Phật giáo Việt Nam góp phần giáo dục đạo đức xã hội

Một phần của tài liệu Tư tưởng cơ bản của Phật giáo về quyền con người và giá trị kế thừa ở Việt Nam hiện nay (Trang 93 - 99)

Theo định hướng phát triển giáo dục trong thời đại mới, Ủy ban khoa học, giáo dục và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã đề xướng mục đích học tập là: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình. Có thể hiểu ngắn gọn là: Học để phát triển toàn diện, hài hòa về trí tuệ, kĩ năng lẫn đạo đức, lối sống. Ngày nay, khi con người đang tiến những bước dài trên con đường phát triển, hướng đến xã hội tri thức thì đang có nhiều nguy cơ lớn đặt ra cho toàn xã hội, trong đó sự xuống cấp về đạo đức, lối sống đang trở thành vấn nạn toàn cầu, đáng chú ý là tình trạng ấy đang diễn ra nhiều nhất trong thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên - những chủ nhân tương lai của xã hội. Đứng trước yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, Việt Nam cần thiết phải xây dựng một nền tảng đạo đức phù hợp với thời đại trên cơ sở kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Trải qua hai mươi thế kỉ tồn tại và phát triển cùng dân tộc, Phật giáo đã có nhiều ảnh hưởng sâu sắc trong lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam. Với triết lí từ bi, hỉ xả, khuyến khích con người hướng thiện, Phật giáo dễ dàng đi vào lòng người, có tác dụng hoàn thiện nhân cách đạo đức, hướng con người đến lối sống vị tha, bình đẳng, bác ái. Thực tiễn đã chứng minh là Phật giáo phù hợp với đạo đức, lẽ sống của con người Việt Nam, đã có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Ngày nay, chúng ta có thể phát huy mạnh mẽ những giá trị tích cực của Phật giáo để góp phần xây dựng nền tảng đạo đức của con người Việt Nam nói chung, trong đó cần đặc biệt chú ý đến thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên Việt Nam ngày nay.

Ở Việt Nam, Phật giáo vốn là một tôn giáo gắn bó với dân tộc, có nhiều ảnh hưởng sâu đậm đến lịch sử phát triển của đất nước, nhất là về mặt văn

hóa, giáo dục. Giáo lí thâm diệu, rất nhân bản và khoa học của Phật giáo từ lâu đã trở nên gần gũi, quen thuộc với nếp nghĩ, nếp sống của đông đảo con người, gia đình, làng xóm Việt Nam. Trong sự nghiệp hiện đại hóa và những thay đổi nhanh chóng của đất nước hiện nay, Phật giáo Việt Nam, và cụ thể Phật tử Việt nam, có thể đóng góp vào công cuộc chấn hưng giáo dục, mở mang dân trí, đào tạo nhân tài cho đất nước.

Mục đích tối hậu của giáo dục đạo đức là đào tạo những con người có tinh thần trách nhiệm, ý thức rõ hậu quả của những suy nghĩ, lời nói, và

hành động của mình đối với bản thân và toàn cục. Giáo dục đạo đức không

dừng lại ở lí thuyết, mà phải cụ thể bằng thực tập và hành động lợi mình lợi người. Thư giãn, hành thiền, tọa thiền, làm công tác xã hội, phục vụ làng xóm - cộng đồng… vừa là những phương pháp rèn luyện nhân cách và đạo đức rất cần yếu cho mọi lứa tuổi, vừa đem lại những cống hiến thiết thực cho nhiều người xung quanh.

Mô hình giáo dục Phật giáo nhấn mạnh sự phát triển toàn diện của cá nhân, nhằm đem lại an lạc cho bản thân, đồng thời giúp cá nhân góp phần cống hiến nhiều nhất cho mọi người qua các cấp độ gia đình, cộng đồng, xã hội và quốc tế. Cụ thể là tăng, ni, phật tử có thể đóng góp vào việc giáo dục con người toàn diện. Ở Việt nam, Phật tử có mặt ở khắp các lĩnh vực sinh hoạt của gia đình, cộng đồng và xã hội. Làng xóm nào cũng có ít nhất một mái chùa. Những phật tử có tâm huyết với Đạo Pháp và dân tộc đều có thể tùy duyên mà đóng góp ít nhiều. Trong thực tế, rất nhiều phật tử thuần thành đã và đang cống hiến đáng kể cho cộng đồng, dân tộc mình nói riêng và nhân loại, quốc tế nói chung. Bằng nhiều cách khác nhau, các vị lãnh đạo Phật giáo đã kiên trì nhẫn nại quảng bá giáo lí thâm diệu của Phật giáo nhằm giáo dục con người và chuyển hóa thế giới theo hướng tích cực và xây dựng.

Đạo Phật là nguồn giá trị vô biên cho nhân loại, đã và đang có những đóng góp sâu sắc thiết thực cho nhiều ngành khoa học như tâm lí học, vật lí học, sinh học, thần kinh học và nhận thức học. Những đóng góp này ngày càng đươc nhiều chuyên gia khoa học kiểm chứng, nhìn nhận và ngưỡng mộ.

Về mặt giáo dục đạo đức, Đạo Phật chủ trương đi từ tự giác, đến giác tha, để cuối cùng đạt cứu cánh giác hạnh viên mãn. Đạo Phật cũng nhấn mạnh

thân giáo (lấy thân mình làm gương), và tùy duyên, tùy căn cơ từng đối tượng

mà hướng dẫn, giảng dạy. Quan trọng hơn hết, mỗi Phật tử phải tự mình làm hòn đảo của chính mình, nỗ lực tự thân, chọn cho mình phương pháp rèn luyện phù hợp, vạch ra con đường tu học suốt đời, nhằm đoạn tận vô minh và khổ đau, đạt đến trí tuệ giải thoát viên mãn.

Trong gia đình, cha mẹ là những người thầy đầu tiên của con cái. Qua việc giữ giới, hành trì thiền định, và nghiên cứu suy tư về Chính pháp, các phụ huynh đã dạy cho con em mình rất nhiều. Ra ngoài làng xóm, tăng ni và thầy cô có vai trò lớn trong việc góp phần giáo dục lớp trẻ, trước hết bằng ngôn ngữ, thái độ và hành vi của mình. Gương tu tập của quý Phật tử xuất gia phải soi sáng cho thanh thiếu niên, hướng các em vào chính đạo qua từng bước sửa đổi, chuyển hóa bản thân, từ bỏ tham sân si, để có một cái nhìn đúng đắn vào thực tướng của mọi sự vật, không bị bề ngoài hư dối của hình tướng vật chất làm mờ mịt. Bên cạnh các lớp học Phật Pháp cho mọi lứa tuổi, bằng sinh hoạt lành mạnh của “Gia đình phật tử”, các tu sĩ hoặc huynh trưởng hướng dẫn còn có thể giúp các gia đình cư sĩ phát hiện nơi con trẻ những nhu cầu hay năng khiếu đặc biệt, từ đó phối hợp với nhà trường kịp thời giúp đỡ các em đó phát triển phù hợp.

Mỗi làng xóm, cộng đồng cần xây dựng thêm thư viện tại chỗ, thiết lập những phòng thiền, phòng hướng dẫn tâm linh (gần giống “tư vấn tâm lí”) trong tự viện hay ở nơi thanh tịnh, tránh xa các hàng quán ồn ào. Đây là điều

khả thi, hợp lí, vừa đáp ứng nhu cầu học hỏi mở mang tri thức cho toàn dân vừa thu hút giới trẻ đến gần hơn với Phật pháp. Đây cũng là cách Phật tử có thể hỗ trợ tích cực nhất cho xã hội trong việc giáo dục lớp trẻ.

