Chương 2: ĐẶC ĐIỂM CỦA QUÁN NGỮ TÌNH
2.1. Đặc điểm hình thức của QNTT tiếng Việt
Gần đây, một số nhà Việt ngữ học đã thấy được tầm quan trọng của QNTT trong việc tạo nghĩa tình thái hay kiến tạo phát ngôn. Thế nhưng, việc nghiên cứu về QN tình thái cho đến nay có thể nói là còn khá mỏng và rời rạc. Các thông tin về ngữ pháp mà chúng hàm chứa dường như quá ít ỏi và khó khái quát thành đặc điểm chung. Rõ ràng do không có tiêu chí minh bạch, cụ thể về hình thức cũng như nội dung nên nhìn chung các thủ pháp phân tích kiểu cấu trúc luận đối với lớp từ này còn gặp phải nhiều khó khăn. Dù vậy, chúng tôi cũng mong muốn khái quát được một số đặc điểm hình thức cấu tạo của QNTT.
Xét từ góc độ hình thức cấu tạo nội tại của bản thân các QNTT, có thể thấy chúng là những tổ hợp có độ dài ngắn khác nhau. Căn cứ vào số lượng thành tố tham gia cấu thành tổ hợp, một cách chung nhất có thể phân chúng thành hai nhóm:
- Nhóm 1: các QNTT có cấu tạo gồm hai thành tố, như: ắt hẳn, biết
đâu, chả trách, có lẽ, hóa ra, lại còn, nghe chừng, quả tình, phải chi, giá mà, thảo nào, thế ra,… Đây là những tổ hợp mà trước nay quan niệm truyền thống nhìn từ góc độ cấu trúc của câu vẫn gọi là thành phần phụ
của câu.
- Nhóm 2: các QNTT có cấu tạo từ ba thành tố trở lên. Ví dụ: ấy thế
mà, của đáng tội, cực chẳng đã, chưa biết chừng, đến mùa quýt, chẳng
đâu vào đâu, bất quá là cùng, làm cho ra vẻ,…
Căn cứ vào khả năng phân bố vị trí của các QNTT trong câu / phát ngôn, chúng ta có thể phân thành:
- Các QNTT ở vị trí cuối câu/ phát ngôn: P cũng nên, P có khác, P không chừng, P là cái chắc, P là cùng, P quá đi chớ, P thì có,…
- Các QNTT ở vị trí đầu câu/ phát ngôn, cho phép dự báo thông tin phát ngôn. Đây hầu như là hình thức khá phổ biến của QN tiếng Việt và cũng là lí do chủ yếu chúng được xếp vào hệ thống ngữ cố định. Theo đó là các QN: theo tôi thì, có ngờ đâu là, rõ ràng là, nghe đâu, thấy bảo, hơi sức đâu mà, may mắn thay, thật tình mà nói, thảo nào,…
- Các QNTT ở vị trí linh hoạt:
+Đầu hoặc cuối câu/ phát ngôn: thôi nào, không biết, …
+Đầu hoặc giữa câu/ phát ngôn: chắc là, hình như, quả thật, chẳng lẽ,..
Dễ dàng nhận thấy cấu trúc của QNTT là một vấn đề cần bàn đến để giúp phân biệt chúng với các cấu trúc của các loại đơn vị khác trong ngữ cố định. Theo chúng tôi QN khá đa dạng về cấu trúc cú pháp. Một số
QNTT khi được sử dụng vẫn có thể thêm vào hoặc cắt đi một, hai thành tố một cách rất linh hoạt. QNTT khá gần gũi với cụm từ tự do. Có nghĩa là có rất nhiều QNTT có cấu trúc chưa hoàn toàn ổn định như các đơn vị cụm từ cố định khác. Vì thế những trường hợp này rất khó khái quát đặc điểm về cấu trúc cú pháp của QNTT. Tuy nhiên, qua khảo sát của chúng tôi, nếu căn cứ vào đặc điểm cấu tạo, có thể tạm thời xếp một số QNTT vào những cấu trúc cơ bản sau: