Nền văn hóa nhân quyền

Một phần của tài liệu Tư tưởng cơ bản của Phật giáo về quyền con người và giá trị kế thừa ở Việt Nam hiện nay (Trang 84 - 89)

Theo định nghĩa của UNESCO đưa ra vào năm 1994, văn hóa được hiểu theo hai nghĩa: Theo nghĩa rộng thì văn hóa là một phức hệ - tổng hợp

các đặc trưng diện mạo về tinh thần, vật chất, tri thức và tình cảm… khắc họa nên bản sắc của một cộng đồng gia đình, xóm làng, vùng, miền, quốc gia, xã hội… Văn hóa không chỉ bao gồm nghệ thuật, văn chương mà còn cả lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống giá trị, những truyền thống, tín ngưỡng…; còn hiểu theo nghĩa hẹp thì văn hóa là tổng thể những hệ thống biểu trưng (kí hiệu) chi phối cách ứng xử và giao tiếp trong cộng đồng, khiến cộng đồng đó có đặc thù riêng.

Một cách chung nhất thì văn hóa nhân quyền là một tổng thể phức hợp hệ thống khái niệm về quyền con người được sử dụng chung, chi phối cách ứng xử và giao tiếp trong một cộng đồng, khiến cho các cộng đồng vừa mang tính chung vừa mang tính đặc thù riêng.

Theo đó, tổng thể phức hợp những khái niệm về quyền con người được sử dụng chung đề cập đến các bình diện: (1) Tăng cường sự tôn trọng quyền con người và tự do cơ bản của con người; (2) Phát triển toàn diện nhân cách và hiểu biết về sự tôn nghiêm của nhân cách; (3) Tăng cường hiểu biết và sự khoan dung, bình đẳng giới, tình hữu nghị của các dân tộc, dân bản xứ, giữa các nhóm nhân chủng, dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ; (4) Đảm bảo để mọi công dân đều có khả năng tham gia hiệu quả vào xã hội tự do và dân chủ trong khuôn khổ pháp luật; (5) Xây dựng và gìn giữ hòa bình; (6) Đẩy mạnh được sự phát triển, duy trì được vị trí con người là trung tâm và chính nghĩa trong xã hội.

Xây dựng một văn hóa nhân quyền hướng đến việc tăng cường tính bất phân chia và phổ biến của quyền con người, đẩy mạnh sự đa dạng và phản đối sự phân biệt đối xử đối với mọi sự khác biệt, bên cạnh đó tăng cường phân tích đến quyền con người bao gồm cả nghèo đói và bất bình đẳng, trao quyền cho xã hội khu vực và cá nhân tự làm rõ quyền con người. Trên cơ sở nguyên tắc về con người bắt nguồn từ tình trạng văn hóa khác nhau, thúc đẩy việc sử

dụng các văn bản về quyền con người và các cơ quan liên quan ở mọi cấp từ địa phương đến quốc tế.

Việc sáng tạo và xây dựng một văn hóa nhân quyền phong phú trên thế giới chính là mục tiêu của giáo dục quyền con người và văn hóa nhân quyền ở đây có thể có hai mặt. Mặt thứ nhất là tính đặc trưng riêng, tính độc đáo của quyền con người thể hiện ở khái niệm về quyền con người khác nhau bắt nguồn từ mỗi vùng đất và con người, là giá trị ưu tiên liên quan đến tính tôn nghiêm của con người, là cách nắm bắt sự vi phạm quyền con người; mặt này được gọi là văn hóa nhân quyền trong thế giới hàng ngày (tính riêng - đặc thù của văn hóa nhân quyền). Mặt thứ hai là tính phổ biến của quyền con người thể hiện ở tiêu chuẩn đã được nhất trí, xác lập trên trường quốc tế về quyền con người; mặt này được gọi là văn hóa nhân quyền thế giới (tính chung - phổ biến của văn hóa nhân quyền). Những điều được thể hiện trong mục tiêu và nguyên tắc của Chương trình thế giới chính là văn hóa nhân quyền thế giới.

Mục tiêu mà Chương trình thế giới về nhân quyền hướng đến là giáo dục quyền con người trên cơ sở văn hóa nhân quyền thế giới, cụ thể là những nguyên tắc cơ bản về quyền con người đã được quốc tế nhất trí. Việc giáo dục quyền con người bao gồm hai hướng, một là từ dưới lên (từ địa phương), hướng ngược lại từ quốc tế hướng xuống từng cá nhân. Chương trình thế giới về nhân quyền đặc biệt nhấn mạnh tới việc hiện thực các tiêu chuẩn nhân quyền đã được xác lập, hướng đến mục tiêu làm cho những tiêu chuẩn ấy được ý thức hàng ngày và trở thành hiện thực đối với từng con người cụ thể để vận dụng hiệu quả vào cuộc sống thực tiễn hàng ngày ở từng địa phương.

Con người vừa là chủ thể, vừa là sản phẩm của văn hóa. Đối với chúng ta, xây dựng nền văn hóa mới là nhằm tạo ra những con người Việt Nam mới thấm nhuần tinh thần dân tộc và những giá trị nhân quyền phổ quát của nhân

loại, để các thế hệ người Việt Nam sẽ nối tiếp gây dựng và phát triển một nền văn hóa có bản sắc riêng, có khả năng đối thoại, hội nhập với thế giới, trong đó mỗi người dân Việt Nam đều tôn trọng những chuẩn mực nhân quyền như một phương cách sống.

