Chức năng đánh giá

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ ngôn ngữ học Quán ngữ tình thái tiếng việt (Trang 53 - 60)

Chương 2: ĐẶC ĐIỂM CỦA QUÁN NGỮ TÌNH

2.2.2.1. Chức năng đánh giá

Khi xem xét ngữ nghĩa chức năng của đánh giá, Volf đã đưa đánh giá vào phạm trù tình thái. Tác giả đã nhận xét: “Có thể xem đánh giá như là một trong những dạng của tính tình thái, tức là cái được đặt

chồng lên thêm cho một nội dung mô tả có trong sự thể hiện bằng ngôn ngữ” [12, tr.11]. Vốn là một trong những hoạt động gắn liền với nhận thức của con người, đánh giá chính là nêu ý kiến nhận xét, thường là chủ quan, của người nói về sự việc được nêu trong câu. Do đó, nội dung đánh giá ít nhiều hàm chứa cả thái độ của người đánh giá như hài lòng, không hài lòng, thán phục hoặc chê bai, vui mừng hoặc tức giận; đánh giá về lượng, mức độ, hay đánh giá về tính hợp lí, hợp lẽ của điều được nói tới trong câu… Thực tế có nhiều cách đánh giá và ý nghĩa đánh giá được thể hiện trong ngôn ngữ dưới nhiều hình thức. Dưới đây chỉ là một số cách đánh giá thường gặp trong đó có sự tham gia của các QNTT:

* Đánh giá về lượng, mức độ

Bất quá P là cũng, cũng chỉ P là cùng, cùng lắm thì (là) P, quá lắm là P, P biết mấy, P biết bao, P là mấy, P là bao, có mỗi P, ít nhất (là) P, P là đằng khác …

Ví dụ: (46) - Theo anh mấy ngày nữa thì mẹ về ?

- Bất quá hai ngày nữa là cùng.

(47) - Lên đường chậm vài giờ thì đã sao. Rồi lên phân trần cùng đồng chí trạm trưởng, may ra thì đồng chí ấy thông cảm, không thì đành nghe chửi. Quá lắm cũng đưa ra khiển trách.

(Núi đồi và thảo nguyên/tr.84).

 Biểu thị sự phỏng đoán, đánh giá của chủ ngôn rằng sự việc, số lượng nêu ở P là ở mức cùng cực, khả năng xấu nhất có thể xảy ra.

Ví dụ: (48) - Con bò có con năm trăm là mắc lắm. Thường ba, bốn trăm là cùng.

(49) - Số tiền phải nộp phạt chỉ chênh có vài nghìn đến mươi nghìn là cùng.

 QNTT “P là cùng” thường dùng trong khẩu ngữ, có vị trí cố định ở cuối câu. Trong hai trường hợp trên, ta thấy đứng trước “là cùng” là một số từ, một danh ngữ có số từ làm trung tâm. Khi đó, QNTT này biểu thị sự khẳng định của người nói rằng con số được nói đến là ở mức cao nhất mà P đạt tới, không thể vượt hơn.

(50) Ít ra nó cũng phải có vài lời xin lỗi.

(Từ điển tiếng Việt/463) (51) Anh đề nghị nếu binh trạm không bổ sung thú y về thì anh em trong tổ nên cử người đi học lấy dăm bảy tháng. Ít ra cũng còn biết cách xem bệnh và bốc thuốc cho voi.

(Tuyển tập truyện ngắn I/260)

 QNTT “ít ra” biểu thị ý khẳng định của người nói rằng P là khả năng ở mức độ tối thiểu cần đạt đến, có như thế mới hợp lí.

* Đánh giá về tính hiện thực/ phi hiện thực của sự việc

đáng lẽ, lẽ ra, lẽ nào, chẳng lẽ, đúng lí ra, công bằng mà nói, ai lại P, ai đời P, đúng ra, P mới phải, đằng thằng ra, thì P, nỡ lòng nào,..

Ví dụ: (52) Đáng lẽ tôi cũng đi rồi. Nhưng cậu lái xe bỗng nổi cơn sốt rét. Tôi phải để cậu ấy nghỉ ngơi. (Tuyển tập truyện ngắn II/508)

(53) Tôi yêu cô ấy. Đáng lẽ tôi phải gặp cô ấy từ rất lâu;

như thế mới hợp lý.

(Bi kịch nhỏ/105) (54) Trăng sáng đầy vườn hoa, cô ấy đáng lẽ phải ở bên chú và thưởng thức khung cảnh ấy. Nhưng không.

(Tuyển tập truyện ngắn I / tr.76).

 QNTT “đáng lẽ” theo đúng lẽ thường thì đã P nhưng vì một lý do nào đó, điều xảy ra trong thực tế lại trái ngược P.

* Đánh giá về tính tất yếu/ phi tất yếu của điều được nói tới trong câu

ắt hẳn, chắc hẳn, chắc chắn, dĩ nhiên là, cố nhiên là, tất nhiên là,

đương nhiên là, có lẽ,…

Ví dụ: (55) - Đầu tháng sáu Tây, tôi nghỉ thật. Anh sẽ được thêm số tiền ấy của tôi mà trả tiền nhà với tiêu pha. Ăn thì bởi có một mình, cố

nhiên là bà Hà không thể nhận rồi.

(Tuyển tập Nam Cao, tr.300)

 QNTT cố nhiên là biểu thị ý khẳng định dứt khoát của người nói đối với tính tất yếu của điều được nói đến ở mệnh đề.

(56) Trở lại chỉ huy sở của đoàn, tôi cắm đầu viết lại câu chuyện này. Tất nhiên là các nhân vật trong chuyện tôi thay tên. Cả những gì thuộc về tính chất sự việc tôi cũng bớt đi cho đỡ rườm rà.

(Kiếp người, tr.251) (57) Kỳ thi năm ấy, Dân bỏ thi môn của tôi. Như thế, đương nhiên

tôi phải cho Dân điểm không.

(Tuyển tập truyện ngắn, tr.430)

 đương nhiên biểu thị sự khẳng định, thừa nhận của người nói rằng điều được nói đến tất yếu như vậy không thể khác được.

(58)Sao em không học Sư phạm? Có lẽ nghề này nghèo túng phải không em?

(Văn nghệ quân đội 8/96, tr.42)

có lẽ biểu thị ý phỏng đoán khẳng định một cách dè dặt của người nói đối với tính chân thực của điều được nói đến. Như vậy QNTT này được dùng trong trường hợp diễn tả điều không tất yếu sẽ xảy ra.

* Đánh giá về khả năng/ phi khả năng của điều được nhắc đến

nghe đồn, nghe nói, thấy bảo, trông như, dáng như, thoáng như, dường như, chưa biết chừng, có khi, không chừng,…

Ví dụ: (59) Cô dè dặt: - Nghe nói anh sắp lấy vợ.

(Tuyển tập truyện ngắn, tr.152) (60) Thấy bảo người đàn bà này uống rượu nhiều.

(Tuyển tập truyện ngắn, tr.8) (61) Anh ta dáng chừng sốt ruột, hết đứng lại ngồi.

(Từ điển tiếng Việt, tr.233) (62) Đám đàn bà tức tối khi thấy bác đi qua. Làm sao nó lại đẹp thế, lại trắng trơn đến thế? Dễ chừng nó chưa bao giờ bị đỉa bám vào chân?

 Người nói không cam kết hay bảo đảm tính chân thực của điều được nói ra. Nghĩa là trên thực tế sự việc có thể như thế này mà cũng có thể không. Bản thân các QNTT thấy bảo, dáng chừng, dễ chừng cho chúng ta biết nội dung thông tin mệnh đề đi kèm có thể có khả năng xảy ra hoặc không có khả năng xảy ra.

(63) Có khi mình hẹn lần vì bất đắc dĩ mà người ta lầm mình là hạng người cẩn thận, kín đáo, chắc chắn cũng không biết chừng.

(Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, tr.85) (64) Tôi về chuyến này đem những ngót năm trăm bạc mà để kẻ cắp biết thì có khi cũng không về được tới nhà.

(Tuyển tập truyện ngắn I/501)

 Theo đánh giá của người nói vào thời điểm phát ngôn thì cả hai khả năng này đều có thể xảy ra. Tuy nhiên, đựa trên những căn cứ, cơ sở suy luận nhất định người nói thiên về phía khả năng P hoặc coi P là khả năng đáng quan tâm, chú ý.

