MỘT SỐ NHÀ TRIẾT HỌC HY LẠP CỔ ĐẠI TIÊU BIỂU 2.1 Quan niệm về con người ở các nhà triết học “tiền Xôcrát”

Một phần của tài liệu Vấn đề con người trong triết học Hy Lạp cổ đại (Trang 40 - 61)

2.1. Quan niệm về con người ở các nhà triết học “tiền Xôcrát”

Khi phân kỳ lịch sử triết học Hy Lạp cổ đại, người ta thường lấy Xôcrát là tâm điểm để chia thành thời kỳ khai nguyên là thời kỳ xuất hiện những nhà tư tưởng đầu tiên thường được gọi là những triết gia “trước Xôcrát” hay “tiền Xôcrát” và thời kỳ hưng thịnh – thời kỳ “sau Xôcrát” và được coi là giai đoạn cổ điển. Trường phái triết học Hy Lạp cổ đại đầu tiên là trường phái triết học duy vật Milê, với các đại biểu tiêu biểu là Talét, Anaximanđrơ, Anaximen,…

Talét (khoảng 642 – 547 trước CN) được coi là người sáng lập nên

trường phái Milê. Ông là một nhà toán học, nhà vật lý học, song trên hết ông là một nhà triết học. Xuất thân trong một gia đình thương gia giàu có, Talét có điều kiện đi du ngoạn ở nhiều nơi và do vậy, ông đã được tiếp xúc với nền văn hóa của các nước Ba Tư, Ai Cập, Lưỡng Hà cổ đại. Tinh hoa của những nền văn hóa này mà ông tích lũy được đã được ông kết hợp với tinh hoa văn hóa Hy Lạp và nâng lên tầm khái quát triết học. Nhờ đó, ông đã được thừa nhận là một trong “Bảy nhà hiền triết” của Hy Lạp cổ đại.

Talét cho rằng, mọi sự vật đều được sinh ra từ nước và khi phân hủy lại trở về với nước. Mọi vật do nước sinh ra và không ngừng biến đổi. Sự vật chết đi, nhưng nước thì tồn tại vĩnh viễn. Nước là chỉnh thể thống nhất giữa cái đơn nhất và cái phong phú. Con người cũng là một bộ phận của chỉnh thể ấy, con người được sinh ra từ nước, khi mất đi cũng tan thành nước.

Talét đề cao vai trò của hoạt động thực tiễn, khi cho rằng triết học giải thích tự nhiên không phải bằng những tín điều tôn giáo, mà bằng việc nghiên cứu hiện thực, trên quan điểm thực tiễn này, ông đề cao vai trò của phương

thức giáo dục xã hội thông qua những lời răn dạy cách ứng xử cho con người. Ông khuyên: “Không nên làm đẹp bởi cái nhìn bề ngoài dễ thấy, mà hãy làm đẹp mình bằng công việc”, “Anh phục vụ bố mẹ anh thế nào thì con cái anh sẽ đối với anh như vậy”, “Hãy học và học cái gì tốt nhất”. Từ quan điểm duy vật, mộc mạc, thô sơ về thế giới, Talét quan niệm về con người cũng thế. Ông coi con người và cả linh hồn con người cũng được sinh ra từ nguyên thể vật chất đầu tiên, là nước. Song, do ảnh hưởng của các quan niệm thần thoại và tôn giáo nguyên thủy, nên ông đã không giải thích được các hiện tượng từ tính của nam châm và do vậy, ông đã khẳng định nam châm cũng như các vật thể khác, nó cũng có linh hồn. Mặc dù vậy, “đối với Ta-lét, linh hồn đã là một cái gì đặc biệt, tách rời thể xác”. Theo ông, “linh hồn là vật chất, là nguồn gốc làm cho tất cả mọi hiện tượng tự nhiên vận động” [48, tr.7].

Mặc dù những quan niệm của Talét về giới tự nhiên, về xã hội và con người còn hết sức thô sơ, mộc mạc, nhưng đó là những quan niệm mang tính duy vật, vô thần, chứa đựng những yếu tố biện chứng ngây thơ, tự phát và ít nhiều đã góp phần tích cực vào việc chống lại thế giới quan tôn giáo và chủ nghĩa thần bí thời bấy giờ.