Nhân quyền là thành tựu chung của cả loài người, là kết tinh của nền văn minh nhân loại. Một xã hội muốn được coi là dân chủ, công bằng, văn minh thì trước hết trong xã hội đó phải tôn trọng quyền con người.

Quyền con người cũng được xác định như là những chuẩn mực được cộng đồng quốc tế thừa nhận và tuân thủ. Những chuẩn mực này kết tinh những giá trị nhân văn của toàn nhân loại, chỉ áp dụng với con người, và cho tất cả mọi người.

Nhờ có những chuẩn mực này, mọi thành viên trong gia đình nhân loại mới được bảo vệ nhân phẩm và mới có điều kiện phát triển đầy đủ các năng lực của cá nhân với tư cách là một con người. Mặc dù còn tồn tại cách nhìn nhận có những khác biệt nhất định, song một điều rõ ràng là quyền con người là những giá trị cao cả cần được tôn trọng và bảo vệ trong mọi xã hội và trong mọi giai đoạn lịch sử.

Ngày nay trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa cũng như sự phát triển nhảy vọt của các phương tiện thông tin, đặc biệt là Internet, giới trẻ có thể tiếp nhận nhanh chóng các trào lưu văn hóa cũng như cách sống, cách ứng xử và cả những phong tục đã trở thành nếp sống của giới trẻ ở nhiều nước.

Có thể nói giáo dục nhân quyền là nền tảng đồng thời là một trụ cột chính của phát triển con người và cũng là một mục tiêu cơ bản trong các mục tiêu phát triển thiên niên kỉ.

Giáo dục là một quyền con người cơ bản, hướng tới phát triển đầy đủ nhân cách con người, thúc đẩy sự tôn trọng tất cả các quyền và tự do cơ bản, cũng như tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa các quốc gia. Mục

tiêu đặt ra là các công dân Việt Nam phải được trang bị kiến thức để điều chỉnh hành vi ứng xử của chính bản thân cũng như hướng tới cộng đồng.

Ngay từ gia đình phải giải quyết ngay các vấn đề bất bình đẳng, nạn bạo lực gia đình, tệ phân biệt đối xử nhằm xây dựng một nền văn hóa nhân quyền và an ninh cho con người. Sự phổ biến nhân quyền giúp mọi người tôn trọng, không phân biệt đối xử với các sắc dân, người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em, người lớn tuổi, dân tộc thiểu số, vấn đề tình dục, và người di cư.

Vi phạm nhân quyền một phần nguyên nhân là do trình độ thấp, chính là hậu quả của nội dung đào tạo không phù hợp và chất lượng kém. Giáo dục chất lượng cao là nhân tố quan trọng để nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh trong quá trình thực thi và duy trì nhân quyền.

Cần cải thiện chất lượng giáo dục, đảm bảo việc tiếp cận dễ dàng và phù hợp nhu cầu người dân. Giáo dục để phát triển con người cũng như phục vụ sự phát triển của quốc gia.

Có như vậy mới đảm bảo được Việt Nam có tiếng nói và vị trí đáng kể trong cộng đồng quốc tế. Tăng cường thúc đẩy đối thoại giữa các thành phần khác nhau của xã hội và mở rộng sự tham gia của công chúng trong sự phát triển của chính sách nhân quyền. Chính các công dân là động lực quan trọng để xác định các ưu tiên nhân quyền trong nước và thiết lập các mục tiêu ràng buộc theo thời gian và các chương trình nhằm đáp ứng chúng. Để xây dựng một nền văn hóa nhân quyền trước hết phải bắt đầu từ văn hóa chính trị. Những nỗ lực nhằm phát triển các yếu tố khác trong hệ thống chỉ có ý nghĩa thực sự khi có một văn hóa chính trị lành mạnh.

Một nền văn hóa lành mạnh chỉ có thể khi được đặt trong một hệ thống xã hội lành mạnh. Trong đó, phải xây dựng được những người lãnh đạo, với tấm gương sáng về nhân cách và trí tuệ là nhân tố quan trọng cho việc định hướng dân tộc trên con đường phát triển, xây dựng một môi trường văn hóa để nuôi dưỡng cho những giá trị dân tộc.

Xây dựng nền văn hóa nhân quyền không thể tách rời với xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, giáo dục, xây dựng nền tảng đạo đức dân tộc và tinh thần độc lập tự chủ của dân tộc.

Chỉ có như vậy, nền văn hóa nhân quyền Việt Nam mới hình thành nên những thế hệ người Việt Nam có khát vọng, lí tưởng, trung thực, sáng tạo, nối tiếp nhau phát triển nền văn hóa Việt Nam hiện đại, hòa nhịp với dòng chảy chung của nhân loại, là động lực mạnh mẽ cho công cuộc hiện đại hóa và phát triển đất nước.

Một phần của tài liệu Tư tưởng cơ bản của Phật giáo về quyền con người và giá trị kế thừa ở Việt Nam hiện nay (Trang 84 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)