* Đánh giá về tính tích cực/ tiêu cực của điều được nói tới trong câu

ngộ nhỡ P, được cái P, chỉ (phải) mỗi tội P, hiềm một nỗi P, (nói) của đáng tội, may sao, suýt nữa,…

Ví dụ:

(65) Được cái cậu ta không cờ bạc, rượu chè gì.

(66) Chỉ phải mỗi tội sức vóc nó nhỏ yếu, khó mà kham nổi công việc nặng nhọc.

(67) Ngộ nhỡ ông ấy biết thì chết.

(68) Việc nghiêm trọng nhất mà ông không ngờ tới là hai con ruột của ông, qua mọi thăng trầm của cuộc sống, gặp nhau và yêu nhau, suýt nữa thành vợ chồng chính thức.

(Bi kịch nhỏ/48)

 “Suýt nữa” biểu thị P là sự tình không có thật, mặc dù khả năng trở thành hiện thực đã rất gần. Tuỳ vào nội dung mà P diễn đạt cũng như tuỳ vào tình huống giao tiếp cụ thể mà QNTT này thể hiện những sắc thái đánh giá (tích cực hoặc tiêu cực) khác nhau của người nói đối với P.

 QNTT “được cái” theo cách nhìn nhận đánh giá chủ quan của người nói thì P là điều tốt, có tính tích cực, bù lại cho những cái xấu, có tính tiêu cực đã được nói đến ở trước.

 “Chỉ mỗi tội” thể hiện sự đánh giá của người nói về cái điều P đáng tiếc, hạn chế bên cạnh những cái hay, điều tốt mà đối tượng được nêu có.

Dễ nhận thấy là kiểu phát ngôn có chứa QNTT thuộc nhóm này luôn tiền giả định sự tồn tại của một hoặc một chuỗi phát ngôn Q đứng trước.

Mặc dù trên hình thức là đánh giá nhưng chúng xuất hiện vào những phát ngôn với vai trò như một phương tiện để đền bù vào những chỗ mà người nói sợ rằng sẽ xảy ra vi phạm các phương châm hội thoại (nhất là phương châm lịch sự). Khi không tuân thủ được cái lịch sự thường tình trong giao tiếp, từ trong tiềm thức, họ tự thấy mình cần phải có sự che chắn, rào đón để có thể giữ được xã giao trong tình trạng bình

thường. Và một khi không thể tránh né cái dở, bồi đắp cái hay được nữa thì họ có những cách nói lòng vòng hoặc che chắn bằng những cách khen rồi dùng những QNTT có lập luận nghịch như:

Ví dụ: (69) Anh chàng có bề ngoài khá bắt mắt chỉ mỗi tội nói chuyện chán thật.

Những QNTT ra đời, tồn tại và “được sử dụng lâu dần thành quen” chính vì chúng phù hợp với lối nói năng ưa tế nhị, ý tứ, trọng tình, trọng các mối quan hệ, sợ mất lòng, sợ phải phê bình người khác một cách quá thẳng thắn. Vì vậy, tuy đã chắc rồi, nhưng sợ mất lòng nên người nói cứ rào đón hoặc dành phần thất lợi về mình, kiểu như: Tôi đoảng quá, nói của đáng tội, nói bỏ lỗi, nói khí vô phép, khốn nỗi, … Và thường có khuynh hướng là những QNTT trang trọng có khả năng ngày một mất dần.

Ví dụ:(70) Con tưởng cô ấy lấy được ai giỏi giang hơn con chứ cũng lấy thằng xe thằng bếp mà lại phải lấy làm hai. Lấy con làm một mà cô ấy không thèm lấy.

Ông Học ngắt lời anh:

- Không lấy thì thôi, thiếu gì con gái mà anh còn phải tiếc. Tôi ấy à ! Nói khí vô phép chứ vợ tôi mà thế thì mấy tôi cũng không lấy nữa.

(Truyện ngắn Nam Cao / tr.278) (71) - Nhưng khốn nỗi xưa nay không ai chết lần thứ hai để được bài học kinh nghiệm về cái chết. Vì vậy có nhiều người chết một cách ngờ nghệch.

(Nguyễn Công Hoan – Truyện ngắn tuyển chọn)

 QNTT “khốn nỗi” biểu lộ thái độ đánh giá của người nói, cho rằng đó là điều bất lợi.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ ngôn ngữ học Quán ngữ tình thái tiếng việt (Trang 53 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)