Anaximanđrơ (khoảng 610 - 546 trước CN) là học trò và là người phát

triển các quan niệm duy vật của Talét. Anaximanđrơ đã phát triển một cách sâu sắc hơn nguyên lý về sự thống nhất của vật chất. Nếu như yếu tố cảm tính trực tiếp chiếm ưu thế ở Talét, thì ở Anaximanđrơ, yếu tố đó đã trở nên trừu tượng hơn, đã có được tính chất chung hơn, mặc dù về thực chất, nó vẫn còn ở trình độ tính đơn nhất. Cái thể hiện ra với tư cách là khởi nguyên đầu tiên ở Anaximanđrơ không phải là nước, không khí, mà là một dạng vật chất không xác định, vô hạn nào đó, là chất thứ nhất mà từ đó, trong quá trình phát triển tiếp theo, các mặt đối lập đầu tiên được tách ra: nóng – lạnh, khô – ướt, đó là Apeyron. Theo Anaximanđrơ, Apeyron là bản nguyên của vũ trụ, là dạng vật

chất đơn nhất, vô định, vô hạn, tồn tại vĩnh viễn, bất tử và không bị triệt tiêu, luôn vận động, là khởi nguyên của chính nó, bao trùm mọi vật và chi phối mọi vật. “Apeyron” theo nghĩa Hy Lạp cổ - là không giới hạn, không hữu hạn, vô cùng, là cái đơn lẻ vô biên” [48, tr.8]. Khái niệm Apeyron khác với khởi nguyên đầu tiên của Talét ở tính chất trừu tượng hơn, ít mang tính hình ảnh hơn. Apeyron là thống nhất, nhưng các mặt đối lập nằm trong nó, tách ra từ nó và lại quay về nó, Apeyron là vô hạn và không xác định, nhưng sinh ra từ nó là các vật hữu hạn, có các thuộc tính xác định và sau đó, lại bị nó hấp thụ.

Trong lịch sử triết học, Anaximanđrơ được coi “là bậc tiền bối của Đácuyn” [16, tr.102], là người đầu tiên đưa ra dự đoán về nguồn gốc sự sống. Theo ông, sự sống bắt đầu từ biển, con người có nguồn gốc từ một loài cá, được hình thành từ quá trình tiến hóa của cá. Anaximanđrơ cho rằng, các động vật đầu tiên đã xuất hiện từ nước và có vảy bao phủ. Sau đó, một số từ chúng chuyển lên cạn, thay đổi cho phù hợp với điều kiện sống mới. Và, loài

người cũng đã xuất hiện từ một loài động vật dưới biển… Khi lý giải về

nguồn gốc của sự sống và con người, Anaximanđrơ cho rằng, sự sống bắt đầu từ chỗ giáp ranh giữa lục địa và biển. Thoạt tiên trái đất hoàn toàn ẩm ướt, rồi mặt trời hút khô trái đất đi, hơi bốc thành gió. Những gì còn sót lại biến thành biển. Dần dần biển thu hẹp lại và sau cùng, bị khô cứng hoàn toàn, sinh vật ở dưới biển chuyển lên cạn, trút bỏ lớp vảy đi trở thành động vật trên cạn. Con

người, do có thể chất yếu đuối, không có vỏ cứng bảo vệ nên sinh ra và phát

triển trong bụng một loài cá khổng lồ, đến lúc trưởng thành, cứng cáp, con người mới lên đất liền sinh sống. Phỏng đoán này tuy còn ngây thơ, chất phác – hình thức quen thuộc với thời đại đó, nhưng nó đã được đưa ra dưới dạng hoàn chỉnh, rõ ràng và với tư cách một tư tưởng đã có sự gắn kết các lĩnh vực tự nhiên khác nhau thành một chỉnh thể, góp phần chống lại quan điểm duy tâm tôn giáo về nguồn gốc loài người. Về điều này, nhà triết học Đức -

Nietzche đã nhận xét rằng Anaximanđrơ là “người đầu tiên trong số các người Hy Lạp đã táo bạo nắm lấy điểm nút của vấn đề đạo đức là vấn đề nằm sâu trong mọi vấn đề” [34, tr.74]. Chính vì thế, chỉ “bằng hai bước”, Anaximanđrơ đã vượt xa hơn Talét, vì vô hạn của Anaximanđrơ không chấp nhận một đặc tính cố định nào cả: “Thực tại đích thực – Anaximanđrơ kết luận – không thể mang những đặc tính cố định được”.

Anaximen (khoảng 588 – 525 trước CN) là học trò và là người kế tục

Anaximanđrơ tiếp tục phát triển quan niệm về khởi nguyên đầu tiên với tư cách một dạng vật chất xác định. Ông cho rằng, không khí là bản nguyên của thế giới. Mọi thứ đều sinh ra từ không khí và lại trở về với không khí. Linh hồn của con người và của Thượng đế cũng có nguồn gốc từ không khí. Không khí không có hình dạng nhất định và mờ tối. Sự tích tụ hay phân tán của không khí là nguyên nhân xuất hiện hay mất đi của sự vật. Khi bị phân chia, không khí trở thành lửa. Khi tích tụ lại không khí trở thành gió, mây, nước, đất và đá. Sự phân tán của không khí được ông gắn với sự nóng lên, còn sự tích tụ thì gắn với sự lạnh đi.

