Giải phóng mặt bằng là khâu đầu tiên khi bước vào giai đoạn thực hiện đầu tư. Nếu như không thực hiện được công việc này thì việc thi công xây lắp sẽ không thể tiến hành được theo đúng thời hạn quy định trong hợp đồng, đồng thời ta sẽ phải bồi thường các chi phí do chậm trễ trong việc bàn giao mặt bằng, có khi phải chịu phạt theo quy định của hợp đồng. Hơn nữa khi tiến độ của dự án không được đảm bảo, các nhà tài trợ có thể ngừng cấp vốn, toàn bộ dự án có thế đình trệ hoặc bị huỷ bỏ. Trong thực tế, nhiều dự án đã được phê duyệt nhưng không thể triển khai vì không thể giải phóng mặt bằng. Cụ thể: dự án giao thông nông thôn giai đoạn I do WB tài trợ thực hiện ở địa bàn 15 tỉnh thuộc các khu vực miền núi phía Bắc, Duyên hải Nam Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và dự án giao thông nông thôn giai đoạn II (do WB và Chính Phủ Anh tài trợ) thực hiện tại 38 tỉnh trải dài qua nhiều huyện, xã của miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình,… nên công tác giải phóng mặt bằng của dự án này rất được quan tâm. Tuy nhiên, do không thường xuyên giám sát được hoạt động của Ban giải phóng mặt bằng tỉnh nên đã có một số gian lận xảy ra, đặc biệt là trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh như lập hồ
sơ không đúng, hợp thức hoá đất công thành đất tư, chỉ cho dân hưởng một phần đền bù, bỏ sót khối lượng… công tác sửa sai đã được tiến hành nhưng mất rất nhiều thời gian và tốn kém chi phí. Tại một số tỉnh này, mức đền bù được tiến hành theo quy định của Nhà nước tuy nhiên một số hộ dân vẫn cho rằng mức đền bù chưa hợp lý, giá đất chưa phù hợp với giá thị trường, từ đó gây ra tình trạng khiếu kiện, không chịu di dời. Một tình trạng nữa khá phổ biến là khi có thông tin có dự án sẽ được triển khai cần lấy đất, nhiều hộ đã trồng thêm cây, làm thêm một số công trình (thực chất là xây dựng tạm), thậm chí xây dựng mộ giả mà mục đích duy nhất là để được nhiều tiền đền bù.
Nguyên nhân của tình trạng này:
- Phạm vi giải phóng mặt bằng của các dự án giao thông nông thôn trải dài qua nhiều địa phương, tỉnh thành trong cả nước, mỗi dự án giải toả hàng vạn hộ dân cùng rất nhiều các hạng mục phải di dời như nhà cửa, cây cối hoa màu,…
- Thành phần của Ban quản giải phóng mặt bằng huyện, xã nơi trực tiếp thực hiện công việc giải phóng mặt bằng đều do các phòng Công nghiệp hoặc Xây dựng các huyện đảm nhiệm. Sự kiêm nhiệm này dẫn tới sự yếu kém về
năng lực và trình độ quản lý cũng như sự thiếu hụt về quyền lực hành chính. Hầu như, những cán bộ của Ban này không có chuyên môn về tài chính- kế toán và những kiến thức cần thiết để làm tốt công tác này, không kịp thời giải thích những thắc mắc của người dân gây tâm lý thiệt thòi trong họ dẫn đến việc chậm giải toả.
- Một số cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để vụ lợi hay tiết lộ những thông tin về các đợt giải phóng mặt bằng cho người thân tạo ra sự mất công bằng trong việc bồi thường cho dân. Đây là nguyên nhân gây ra các khiếu kiện và tạo tâm lý tiêu cực về các chính sách, chế độ của Nhà nước với các hộ dân bị ảnh hưởng.