Theo kết quả khảo sát thì loại phân hữu cơ người dân thường sử dụng nhiều nhất là tro mặn, phân chuồng, một số nơi còn sử dụng bụi để bón cho cây. Các loại phân vô cơ thường sử dụng là NPK hoặc các loại phân đơn như Kali, Lân, Urê. Phân Urê chỉ được bón khi cây còn nhỏ hoặc phát triển chậm. Tỷ lệ các vườn bón đơn còn nhiều. Việc bón phân đơn với tỷ lệ không hợp lý làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng, ảnh hưởng tới môi trường đất. Số lượng
phân bón cho cây của người dân ở đây là ít, chỉ bằng 1/3 so với hướng dẫn của kỹ thuật.
Cách bón phân của người dân là : cào lá cách gốc theo tàn cây, rải phân theo hình vành khăn quanh gốc, phủ lá lại hoặc không, nếu vào mùa nắng thì tưới nước, mùa mưa thì không tưới nước. Có một số nơi người ta đào lỗ cách gốc khoảng 1m, bỏ phân vào lỗ, lấp đất lại.
Thời gian bón phân cho cây : Cây được bón phân chủ yếu là sau thu hoạch (khoảng tháng 5 – dương lịch). Khi bón phân vào thời gian đó thì đỡ tốn công tưới nước cho cây, phục hồi sức cho cây tiếp vào mùa sau, nhưng nếu gặp trời mưa to, nước không thoát nhanh chóng thì khi bón phân, cây ra rễ non mà nước úng lại trong vườn gây hư hại rễ non.
Hình 4.10. Biểu đồ tỷ lệ giữa các phương pháp bón phân cho cây
Qua biểu đồ nhận thấy số lượng người bón phân theo đúng kỹ thuật là rất ít chỉ khoảng 12%. Đa số các hộ bón phân dựa vào kinh nghiệm. Trong số các hộ này, có khoảng 1/3 số hộ có tham gia lớp tập huấn cây trồng nhưng vẫn không bón phân theo kỹ thuật được học, do các nguyên nhân sau :
- Không đủ kinh phí : theo hướng dẫn của lớp tập huấn, phải bón phân cho cây 3 lần/năm. Đa số các hộ chỉ đủ kinh phí để thực hiện từ 1 – 2 lần/năm.
- Chưa tin tưởng vào kỹ thuật được hướng dẫn của lớp tập huấn.