Theo Anaximen, sự xuất hiện vô số các vật thể và sự quay về khởi nguyên đầu tiên, duy nhất của chúng là quá trình cô đặc và loãng ra của không khí. Với quan niệm này, khi nói về con người, ông cho rằng: “Con người đã thở ra hơi nóng và lạnh từ miệng, nếu thở mạnh thì miệng mở to, còn nếu ngậm lại thì lạnh đi, khi mở miệng thở mạnh thì hơi thoát ra nóng hơn nhờ sự phân xẻ”. Hơi thở chính là không khí, là nguồn sống của con người. Linh hồn con người cũng được tạo ra từ không khí và rung động theo hơi thở mạnh, yếu. Từ đó, ông đi đến quan niệm “sự thở - linh hồn” là khởi đầu cá biệt của các cơ thể sống. Và, với thế giới thì không khí bao trùm toàn bộ” [48, tr.9].

Nhìn chung, các đại biểu của trường phái Milê đều là các nhà triết học duy vật. Họ là những người đầu tiên có ý định thay thế thế giới quan thần thoại bằng sự lý giải duy lý, nhân quả về các hiện tượng thuộc thế giới vật chất, trong đó có con người. Trong quan niệm của họ vật chất là cái duy nhất thể hiện dưới dạng một khởi nguyên đầu tiên, cụ thể - đây là tư tưởng chủ đạo, sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi học thuyết của trường phái Milê, mặc dù tư tưởng này được diễn đạt một cách thô sơ, chất phác. Khởi nguyên đầu tiên này đã được họ xem xét dưới dạng một chất đơn nhất với tư cách một sự vật hoàn toàn cụ thể. Vật chất được coi không phải là một cái phổ biến, mà là một cái cảm tính trực tiếp. Trong thế giới vật chất, con người là một chỉnh thể thống nhất, có nguồn gốc từ một loại vật chất cụ thể. Mặc dù, những quan điểm trên còn hết sức đơn giản, mang tính chất trực quan, cảm tính, nhưng đều mang mầm mống của một thế giới quan duy vật, làm cơ sở để phát triển chủ nghĩa duy vật sau này. Có thể nói, trường phái Milê đã thực sự khai sinh một khuynh hướng vũ trụ luận mới và từ đó, mở ra một giai đoạn mới trong quan niệm về con người của triết học Hy Lạp cổ đại.

Cùng với trường phái Milê là trường phái Pitago. Pitago (khoảng 580 – 500 trước CN) sinh trưởng trong một gia đình quý tộc tại đảo Xa-mốt, ven biển Ê-giê thuộc Địa Trung Hải. 16 tuổi ông đã nổi tiếng về trí thông minh khác thường. Ông là người uyên bác trong nhiều lĩnh vực khoa học: số học, hình học, thiên văn học, địa lý, âm nhạc, y học, triết học.

Đối lập với tư tưởng duy vật của các nhà triết học thuộc trường phái Milê, Pitago lại đưa ra một quan điểm duy tâm về bản nguyên của thế giới và nguồn gốc, bản chất của con người. Ông cho rằng, con số là khởi thủy của thế giới, là bản chất của tất cả những gì đang hiện tồn. Rằng cái gì tồn tại được đều có thể đo được và cái gì đo được, cái đó mới tồn tại. Từ con số sinh ra sự đa dạng của thế giới. Trật tự của các con số là tiền thân của trật tự xã hội, tạo

nên thứ bậc, đẳng cấp trong xã hội. Vì vậy, con người cũng là hiện thân của

các con số và cơ thể con người chỉ là nơi trú ngụ tạm thời của linh hồn. Linh

hồn là “bất tử và thường đi lang thang; thể xác chỉ là một cái gì hoàn hảo có tính chất ngẫu nhiên đối với linh hồn… Linh hồn là “một mảnh vụn của khí ete” [24, tr.664 - 665].

