ĐẢNG ĐỐI VỚI NHÂN DÂN
Từ Đại hội VI bắt đầu cho tới ngày nay, công cuộc đổi mới đã 25 năm, các Đại hội VII, VIII, IX, X, XI đều đề cập đến vấn đề phải cảnh giác với mặt trái của cơ chế thị trường, dự báo được tình hình trong Đảng nên luôn chú trọng đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nghị quyết của Đảng lúc nào cũng nhấn mạnh đến tệ quan liêu, tham nhũng, xa dân, mất dân chủ của cán bộ, đảng viên. Nhưng cho tới nay, đến Hội nghị Trung ương 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, vẫn đánh giá là tiêu cực, tham nhũng, khuyết điểm trong Đảng ngày càng trầm trọng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Chỉnh đốn Ðảng là điều kiện quyết định sự tồn vong của chế độ. Xuất phát từ những yếu kém tồn tại, Trung ương đã chọn ba vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay:
Một là, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi tình trạng suy thoái về
tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp.
Hai là, xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung
ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Ba là, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy,
chính quyền trong mối quan hệ với tập thể, cấp ủy, cơ quan, đơn vị.
Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu lên hệ thống giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng bao gồm 4 nhóm: Một là nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiên phong gương mẫu của cấp trên. Hai là nhóm giải pháp và tổ chức cán bộ và sinh hoạt Đảng. Ba là nhóm giải pháp về cơ chế và chính sách. Bốn là nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Ở đây, tác giả chỉ đề cập tới nhóm giải pháp thứ nhất có tính quyết định đó là phê bình và tự phê bình.
Lâu nay chúng ta vẫn nói, tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén để xây dựng Đảng, để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, chỉnh đốn Đảng. Ai cũng biết rằng, tự phê bình và phê bình đòi hỏi mỗi người phải có tinh thần tự giác rất cao, có tình thương yêu đồng chí thật sự và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân thành, nhưng không phải ai cũng làm được điều đó. Vẫn còn tình trạng không dám thừa nhận khuyết điểm của chính mình, khi tự phê bình, bản nhận xét đọc qua là thấy toàn từ hay, ý đẹp, còn phần khuyết điểm chỉ là: "đôi lúc..", "còn chưa mạnh dạn…", … Khi đánh giá, nhận xét về cấp trên trực tiếp hoặc về các đồng chí thì còn tâm lý cả nể, "trông trước ngó sau", đón ý cấp trên; che giấu khuyết điểm cho nhau; hoặc một số trường hợp thì ngược lại, nhận xét không trên tinh thần góp ý chân thành, không có tinh thần xây dựng, mà bới móc, đả kích; hoặc còn tình trạng "bằng mặt không bằng lòng", "trước mặt thì nể, kể lể sau lưng", nói xấu, chia rẽ, bè phái...
Vì vậy, nên chăng ngay cả phê bình, tự phê bình cũng cần phải có một quy chế nhất định để hoạt động này phát huy hiệu quả thực sự trên thực tế, chứ không qua loa, đại khái, hình thức. Công tác xây dựng, đổi mới, chỉnh đốn Đảng nói chung, tự phê bình và phê bình nói riêng, là công tác xây dựng tổ chức, xây dựng con người. Vì vậy, không thể làm một lần là xong, công tác này phải được tiến hành thường xuyên, nhưng kiên quyết.
Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu quy chế để triển khai thực hiện phản biện xã hội, phát huy dân chủ, khắc phục quan liêu xa dân. Có quy chế phản biện cho Mặt trận tổ quốc thì mới phát huy được sức mạnh, chỉ ra được cái đúng cái sai. Nhiều khi chỉ ra được những người tham nhũng, tiêu cực, nhưng lại do quần chúng phát hiện và tố giác. Cho nên Đảng phải có cơ chế, quy chế cụ thể, có sự lãnh đạo chặt chẽ về phản biện xã hội.
Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phải chú trọng và nêu cao tấm gương người đứng đầu. Không ít những vụ án tham nhũng nghiêm trọng,
mang tính điển hình, người đứng đầu là người suy thoái về tư cách, đạo đức phẩm chất đảng viên hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Điển hình như vụ án PMU18 - một vụ án về tham nhũng liên quan đến Bộ Giao thông Vận tải năm 2006. Vụ án gây xôn xao dư luận Việt Nam cũng như các tổ chức cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam. Vụ án liên quan đến nhiều quan chức cấp cao khác liên quan đến tham nhũng và chạy án. Vụ án đã khiến ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ bị bắt, khiến Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đào Đình Bình phải từ chức. Ông Bình trở thành Bộ trưởng thứ hai xin từ nhiệm, sau ông Lê Huy Ngọ trong vụ án tham ô của Lã Thị Kim Oanh năm 2004.