Nhà trường và khu phố, làng xóm nên thu xếp mời tu sĩ (có khả năng giảng dạy) từ các tự viện đến nói chuyện với học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên về vấn đề tâm linh, hướng dẫn giới trẻ tập hành thiền, thư giãn, từ bỏ các ham muốn vô bổ, các tà tư duy, thay vào đó bằng chính kiến, giải đáp các thắc mắc về bản thân, gia đình, xã hội. Phật tử xuất gia chính là người giúp giải tỏa những ngộ nhận về Đạo Phật trong quần chúng, giúp thay thế các hình thức sinh hoạt lễ nghi nặng nề hình thức, lãng phí thì giờ tiền bạc bằng các phương cách tu tập giản dị, chú trọng ảnh hưởng tốt lành cho thân tâm. Cụ thể là các tu sĩ tổ chức những khóa tu cho mọi lứa tuổi, mọi giới trong xã hội để hiểu những giá trị đạo đức trong tư tưởng Phật giáo, để thực tập, thực hành phương pháp rèn luyện bản thân có nhân cách lối sống lành mạnh, an lạc cho mọi người.

Với đời sống kĩ nghệ hóa ngày càng tạo nhiều căng thẳng cho tinh thần con người, việc đưa thiền vào sinh hoạt nơi học đường, khu phố là điều rất quan trọng mà các tu sĩ Phật giáo và các phụ huynh Phật tử cần cổ xúy, vận động, đề nghị các cấp chính quyền tạo điều kiện thực hiện. Trong tinh thần dân tộc, chúng ta có thể làm sống lại Thiền tông Việt Nam qua các sinh hoạt trao đổi, tìm hiểu lịch sử văn học Phật giáo và Thiền tông thời Lý - Trần, liên hệ đến Thiền tông cận đại.

Đạo đức và lối sống của con người tuy luôn biến đổi để phù hợp với hoàn cảnh sống mới, nhưng dẫu biến đổi, đạo đức và lối sống của con người luôn phải dựa trên các chuẩn mực của những giá trị nhân bản truyền thống và trong thực tế, không thể tách rời đạo đức khỏi những quy tắc tôn giáo, tôn giáo có những chuẩn mực đạo đức mang tính nhân bản sâu sắc, như sống hiếu thảo với cha mẹ, trung thực, nhân ái, hướng thiện. Do đó, việc giáo dục lối

sống và đạo đức trong xã hội Việt Nam trước đây và hôm nay không thể và không nên tách rời khỏi đạo đức và lối sống tôn giáo, nhất là Phật giáo, một tôn giáo đã có truyền thống gắn bó, đồng hành với dân tộc Việt Nam.

Chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa không chỉ trong đời sống chính trị - xã hội ở Việt Nam mà còn mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong các lĩnh vực khác. Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, cho nên giáo dục đạo đức, lối sống cũng cần vận dụng nhiều phương thức khác nhau; tư tưởng Phật giáo về giáo dục chứa đựng nhiều giá trị tiến bộ và rõ ràng rằng, tư tưởng Phật giáo luôn có ý nghĩa giáo dục to lớn nhằm góp phần đem lại cho con người một cuộc sống chân- thiện- mỹ thật sự. Phật giáo hàm chứa nhiều giá trị quý báu về giáo dục nhân cách sống cho con người, đó là điều đã được khẳng định. Hơn nữa, Phật giáo vốn có ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống văn hóa tinh thần của người Việt và là cái dễ đi vào nơi sâu thẳm nhất của lòng người và lưu lại đó một cách vững bền. Tư tưởng Phật giáo đều nhằm giáo dục và xây dựng con người thành những người có ích, vì thế nó có thể phục vụ đắc lực cho sự nghiệp giáo dục Việt Nam hiện nay, nhất là đối với giáo dục đạo đức, lối sống của người Việt.

Phật giáo góp phần xây dựng một xã hội hiếu hạnh. Tư tưởng Phật giáo về đạo hiếu rất thực tiễn, quan tâm đến con người với tư cách là một cá thể tự do có năng lực tự giải thoát khỏi mọi vướng mắc của tham sân si chứ không tìm cách gò con người vào trong khuôn khổ cứng nhắc của các định chế xã hội có giá trị tuyệt đối. Việc đề ra những chương trình phòng chống tội phạm lấy gia đình làm hạt nhân mà không dựa vào nền tảng hiếu đạo có thể cũng có kết quả nhưng sẽ không bền vững và thiếu chiều sâu. Chính vì thế, việc xây dựng hiếu đạo trong quá trình hình thành nhân cách con người là điều nên được tính đến một cách căn bản, tư tưởng Phật giáo về đạo hiếu đã hòa quyện với văn hóa Việt Nam bao đời nay nếu được khai thác hợp lí sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực.