Là người theo khuynh hướng nhị nguyên của tôn giáo Orphée, Pitago cho rằng, “bản tính của linh hồn là một bản tính linh thiêng và bất khả tử”. Nhưng, bản tính con người mang tính nhị nguyên: một là, thể xác là một thành tố khả tử; hai là, linh hồn là thành tố bất khả tử. Trước khi nhập vào thể xác, linh hồn đã có rồi. Nhưng khi sa lầy vào tội lỗi, linh hồn phải đầu thai trong một thể xác. Đời sống trong thể xác là đời sống để thụ tội và lang thang. Do đó, linh hồn bị chôn vùi trong mồ. Khi thoát ly thể xác vào giờ chết, linh hồn bắt buộc phải đầu thai trong một thể xác khác: không khí tiềm chứa các linh hồn như thế và cũng đang chờ đợi được đầu thai lại. Chính sự bắt buộc phải đầu thai lại mãi mãi này đã đẩy linh hồn qua rất nhiều cuộc biến thái lớn lao. Như thế, linh hồn phải trải qua một chuỗi cuộc sống khá dài mỗi khi luân hồi. Trong mỗi kiếp sống, linh hồn bị chi phối bởi những hành động của mình ở kiếp trước: những gì nó đã làm cho người khác ở kiếp trước thì nó đều phải trả ở kiếp sau. Đó là một định mệnh, là nghiệp chướng. Tuy nhiên, định mệnh này không phải có kỳ hạn: một khi linh hồn vươn lên tới trình độ hiểu biết được định luật chi phối vũ trụ, tức là khi nó sống trong sự công chính và thánh thiện, linh hồn sẽ được giải thoát. Đời sống đạo đức thiết yếu là liều thuốc thanh tẩy, nhờ đó linh hồn mới thoát ly được những ràng buộc của thể xác. Số mệnh của linh hồn là phải thoát ly “vòng luân hồi” để hoàn toàn hưởng thụ được hạnh phúc trường cửu - phần thưởng dành riêng cho bản tính thiêng của nó. Nhưng muốn am tường bản tính linh thiêng của linh hồn và sức

mạnh cuả nó, người ta không phải nhìn nó như nó thể hiện trong mỗi sự vật hay cá nhân riêng rẽ, mà còn vươn tới linh hồn của cả vũ trụ [Xem: 34].

Cuộc sống của con người trần thế, trong đó có khoái cảm của con người, cái đẹp và cái lợi ích - đó là sự thỏa mãn. Những người cai trị xã hội phải đạt được sự khoái cảm cuộc sống nói trên. Nhưng, trật tự trần gian phải tuân theo trật tự trên trời, trật tự của thần thánh. Mọi người trong xã hội phải tuân theo một trật tự nhất định bởi “không có gì ghê ghớm hơn bằng sự vô chính phủ, vì về mặt tự nhiên, con người không thể tốt hơn nếu không có ai chỉ huy”. Với quan điểm này Pitago đã đề cao quyền lực tối cao của thần thánh, khuyên con người phải tìm sự hưởng lạc ở nơi nào đó bên ngoài do các thần thánh mang lại, bởi thần thánh là công minh nhất. Sau thần thánh là các nhà hoạt động chính trị, xã hội, rồi đến bố mẹ. Người lớn tuổi có trách nhiệm tuyên truyền, dạy dỗ theo một đạo luật nhất định trước uy linh của thánh thần. Như vậy, suy đến cùng, theo Pitago, con người phải tuân theo uy linh của thần thánh tối cao.

Với quan niệm duy tâm khách quan của mình, Pitago đã cho rằng, khởi nguyên của thế giới, của con người là những con số, con số định ra tính đa dạng của tồn tại, thiết lập nên “trật tự” vũ trụ và “trật tự” xã hội. Với quan niệm này, ông đã gắn cho các con số một sức mạnh thần bí, và coi tôn giáo là cái có ảnh hưởng không nhỏ, làm trở ngại cho sự phát triển tư tưởng tiến bộ xã hội lúc bấy giờ.

Cùng tồn tại và phát triển với trường phái Pitago là trường phái Êlê mà người sáng lập ra là Xênôphan. Xênôphan (khoảng 565 – 473 trước CN) sinh ra tại thành phố Côlôphôn. Ông đã đến và sống ở nhiều thành phố của Hy Lạp. Ông là một thi sỹ kiêm nhà triết học, là người theo quan điểm vô thần. Ông có tác phẩm thơ dài “Bị đuổi đến Êlê – Italia”. Về triết học, ông có “Bàn về tự nhiên”. Đây là tác phẩm quan trọng nhất của ông về triết học, song tiếc

rằng hiện nay chỉ còn giữ lại được khoảng 20 đoạn trong tổng số 40 đoạn trích dẫn được lưu lại.

Theo Xênôphan, đất là sự khởi đầu, là thân thể, là chân đế của thế giới,

con người sinh ra từ đất và khi chết lại trở về với đất. Linh hồn được cấu tạo

từ đất và nước. Thần thánh là biểu tượng của con người, vì thần thánh cũng như người, có quần áo, có lời nói và thân thế, có thói hư tật xấu như người. “Con người hữu tử tin rằng các thánh được tạo ra, cho nên họ có quần áo,

Một phần của tài liệu Vấn đề con người trong triết học Hy Lạp cổ đại (Trang 40 - 61)