Như vậy, những đảng viên - người lãnh đạo, người đứng đầu, người đứng đầu phải là tấm gương về đạo đức, lối sống, tác phong công tác, phẩm chất, năng lực để cấp dưới noi theo, phải trung thực trong tự phê bình. Khi gây ra hậu quả, không được chối cãi, bao biện, quy trách nhiệm cho cấp dưới, mà phải tìm cách khắc phục hậu quả. Mỗi cấp ủy phải xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy; xây dựng, rà soát và bổ sung quy chế làm việc; phân cấp quản lý, phân công nhiệm vụ rõ ràng. Đi đôi với đó, cấp ủy phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác của người đứng đầu. Ngoài sự giúp đỡ của tập thể, bản thân người đứng đầu phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc trách nhiệm của mình trước đơn vị.
Mỗi một giai đoạn cách mạng của đất nước sẽ có những thuận lợi và khó khăn riêng. Hiện nay, trước sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, bên cạnh đó là sự chống phá của kẻ thù, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang thoái hóa biến chất, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ. Nếu Đảng không thực sự trong sạch, vững mạnh thì niềm tin của nhân dân vào Đảng sẽ dần bị mất đi. Vì vậy, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải luôn được chú trọng và tiến hành thường xuyên.
KẾT LUẬN
Đảng ta là đảng cầm quyền, đại diện cho lợi ích của nhân dân và của toàn dân tộc. Nghị quyết số 08-NQ/TW đã chỉ rõ: "Đảng lãnh đạo các cơ quan tư pháp chặt chẽ về chính trị, tổ chức và cán bộ, bảo đảm hoạt động tư pháp thực hiện đúng quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước" [11], khắc phục tình trạng cấp ủy đảng buông lỏng lãnh đạo hoặc can thiệp không đúng vào hoạt động tư pháp. Sự lãnh đạo toàn diện và chặt chẽ của Đảng đối với hoạt động tư pháp là yêu cầu khách quan và cần thiết để bảo đảm cho các cơ quan tư pháp thể hiện bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; bảo đảm cho hoạt động của các cơ quan tư pháp thực hiện đúng quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước, hạn chế các sai sót có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Kể từ sau cuộc đổi mới đất nước (1986) cho tới nay, hoạt động tư pháp ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Có thể nói, trên mỗi lĩnh vực của ngành tư pháp đều có những thay đổi tích cực từ tổ chức bộ máy đến hoạt động. Hoạt động tư pháp đã góp phần đem lại sự ổn định về trật tự xã hội, đem đến công lý, sự công bằng cho con người, hơn thế nữa còn góp phần củng cố và giữ vững lòng tin của quần chúng nhân dân với đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Để hướng tới sự hoàn thiện về tổ chức và hoạt động, mỗi cơ quan tư pháp đều đang tiếp tục xây dựng mô hình mới sao cho hoạt động có hiệu quả hơn và bám sát với sự chỉ đạo của Đảng.
Mặc dù, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong suốt thời gian qua, nhưng hoạt động tư pháp nước ta vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại nhất định như: Tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp còn chưa thực sự phù hợp, trình độ của cán bộ làm công tác tư pháp còn hạn chế; một số lĩnh vực hoạt động của cơ quan tư pháp chưa thực sự phát huy hiệu quả… những hạn chế
đó làm cho hoạt động tư pháp của nước ta "chậm bước" trên con đường phát triển, chưa đạt được yêu cầu và mong muốn như Đảng đã đề ra.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tư pháp ở nước ta hiện nay đang là nhiệm vụ quan trọng. Các giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng cần phải được tiến hành đồng bộ. Có những giải pháp cần phải được tiến hành thường xuyên. Chúng ta không thể chỉ tăng cường sự kiểm tra giám sát của Đảng, hay chỉnh đốn trong Đảng chỉ trong một hoặc một vài năm, mà cần phải thực hiện một cách thường xuyên và liên tục. Đảng có trong sạch, vững mạnh và hoạt động hiệu quả thì mới tiếp tục giữ vững được vai trò tiên phong và lãnh đạo của mình, mới giữ vững được lòng tin của quần chúng nhân dân.
Một xã hội thịnh vượng và bền vững cần phải có một nền tư pháp mạnh. Bởi vậy, Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành công cuộc cải cách tư pháp một cách đồng bộ và tích cực. Để thành công trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp không thể thiếu sự lãnh đạo của Đảng. Trong tình hình mới của đất nước và thế giới, Đảng phải đổi mới phương thức lãnh đạo, chú trọng tới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Có như vậy, Đảng mới giữ vững vị trí lãnh đạo và lãnh đạo thành công công cuộc xây dựng đất nước.