Điển hình một số nội dung trong kinh điển Phật giáo về đạo hiếu: Cùng tột điều thiện không gì bằng hiếu, cùng tột điều ác không gì bằng bất hiếu (Kinh Nhẫn nhục); Thờ trời đất quỷ thần không bằng có hiếu với cha mẹ, vì cha mẹ là hai vị thần minh cao nhất trong các vị thần minh (Kinh Tứ thập nhị chương); Cha mẹ tại tiền như Phật tại thế, gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật (Kinh Tâm địa quán). Có thể nói rằng trong tư tưởng Phật giáo, hiếu chính là nền tảng đức hạnh của con người.

Trong Phật giáo, hiếu còn là nền tảng đức hạnh của xã hội, bởi lẽ xã hội không chỉ là một tập hợp nhiều cá nhân đơn lẻ mà là một cộng đồng chia sẻ với nhau những giá trị văn hóa đạo đức chung. Mọi cá nhân trong một cộng đồng phải nương gá vào nhau mà tồn tại và phát triển. Phật giáo nhắc nhở mọi cá nhân trong xã hội đều phải biết và nhớ đến ba ơn lớn là ơn cha mẹ, ơn quốc gia xã hội và ơn chúng sinh, đối với phật tử thì thêm ân Tam bảo, gọi chung là Tứ trọng ân. Với tất cả các ơn trên, con người phải biết đền ơn, biết cách hành xử đúng mực, nghĩa là phải có lòng hiếu; đó cũng là trung với nước hiếu với dân như một nền tảng đức hạnh của xã hội.

Hiếu như thế, vốn là nền tảng đức hạnh của cá nhân và của cả xã hội. Với những con người có hiếu với cha mẹ, xã hội sẽ có được những con người có hiếu với dân. Khi ấy, việc xây đắp một xã hội hiếu hạnh thật giá trị cho con người biết bao, ấy là quyền con người chắc chắn được tôn trọng và bảo vệ hơn tất cả, một xã hội hiếu hạnh thì sẽ không có hiện tượng đối xử với nhau bằng bạo lực, sẽ không sợ xảy ra tao loạn, mà thay vào đó chính là việc cùng nhau xây dựng các cộng đồng an lạc, hòa bình.

Trong Phật giáo, lòng hiếu được mở rộng, song trước nhất Đức Phật luôn nhắc nhở người phật tử phải chú ý đến lòng hiếu đối với cha mẹ, rồi mới có thể thành tựu được lòng hiếu hướng đến những đối tượng rộng lớn hơn. Ý nghĩa của ngày lễ Vu lan của Phật giáo (Rằm tháng Bảy) thật tích cực đối với

người Việt, lễ Vu lan là ngày hội của Phật giáo và cũng là dịp để mỗi người con trong các gia đình Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn chân thành của mình đối với cha mẹ. Trong dịp lễ này, trong tâm hồn của nhiều người Việt Nam, hình ảnh cha mẹ được hiện lên một cách sống động nhất, công ơn và sự hi sinh của cha mẹ dành cho con cái được thức tỉnh và nâng niu nhất. Vì thế, trên thực tế tuy là ngày lễ truyền thống của Phật giáo, nhưng ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, lễ hội Vu lan cũng gần như trở thành ngày báo hiếu của cả cộng đồng. Biết phát huy những giá trị tích cực ấy chắc chắn có tác dụng xây dựng đạo đức, nhân cách con người Việt Nam có những giá trị nâng đỡ, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong đời sống xã hội.

Một phần của tài liệu Tư tưởng cơ bản của Phật giáo về quyền con người và giá trị kế thừa ở Việt Nam hiện nay (Trang 93 - 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)