, tỷ giá hối đoái... Nên đặt ra các yêu cầu:

- Nắm bắt chính xác và cung cấp kịp thời cho các doanh nghiệp về các thông tin thị trường như về nguyên liệu, giá công nghệ, sự biến động của các yếu tố ảnh hưởng đến giá...

- Cung cấp các văn bản mới nhất, các quy định cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành về việc thực hiện hoạt động kinh doanh tại nước ngoài để doanh nghiệp có phương án phù hợp với các thay đổi đó.

3.3.1.4. Cần từng bước loại bỏ chức năng xã hội ra khỏi chức năng kinh tế của Tổng công ty Thép

Loại bỏ chức năng mang tính mục tiêu chính trị xã hội ra khỏi chức năng kinh tế của doanh nghiệp. Với vai trò là đầu tàu của ngành thép Việt Nam, ngoài mục đích kinh doanh có hiệu quả, Tổng công ty Thép còn giữ trọng trách giúp nhà nước điều tiết thị trường thép trong nước. Do đó, hoạt động của Tổng công ty bị phụ thuộc lớn vào mục tiêu chính sách của nhà nước, điều này phần nào hạn chế hoạt động của Tổng công ty.

Sự quan tâm của Chính phủ đóng vai trò rất quan trọng đối với sự thành công của các doanh nghiệp nên Nhà nước cần luôn theo dõi sát sao các hoạt động của các doanh nghiệp để có thể nắm bắt các khó khăn các doanh nghiệp đang mắc phải và đưa ra các chính sách phù hợp ở tầm vĩ mô tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Hoạt động nhập khẩu phôi thép tại Văn phòng Tổng công ty Thép Việt Nam trong điều kiện hội nhập.DOC (Trang 80 - 83)